Thứ Ba, 14/07/2020 08:53

Ai cũng xứng đáng, nhưng ai đủ điều kiện?

Dân chủ hiểu trong phạm vi hẹp như là ứng xử, hay rộng như một trạng thái xã hội, một thể chế quốc gia đều nhấn mạnh đến vai trò làm chủ của người dân... (NGUYỄN THANH TÂM)

.NGUYỄN THANH TÂM

Dân chủ, hiểu một cách giản dị là nhân dân làm chủ. Muốn dân làm chủ được tốt, trước tiên phải nâng cao dân trí. Điều này thực ra không mới mẻ, dù nó vẫn sáng rực tính chân lí. Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận quan điểm lấy dân làm gốc (“dân vi bản”) trong các triều đại phong kiến thịnh vượng. Đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, Phan Chu Trinh đã nêu lên đường lối khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh, như là giềng mối trong việc hướng định một tương lai của quốc gia đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ và khủng hoảng đường lối cứu nước. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước, lãnh đạo nhân dân giành độc lập, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á) chính là hiện thân cho lí tưởng đã hình thành một cách mạnh mẽ từ truyền thống và khát vọng dân tộc.

Người dân đeo khẩu trang đi làm ở Tokyo giữa đợt bùng phát virus corona mới. Ảnh sưu tầm.

Dân chủ hiểu trong phạm vi hẹp như là ứng xử, hay rộng như một trạng thái xã hội, một thể chế quốc gia đều nhấn mạnh đến vai trò làm chủ của người dân. Vấn đề ở đây, đúng như kinh nghiệm được chỉ ra từ lịch sử, muốn làm chủ chúng ta phải có năng lực. Năng lực ấy không tự nhiên mà có, nó được hình thành trên nền tảng của tri thức, đạo đức, luân lí, văn hóa, pháp luật cùng nhiều tương quan khác. Chính vì sự phức tạp của vấn đề dân chủ mà khái niệm này đặt ra nhiều câu chuyện phức tạp hơn là những suy nghĩ cảm tính. Trong bài viết này, chúng tôi có ý bàn về dân chủ dựa trên tương quan giữa nhu cầu và khả năng, sự quy chiếu lẫn nhau giữa khát vọng, mơ ước và thực tiễn của con người.

Đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19 đến lúc này có thể xem là một biến cố. Biến cố ấy thử thách tính ưu việt của cơ cấu tổ chức, năng lực quản trị và vận hành của các nhà nước. Nó cũng phơi bày một cách rõ nét tư cách công dân xã hội của con người trước các đòi hỏi về tính hợp lí của cá nhân với môi trường sống. Sự việc một nhóm kiều bào Việt Nam to tiếng ở sân bay với nhân viên an ninh và những người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, đòi hỏi những quyền lợi về ăn uống, nghỉ ngơi hay cách li là một hành động cho thấy dân trí thấp cũng như sự ích kỉ của họ trước các tình thế cộng đồng. Họ là ai? Là người lao động phổ thông hay trí thức? Giàu hay nghèo? Những điều đó đều đặt sau ý thức của một công dân với cộng đồng, đất nước và rộng hơn là với thế giới xung quanh mình, nhất là khi tất cả đang phải đối mặt với hiểm họa.

Trong câu chuyện với bạn bè tôi - những người đã từng học tập, sinh sống ở các nước Âu - Mĩ, họ rất ngạc nhiên và tỏ ra bất bình với cách mà nhóm người này phản ứng, cũng như ở một số trường hợp phản ứng thái quá của công dân Việt Nam đối với nhân viên công quyền. Một cách khá hài hước, họ cho rằng, nếu ở các nước phương Tây, có cho tiền cũng không ai dám đối chất chứ chưa nói quát mắng hay lăng mạ nhân viên an ninh, chính quyền. Với hành vi đó, bạn chưa nói được lời nào có thể đã bị “gô cổ” ngay lập tức, bạn chỉ còn quyền giữ im lặng và mời luật sư. Mọi lời nói lúc này có thể là bằng chứng chống lại bạn tại tòa. Như thế, chứng kiến cảnh nhóm Việt kiều đòi hỏi một cách vô lí tại sân bay ngay trong đại dịch Covid-19, chúng ta càng thêm bất bình và tự hỏi, họ đã suy nghĩ như thế nào về hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của đất nước. Là công dân của nước Việt Nam, cũng như là công dân của một thế giới đang đứng trước hiểm họa, đòi hỏi của họ là khó có thể chấp nhận được. Đòi hỏi đó chất vấn, định nghĩa lại tư cách, phẩm giá con người, ý thức trách nhiệm công dân, đồng thời đi đến một kết luận rằng họ chưa xứng đáng với cộng đồng. Họ có mọi điều kiện cá nhân để thỏa mãn nhu cầu, nhưng lại thiếu điều kiện để tham gia vào cộng đồng trong trường hợp chúng ta đang nói đến.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát đi thông cáo về tình trạng đại dịch toàn cầu gây nên bởi virus Corona, mỗi quốc gia cần phải có chiến lược và sách lược của mình trong việc phòng vệ, đối phó và ngăn chặn. Những hành động của nhà nước Việt Nam cho thấy khả năng kiểm soát và ứng phó của chúng ta là “tốt” - WHO đánh giá là “rất tốt” (lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra). Sau tất cả những hành động của Việt Nam, đến lúc này mọi người dân đều nhận ra một điều rằng, thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau” (lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), không ai bị đối xử, phân biệt hay quên lãng trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Năng lực ứng phó với các tình huống từ thấp đến cao đã được hình dung qua các kịch bản cụ thể đến 5 cấp độ cho thấy Việt Nam chủ động trong công tác phòng chống và ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi, kiểm soát dịch Covid-19. Hãy thử nhìn lại, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải vào rừng lập trại ngăn chặn đường biên lối mở, nhường giường, nhường phòng, phục vụ cơm nước sinh hoạt cho người cách li; đội ngũ nhân viên y tế không quản ngày đêm, nguy hiểm có mặt ở tuyến đầu ngăn chặn, kiểm soát và chữa trị cho các bệnh nhân lây nhiễm; tất cả các cá nhân, cơ quan đơn vị, ban ngành có liên quan và toàn dân đều chung tay chống lại đại dịch bằng rất nhiều hình thức…

Trong bối cảnh ấy, những đòi hỏi cho riêng mình về điều kiện ăn ở cách li lúc này là một sự ích kỉ, vô lí, thậm chí đáng bị phê phán, lên án. Thực tế, với những bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm virus bị cách li, họ đang hưởng chế độ hỗ trợ từ nhà nước. Bạn không thể đòi hỏi ở người khác khi bạn đang nhận sự hỗ trợ miễn phí từ họ. Đó cần phải xem là một ứng xử văn hóa, đồng thời cũng phải được xem là trình độ văn minh của công dân.

Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại các quan điểm từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ (1776), Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (1791), nhấn mạnh đến các quyền cơ bản của con người: quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc… Thực tế, đó là những nhu cầu cũng như quyền lợi chính đáng của con người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, thể chế… Đó có thể xem - càng nên xem là chân lí (cần hướng đến) trong các xã hội ngày càng văn minh.

Nhưng, sự xứng đáng được đặt trên nền tảng căn bản của giống loài cũng cần được tham chiếu vào các điều kiện cụ thể của quốc gia, dân tộc, thể chế, tôn giáo hay các quy ước cộng đồng. Chúng ta không có cách nào khác, buộc phải đặt mình vào các ràng buộc tự nhiên và xã hội. Những ràng buộc xã hội quy ước và hình thành trật tự xã hội. Vì vậy, ai cũng xứng đáng, nhưng câu chuyện quan trọng nhất với cá nhân trong từng cộng đồng cụ thể, chính là ai đủ điều kiện? Bạn có thể đòi hỏi cho mình những lợi ích tương xứng trong nhóm cộng đồng này mà không thể, thậm chí không xứng đáng để được lên tiếng đòi hỏi ở một cộng đồng khác.

Có một thực tế, nếu kết nối quyền con người vào các câu chuyện dân sự, chúng ta sẽ thấy những tương thích hoặc bất tương thích trong các hoàn cảnh cụ thể của con người gắn với điều kiện quốc gia, thể chế, tôn giáo hay nền tảng dân trí, văn minh. Thoạt kì thủy, đây không phải là câu chuyện văn hóa (nếu nhìn trên khía cạnh tự nhiên, giống loài), nhưng có thể nó sẽ đi đến những định hình phản ánh một sắc thái văn hóa (hình thành xã hội người). Ai cũng muốn được ăn ngon, mặc đẹp, ai cũng muốn được ở trong những ngôi nhà tiện nghi, đi những chiếc xe sang trọng, hưởng thụ những điều kiện vật chất tối ưu nhất… Điều đó hiển nhiên.

Tuy vậy, một tranh luận lập tức nảy sinh đó là: Chúng ta có đủ điều kiện để tương thích với hoàn cảnh, nền tảng ấy hay không? Thực tế, khả năng tiếp cận các điều kiện tối ưu không diễn ra trên nền tảng của quyền cơ bản con người mà nảy sinh trên cơ sở thực tế của con người có thể đáp ứng các khả năng hay không. Điều kiện cụ thể của cá nhân chỉ đáp ứng được việc ở trong ngôi nhà cấp 4, đi xe gắn máy cũ và ăn bữa cơm lao động là một thực tế khiến cho hình ảnh tối ưu của tiện nghi giống như một mơ ước, hi vọng. Nó không đáp ứng (được) mà chỉ có thể là một thôi thúc, giục giã, hoặc tệ hơn là một nỗi khổ đau. Lúc này, vấn đề xứng đáng và đủ điều kiện cần được suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận được các điều kiện sống tốt hơn cả về vật chất, tinh thần? Đó là câu hỏi cốt lõi của mỗi cá nhân cũng như tổ chức, thể chế trên thế giới. Đi tắt đón đầu, về hình thức có thể tiếp cận ngay được các giá trị tối ưu, nhưng sự thực, sẽ có những điểm bất hợp lí về mặt nền tảng mà chắc hẳn Đảng, Nhà nước đã hình dung được. Sự thiếu hụt về nền tảng văn hóa, các điều kiện cần và đủ thuộc về hạ tầng cơ sở, trình độ quản trị cũng như khả năng (hiện tại) đáp ứng cơ chế vận hành của các hệ thống tối ưu… sẽ là thử thách không nhỏ cho chiến lược đi tắt đón đầu.

Về lâu dài, việc phát triển bền vững vẫn là ưu tiên hàng đầu (tránh tình trạng tăng trưởng “bong bóng”). Điều đó thể hiện qua các chính sách tổng thể, nhấn mạnh và ưu tiên phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra (cũng như tầm nhìn của hầu hết các quốc gia, tổ chức trên thế giới). Từng bước nâng mình lên, một cách vững chắc, chính là cách thức phù hợp để tiếp cận các giá trị cao hơn trong chiến lược phát triển con người và phát triển quốc gia. Luận điểm này gợi trở lại câu chuyện của nhóm Việt kiều nọ, đặt họ vào các yêu cầu cần phải hoàn thiện năng lực cá nhân nhằm tương thích với hoàn cảnh cộng đồng trong hiểm họa dịch bệnh. Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên mạng xã hội đã nói lên thái độ, phản ứng của cộng đồng đối với những đòi hỏi bất hợp lí. Đó là bài học về nhu cầu và khả năng, về cái cần - nên và cái có thể. Nhiều bình luận đến từ cư dân mạng đã thẳng thắn nêu lên: Đó là những người không xứng đáng.

Mạng xã hội cho thấy tiện ích to lớn của nó trong việc cập nhật và thúc đẩy minh bạch hóa thông tin. Nó trở thành một “tờ báo” với quyền lực ngày càng ghê gớm. Nhiều chính sách, cơ chế của Nhà nước đã được ban hành hay điều chỉnh dựa trên phản hồi hữu ích từ mạng xã hội. Với những gì đang diễn ra, mạng xã hội (ảo) trở thành một không gian sống (thực) của con người. Vì thế, một lần nữa những điều kiện tương thích lại được đặt ra khi cá nhân tham gia vào một cộng đồng nhất định trên mạng xã hội. Tại đó, có thể thấy khá nổi bật là tiếng nói của văn nghệ sĩ, trí thức - những người có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng.

Tuy nhiên, thái độ, phản ứng của một bộ phận những người mang danh trí thức này lại cho thấy thực sự họ đang thiếu hụt những nền móng căn bản để tham gia vào câu chuyện chính trị, văn hóa hay các tương quan đời sống ở góc độ nhận thức luận. Nó giống như các phản ứng tức thì, có tính bản năng hơn là các kết quả của thao tác tư duy trí thức nhằm đóng góp tiếng nói hữu ích vào sự phát triển của cộng đồng. Khi các nghệ sĩ đưa tin sai sự thật về đại dịch Covid-19, khi những chửi mắng, phê phán, mỉa mai, thậm chí hằn học, căm thù hướng đến những chính sách hay cá nhân cụ thể trong bộ máy chính quyền, nhà nước,… chúng ta buộc phải nhìn lại các điều kiện cụ thể của đối tượng này khi tham gia vào đời sống chung trong tư cách là đối tượng có ảnh hưởng. Họ đã làm gì? Phát ngôn hay thông điệp của họ trên mạng xã hội đem đến lợi ích gì cho cộng đồng trong việc khắc phục hay cải thiện các bất cập của đời sống?

Thực tế, không nhiều thông điệp đem lại hiệu quả xây dựng xã hội, cộng đồng văn minh và môi trường văn hóa lành mạnh. Nó gieo rắc hoài nghi và ủ mầm cho thái độ tiêu cực, tạo nên năng lượng xấu độc trong đời sống. Dĩ nhiên, chúng ta không (thể) phủ nhận các năng lượng tiêu cực, bởi đó là tất yếu. Cái chúng ta có thể làm là phát huy năng lực và tinh thần trí thức, phản biện, kiến tạo xã hội trong khả năng cao nhất với ý thức mang đến hàm lượng nhân tính cao hơn cho con người. Ở lĩnh vực này, phải thừa nhận rằng, văn hóa phản biện ở ta còn rất thấp, hay đúng hơn, là năng lực phản biện trên nền tảng của xã hội văn minh xem ra chưa định hình trong môi trường sống của chúng ta. Việc đăng thông tin sai sự thật (thông tin chưa được kiểm chứng) nhằm mục đích câu like, view, đánh bóng tên tuổi, thu hút đám đông theo dõi… về bản chất là một hành vi ích kỉ.

Sự phê phán, mỉa mai, thậm chí bới móc tiểu sử, hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác hay những lời tuyên cáo phi nhân tính (có vị mang danh nhà giáo mà lên tiếng đòi thiêu sống những người lây nhiễm Covid-19 vì họ lan truyền sang cho người khác), thiếu văn hóa, thiếu xây dựng, thiếu cả lí trí vẫn nhan nhản trên mạng xã hội (nói theo ngôn ngữ của cư dân mạng là “tay nhanh hơn não”). Không chỉ là năng lượng tiêu cực, mà sâu rộng hơn, nó phản ánh nền tảng tinh thần, văn minh, trí tuệ của con người trong cách lựa chọn, ứng xử, giao tiếp xã hội. Chúng ta có thể cảm nhận được, dù cho nó được ngụy trang bằng những khái niệm sang trọng như “phản biện xã hội”, “sự can dự của trí thức”, “tinh thần khai minh, khai sáng” hay gì đi nữa, đằng sau những phê phán, mỉa mai, chửi mắng… vẫn ngấm ngầm một sự thỏa mãn, một sự tự đắc hả hê.

Phần khác, đó là sự ve vuốt cái tôi cá nhân - một liều an thần, giảm đau dành cho những cá nhân luôn mang sẵn mặc cảm về sự nhược tiểu, bất hạnh, cô đơn hay các sang chấn tâm lí khác của đời sống. Họ cần phải “trút xả” (L.Vygotsky) vào một điều gì đó như là một hình thức kháng cự sự chìm lấp vào khoảng trống mênh mông, vô nghĩa. Có thể xem đó là một dấu hiệu của hiện sinh khi con người đối diện với nguy cơ không tồn tại, mất hiện hữu. Như thế, nếu nhìn từ tương quan ích lợi cá nhân, ích lợi cộng đồng, nhiều nhân vật trí thức, văn nghệ sĩ vừa không xứng đáng, vừa không đáp ứng đủ các điều kiện để thực sự trở thành nhân vật của công chúng hay nhân vật khai minh, khai sáng, khai tâm cho cộng đồng.

Dẫu vậy, suy xét thật sâu ở khía cạnh văn hóa, chúng ta cũng được an ủi phần nào khi đứng trước các thực trạng có phần hỗn tạp đang diễn ra trên không gian mạng. Đó là sự giao tranh của cá nhân bản thể trong tinh thần hiện đại với nền tảng truyền thống phương Đông vốn tồn tại bởi những cố kết cộng đồng (cái mà chúng ta gọi là tinh thần tổng hợp). Một bên là ý thức về cá nhân ngày càng mạnh mẽ (có tính tất yếu trong bối cảnh hiện đại), một bên là không gian cộng đồng truyền thống vốn được duy trì sức mạnh bởi đám đông. Họ luôn bị giằng xé bởi sự thoát ra thì cô đơn, cô độc, mà ở lại thì chìm khuất, mất tăm dạng. Thế nên, việc đả kích hay phê phán một cách cực đoan vừa đáng trách lại cũng vừa đáng thương.

Một vấn đề rất hệ trọng liên quan đến toàn bộ câu chuyện chúng ta đang nói đến là nền tảng của cá nhân và xã hội khi đứng trước các đòi hỏi của cơ chế giao tiếp văn hóa hay các trình độ văn minh khác nhau. Sự giao tranh giữa tính hiện đại và môi trường truyền thống; sự vùng vẫy của cá nhân trong mối liên hệ với cộng đồng rất cần một vốn liếng phù hợp, tương thích. Cụ thể, như đã nêu ở trên, cá nhân cần trang bị các điều kiện cần và đủ về văn hóa, tri thức nhằm đáp ứng được các cơ chế khác nhau của môi trường sống hiện đại, của các nền văn hóa, văn minh khác nhau.

Khi bạn hiểu rằng, việc phát tán (đăng hình ảnh, clip, live stream…) những thông tin riêng tư liên quan đến một ai đó lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, và có thể phải đối mặt với những án phạt thực sự nghiêm khắc, thì khi đó bạn sẽ có cách ứng xử hợp lí, hợp pháp. Cũng như vậy, việc đòi hỏi những quyền lợi vượt quá khả năng của bản thân, vượt qua những điều kiện cho phép cá nhân cũng như sự thực thi của cộng đồng, đôi khi lại phản tác dụng. Nó dẫn chúng ta đến bi kịch bị đào thải, shock văn hóa, ngờ nghệch trước các nền văn minh có trình độ cao hơn, trở thành những kẻ vi phạm pháp luật mà vô tình không hay biết.

Một số người ở nước ngoài khi nhìn về Việt Nam, thấy cảnh có người cãi cự, chửi mắng, chống trả các lực lượng chức năng… họ lấy làm ngạc nhiên. Theo họ, ở các nước Âu - Mĩ, việc chống người thi hành công vụ có thể phải lĩnh nhận những hình thức trừng phạt khốc liệt. Điều rất đáng nói là cư dân của các cộng đồng ấy, từ trí thức đến người lao động phổ thông, họ rất hiểu việc chống người thi hành công vụ là một sai lầm nghiêm trọng. Đúng sai đã có pháp luật và một cá nhân vẫn có thể thắng kiện cả một tổ chức khổng lồ nếu điều bạn làm là đúng đắn.

Dĩ nhiên, pháp luật ở quốc gia nào cũng có những kẽ hở hoặc những góc khuất mà chúng ta rất khó có thể tỏ tường. Những bất cập hay góc khuất nói lên trình độ văn minh của cộng đồng ấy, đồng thời cũng chỉ ra những điều khoản ngầm liên quan đến lợi ích không thể/ chưa thể minh bạch vốn tồn tại trong các xã hội được xây dựng trên nền tảng của vật chất, quyền lợi và quyền lực. Dẫu sao, về mặt nguyên lí, thượng tôn pháp luật vẫn là yếu tố duy trì trật tự xã hội. Ở đó, đòi hỏi về tính đúng đắn, hợp lí, hợp tình trong tư duy lập pháp cũng như sự nghiêm minh (có lẽ là cả sự hiền minh) của hệ thống hành pháp, tư pháp - như một biểu hiện về trình độ văn minh, sẽ đem lại trật tự tốt đẹp cho xã hội.

Vai trò của trí thức sẽ càng lu mờ trong xã hội hậu công nghiệp, trong nền tảng công nghệ số và tài nguyên tri thức mở. Điều đó chất vấn lại các ảo tưởng quyền lực tri thức cũng như cảnh báo đến các dự định bất minh. Trong tình thế đó, nâng cao dân trí trở thành một viễn tượng huy hoàng cứu vớt các động thái vô minh. Càng minh bạch, càng dân chủ, lại càng phải ý thức cao độ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân trong sự tham dự mật thiết với cộng đồng. Dân chủ, xã hội dân sự không phải là khái niệm gây rối hoặc được trưng dụng cho thủ đoạn ngụy cấp tiến, mà đó thực sự là một thách thức đối với trình độ văn minh và chiều sâu văn hóa của con người, cộng đồng. Là con người, ai cũng xứng đáng được hưởng các quyền lợi tối ưu, nhưng, như một phản biện tổng thể, ai có đủ điều kiện để gia nhập cộng đồng tối ưu ấy? Câu hỏi này dành cho mỗi chúng ta.

N.T.T