Thứ Hai, 06/04/2020 09:47

Bác Hồ “sửa” thơ!

Xuất phát từ quan niệm: “Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen chê phải đúng mức... (NGUYỄN THANH TÚ)

 

.NGUYỄN THANH TÚ

 

Xuất phát từ quan niệm: “Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen chê phải đúng mức. Khen, nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục…Văn chương phải hùng hồn, tình cảm phải sâu sắc, lý lẽ cho đích xác…” (1), là một nhà văn nhà thơ lớn, một người có phong cách đời thường hài hước, dí dỏm, Bác Hồ có vài lần phê bình, sửa, chữa thơ cho đồng chí, bạn bè mình, qua đó để lại những bài học nghệ thuật rất đáng suy ngẫm. Xin kể lại đôi lần ấy, cũng là để thấy rõ hơn một trí tuệ kiệt xuất, một tâm hồn rộng mởthật tinh tế, bình dị, gần gũi, nhất là luôn cháy bỏng một tình thương yêu, trân trọng quý mến con người, một khát khao tha thiếtđồng bào mình được hạnh phúc.

Bác Hồ tiếp nhận thơ theo đặc trưng cơ bản của thể loại: thơ là tiếng nói của tình cảm. Điều này thể hiện qua một lần nói chuyện Người giải thích cái hay của Truyện Kiều: “Thể thơ Việt Nam, được dân ta ưa thích, phải kể có lục bát. Chú hãy xem, không người nào không nhớ một câu Kiều. Chú có rõ Kiều hay như thế nào không?...Chính vì, không ai đọc là không thấy tình cảm của mình ít nhiều trong đó, do đó, truyện Kiều hấp dẫn người đọc” (2).Không chỉ căn cứ vào đặc trưng nội dung, rộng hơn còn là vấn đề thể thơ được ưa thích, là tâm lý tiếp nhận của đông đảo quần chúng.“Không ai đọc là không thấy tình cảm của mình ít nhiều trong đó”. Đây là lối tiếp nhận hiện đại đề cao vai trò bạn đọc, cũng là một quy luật vận động của tác phẩm nghệ thuật kinh điển: phải có tư tưởng lớn, phải mang ý nghĩa phổ quát là tiếng nói nhân sinh nói chung vừa phải sâu sắc nói được những nỗi riêng thầm kín của con người cá thể. Rất tiếc quan điểm rất cơ bản này chưa thấy có trong các giáo trình lý luận văn học ở các bậc Đại học, Cao đẳng!

Tháng 3-1930, tại nước Xiêm, cụ Tài Ngôn đọc cho Thầu Chín (Bác Hồ) câu thơ: “Cha ông đâu, sông núi nơi đâu? Đất lạ tháng ngày trơ mặt bạc/ Anh em hỡi, đồng bào ta hỡi! Thù chung non nước tạc lòng son”. Ý cụ Tài Ngôn là chê những người Việt kiều giàu có mà khi quyên góp chẳng được bao nhiêu (trơ mặt bạc) cho cách mạng. Thầu Chín nói ngay: “Chắc anh lại đả kích ông X chứ gì. Người ta chưa giác ngộ một phần cũng do ta chứ. Đã là đồng bào, đã mất nước thì ai cũng thẹn mặt cả. Nên đổi là “Đất lạ tháng ngày thẹn mặt”. Câu sau cũng nên đổi “Thù chung non nước ghi lòng” (3). Rõ ràng sự chữa này nâng tầm câu thơ có ý nghĩa khác hẳn, nhân ái, đoàn kết, bao dung. Không có sự tinh tế nghệ sỹ, không có tấm lòng yêu nước sẽ không có cách dùng từ như thế.

Trong hồi ký Vào núi gặp lãnh tụ kể chuyện một tác giả (là cán bộ) năm 1944 làm thơ, có câu: “Lửa thiêu củi mục ù ù cháy” có ý ví lửa như đoàn thể Việt Minh, nhân dân đang u mê như củi mục nhưng gặp lửa vẫn cứ cháy...”. Nghe xong Bác cười: “Hay đấy, nhưng không được ví dân như củi mục. Nhân dân ta có nhiều người tài giỏi gấp trăm nghìn lần chúng ta, nên sửa lại...” (4). Chỉ một câu nói ngắn mà chứa bao ý nghĩa: yêu thương, kính trọng nhân dân; năng lực phát hiện vấn đề nhanh nhạy, sắc sảo.

Tác giả Đặng Minh Phương kể Bác Hồ sửa thơ ông Phạm Khắc Hòe: “Đêm 4-9-1947, trong khi trò chuyện, Bác Hồ nhìn ra cảnh rừng nói với ông Phạm Khắc Hòe: “Gió mát, trăng thanh, trời xanh, rừng lặng, cảnh nên thơ lắm! Chú có cao hứng thì tức cảnh ngay một bài. Nếu không thì đọc vài bài cũ cũng được”. “Thưa Bác, cháu xin đọc một bài cháu vừa làm trên đường lên đây. Đầu đề là Đường tự do:“Biết bao ngày đợi với chờ mong/ Giặc Pháp, từ nay thoát khỏi vòng/ Chào đón trên đường hương lúa mới/ Tiễn đưa dưới nước ánh trăng vàng/ Gió đền Hùng thổi căng lồng ngực/ Mắt Bác Hồ soi sáng cõi lòng/ Đường tự do con đường đẹp nhất/ Trường kỳ kháng chiến ắt thành công!”.Nghe đọc xong, Bác Hồ nói ngay: “Khá đấy, ý tốt nhưng lời thì hai câu thứ năm và thứ sáu hơi gò”. Bác hỏi tiếp: “Khi bị kẹt trong vùng địch chú có làm thơ không?”.“Dạ thưa Bác, có, cháu xin đọc bài Câu cá gỗ: “Hỏa Lò Tây đến rước ông ra/ Hỏi dẫn đi đâu chẳng biết mà/ Cất cánh Gia Lâm trời đất cũ/ Đặt chân Sơn Nhất nước non nhà/ Vai tù muốn đổi ra vai tướng/ Chước quỷ không thành lại chước ma/ Ba tháng công toi câu cá gỗ/ Hồ Gươm Tây lại thả ông ra”. Ông vừa dứt lời thì Bác cười và nói: “Mình thích bài này hơn bài trước nhiều, nhưng phải sửa một chữ”.Ông hỏi cần sửa chữ gì, Bác nói phải để “tác giả” tự sửa chứ. Qua một đêm mà ông chưa nghĩ ra, đành phải hỏi Bác: “Câu cuối cùng phải thay thế chữ “ông” bằng chữ “tau” thì mới đúng là câu cá gỗ” (5). Trở lại với bài thơ đầu chúng ta dễ thấy Bác nhận xét câu 5 và 6:Gió đền Hùng thổi căng lồng ngực/ Mắt Bác Hồ soi sáng cõi lòng “hơi gò” là chính xác vì sáo, khoa trương, ý tứ lộ, nhất là ca ngợi Bác với hình tượng “mắt” cụ thể không phù hợp với hai chữ “cõi lòng” trừu tượng thành ra ý tốt mà thô vụng. Còn bài thơ sau thì quả là phải là dân “cá gỗ” thì mới dùng đúng chữ “tau” ngộ nghĩnh, đầy cá tính!

Thời kỳ ở Việt Bắc, một hôm thấy anh Bình (cán bộ giúp việc) ngồi viết, Bác hỏi: “Chú viết gì?”. “Thưa Bác, cháu đang làm thơ tả về túp lều tranh”. Bác bảo anh Bình đọc:“Một túp lều tranh vách đá rêu/ Trên dòng khe nhỏ nước vui reo/ Nắng xuyên cành lá tung hoa nắng/ Cây ngập sườn non lấp lối vào/ Chim hót trong rừng cây bát ngát/ Gió lùa cùng những đoá hoa reo”. Nghe xong Bác hỏi về hai câu kết. Anh Bình nói: “Thưa Bác, khó quá, cháu chưa nghĩ được”. Bác nói: “Vậy chú ghi tiếp vào: “Vì chưng công việc còn bề bộn/ Đâu dám nghêu ngao sớm lại chiều” (6). Như vậy Bác đã đưa hình ảnh con người vào thơ, vì 6 câu trên mới chỉ là hình ảnh Việt Bắc: túp lều, vách đá, cành lá, nắng, cây, sườn núi, rừng cây, chim, hoa...Phần trước bài thơ mới là cảnh, có hai câu sau mới thêm tình. Nhưng cũng là một cách gián tiếp nhắc nhở nhiều người (có cả anh Bình) là trong lúc tập trung kháng chiến thì không nên “nghêu ngao” thơ phú nhiều!

Những năm miền Bắc mới giải phóng, một lần nghệ sỹ Vũ Thị Tý hát thơ cho Bác nghe. Chị hát vở kịch thơVẹn cả đôi đường(tác giả Xuân Bình), có đoạn: “Yêu anh mũ cứng sao vàng/ Ngày đêm giữ vẹn xóm làng yên vui!”. Nghe xong Bác cười nói: “Bộ đội có mũ cứng mũ mềm, nay lại có cả mũ kêpi nữa, sao lại chỉ yêu anh mũ cứng. Bác sửa lại thế này có được không: “Yêu anh mũ đính sao vàng”.Bác chỉ thay chữ “cứng” (tính từ) thành “đính” (động từ) làm ý thơ mới, sinh động hơn hẳn. Tới đoạn hát ru con: “Mẹ no thóc gạo, con no sữa đầy...”. Bác lại bảo: “Để Bác chữa thế này cháu có hát được không:“Mẹ no thóc đủ, con no sữa đầy...”(7). Đúng là dùng “thóc gạo” cụ thể quá thành kể lể, vả lại thócgạotương đồng, đẳng lập về nghĩa. “Thóc đủ” còn nói thêm được cái ý về cuộc sống đã ấm no, đầy đủ hơn, do vậy ý thơ lạc quan hơn.

Nhà thơ Tiêu Tam (Trung Quốc) kể, ngày 1-6-1960 ông được mời đến gặp Bác Hồ. Nhà thơ khoe mới làm được bài thơ Phú vịnh Hạ Long. Khi Tiêu Tam hỏi ý kiến Cụ, Cụ Hồ đã chữa câu “Thủy liên thủy/ Thủy liên sơn” thành “Sơn liên thủy/ Thủy liên sơn”. Tiêu Tam chữa tiếp thành “Thủy liên thiên”. Cụ Hồ vui vẻ khen “Hay!”. Cuối cùng thành bản chính thức: “Sơn liên thủy/ Thủy liên thiên/ Sơn thủy thiên địa đại đoàn viên” (8). Đúng là chữa “Thủy liên thủy” thành “Sơn liên thủy” thì không gian hình ảnh thơ được mở rộng hơn (cũng đúng hơn với thực tế phong cảnh Vịnh Hạ Long), tình thơ lai láng hơn, ý thơ sâu sắc hơn. Đúng với đặc trưng thơ cổ phương Đông câu thơ ngắn gọn, hàm súc, tả ít gợi nhiều, rất mực trong sáng, thanh thoát, nhất là ý thơ nói về sự “đại đoàn viên” của thiên nhiên cũng là của lòng người. Người viết bài này xin phép được dịch nghĩa: Núi liền nước/ Nước liền trời/ Núi biển đất trời đại đoàn viên.

Qua mấy ví dụ trên cho thấy Bác Hồ chú ý đến sự phát huy một cách cao nhất nghĩa trong từng chữ một để hình tượng thơ của bài đạt mứckhái quát cao nhất. Rất cụ thể, chi tiết, tinh tế mà cũng rất bao quát, vĩ mô, rộng thoáng. Đó cũng là biểu hiện một tài năng nghệ thuật, một tâm hồn nghệ sỹ!

N.T.T

------------

(1). Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 304.

(2). Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 189.

(3). T.S Nguyễn Văn Khoan, T.S Mạc Văn Trọng - Bác Hồ dạy chúng ta nói và viết. Nxb Công an Nhân dân, 2004, tr 152.

(4). Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 224.

(5). Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 569.

(6). Nhiều tác giả- Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr 167.

(7).Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990, tr 88, 91.

(8). Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012, tr 103.