Thứ Sáu, 21/08/2020 13:31

MÙA THU ẤY TÔI HỎI CHUYỆN NHÀ THƠ HUY CẬN

À mà chúng ta đang lạc đề rồi...

Dẫu đã được gặp ông đôi ba lần, nhưng chính thức làm việc với ông thì đây là lần đầu nên tôi đã chuẩn bị trước một cách khá cẩn thận, kể cả một “Giấy giới thiệu” ghi rõ cấp bậc, chức vụ có chữ kí của Tổng biên tập VNQĐ.

Dẫu đã được gặp ông đôi ba lần, nhưng chính thức làm việc với ông thì đây là lần đầu nên tôi đã chuẩn bị trước một cách khá cẩn thận, kể cả một “Giấy giới thiệu” ghi rõ cấp bậc, chức vụ có chữ kí của Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng khi gặp ông thì mọi sự chuẩn bị hóa ra không mấy cần thiết. Ông tiếp tôi ngay bên bàn làm việc với tư cách là một thơ nhiều hơn là vị trí của một Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Văn học - nghệ thuật Việt Nam. Ông bảo: Danh thiếp của mình, đây ông xem. Huy Cận, nhà thơ trước hết, sau đó mới đến chức vụ…

Được lời như cởi tấm lòng, tôi vào luôn câu chuyện.

Nhà thơ Huy Cận. Ảnh: TL

- Thưa nhà thơ Huy Cận ! Trong đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời vào Huế nhận sự thoái vị của cựu hoàng Bảo Đại cuối tháng Tám năm 1945 có phải ông là người trẻ nhất?

Huy Cận: Vâng, tôi sinh năm 1919, đến năm đó vừa tròn 26 tuổi, là Bộ trưởng không bộ của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Khoảng hai tuần; từ cuối tháng 9/1945 tôi được cử làm Bộ trưởng Bộ Canh nông; và từ 23/11/1945 kiêm thêm chức Thanh tra đặc biệt (cùng cụ Bùi Bằng Đoàn). Cùng đi với tôi trong Đoàn đại bểu của Chính phủ lâm thời còn có ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Tuyên truyền (trưởng đoàn) và ông Nguyễn Lương Bằng, sau này làm Phó Chủ tịch nước.

- Bảo Đại - hoàng đế cuối cùng của Việt Nam dung nhan ra sao, hành trạng thế nào ạ?

Huy Cận: Ông ta sinh năm 1910, từng du học cả chục năm ở Pháp, người tầm thước, béo mập và tóc luôn luôn chải bóng. Ông có vợ là Nam Phương hoàng hậu cùng năm con, hai trai, ba gái, nói thạo tiếng Pháp hơn là tiếng Việt, thích vui chơi hơn là quyền bính. Sau khi thoái vị, Bảo Đại thành Cố vấn Vĩnh Thụy ở tại nhà này (số - 51, Trần Hưng Đạo), chỗ ông và tôi đang nói chuyện đây. Thời gian ông Vĩnh Thụy ngụ trong tòa biệt thự này, tôi cũng có nhiều lần đến gặp ông ta để trao đổi công việc, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Làm cố vấn một thời gian, ông ấy đi Trùng Khánh, Trung Quốc theo lời mời của Chính phủ bên ấy, rồi ở lại Hồng Công. Bác Hồ có phái người sang mời về nhưng ông không chịu về. Sau đó Pháp lại đón ông về làm Quốc trưởng bù nhìn. Bị Ngô Đình Diệm phế truất, ông ta lại sang Pháp, lấy vợ mới người Pháp nghe nói là trẻ và đẹp lắm.

- Còn Nam Phương hoàng hậu, vợ cũ của ông ta?

Huy Cận: Tôi ít biết về bà ấy. Chỉ nghe nói sau khi Bảo Đại thoái vị, ra Hà Nội, bà ta ở lại Huế trong một nhà thờ dòng chúa Cứu thế (Bà Nam Phương theo đạo và cũng giỏi tiếng Pháp) sau đó ít lâu bà đi Pháp cùng các con.

Tôi và nhà thơ Huy Cận đang nói về những ngày tháng Tám năm 1945 thì có nhiều người mang trình công văn, gọi dậy nói tới xin ý kiến về việc tổ chức trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật nhân 50 năm thành lập nước. Có người trợ lí còn đến hỏi Chủ tịch rằng Liên hiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam có mấy Hội cả thảy. Huy Cận không bực bội mà trả lời một cách hóm hỉnh:“Chín cả thảy. Ghi vào: văn, họa, nhạc, kịch, kiến, điện, nhiếp, múa, dân”...

Sau khi hoàn thành bài trò chuyện, tôi có gửi lại nhờ Huy Cận xem bài để in trên Văn nghệ Quân đội. Và đây là thư trao đổi với ông. Toàn bộ bài trò chuyện đã in trên Văn nghệ Quân đội số tháng 9 năm 1995. Bài giới thiệu này là một trích đoạn.

Câu chuyện thi thoảng bị gián đoạn. Sau đó lại tiếp tục.

- Xin phép nhà thơ Huy Cận được trở lại câu chuyện. Là nhà thơ, trước một sự kiện có ý nghĩa lịch sử như sự kiện 30 tháng 8 năm 1945 (*), chắc ông có nhiều cảm hứng. Ông có làm bài thơ nào về sự kiện này không? Xin đọc để bạn đọc Văn nghệ Quân đội thưởng thức lại.

Huy Cận: Ồ không. Sự kiện đó thuộc về những nhà chép sử. Ấy là văn biên bản, báo chí chứ không phải của thơ.

- Như mọi người đã biết, sau khi có tập "Lửa thiêng" (1940) ông là một nhà thơ, nhà thơ Huy Cận. Còn có một Cù Huy Cận - Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ cách mạng lâm thời (25/8/1945), một Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ trước tháng 9/1945, một Cù Huy Cận - Bộ trưởng đặc trách văn hóa nghệ thuật (từ những năm 1980) và một Cù Huy Cận - Chủ tịch Ủy ban LH các hội VHNT Việt Nam từ 1984…

Huy Cận: Lắm Huy Cận thế, chỉ có một Huy Cận thôi chứ…

- Trong các “cương vị” nhà thơ, Bộ trưởng, ông cảm thấy ở cương vị nào thú vị hơn cả?

Huy Cận: Nhà thơ, công việc làm thơ. Tôi vừa in xong tập thơ thứ 23, đã có sách mẫu, đây ông xem... (Ông nói và đưa cho tôi xem tập thơ mới)

- Là thế nên mới có giai thoại “Huy Cận đề thơ vào công văn”, phê công văn bằng thơ như kiểu làm việc quan của bà Huyện Thanh Quan xưa: Phó cho con Nguyễn Thị Đào…?

Huy Cận: Ít xảy ra thôi, thơ là thơ, công việc là công việc, xong việc cơ quan mới làm thơ, tôi làm thơ trong lúc nghỉ ngơi, thư giãn.

- Ông nghỉ ngơi, thư giãn như thế nào?

Huy Cận: Đi xem phong cảnh, đi vãn cảnh chùa chiền và đọc sách, nhất là sách sinh vật học. Ông ạ, theo tôi bất kì làm việc gì, làm nghề gì con người ta cũng cần đọc loại sách này. Nó giúp người ta bớt máy móc, cơ khí, hiểu được quy luật của thiên nhiên, của sự sống của cuộc sống để đắm tình đời, sâu tình vũ trụ

- Ấy là thói quen của một kĩ sư nông nghiệp, của nhà triết học hay nhà thơ?

Huy Cận: À mà chúng ta đang lạc đề rồi. Đã kết thúc câu chuyện ở đây được chưa?

Vâng ! Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Phố Nhà binh, tháng 7 năm 1995

NGÔ VĨNH BÌNH

(*): Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại lầu Ngọ Môn Huế diễn ra buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại: vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Vua Bảo Đại đã trao hai vật tượng trưng cho vương quyền là chiếc ấn và thanh kiếm cho đại diện Chính phủ Lâm thời và Việt Minh để trở về làm dân của một nước độc lập.