Thứ Bảy, 29/09/2012 15:52

Về bài thơ “Chân dung mẹ”

Bài thơ chứa chan tình cảm của tác giả - một người từng mang áo lính - đối với người mẹ liệt sĩ. Anh “theo mẹ” vào Nam trên chuyến tàu Thống nhất để viếng thăm con trai đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược vô cùng khốc liệt đã qua...
Thái Thiên Tri, tên thật là Nguyễn Minh Thái, quê ở Hà Nam nay định cư tại thị trấn Hotensleben (Cộng hòa liên bang Đức). Trong lần về nước gần đây anh đã đến tạp chí Văn nghệ Quân đội gửi chúng tôi một chùm thơ dự thi với mong muốn được góp ý giúp đỡ. Ban Thơ đã đọc kỹ chùm thơ của Thái Thiên Tri và có mấy lời xin được trao đổi cùng anh.

Ảnh: Phạm Duy Tuấn

Trước hết, chúng tôi rất vui khi được các anh - những người Việt Nam ở nước ngoài – đã quan tâm và hưởng ứng cuộc thi thơ của Văn nghệ Quân đội. Như vậy, cuộc thi đã có sự lan tỏa rộng, vượt ra ngoài biên giới Tổ quốc. Chùm thơ dự thi của Thái Thiên Tri đã hướng vào đề tài lớn là đất nước và mẹ liệt sĩ. Trong đó, bài “Chân dung mẹ” với lời kính tặng mẹ liệt sĩ Trịnh Thị Thú, theo chúng tôi là khá hơn và cần phải trao đổi để tác giả tham khảo, nâng cao.

Bài thơ chứa chan tình cảm của tác giả - một người từng mang áo lính - đối với người mẹ liệt sĩ. Anh “theo mẹ” vào Nam trên chuyến tàu Thống nhất để viếng thăm con trai đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược vô cùng khốc liệt đã qua. Hành trình mẹ đi thăm con hôm nay chính là con đường ra trận máu lửa của con trai mẹ năm nào:
Sân ga nào tiễn mẹ dưới mưa ngâu
Một bó hương thơm theo tàu Thống nhất
Cối trầu đầy vơi - Cuộc đời thường nhật
Rưng rức ray đường – Con mẹ hành quân.


Chiến tranh đã qua lâu rồi, thế mà những tang tóc thương đau do nó để lại vẫn dằng dặc nhức buốt trên dải đất này. Cũng chính nhờ có độ lùi về thời gian như thế để những người cầm bút như Thái Thiên Tri có cái nhìn sâu hơn, thẳng hơn và tuy nhiên là dữ dội về cuộc chiến:
Chiến tranh qua. Màu áo lính thưa dần
Nghĩa trang lạnh những mộ phần nghiệt ngã


Cái hình ảnh “Màu áo lính thưa dần” và “Nghĩa trang lạnh…” đã diễn đạt được sự hy sinh mất mát không hề nhỏ của chúng ta trong cuộc chiến sinh tử để dành hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do cho non sông và đó cũng là số phận của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã. Thoáng ngậm ngùi và hình như có cả tiếng thở dài, chút trách móc nhắc nhở trong đó. Vì lẽ gì, thì mỗi người tự hiểu…

Trong cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại ấy, thì sự hy sinh, sự đóng góp đâu chỉ có riêng người lính mà như tác giả đã chỉ ra rất đúng bằng hình tượng nghệ thuật là:
Đường ra trận đâu chỉ các anh xốc tới
Mắt mẹ sâu vời vợi hướng quân vào


Ảnh: Phạm Duy Tuấn

Tuy nhiên, ngoài những gì mà chúng tôi cho là được về chất lượng nghệ thuật như đã nói ở trên thì bài thơ còn có nhiều câu, nhiều khổ sáo mòn, cũ kỹ. Theo chúng tôi, những khổ thơ, câu thơ sau đây cần sự gia cố, cắt gọt hay viết mới lại của tác giả:
Hòa bình lâu rồi - các anh chẳng về
Người vợ trẻ - Đã hóa thân trong đá
Người yêu xưa - Thành cố nhân xa lạ
Thời gian bay bạc tóc mẹ già


Hay:
Giặc tan rồi - Các anh vẫn đi xa
Tình đồng đội - Thủy chung, bền
chặt quá


Và:
Đất nước quang vinh - Những trang sử
chói ngời


Từ những ý trên anh nên diễn đạt nó bằng những hình tượng ngôn ngữ mới mẻ mang dấu ấn sáng tạo của mình, đừng lặp lại hay na ná những cái người khác đã viết. Đồng thời, người làm thơ cũng nên biết cô đúc, tránh lan man đừng sợ bạn đọc không hiểu hết ý mình. Thơ cốt gợi chứ không phải nói hết tất thảy anh ạ. Điều nữa, chúng tôi thấy thơ anh sử dụng dấu gạch nối (-) khá tùy tiện. Với thơ, một dấu phẩy, dấu chấm hay một gạch nối đều mang ý nghĩa biểu cảm.

Mong chờ sự hồi âm của anh.

NGƯỜI BIÊN TẬP