Đọc Trăng và thơ đọc chậm sẽ thấy Nguyễn Việt Chiến không phải là tạng người “trăm năm buồn mơ mộng để mà vui” dẫu ở đấy nỗi buồn cùng những mơ mộng như thấm vào từng con chữ và lan tỏa đến cả hơi thở độc giả. Thơ anh có sự ào ạt, bứt thoát theo kiểu “Phất lên đầu sóng dữ một bài ca” của người dám đương đầu với khó khăn, hoạn nạn rồi vượt lên hoàn cảnh đó bằng tinh thần đầy kiêu hãnh: Khi số phận chọn ta làm ngọn bút/ Phất lên đầu sóng dữ một bài ca/ Ai biết được ta sẽ chìm tận đáy/ Rồi vượt lên bao bất hạnh, trầm kha.
Trong Trăng và thơ đọc chậm dù viết về quá khứ hay luận bàn về cái đang tồn tại thì thơ Nguyễn Việt Chiến bao giờ cũng được bóc tách từ chất liệu hiện thực. Hiện thực ấy có thể là “một ngọn nến mong manh” cháy trong đêm lạnh mà gợi cho ta những nỗi niềm sâu ẩn của một cõi tâm linh nào đấy: Suốt đêm gió lạnh về/ những pho tượng trầm ngâm trên bệ đá/ các ông có thể bị cảm lạnh/ vì dưới mái đêm này/ chỉ còn duy nhất một ngọn nến mong manh/ các ông suy ngẫm gì/ khiến bóng đêm mất ngủ/ các ông dằn vặt gì/ làm bóng đêm đăm chiêu.
Có khi hiện thực nằm trong bóng dáng của một kẻ cô đơn lạc đường đã được cứu rỗi bởi thi ca và cái đẹp.
Ta đã chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn
không ai đến được với ta
nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia
ta vẫn nhận thấy hơi ấm của em
vị mằn mặn của ánh trăng
thứ ánh sáng không bị huỷ hoại
bởi bùn tối của những đáy sâu
và có lẽ ta đã được cứu thoát bởi chất muối ấy
Thơ Nguyễn Việt Chiến ở tập này đa phần là mảng thế sự nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi trường quá khứ hiện lên trong nhiều bài thơ. Dường như quá khứ ấy hiện hữu mà vô định, tồn tại mà phi thời gian, nó đưa người đọc đến sự khám phá nhưng là khám phá ở quá khứ. Và nếu nhìn ở góc độ thực tế của thi ca thì những người hay viết về quá khứ, đặc biệt là quá khứ thuộc về phi thời gian, hẳn ở con người ấy, tâm hồn ấy đã phải trải qua một chấn động rất lớn nào đó có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của họ.
Có người nói do nhờ những ngày gặp nạn mà thơ Nguyễn Việt Chiến bỗng trở nên thăng hoa với nhiều bài thơ hay về mảng thế sự nhưng tôi vẫn tin vào phẩm chất thi ca tài hoa trong con người anh. Đành rằng để có được những bài thơ hay ấy người viết đôi khi phải đổi bằng sự từng trải của rất nhiều niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và cả bất hạnh.
ĐOÀN VĂN MẬT chọn và giới thiệu
|
Ảnh: Phạm Duy Tuấn |
Chiều xuống rồi, về nhà đi con
Mẹ đang cầu nguyện
mỏi mòn chuỗi hạt tháng năm
Bóng mẹ in trên vách thời gian
như pho tượng tạc bằng nước mắt
Mẹ bảo: nước mắt ban ngày chảy xuôi
đánh thức những ngôi đền
còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong
thấm đến một miền đức tin cứu rỗi
Bởi thế
trên gương mặt thời gian
trên gương mặt người đời
nước mắt không bao giờ ngừng chảy
Rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt
rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin
rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện
Rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà đi con
5-2008
 |
Ảnh: Phạm Duy Tuấn |
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Thưa mẹ
ba mươi ba năm trước
tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ
Mẹ về
nước mắt dọc đường Nam Bộ
đứt từng khúc tàu đêm
Ba mươi ba năm sau
ga không còn Hàng Cỏ
phố không còn Nam Bộ
Con của mẹ
vẫn mãi mười tám tuổi
như chuyến tàu ngày ấy không về
Mẹ ở lại một mình
không phố
không ga
không tất cả
còn gì để nhớ
ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Thưa mẹ
hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
trong con vẫn còn một chuyến tàu
ba mươi ba năm trước chưa trở về
Phải chăng vì thế
những câu thơ bây giờ
vẫn phải lên đường
làm một cuộc ra đi
10-2003
 |
Ảnh: Phạm Duy Tuấn |
Trăng Nguyễn Du
Lẳng lặng
trần gian ở lại
mắt em xưa
tiếng nhạc sỏi trong mưa
chầm chậm con đường cũ
Những hoa không nở
người chẳng nhớ
những hoa nở rồi
người cũng quên
Một bông trăng
nở giữa chiếc bình đêm
chầm chậm đến sáng
nở thành ban mai
*
Trước mùa trăng sinh nở
Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng
nhưng chưa đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viết xong
và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường
Để lại một bông trăng
thức trong chiếc bình đêm
thức chầm chậm đến sáng thì nở
nở thành một nàng Kiều trắng trong
giữa vẩn đục cõi người
*
Khi Nguyễn Du về
bụi giang hồ
trần thế vẫn như xưa
ông lại gặp trăng đêm
nở một đoá sững sờ
Nở chầm chậm đến sáng thì tắt
nở chầm chậm đến sáng rồi chết.