VNQĐ giới thiệu: Ngọn lửa và tiếng chuông*
Sau những tập thơ Màu cát, Chiếc lá mùa xưa, giờ đây Phương Hà cho ra mắt bạn đọc tập thơ Ngọn lửa và tiếng chuông. Ở tập thơ này có thể nói Phương Hà đã có những bước chuyển biến đi đáng ghi nhận.
(*Tập thơ của Phương Hà - Nxb Hội nhà văn 2011)
Sau những tập thơ Màu cát, Chiếc lá mùa xưa, giờ đây Phương Hà cho ra mắt bạn đọc tập thơ Ngọn lửa và tiếng chuông. Ở tập thơ này có thể nói Phương Hà đã có những bước chuyển biến đi đáng ghi nhận.
Tóc dài trả gió về tôi/ Em đi qua một chiều vời vợi xa/ Bần thần lắp bắp xuýt xoa/ Giá như đừng gặp mùa hoa thuở nào (Không đề). Giữa đất trời Hà Nội những gió cùng hoa, phút thăng hoa chợt đến, âu là cái nghiệp của người làm thơ. Bài thơ gợi cảm hứng mạnh cho cả tập thơ. Nhưng cũng liền ngay đấy là một Phương Hà với giọng thơ mộc mạc, trầm nén khắc họa hình tượng người chị ruột ít học, đầy số phận song rất ấn tượng: Tuy là người ít học/ Chị tôi vẫn trối lời/ Các em đều có chữ/ Sống sao cho nên người (Chị tôi).
Phương Hà viết về những người thân thường bắt nguồn từ những kỷ niệm man mác buồn nhưng đẹp: Đêm ta gặp lần đầu mùa mưa sũng ướt/ Không có mặt vầng trăng trong lời ước/ Thành phố hồi hộp cuộc mưu sinh/ Anh bên em không ai hẹn cuộc tình (Lời thì thầm với trăng). Đến: Tự sự Valentineday - tặng Em. Em có thể là người bạn đời. Em cũng có thể một tình yêu ước lệ nào đó.
Nhưng ở đây tình yêu được gắn với một hiện thực thăng trầm, sóng gió: Valentineday/ day dứt mãi trong lòng/ Em đã cùng anh qua mấy mùa giông gió/ Vọng phu đổ bóng đường đời. Giọng thơ day dứt nhưng dần trở nên hài hòa, nhẹ nhõm, lắng đọng vì chất men của tình yêu đã khiến cuộc đời trở nên bền chặt: Em nửa bóng nửa hình già trước tuổi/ Mà thời gian chẳng hỏi đã vì ai.
Trong Ngọn lửa và tiếng chuông, bên cạnh những bài thành công về quê hương, người thân, ta còn gặp một giọng thơ tếu táo, trào lộng, tinh tế bởi tính biểu cảm.
Bài thơ tỏ sự “cảm thông” với người bạn cùng quê xứ Nghệ nhưng lại nói “sõi” tiếng địa phương nơi anh công tác:Uống bao nhiêu rượu sông Tiền/ Mà giờ tiếng nói mềm mềm giọng Nam... và: May nhờ cái giọng đổi thay/ Mà cầm một chút trên tay phẩm hàm (Đổi giọng). Câu thơ như một nốt nhạc vui, một sự đảo phách trong thanh nhạc khiến bài thơ trở nên dân giã, ý thơ dễ đồng cảm.
Viết về nhân tình, thế sự Phương Hà có ý thử mình trong: Nỗi oan nàng Mỵ Châu; Lời minh oan cho Thánh Gióng. Những bài này, sự thành công là bài học về tinh thần cảnh giác trước họa xâm lăng và sự coi nhẹ công danh của những người vì dân giúp nước: Giặc tan Gióng vút lên trời/ Bao nhiêu ơn nghĩa trên đời Gióng quên (Lời minh oan cho Thánh Gióng).
Ngọn lửa và tiếng chuông là sự kết hợp cách nói giữa hiện thực với thăng hoa. Giọng thơ có khi không cầu kỳ chải chuốt nhưng giàu suy tư trăn trở: Bao nhiêu là sự thật/ Trong từng chữ từng câu/ Bao nhiêu điều dối trá/ Lương tâm ta ở đâu (Gửi đồng nghiệp). Nhưng bỗng giọng thơ lâng lâng thư thái: Ta qua Thanh Hóa gặp mưa/ Đông còn lưu luyến xuân chưa kịp về... và: Đồng làng cót két che đưa/ Mật mùa ai nấu khói vừa tỏa thơm.
Đa dạng về đề tài và giọng điệu, giàu suy tư trăn trở trước hiện thực cuộc sống là những nét nổi bật trong Ngọn lửa và tiếng chuông. Tập thơ gấp lại, nhưng một cảm giác nhẹ nhàng lưu luyến không dứt. Ta hình dung tác giả vẫn một mình đi trên cánh đồng đời. Phút thăng hoa nghệ thuật như mùi Mật khiến anh say sưa đi tiếp trong sự nghiệp thơ của mình.
Chị tôi
Tặng hương hồn chị gái
Ngàn đóa hoa tím dại
Phủ kín mồ chị tôi
Người đàn bà phận hẩm
Đã qua một kiếp người
Học ba năm vỡ lòng
Không lên được lớp một
Vào công nhân lâm nghiệp
Cuốc đồi trọc trồng Thông
Chị tôi không có chồng
Sinh một cháu gái nhỏ
Cha cháu tên không rõ
Chị mang theo xuống mồ
Nhà có năm người em
Chị thương yêu tôi nhất
Tuy khác mẹ cùng cha
Tôi kính thương chị thật
Mẹ chị đi vào Nam
Từ ngày tiền khởi nghĩa
Ba mươi năm có lẻ
Mẹ con mới gặp nhau
Mẹ nương nhờ cửa Phật
Chi còm cõi lương hưu
Ngày chị rời trần thế
Hay bàn tay trắng phau
Tuy là người ít học
Chị tôi vẫn trối lời
Các em đều có chữ
Sống sao cho nên người
Nghìn đóa hoa tím dại
Phủ kín mồ chị tôi
Cả hoàng hôn tím dại
Phủ kín hồn em rồi

Hoài cảm Cao Bằng
Tặng SAO
Ba mươi năm có lẻ
Khắc khoải niềm thương non nước Cao Bằng
Không đến được khiến lòng day dứt
Gặp nhau rồi cay đắng trào dâng
Con đường nhỏ ngoằn ngoèo sợi chỉ
Em thêu gối tặng anh ngày ấy vẫn đương còn
Em như tiếng mõ trâu
Lạc rừng chiều biên ải
Giữa hai bờ núi dựng
u..u…
Câu then chen nhịp đàn tính áo chàm
Xa quay nước đổ đầy đêm trăng sáng
Nơi em hẹn sông Bằng mùa nước xuống
Da trần ta tắm mát lòng nhau
Để bây giờ
Ba mươi năm có lẻ
Khắc khoải niềm thương
Non nước Cao Bằng
Không đến được thì lòng lửa cháy
Gặp nhau rồi cay đăng lệ nhòa mi
Trở lại mùa thu
Hanh hanh nắng và hong hong gió
Đó là thu đã đến với quê mình
Tre vít ngọn uốn mình chải tóc
Mặt ao làng em soi bóng ngày xưa
Chuồn chuồn cơm chắp nối sợi nắng chiều
Trâu đủng đỉnh khói lam mái rạ
Lũ trẻ con bây giờ lạ quá
Quên cả thu sang quên cả lũ chuồn chuồn
Ta trở về trong kỷ niệm xa xanh
Tìm lại vết chân son em bỏ quên trên cát
Mái đình cong thấp thoáng người kiếp trước
Vuốt tóc mình thu đã nhuốm mờ sương
Lê Đăng Kháng giới thiệu và chọn