Thứ Năm, 02/08/2018 00:56

Anh Quảng

Lần đầu tiên gặp anh Quảng là năm tôi mười tám. Trước đấy nữa, tôi, một thằng bé mồ côi mẹ từ lúc lên ba, mồ côi cha từ khi lên bảy, sống với ông nội. Tôi ngồi chầu rìa bên ông thâu đêm suốt sáng. Ông đêm đánh tổ tôm ngày chơi cờ tướng. (Truyện ngắn dự thi của Y BAN)
Truyện ngắn dự thi. Y BAN

Lần đầu tiên gặp anh Quảng là năm tôi mười tám.
Trước đấy nữa, tôi, một thằng bé mồ côi mẹ từ lúc lên ba, mồ côi cha từ khi lên bảy, sống với ông nội. Tôi ngồi chầu rìa bên ông thâu đêm suốt sáng. Ông đêm đánh tổ tôm ngày chơi cờ tướng. Những thế cờ cao của ông tôi nhập vào dạ rất nhanh. Lên mười tôi đã ngồi thế chân ông trong những ván cờ đang dở, khi ông không muốn chơi nữa hoặc mệt. Đến năm mười lăm tôi đã một mình vừa chơi cờ ăn tiền vừa đi học. Năm mười tám không đi học nữa, toàn bộ thời gian tôi dành để chơi cờ.

Hành trình của tôi như sau. Chín giờ sáng thức dậy, tắm rửa, ăn vận đẹp, vuốt keo lên tóc cho rủ chùm nho xoăn xuống trán. Sang dãy phố bên chẵn làm tô cháo vịt hoặc bánh cuốn rồi bắt tàu điện lên Bờ Hồ, đi dọc theo phố Hàng Đào rẽ vào Hàng Buồm. Lên đến nơi cũng non trưa. Tôi ngồi đánh cờ xuyên ngày đến rạng sáng hôm sau. Lúc ấy trong túi rủng rỉnh tiền, chưa có tàu điện, hề gì, tôi cuốc bộ ra bưu điện. Có một ông xích lô hay tá túc đêm ngay trên xe bị gọi dậy chở tôi về.

Vào một buổi sáng trở về phố chẵn, nhìn lại, anh Quảng đã ở sau tôi từ lúc nào. Tôi dửng dưng không chào. Anh như quen sẵn, bảo:
- Này nhóc, đi rong chơi thiên hạ không?
- Đi đâu?
- Đi khắp. Đi vênh vang với đời.

Cữ ấy tiết xuân, hội làng vào kì tấp nập. Anh Quảng bảo tôi về quê anh cho ngồi kiệu rước. Thì ra quê anh có tục ai thắng tất cả các ván trong mùa cờ được bốn cô gái trẻ đẹp nhất làng rước kiệu từ bãi chợ về đình. Tôi chơi vờ cũng thắng. Thằng nhóc non choẹt được mọi người tung hô đỡ lên kiệu. Bọn trẻ con rồng rắn theo sau cười toáng thinh không.
- Lêu lêu lêu, lại đây mà xem ông cụ non này.

Nghe thế, tôi xấu hổ nhảy xuống đi bộ cùng lũ trẻ con. Vẩn vơ hỏi đứa bên cạnh, anh Quảng bao nhiêu tuổi, làm nghề gì. Nó nghiêm nghị trả lời anh là thầy giáo dạy văn, tuổi ba mươi. Thế hóa ra anh hơn tôi một giáp.
*
*    *
Chơi ở quê vài ngày anh bảo đất nước đẹp lắm, nên đi khám phá.
Chúng tôi bắt xe đi Hải Dương. Anh dẫn tôi đến một làng quê thanh bình. Ở đấy, lúa đã xanh rì chân trời, đan xen những mương nước trong vắt thơ thẩn mấy con nòng nọc đang bơi. Anh dẫn tôi đi giữa đồng lúa. Anh dang rộng vòng tay, ưỡn ngực, mặt ngửa lên trời, mắt nhắm nghiền. Tôi có cảm giác anh sắp bay lên.
- Nhóc có cảm nhận thấy sự khác biệt không? Nhóc có thích văn chương không? Hãy ghi nhớ vào đầu Cẩm Giàng - Hải Dương. Ghi nhớ…
- Nhất Linh.
- Thì ra nhóc cũng biết đấy.

Khi trời đã sẫm mặt người chúng tôi quay về. Anh dẫn tôi đi tìm cái ăn. Phố thị ngày ấy kiếm đâu ra hàng quán như bây giờ. Anh rò re róc rách mãi, cuối cùng dẫn tôi vào ngôi nhà không cổng, chủ nhà chặn ở sân hất hàm hỏi có cho tôi vào cùng không.
Anh uể oải bảo tôi lớn rồi.

Chúng tôi được dẫn vào một căn buồng tối, bên trong có hai thân người đang nằm ườn quanh cái bàn gỗ nhỏ có đặt chiếc đèn dầu không bóng. Mỗi thân người kê đầu trên gối mây, hai tay đỡ một điếu dài. Khi tôi lần mò tìm chỗ ngồi trong khoảng tối chật hẹp thì đụng thân người nữa ở dưới. Khi hai người kia hút xong, điếu buông cạch xuống, khói lởn vởn, người ngồi dưới vội nhổm dậy vớ lấy điếu cắm vào miệng.

Trước khi nằm xuống chuẩn bị hút, anh Quảng bảo chủ nhà lấy cơm cho tôi ăn.
Chủ nhà dẫn tôi xuống bếp. Mâm cơm vẫn còn đầy ắp đậy lồng bàn. Tôi ăn no nê thì anh cũng hút xong. Anh không ăn uống gì. Hóa ra cái bóng đen tôi đụng phải trong buồng kia là một tay đạp xích lô. Hắn đồng ý chở hai anh em đi chơi đêm ở đồng quê. Tối mò tối mẫm, hắn lạch cạch dong xe ra đường. Hai anh em lên, hắn hỏi đi đâu. Anh đáp như hát: đi không chủ đích.

Hắn chầm chậm đạp. Hai anh em như ngồi trong cái chuông úp ngược tinh khiết của vũ trụ. Anh cất giọng mê say:
Lều tranh lạnh lẽo mấy canh thâu
Lạnh cỏ cây trời lạnh đến đâu
Hé cửa nhìn trăng trăng tái mặt
Cài then thắp nến nến rơi châu
(1)

- Văn chương là cái thứ gì nhóc có biết không? Đời nhóc say mê nhất thứ gì?
- Cờ tướng. Sao anh không đi dạy nữa?
- Tù túng lắm, có thứ gì đó đang muốn bứt ra mà chửa được. Khổ cái thân anh quá.
Phía trước con đường theo guồng xe chạy cứ sáng dần ra, trong veo. Từng lá cây in bóng đen sẫm xuống mặt đường. Trong tim tôi có thứ gì đó cựa quậy. Các đầu mút dây thần kinh bung ra. Cảm giác của sự hưng phấn, ấy là sau này khi đã trưởng thành rồi đọc trăm cuốn sách tôi mới biết gọi tên nó ra như thế, còn khi đó cảm xúc lần đầu vương vào khiến tôi nấc cụt. Anh vỗ nhẹ vai tôi an ủi:
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
(2)

Tay đạp xích lô phía sau thở nặng nề. Hắn mệt vì đạp hay mệt vì thơ? Hỏi chúng tôi đi đâu nữa. Cứ đi, chả biết đi đâu. Hắn nói ngay, hay về nhà em ngủ. Ừ, thì về. Thực anh và tôi định đi cho hết đêm chứ không định ngủ. Nhưng phản đối chẳng đành khi hắn đã dừng ngay cửa. Hắn vội vàng dẫn anh và tôi vào bếp, cời lửa, rút rơm ở đống ôm vào rải xuống nền đất, lấy manh chiếu rách trải lên.
- Bác với em nằm tạm, lạnh quá thì cời đống dấm ra cho ấm.

Sáng ra tay đạp xích lô mời anh và tôi lên nhà để vợ hắn xuống luộc khoai và đun nước nóng hãm nụ vối.
*
*    *
Khi đã chán Hải Dương anh bàn với tôi đi Cao Bằng, đất địa linh nhân kiệt. Tôi đồng ý. Anh bảo không có tiền. Tôi nói tôi còn cái lắc vàng, hồi môn của mẹ tôi để lại mà mấy hôm trước ông nội đưa. Anh ừ. Tôi bảo thêm anh đừng hút thuốc phiện nữa, nghiện rồi khổ. Anh nói tôi yên tâm vì có cách hút để không nghiện. Tôi tin anh.

Về Hà Nội tôi bán lắc vàng năm chỉ lấy lộ phí đi Cao Bằng. Chúng tôi chỉ chơi ở tỉnh lị hai ngày sau đó thuê xe ngựa xuyên đường mòn đi về biên giới. Dừng chân một trấn nhỏ sát biên, anh Quảng dò ra một chú khách rất mê cờ tướng. Anh bảo tôi.
- Kiếm tiền đi buôn. Nghèo quá chả làm nên cái bộ dạng gì đâu.

Hai chúng tôi đến nhà chú khách được nuôi ăn ba bữa chỉ để chơi cờ. Chú khách mê mẩn cờ tướng đến mức quên ăn quên ngủ, càng chơi càng thua. Chú quyết giữ chân chúng tôi để mong kiếm một bàn thắng. Nhưng cuối cùng vẫn thua trắng. Bởi chú khách không thiếu tiền nhưng sức khỏe thì mòn mỏi rồi. Một ông già sáu mươi sao đọ được với gã trai mười tám như tôi. Từ nhà chú khách ra, anh Quảng phải mua thêm chiếc túi cói để đựng tiền.

Trở lại tỉnh lị Cao Bằng anh Quảng bàn:
- Mua hai cỗ xe ngựa đem về xuôi bán, anh em ta đi lại cũng đỡ khó khăn.
Tôi nghe anh răm rắp. Anh một xe, tôi một xe rong ruổi về xuôi. Chúng tôi mải miết đi theo đường mòn có những đoạn xuyên ngang rừng, gặp thảm cỏ xanh rì, đan xen vệt sáng lung linh của nắng lọt qua tán lá nhảy nhót trên mặt đất; gặp tiếng chim bắt nhịp nhau véo von từng chặp, từng chặp... Gặp khoảng trống giữa rừng, nắng đổ xuống chan chứa, anh Quảng dừng xe, đứng thẳng trên thùng đọc:
Hỡi con sóng ai bắt ngươi đứng lại
Ai đã ngăn cơn thác đổ ầm ầm
Ai đã bắt cả dòng sông vĩ đại
Thành ao tù nước đứng lặng quanh năm?
Chiếc gậy thần trong tay ai chi phối
Hại đời tôi giết hi vọng vui buồn
Và đã biến một tâm hồn sôi nổi
Thành biếng lười ngái ngủ lệ sầu tuôn..
.(3)

Nhưng nắng đang rạng rỡ bỗng tắt ngúm, gương mặt của anh nhăn rúm. Tôi sợ hãi ngoảnh đi nơi khác, tôi không muốn nhìn gương mặt đó của anh. Dường như nó sắp vỡ vụn ra.

 
nguyen dang phu a quang
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

- Nó vẫn mắc ở đây, ở đây… Nó chưa cất được thành vần điệu. Nó khiến anh đau đớn khốn khổ.
Hai tay anh bóp chặt ngực trái.
Mắt anh long lên, quất roi vun vút vào lưng ngựa.
Con ngựa tội nghiệp cuống cuồng tung vó lao khỏi khoảng trống u sầu.

Về Hà Nội chúng tôi bán hai cỗ xe ngựa. Số tiền của chúng tôi tăng lên thành hai túi cói. Anh Quảng đưa tôi vào tiệm vàng chuộc lại chiếc lắc của mẹ, dặn cất kĩ mai kia tặng cho vợ. Mà lấy vợ phải lấy người vô tư chất phác hồn nhiên giản dị. Lấy được người như thế thì mới mong có một gia đình yên ấm. Giờ chúng ta đi chu du tiếp.

Chúng tôi ngược lên Hòa Bình rong ruổi hết bản Mường này sang bản Mường khác. Tắm suối, tắm sông, ăn chán chê cá sông Đà thì anh bảo đóng bè vầu luồng nứa về xuôi.
Anh thuê người vào rừng chặt cây, đóng một cái bè dài gần cây số.
Thuê thêm một đội chống bè.
Khi bè sắp đi thì bỗng đâu có hai mươi cô gái trẻ ào xuống.
- Ông chủ ơi, xin ông rủ lòng thương cho chị em chúng tôi đi nhờ về xuôi.
Quần áo họ rách rưới thảm thương, khuôn mặt nhầu nhĩ. Anh Quảng đứng chắn ở đầu bè rồi nhìn trân trân vào mặt từng cô. Anh thở dài không nói gì. Họ xum xúp tìm chỗ ngồi.

Kế hoạch thay đổi. Thay vì chỉ ngồi bè xuống Chợ Bờ rồi hai anh em lên bờ theo đường bộ về nhà thì anh Quảng quyết định sẽ theo bè về xuôi. Bè không cập Bến Nứa - Hà Nội, mà đi thẳng về quê anh.
Một tháng chúng tôi lênh đênh sông nước, ăn uống ngủ nghỉ ngay trên bè. Mỗi lần lên bờ anh Quảng dẫn theo hai phu chống bè để đội đồ ăn. Nấu ăn cho gần ba mươi người đâu phải chuyện chơi. Hai mươi cô gái được ăn no, uống đủ, tâm tình thoải mái đã thắm da đỏ thịt. Họ bắt đầu rúc rích cười nói. Họ nói với anh Quảng:
- Chúng em là công nhân lâm trường, khổ quá nên trốn về nhà.
Anh Quảng lặng ngắt không nói gì.

Có đêm trăng sáng, ánh trăng rải bạc lấp lóa mặt sông, gió nồng nàn cuộn. Mọi người trên bè đều xáo trộn trong lòng không ai ngủ được. Bè dài nên mỗi người có thể chọn một chốn riêng tư mà không làm phiền ai. Anh Quảng ngồi ở đuôi bè trầm ngâm hút thuốc. Cô gái xinh đẹp, táo tợn nhất trong bọn xán lại gần ôm ngang lưng anh, thủ thỉ:
- Em muốn trả công anh đã cưu mang chúng em.
Anh Quảng không ngoảnh mặt lại giọng rít lên:
- Bỏ ngay tay ra. Sống tử tế là trả công tôi rồi.

Tôi đang rúc đầu trong mớ chăn chiếu nửa thức nửa ngủ, nghe tiếng bèn thò cổ ra. Cô gái buông anh Quảng, đứng dậy. Tôi rón rén đến bên anh:
- Anh buồn gì thế? Sao không đọc thơ đi?
- Thơ ca bất lực rồi. Đến Hà Nội nhóc lên bờ. Anh đưa bè về quê bán rồi mang tiền lên cho.
- Em không cần tiền.
- Sẽ cần đấy, tin anh đi. Mà từ giờ đừng theo anh nữa, anh vào ngõ cụt rồi. Nếu suôn sẻ mai này anh em mình sẽ tỉ thí thơ ca.
- Thơ ca là cái gì ? Nó có giống tiền không mà anh đau đáu thế?
- Thơ không phải là tiền, thơ không đổi chác được như tiền. Nhưng cả một núi tiền cũng không mua được thơ. Thơ là một con quái vật mà khi ta đam mê nó rồi nó sẽ hút hết tất thảy sinh lực khiến ta có thể chết vì nó. Thơ ca là gì ư? Là thứ mà không có vật chất nào trong vũ trụ này có thể tạo ra nó. Thơ ca là hoang tưởng và ảo giác. Nó tinh khiết như sương sớm, hoang hoải như ban trưa và mê đắm như chiều tà.
- Em thấy chẳng nên dính vào thơ làm gì.
- Mày lớn thật rồi.

Anh bật cười vang vọng cả khúc sông đêm.
Trước lúc lên bờ tôi còn cố học thuộc lời dặn của anh về con người.
Con người không thể là mặt trời, càng không thể là vũ trụ. Nhưng con người làm ra cảm xúc. Cảm xúc ấy là trời, đất, ánh sáng. Khi cảm xúc dâng tràn thì những vần thơ sẽ ra đời.
Đi đi, hãy ra với thế giới ngoài kia và sống thật đẹp vào.
Tôi lên bờ còn anh xuôi theo dòng sông về phía biển.
*
*    *
Tôi chờ anh Quảng quay lại rủ tôi đi chu du.
Tôi chờ mãi, chờ mãi…
Tôi quay về với hành trình cũ, sáng chín giờ dậy, tắm táp ăn vận chải chuốt, sang dãy phố chẵn ăn sáng rồi bắt tàu điện lên Bờ Hồ. Tôi tiếp tục chơi cờ ăn tiền. Đỉnh vinh quang trong nghiệp cờ của tôi là cuộc tỉ thí ở Văn Miếu. Tôi đã được xướng tên sau một ván cờ ba ngày ba đêm.

Ba ngày ba đêm tôi về lại ngôi nhà lạnh lẽo.
Ông nội mất lâu rồi. Không kịp chờ ngày tôi lấy vợ.
Tôi chưa lấy vợ vì còn chờ anh đến gặp tôi.
*
*    *
Năm tôi hai bảy thì anh đến tìm. Anh già nhiều, da sạm đen tiều tụy. Anh quẳng cho tôi cái túi, nói:
- Tiền của chú. Hãy ra với thế giới rộng lớn kia đi. Giờ không còn là nhóc nữa đâu…
- Anh không đi với em sao?
- Anh mệt rồi, muốn nghỉ ngơi. Khi nào quay về nhớ đến tìm anh. Đi đi.

Tôi làm đơn xin gia nhập tổ chức từ thiện nước F. Từ đây tôi đã đi qua nhiều làng mạc bị phá hủy bởi chiến tranh. Chịu sự nhức buốt, ám ảnh bởi đôi mắt tròn xoe trong veo của những em bé. Những vẫn thơ tự nhiên nảy mầm trong trí não tôi.
*
*    *
Ba bảy tuổi, trở về từ Lào, người đầu tiên trong số bạn bè tôi muốn đến thăm là anh Quảng. Tôi háo hức xếp vào ba lô tập vở nhỏ xinh, chiếc khăn trùm đầu, đôi găng tay và bốt da, những thứ cần thiết theo anh trong các chuyến lãng du. Tôi mường tượng trong đầu cảnh anh em gặp nhau, nụ cười và đôi mắt sáng của anh. Hai anh em lại lên kế hoạch rong ruổi...

Tôi đã xa anh chẵn chục năm chứ ít gì. Tôi huýt sáo vang ngõ nhỏ. Năm nay mùa xuân không có mưa phùn, không có cái nắng hao gầy uể oải. Tôi không bấm chuông mà gọi toáng lên:
- Anh ơi! Em đã về. Anh ơi!
Cửa mở toang. Không phải anh ở khuôn cửa mà là một người đàn bà.
Trong nhà, anh đón tôi trên ban thờ nghi ngút khói. Tôi chết lặng gào lên:
- Anh ơi… sao lại thế này? Em về rồi đây… em về rồi... anh…

Tôi buông ba lô, lao về phía ban thờ cầm di ảnh anh quật xuống nền nhà. Những mảnh thủy tinh sắc lạnh bắn tóe ra. Tôi vò những mảnh thủy tinh vỡ trong lòng bàn tay. Máu nhuộm đỏ nền đá. Tôi vò những kí ức xưa với anh, kí ức không tan đi mà đầy ứ lên…
Khi tôi tĩnh tâm lại người đàn bà đốt ba nén hương đưa tôi:
- Anh có ý đợi chú về... Nhưng không đợi được...

Tôi lập cập cắm, máu từ tay ri rỉ nhỏ giọt vào lòng bát hương. Tôi chắp tay trước ngực, nước mắt tứa ra. Tôi nói với anh trong nức nở, đứt quãng:
- Anh ơi... em đã làm thơ... Em mang chúng về... cho anh đây.
Tôi mở ba lô. Chai rượu mang cho anh đã vỡ, rượu thấm đẫm cuốn vở. Tôi để cuốn vở lên bàn thờ. Tôi ra khỏi nhà anh lúc nào không hay. Tôi đi thế nào không biết. Giật mình đã thấy mình ở Bờ Hồ. Tôi tìm chốn xưa. Thời gian vật đổi sao dời nhưng những người ham mê cờ tướng vẫn còn đây. Không ai trong số họ còn biết tôi, kể cả những người già đã sáu bảy mươi tuổi. Mười năm qua tôi không chơi cờ. Tôi đã thề với anh không chơi thêm một ván cờ nào nữa.

Tôi khệnh khạng kéo cục gạch ngồi xuống.
- Bố nào cao cờ nhất ở đây có dám tỉ thí với tôi một ván không?
Tất thảy đều ngẩng lên nhìn tôi rồi cúi xuống ngay.
- Sao? Không có bố nào muốn tỉ thí với tôi à? Đây, tôi chấp tất, một hai ba bốn năm… là mười ông, kể cả mấy ông chầu rìa. Thắng, tất cả số tiền này là của các ông.
Tôi móc ví ném xấp tiền xuống đất.

Tất cả dừng lại, ông lão già nhất trong hội cất giọng nghiêm nghị:
- Chú ở đâu đến đây, chú có biết vừa nói gì không đấy?
- Bẩm cụ, có nhẽ cụ không biết cháu, nhưng cái không gian này nó biết cháu. Mười năm trước cháu ngồi nhẵn đít ở đây. Rồi cháu thề với một người không bao giờ đánh cờ ăn tiền nữa nhưng người ấy chết rồi, lời hứa cũng chết theo.
- Thì ra thế. Cất tiền đi, chúng tôi sẽ tỉ thí với chú. Cờ cao không chấp, cứ thẳng băng đấu trí. Tôi xin đấu với chú trước.
Tôi đấu cờ với tất cả cao thủ đất kinh thành chẵn ba ngày ba đêm mà chưa có ai hạ gục được tôi. Bước sang ngày thứ tư tôi không còn hứng. Tôi lảo đảo đứng dậy cáo từ. Hội cờ tất thảy đứng dậy chắp tay cung kính chào tôi. Tôi lao sang Hàng Giầy vào hàng phở V làm một bát tái gân. Ấm dạ rồi tôi ra bãi xe, nhằm hướng quê anh Quảng tôi đi.
*
*    *
Quê anh giờ khác xưa nhiều. Tôi tấp vào quán nước tơ hơ dưới gốc cây si gọi cốc trà xanh. Cô chủ quán đội nón lá trắng, quai vải diềm bâu, mắt nhìn xa xăm. Tôi bắt chuyện:
- Quê mình giờ khác quá. Mà cô ơi, nhà cụ Tốn gần đê quai chắn sóng còn ở đây không?
- Cụ mất rồi, cả ông con trai cũng đã kịp mất.

Cô chủ quán nói về anh Quảng. Tôi thẫn thờ đứng dậy. Tôi quay về không theo đường cũ. Tôi vòng qua Hải Phòng để về Hải Dương. Tôi đến Cẩm Giàng. Tôi định tìm đến nhà tay đạp xích lô năm xưa. Nhưng biết đâu mà tìm, mò kim đáy bể, đáy bể mò kim, sao có thể tìm ra thứ đã chìm trong đêm tối. Như lời của một bài thơ rơi đi… Đúng rồi, chắc chắn anh đã để lại những vần thơ.
Tôi về lại nhà anh. Cửa mở sẵn. Người đàn bà ngồi nép một góc. Di ảnh của anh đã được đặt ngay ngắn trên ban thờ.

- Chị biết chú sẽ quay lại. Anh gửi cho chú cái này, dặn phải đưa tận tay. Mà chú có muốn biết vì sao mãi anh Quảng không lên tìm chú không?
Tôi run rẩy đón gói giấy vuông vức, mở ra.
Những cuốn vở nhỏ và những con chữ kín trên mặt giấy.
- Ngày đấy, hai mươi đứa chúng tôi là tù nhân trốn trại. Chú không biết, chỉ mình anh Quảng biết thôi. Anh ấy có con mắt tinh đời. Chúng tôi không mắc tội tày đình gì. Chúng tôi cùng quê rủ nhau đi làm công nhân lâm trường, gian khổ quá lại rủ nhau bỏ về quê. Thế là bị bắt đi tù. Ở trong tù càng khốn khổ hơn nên lại cùng nhau bỏ trốn. Về đến quê đứa nào cũng được ngủ với bu mấy đêm rồi bị bắt lại. Anh Quảng cũng bị bắt. Ra tù chúng tôi cưới nhau.
- Tôi van chị, chị đừng kể nữa. Tôi đã biết anh ấy sống thế nào, chẳng cần biết thêm anh ấy chết ra sao…

Chị tiến lại ôm di ảnh anh, không nói gì nữa.
Tôi về nhà giở những cuốn vở của anh Quảng ra đọc. Trang đầu tiên, cuốn vở đầu tiên là những dòng sau:
Thơ tự do của một người quen tự do phóng khoáng
Không bến bờ, không có trạm nghỉ chân
Thoáng nghĩ ra là viết cóc cần
Nội dung, chủ đề, kết luận
Viết đi viết mãi viết dài vô tận
Những câu thơ không vần điệu ngang phè
Nếu bực mình bạn hãy cố mà nghe
Thơ như thế của một con người như thế.

 
Trại sáng tác Đà Nẵng, tháng 5/2018
Y.B
____
 
1, 2: Thơ Hàn Mặc Tử
3: Thơ Puskin