VNQĐ giới thiệu: Tập thơ Gió về ngày cũ
Với Kiều Công Luận, thơ không phải cái chốn để vẽ trăng họa mây, vẽ mơ họa mộng, mà thơ là con đường đi của lòng người, trung thực với từng chén rượu kiểu mấy tràn của đời phàm, lúc say nghiêng, lúc say thẳng, lúc thăng lúc giáng, lúc lạc quan, có cả lúc bi quan đến bất cần...
Gió về ngày cũ - Tập thơ của Kiều Công Luận - Nxb Hội Nhà văn - 2011
Đọc thơ Kiều Công Luận, cảm nhận đầu tiên là một tấm lòng thường dân xịn, không cầu kỳ, không lấp liếm, mà bày ra sự mộc mạc chân chất đến mức trong veo. Với Kiều Công Luận, thơ không phải cái chốn để vẽ trăng họa mây, vẽ mơ họa mộng, mà thơ là con đường đi của lòng người, trung thực với từng chén rượu kiểu mấy tràn của đời phàm, lúc say nghiêng, lúc say thẳng, lúc thăng lúc giáng, lúc lạc quan, có cả lúc bi quan đến bất cần. Hình như ích lợi của thơ nằm ở đấy, ở cái chỗ nó hóa giải cho con người ta toàn bộ những cảm xúc mà cuộc đời va đập vào họ và để đến lúc nào đấy con người có cơ hội ngân lên nhẹ nhõm.
Nửa đời ly hương, quay trở lại thăm quê, Kiều Công Luận làm cho ta nao lòng khi viết:
- Bới tìm gốc rạ dưới chân
Giọt mồ hôi mẹ mấy lần trổ hoa
Trong tình yêu, Kiều Công Luận luôn như thủa mới yêu, tinh tế đến mức thấy được phập phồng khuy áo nhỏ xinh, nhưng về đại thể thì lại khạo khờ theo kiểu:
- Một lần thấy khói
suốt đời vơ rơm!
Nhờ có tình yêu mà cái con người từng qua những sướt sát, những thăng trầm của đời sống lam lũ luôn phải vật lộn với bon chen, toan tính lại có những lúc đột nhiên mơn mởn đến không ngờ:
- Dìu em rẽ qua lối cỏ
Dung dăng bên bến dại khờ
Hình ảnh hồn nhiên này tiên báo cho sự ngộ của Kiều Công Luận về sau, khi ông nghe được những âm thanh gần với bản chất của nó, đó là chuông thiền. Trong một góc nhìn thẳng và trân trọng hòa mình cùng những người bạn lính, Kiều Công Luận làm ta đắng lòng khi miêu tả những cựu binh trở về thời bình và buộc phải bước vào chiến trường khác, chiến trường của cuộc mưu sinh thường nhật:
- …Bộ quần áo xanh cũ sờn che nhiều vết sẹo
Học làm ruộng, học đi buôn
Cuộc chiến này vắng tiếng đạn bom
Một Kiều Công Luận trầm tư, ngẫm ngợi, hơi chút hoang mang, đứng giữa đời của chính mình:
- Đời lăn long lóc, rừng rậm suối sâu
Mái tóc hoa lau đau mùa tuổi tác
Cho ta sáng mắt chuông thiền ngân nga
Tuổi thơ dạy ta đâu là tử tế
Quả là không dễ đi học làm người
Người lăn lóc rừng rậm suối sâu, người qua tóc hoa lau đau mùa tuổi tác, người yêu tới mức dung dăng trên bến dại khờ thì mới nghe thấy tiếng chuông thiền ngân nga. Và cái tiếng chuông thiền ấy một lần nữa được nhấn lại:
- Nghêu ngao
cười gượng cũng cười
Níu diều thấp xuống mà chơi với nghèo
Chuông thiền văng vẳng tầng cao
Cái nghèo ở đây không chỉ bó gọn trong vật chất, nó biểu hiện cho sự thanh bạch và chỉ có chữ đó, với nghĩa đó, mới khiến cho ta nghe thấy được tiếng chuông thiền văng vẳng tầng cao kia. Để chấp nhận cái nghèo này, phải có lúc nghèo thật, trắng tay thật, và phải có lúc giàu có ứ lên, muốn vỡ tung ra, về mặt cảm xúc. Đấy chính là lúc con người ngộ được điều gì đó sau khi đã qua cả chặng đường đời dằng dặc. Kiều Công Luận dành cho riêng mình một câu hỏi mà không phải ai cũng đủ can đảm để hỏi, với chính mình:
- Một lần cúi hỏi bàn chân:
Đường đời liệu biết đã gần hay xa?
Hỏi như vậy, tức là người hỏi tự biết được rằng đã gần hay xa và biết cũng chỉ để biết thế thôi, chẳng bợn lòng. Khi đã nghe được chuông thiền thì xa hay gần nào còn quan trọng gì.
Vượt qua bao gian truân, bao sầu thảm, vượt qua cả bao tâm trạng yêu ghét trong một đời người, để thảnh thơi làm gió về ngày cũ, có nghĩa rằng đã là một phần của cái tiếng chuông thiền ấy rồi.
Nguyễn Bình Phương giới thiệu và chọn
 |
Ảnh: Nguyen Thanh |
Uống với thường dân
Gặp nhau chưa uống đã say
Rót thêm tràn chén cho đầy nghĩa xưa.
Người quê vẫn bụi vẫn bờ
Vui lăn lóc cỏ
say ngơ ngác chiều.
Dại khờ như thuở mới yêu
Chiều rơi
thả giọt
liêu xiêu… vỡ oà!
Đã cùng trổ nụ đơm hoa
Đã tung hương sắc
Đã hoà nghĩa nhân
Đã từng nhuộm nắng cho xuân
Thả xanh cho gió
chút phần máu xương!
Khập khềnh nạng gỗ ven đường
Mắt cay
gió bụi thị trường tạt qua.
Đường đời ngã bảy ngã ba
Lối tu tâm
để mãi là thường dân…
Mình ơi… Ta mãi mùa xuân
Thường dân
cụng với thường dân… mấy tràn!
 |
Ảnh: Quoc Khanh |
Bát cơm dâng mẹ
Mộ mẹ nằm khiêm tốn góc đồi hoang
Trời trở gió chiều nay tê buốt quá
Mưa lâm thâm giọt rơi từ mắt lá
Mắt con nhòe khói mỏng nén tâm nhang!
Mảnh đất này mẹ bán sức khai hoang
Lưng gập còng thêm nhặt từng cọng cỏ
Lúa con gái chưa đến ngày vào vụ
Mẹ ra đi vẫn dặn: cố vun trồng…
Bát cơm cúng chiều nay không độn ngô
Con biết mẹ trọn đời thèm cơm trắng
Sắp mâm cúng mà con trào nước mắt
Vì chúng con đời mẹ chỉ sắn khoai!
Mấy mươi năm con lăn lộn trường đời
Bóng mẹ vẫn chập chờn đâu đó
Mâm cúng nay không mã vàng tiền xanh tiền đỏ
Chắc mẹ vui lòng – con dâng một bát cơm!
 |
Ảnh: yume |
Em khấn thầm
Về thôi anh nhé - về thôi
Bờ Hương Giang cỏ xanh rồi mà anh
Phần ba thế kỷ yên bình
Chuông Linh Mụ khỏa sắp lành vết thương
Ba lô thấm máu chiến trường
Bạn anh năm ấy vượt đường… trao em
Bao năm đóng cửa cài then
Nay ba lô cũ gói nguyên nghĩa tình
Sống hiền lành - thác hiển linh
Đồng đội anh - xóm quê mình… gọi anh
Gói về nắm đất rừng xanh
Đen màu hài cốt… vá lành chữ Tâm!
Nhập vào đi - em khấn thầm
Lưng em vẫn ấm như lần tiễn đưa
Tàu về Hà Nội đêm mưa
Lổ loang tấm ảnh thuở xưa… nhập nhòa!
Nhập vào… em cõng anh ra…
Đất quê đơm đỏ miền hoa đợi người!