Thứ Tư, 08/04/2020 15:54

Bác Hồ - Nhà nghệ sỹ ngôn từ

Với người Việt Nam, ai sử dụng giỏi hình thức chơi chữ trong nghệ thuật ngôn từ được coi là người có khiếu ngôn ngữ... (HẢI NGUYÊN)

.HẢI NGUYÊN

 

Với người Việt Nam, ai sử dụng giỏi hình thức chơi chữ trong nghệ thuật ngôn từ được coi là người có khiếu ngôn ngữ. Với Bác Hồ, hơn thế, Bác sử dụng tài tình lối chơi chữ vào mục đích chính trị một cách rất nghệ thuật.

1.Chơi chữ đồng âm đồng nghĩa, đồng âm phản nghĩa

"Nói tóm lại, rồi đây chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1996- 2002, 12 tập, tập 11, tr.182. Các trích dẫn trong bài đều lấy từ bộ sách này).

"Đảo", từ Hán Việt có nghĩa là lật lại, "chúng sẽ đảo lẫn nhau", có nghĩa là chúng sẽ lật nhau, rồi "nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng" tức là nhân dân lại sẽ lật lại chúng. Cùng một nghĩa nhưng mang nội dung hoàn toàn khác nhau.

"Một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: trong cuộc vận động này, từ mỗi đồng chí bộ trưởng đến mỗi đồng chí công nhân và cán bộ đều có trách nhiệm "vận" thật mạnh và "động" thật mạnh, từ dưới lên và từ trên xuống; mỗi xí nghiệp phải làm cuộc vận động này cho thật sâu, thật tốt, thật bền bỉ. Như thế thì cuộc vận động này sẽ gây nên một khí thế cách mạng mới mẻ và sôi nổi, nó sẽ giúp chúng ta hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, làm đà tốt cho những kế hoạch dài hạn sau này" (Tập 11, tr.239). "Vận động" là một từ nhưng được Bác tách ra thành hai từ nhưng vẫn có nghĩa tương đương với từ ban đầu để nhấn mạnh.

"Taylo rồi chân cũng lo" (Tập 11, tr.287). Đây là cách chơi chữ chế nhạo, Taylo, M.D là nhà quân sự có tài của Mỹ, từng là Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu các lực lượng liên quân Mỹ, cố vấn quân sự cho Tổng thống Kennơđi… thế mà cái gì cũng phải lo cả, tay lo mà chân cũng lo. Bác Hồ đặt tên cho một bài báo: (Đại) bại tướng Vét mỡ lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ. Tên bài báo cũng là sự chơi chữ: đại tướng bị phát âm thành bại tướng. Bài viết có đoạn:

"Hãng AFP (11-6-1968) cho biết: huênh hoang như­ Vét mà khi lên đường rời Nam Việt Nam "nói chung là với tinh thần hoang mang bối rối". Sài Gòn thì run sợ, run sợ trước mỗi khi đêm tới, coi nh­ư những cơn ác mộng.

Suốt bốn năm Vét ở miền Nam, đối với đồng bào ta, hắn đã phạm những tội ác trời không dung, đất không tha; đối với nhân dân Mỹ, hắn cũng làm cho họ chết người, hại của rất nhiều.

Lần này Vét trở về Hoa Kỳ chắc hắn sẽ được những gia đình của 23.926 thanh niên Mỹ chết ở mặt trận và 146.363 thanh niên Mỹ bị thương hoan nghênh hắn bằng những tiếng chửi rủa lút mày lút mặt" (Tập 12, tr.360).

Tướng Oétmolen, U. bị phiên âm thành Vét, Vét mỡ lợn. Từ vị thế sang trọng (tướng) bị hạ xuống chốn tầm thường.

"Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết. Đoàn kết trên dưới, cán bộ và chiến sĩ, miền Nam và miền Bắc, trong và ngoài Đảng, quân đội và nhân dân, đoàn kết rộng rãi với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Các chú đều biết, trong kháng chiến ta gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều, nhưng nhờ đoàn kết mà ta đã thắng. Nay trong xây dựng hoà bình, ta cũng biết đoàn kết thì nhất định thành công. Không phải chỉ đoàn kết ngoài miệng mà phải thực sự, đoàn kết trong công tác, trong học tập" (Tập 8, tr.392).

"Làm thế nào cho lạc thêm vui?" (Tập 10, tr.525). Đó là cái tít của bài báo Bác nói về tình hình "dân Nghệ nhà choa" trồng lạc nhưng vì không tiết kiệm nên dẫn đến lãng phí. Chữ lạc trong tên bài báo vừa là lạc theo nghĩa đen, nghĩa thuần Việt nhưng cũng là nghĩa Hán Việt: lạc có nghĩa là vui. Một cách đặt tít báo dí dỏm!

"Trong trần ai, ai cũng ghét ai" (Tập 10, tr.253). Đây cũng là cái tít một bài báo, có ba chữ ai; trần ai, từ Hán Việt có nghĩa là cuộc đời nói chung, ai trong ai cũng… là đại từ chỉ người, còn ai trong… ghét ai là Aixenhao, Tổng thống Mỹ. Có thể dịch rõ nghĩa tên bài báo là: Trong cuộc đời này ai cũng ghét Aixenhao. Nếu thế thì không còn chất hài hước ngộ nghĩnh nữa.

"Việc "liên hoan, chè chén" tuy có giảm bớt so với trước nhưng vẫn còn phổ biến. Dân phải đóng tiền để cho cán bộ ăn mà mình không được ăn; như vậy tức là không giúp cho cán bộ "vạn thọ vô cương". Có nơi Bác tới thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng để "chiêu đãi Hồ Chủ tịch"; thế là họ "ăn" cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa… (Tập 12, tr.421). Cũng là một chữ ăn, động từ, nhưng dùng theo hai nghĩa khác nhau, chữ ăn trong "không được ăn" theo nghĩa đen nhưng chữ ăn trong "họ "ăn" cả Hồ Chủ tịch" phải hiểu theo nghĩa bóng. Một cách gây cười vui vẻ mà có ý phê phán sâu: không thể mượn cớ một điều gì đó, một ai đó để làm việc có lợi cho mình.

2. Chơi chữ phản nghĩa, trái nghĩa

"Chữ "mỹ" nghĩa là tốt đẹp. Nhưng xã hội Mỹ thì không tốt đẹp chút nào. Chính các Tổng thống Mỹ đã phải thú nhận điều đó" (Tập 11, tr.277). Trái nghĩa với chữ Mỹ nghĩa là tốt đẹp là xấu, ở đây Bác không nói thẳng mà dùng lối phủ định, nói vòng: không tốt đẹp chút nào để mỉa mai.

"Thần Tự do" chỉ là một khối đá không tri giác. Trại tập trung thì lúc nhúc những người bị giam cầm. Đó là hình ảnh mỹ mà không đẹp" (Tập 10, tr.504). Lẽ ra tự do thì phải hoạt động, ở đây lại chỉ là một khối đá không tri giác, tức trái nghĩa, ngược nghĩa với "Thần Tự do". Thực chất của cái gọi là "Trại tập trung" thì đó là nơi giam giữ trá hình.

3. Chơi chữ bằng cách giải nghĩa

"Thực dân là ăn cướp dân", (Tập 6, tr.284). Thực, từ Hán Việt có nghĩa là ăn. Bác giải nghĩa từ thực dân theo nét nghĩa này: "Thực dân là ăn cướp dân". Một cách chơi chữ mà nói đúng được bản chất của đối tượng.

"Các nơi bắt đầu học tập chính sách phát động quần chúng, vì nó quan hệ đến quyền lợi của mọi người. Trong cuộc hội họp ở xã L., người đến tham gia rất đông, gái, trai, già, trẻ đều có. Anh B., cán bộ Nông hội, là một bần nông, giải thích chính sách như sau:

- Ai phát? - Cán bộ Đảng và Chính phủ phải phát.

- Ai động? - Nông dân lao động phải động.

- Ai là quần chúng? - Bần nông, cố nông, trung nông là quần chúng.

- Phát thế nào? - Phải đoàn kết và tổ chức nông dân, làm cho nông dân tự giác, tự nguyện đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi của mình.

- Động thế nào? - Phải theo thật đúng chính sách của Đảng, của Mặt trận, của Chính phủ mà đấu tranh, không rụt rè, lay động. Cũng không hấp tấp vội vàng.

- Đấu ai? - Đấu cường hào gian ác. Đấu Việt gian, phản động. Đấu những địa chủ không làm đúng chính sách ruộng đất của Chính phủ.

- Muốn phát động phải thế nào? - Phải chuẩn bị đầy đủ, tức là: Đại đa số nông dân đã yêu cầu; Nông hội đã tổ chức chặt chẽ; có đủ cán bộ để lãnh đạo; Trung ­ương đồng ý, mới được phát động.

- Phát động để làm gì? - Để thực hiện chính sách ruộng đất, đ­ưa quyền lợi kinh tế và chính trị lại cho nông dân, làm cho nông dân được giảm tô, giảm tức, có ruộng cày, được thật thà nắm chính quyền" (Tập 7, tr.75). Phát động vốn là một từ (Hán Việt) nhưng được Bác tách ra thành hai từ để giải thích trong một văn cảnh cụ thể cho đối tượng phần lớn là người nông dân còn ít học. Chúng tôi gọi cách này là sự giản dị hoá, cụ thể hoá các khái niệm nặng tính quan phương thường có ở các văn bản chính sách, chủ trương. Cách giải thích này vừa dễ hiểu vừa dí dỏm, dễ nhớ. Tương tự có ví dụ sau:

"Bây giờ nói đến tiền đồ. Tiền đồ là cái gì?

Ở đây chắc các cô, các chú (tôi không dám nói đến các cụ) muốn hiểu tiền đồ là gì? Tiền, là tiền bạc hay là gì? Tiền là trước, tức là đi đến trước. Các cô, các chú ai cũng thấy cái tàu. Tàu ta thì còn nhỏ không bằng các nước bạn, nhưng mà cũng là cái tàu. Thế thì các cô các chú mà duy vật một chút, biện chứng một chút ấy thì sẽ không nói đến cái tiền đồ và cứ lo đến cái tiền đồ như­ thế. Ví dụ nh­ư chiếc tàu trên có người, có máy móc, có hàng hoá này khác mà cả chiếc tàu ấy nổi thì tất cả những cái ấy nổi. Chiếc tàu ấy chạy chóng thì tất cả cái ấy: người, hàng hoá, máy móc, v.v. đều chạy chóng. Nói thế chắc các cô, các chú ch­ưa hiểu? Nghĩa là tiền đồ mỗi người đều nằm trong cái tiền đồ của dân tộc. Dân tộc mà tiến tới, dân tộc mà phát triển - dân tộc đây là ví dụ như­ chiếc tàu đấy - nếu chiếc tàu nó chạy mau thì tất cả cái gì trong chiếc tàu đó cũng chạy mau. Hiểu chư­a? Có hiểu không? Bây giờ có những người, hay các cô các chú nào muốn tách cái tiền đồ của mình ra khỏi chiếc tàu ấy là như­ các thuỷ thủ ở dưới tàu, có người muốn đi mau hơn chiếc tàu thì nhảy ra khỏi tàu rồi bơi. Thế có đúng không? Có được không? - Không được. Vì vậy muốn cho tiền đồ mình vẻ vang, mà nhất định tiền đồ mình vẻ vang, thì phải làm cho cái tiền đồ của dân tộc, làm cho cái tiền đồ của nước nhà vẻ vang. Tiền đồ của mỗi cá nhân mình là ở trong ấy. Các cô các chú hiểu ch­ưa? Thế thì bây giờ các cô các chú có lo cho tiền đồ của mình nữa không?" (Tập 8, tr.377, 378). Một cách giải nghĩa giản dị mà cũng không kém phần thâm thuý, ai cũng hiểu, hiểu nhờ sự trí tuệ, hóm hỉnh của Bác.

Ngay những ví dụ trên cũng cho thấy Bác Hồ - Nghệ sỹ ngôn từ tài năng.

H.N