Thứ Hai, 14/12/2020 06:26

Bài học vỡ lòng sinh tử

Tôi và anh Đệ, cậu Sáng được biên chế về b2 - trung đội chủ công của Đại đội 9 chốt ở Tà Nốt. Chúng tôi theo giao thông hào mà đi... (PHAN CÔNG VƯỢNG)

. PHAN CÔNG VƯỢNG

Mấy chục năm đã qua nhưng tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên lên chốt.

Tôi và anh Đệ, cậu Sáng được biên chế về b2 - trung đội chủ công của Đại đội 9 chốt ở Tà Nốt. Chúng tôi theo giao thông hào mà đi. Anh Đệ, cậu Sáng được giao chốt ở hầm cách tôi không xa. Thay vào ví trí trước đó hai đồng chí đã hi sinh. Còn tôi, được về chiến đấu cùng hầm với Trung đội trưởng. Tôi cảm thấy mình may mắn hơn mọi người vì bên cạnh là một chỉ huy giàu kinh nghiệm và dạn dày trong chiến đấu, là lính từ năm 1974.

Tôi đưa mắt nhìn khắp trận địa. Trên giao thông hào, cây cối chỏng chơ. Thân cây nào cũng bị mảnh pháo, đạn thẳng bắn toe toét, vài cây to bị phạt ngang gãy gục. Mặt đất đầy rẫy hố đạn pháo. Trời nóng như rang. Tiếng rít của B40, 12li 7, 12li 8 làm cho đám lính trẻ chúng tôi giật mình thon thót. Khói bụi mù mịt. Không khí sặc sụa mùi thuốc súng.

Minh họa: Đỗ Dũng

Hầm chữ A của tôi nửa chìm nửa nổi, có hai cửa: một từ phía sau, một thông ra phía trước tiền tiêu, đủ chỗ cho hai người ngồi bắn.

Thấy có thêm lính mới, Trung đội trưởng vui lắm. Anh bắt tay tôi và nói: “Thế là ổn rồi”.

Tôi giới thiệu về mình và mời anh ăn cơm nắm. Hai anh em ăn hết hai nắm cơm và uống gần hết một bi đông nước.

“Lễ nhập môn”, lễ nhập hầm của lính chiến chúng tôi chỉ có thế.

Anh đưa tôi ra cửa hầm chiến đấu chỉ tay về phía trước mặt, giảng giải: Phía này, cách mép hầm khoảng bảy tám chục mét, có một hố bom lớn. Bên kia hố bom là địch đấy. Bọn Pol Pot thường xuống hố bom đó lấy nước. Nếu phát hiện địch, cậu phải bò lên miệng hầm mà tung lựu đạn. Bắn súng không hiệu quả đâu. Cách cửa hầm khoảng sáu bảy chục mét là bãi mìn dày đặc của ta. Nếu có đi vệ sinh thì phải tránh phạm vi đó. Bên phải hố bom là hướng địch nhiều lần mò vào tập kích. Hướng này không lo lắm, vì bên phải ta còn một chốt nữa. Nếu địch lên hướng đó đã có trung đội bạn đảm trách. Ta phải hiệp đồng tác chiến cho tốt. Nếu bạn không phát hiện được địch mà ta cũng lơ là thì coi như tiêu.

Trong khi anh giảng giải thì bên kia hố bom, địch hô vang cả khu rừng. Sau đó, tiếng pháo, cối 60, M79, AK nổ đinh tai. Tôi lo lắng tưởng địch tấn công. Anh trấn an: “Kệ nó. Nó bắn súng chào đón và mời cậu ăn cơm trưa đấy”.

Anh hướng dẫn cho tôi cách đoán từng loại pháo của địch qua âm thanh và “thực hành” nhận biết qua từng tiếng nổ một để xử lí kịp thời.

Tôi thán phục, thầm cảm ơn anh và đỡ hồi hộp hơn.

Hết ca gác, tôi vào lôi ba lô, mở túi cóc lấy cơm ra ăn. Trời, cái gì thế này. Trên tay tôi đâu phải cục cơm nắm anh nuôi đã đưa cho, mà là một cục đất. Thì ra, sau mỗi tiếng pháo nổ, mặt đất rung lên. Đất cát trên hầm rơi rào rào. Rất nhiều đất rơi vào cóc ba lô, phủ lên nắm cơm của tôi. Cầm cục cơm mà tôi cười như mếu. Thấy thương, Trung đội trưởng vào mở hòm gỗ (trước dùng để đựng đạn AK), lấy ra một nắm cơm trắng tinh đưa cho tôi. Anh cười, còn tôi đỏ mặt ấp úng cảm ơn.

Tôi tìm bình tông để uống. Nhưng chiếc nào cũng nằm chỏng chơ, khô khốc.

Tôi chui vào hầm, gối đầu lên ba lô nằm dài vì mệt mỏi. Tôi bắt đầu thấy khát nước và thèm thuốc lào. Suốt đêm qua tới giờ chưa hề ngủ nên dù đạn pháo nổ ầm ầm tôi vẫn ngủ say sưa. Trung đội trưởng đánh thức tôi dậy khi không còn ánh nắng. Anh nói: “Trời, cậu ngáy ghê quá”. Tôi cười ngượng nghịu.

Tối, liên lạc lên thông báo lệnh của ban chỉ huy cho bộ đội dọn dẹp giao thông hào, tu sửa hầm hố, kiểm tra súng đạn, chuẩn bị cho một ngày chiến đấu mới. Liên lạc cũng thông báo thêm, hiện nay đại đội đã bị địch bao vây bốn phía. Không tiếp tế được cơm nước. Chiều nay, đại đội đã tổ chức một tiểu đội đánh thông đường, nhưng địch quá đông nên đã bị đánh bật trở lại. Đại đội lệnh: Phải cầm chắc tay súng.

Đêm đầu tiên trên chốt trôi qua khá suôn sẻ. Không có gì đặc biệt.

Ngày thứ hai, sáng, địch tấn công dữ dội cả bốn hướng. Cả C9 chúng tôi như nằm giữa cái cối giã giò. Hầm chữ A của tôi lung lay như đưa võng. Đạn B40, B41, M79, pháo các loại nổ như ngô rang. Tiếng hô “xung phong” của lính Pol Pot vang dậy. Trung đội trưởng lệnh cho tôi chú ý hướng hố bom. Ngay lúc đó, tôi thấy thoáng bóng một tên áo đen nên hét to: “Địch!”.

Trung đội trưởng đưa RPĐ bảo tôi quét đi. Tôi đón súng, siết cò. Súng nổ một dây thì tắc. Tôi trao súng cho anh sửa, vội cầm lấy khẩu AK của mình, quỳ xuống mép cửa hầm ngắm vào một gốc cây nghi có địch. Được mấy viên thì cũng tịt nốt. Anh gắt, những lúc không có địch thì phải nhớ lau chùi súng, không để cát rơi vào chứ! Thế này thì có mà chết cả nút! Tôi đang lóng ngóng kéo quy lát để lấy vỏ đạn ra thì nghe anh hét:

“Pốt kìa, một thằng nữa!”.

Nhìn theo tay anh chỉ, tôi thấy một thằng địch đen sì đi chân đất đang lò dò xuống hố bom. Anh gạt tôi ra, bò lên miệng hầm, đứng thẳng người tung quả lựu đạn về phía trước. Ném xong anh nhảy ngay xuống cửa hầm. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Nước, bùn, đất bắn lên tung tóe.

Anh ra hiệu cho tôi:

“Ném đi. Ném đ…i…đi…”.

Tôi loay hoay tháo lựu đạn ra khỏi thắt lưng nhưng không được (vì khi hành quân tôi đã buộc chặt mỏ vịt lại). Chợt thấy trên miệng hầm có ba quả lựu đạn đặt giăng giăng. Tôi chộp lấy một quả. Lượng sức mình không ném tới hố bom, tôi đánh liều nhảy lên miệng hầm, bò thêm một đoạn nữa mới ném.

Một tiếng nổ “ầm”.

Cao hứng, tôi nâng AK nhằm phía vừa có tiếng địch xung phong bóp cò. Sau loạt súng vụng về của anh tân binh, hầm tôi hứng trọn một chầu đạn đủ các loại. Từ bên kia hố bom, súng AK bắn xối xả về phía chúng tôi. Rồi cối 60, M79 cấp tập nã vào. Đã mấy lần Trung đội trưởng đè đầu tôi xuống để tránh đạn, nhưng lần này thì chậm mất rồi. Tôi thấy trán mình ươn ướt. Tôi đưa tay lên sờ, rồi giơ ra trước mặt. Máu. Rất may, mảnh đạn M79 chỉ nhỏ bằng nửa hạt ngô, xuyên qua mũ cối thủng da đầu. Tôi thấy mệt mỏi và rất khát nước. Từ trưa qua đến giờ tôi mới ăn nửa nắm cơm và chưa uống hớp nước nào. Tôi không đói nhưng khát. Sau trận tập kích ấy, trên mặt đất lá rừng bén lửa cháy rầm rầm. Cả trận địa như nằm trong cái chảo lửa khổng lồ. Hầm tôi chẳng khác gì một lò lửa, đầy khói bụi và mùi thuốc súng nồng nặc.

Không thở được, tôi xách AK chạy ra giao thông hào. Ngoài đó cũng đang cháy. Tôi chạy sang hầm anh Đệ, thấy thằng Sáng mình cởi trần đang vùi trong cát. Nó bảo khát lắm. Tôi trở lại hầm lắc hết bi đông này đến bi đông khác, chiếc nào cũng khô khốc. Tôi bò ra cửa hầm phía trước, tìm thấy một chiếc bi đông nhựa. Lắc lắc, nghe tiếng nước lách sách, mừng quá. Tôi luống cuống mở nắp, tu ngay một ngụm nhưng vội nhổ nó ra ngay, vứt bi đông vào góc hầm… Bắt gặp ánh mắt của Trung đội trưởng nhìn tôi cười.

“Nước đái đấy. Uống đi”.

Tôi hoảng hốt:

“Uống nước đái?”.

“Không uống thì cứ ở đấy mà chịu khát! Tôi phải tè vào đấy để dành uống dần, sợ đến lúc còn không có nước đái nữa mà uống ấy!”.

Tôi chui tọt vào hầm chẳng đáp lời anh.

Cái lẽ thường tình, cái gì mà ta cố quên nó đi thì nó lại quay trở lại tấn công ta. Cơn khát cháy cổ, cháy họng mỗi lúc một dày vò tôi khiến người như có lửa đốt. Tôi bò ra ngoài, nhìn lên cây trám nhỏ bên miệng hầm, phát hiện thấy một quả trám, không biết xanh hay chín nhưng tôi nghĩ nếu hái được nó, ăn chắc đỡ khát lắm. Tôi định trèo lên nhưng sợ địch phát hiện “tỉa” nên thôi. Cuối cùng tôi tính liều lấy AK bắn vào cuống cho nó rụng. Nghĩ là làm, tôi đưa súng lên làm liền hai viên.

Nghe tiếng nổ, Trung đội trưởng vọt dậy ngay. “Pol Pot à?” Tôi bảo không. “Vậy sao cậu lại bắn?” Tôi im lặng. Anh mắng: “Cậu muốn bắn lắm à. Muốn chết hả!”.

Sau này nghĩ lại tôi thấy buồn cười, một tên tân binh vừa mới học được mấy bài bắn súng cơ bản lại đòi bắn một quả trám bằng ngón tay cách mình những năm mét, giá có bắn trúng thì quả trám ấy cũng nát bét còn gì nữa mà ăn. Còn lúc đó tôi chỉ biết len lén nhìn trộm Trung đội trưởng rồi lấy bi đông của mình ra, nép vào góc chiến hào vạch quần và són vào đó rồi nhắm mắt nhắm mũi chạm lưỡi vào… Tôi không thể tả hết cái “hương vị” đặc trưng của nó. Thứ nước thải trong cơ thể sau hơn một ngày chiến đấu mà không được bổ sung nên nó đặc lắm! Khai không tài nào chịu nổi. Nhưng muốn khỏi khát thì phải uống. Uống nhiều lần mỗi lần một chút nó cũng quen dần, không còn khai như lúc đầu nữa.

Màn đêm buông xuống, tiếng súng thưa thớt dần. Mặt trận khá yên tĩnh. Một lúc sau, liên lạc chạy lên thông báo. Đường vẫn chưa thông. Cơm nước vẫn chưa tiếp tế được. Đại đội chỉ thị tu sửa hầm hố, kiểm tra đạn dược. Ngày mai có thể địch sẽ tấn công ác liệt hơn. Tôi hỏi cậu liên lạc, ở dưới ấy có thuốc và diêm không. Nghe trả lời có, tôi xin theo xuống hầm đại đội. Cậu liên lạc cho tôi một điếu thuốc rê và bao diêm. Tôi ra ngay mép chiến hào châm lửa. Anh em xung quanh mắng tôi một trận. Mắng cũng chẳng sợ. Thèm quá, phải hút cái đã. Tôi chui vào một cái hầm bò, kéo một hơi rõ dài, phả khói mù mịt. Tiếng ho sặc sụa của một ai đó trong căn hầm vang lên. Liên lạc chạy lại kéo áo, lôi tôi ra. “Này biết đây là đâu không? Hầm thương binh đấy, toàn là bọn bị sức ép cả, thở không được. Sao cậu lại hút thuốc!?”.

Tôi dụi điếu thuốc, định quay về thì nghe trong hầm có tiếng nói thều thào yếu ớt vọng ra:

“Vượng đấy phải không? Đồng đây…”.

Tôi bò nhanh vào nơi vừa phát ra tiếng gọi.

“Trần Đồng hả. Mày bị thương ở đâu?”.

Tôi đưa tay sờ nắn và run run khi chạm vào cục băng to tướng tròn trịa ở đầu gối nó. Tôi giật mình khi nhận ra chân phải của bạn không còn nữa…

Tôi không khóc nhưng thương bạn vô cùng.

Khoảng 9 giờ đêm, khi tôi đang ngồi gác thì Trung đội trưởng gọi tôi ra ngoài giao thông hào đưa cho một bát nước. Tôi sung sướng vô cùng, tu một hơi hết nửa, tôi có cảm giác tanh nham nhám, nhầy nhầy ở trong miệng. Thì ra nói là nước nhưng thực đó là một bát bùn loãng, đen ngòm. Tôi hỏi Trung đội trưởng lấy đâu ra thứ của quý này. Anh bảo, đêm qua, đại đội đào giếng trên chốt. Đây là nước múc lên từ cái giếng ấy đấy. Tôi cố gắng tu nốt nửa bát còn lại và xin thêm. Anh nói, hết rồi. Anh cũng được một bát như chú thôi.

Đêm mỗi lúc một khuya. Ngồi gác một mình giữa đêm trăng, tôi bỗng thấy nôn nao. Nhớ nhà. Nhớ mẹ. Nhớ đêm trước ngày nhập ngũ, mẹ đã thức trắng để chuẩn bị cho con trai lên đường. Quê nghèo chẳng có gì liên hoan, mẹ gọt mấy củ khoai lang non bỏ vào một ít gạo nếp đồ lên. Khi khoai chín, mẹ bưng ra bỏ thêm một nắm lá hành tăm nữa và xéo đi xéo lại nhiều lần cho thật nhuyễn. Bát cơm khoai xéo với gạo nếp và hành tăm vừa dẻo vừa thơm như còn phảng phất đâu đây quanh trận đánh đầu tiên này. Chốt tiền tiêu vắng lặng, sao mà thèm nghe âm thanh của cuộc sống hàng ngày đến thế. Thèm nghe một tiếng chim kêu, một tiếng gà. Thèm nghe tiếng nói sang sảng của cha, giọng ấm áp của mẹ, của chị, tiếng hát ngọt ngào của người bạn gái trong buổi sinh hoạt chi đoàn hôm nào, thèm một một bát cơm canh rau muống, một trái cà muối chua chấm với nước mắm cáy. Ôi! Trái cà giòn tan và dư vị ngọt ngào của nước mắm cáy như đang còn đọng lại nơi đầu môi chót lưỡi...

Kí ức về hương vị quê nhà làm dịu bớt cơn khát trong tôi.

Tôi lại nhớ đến em. Nhớ đêm trăng quê hương. Nhớ bờ kênh xanh xanh nơi đầu tiên hò hẹn. Nhớ rú Bạc thân yêu. Nhớ bãi cát đầu làng nơi tôi đã ngỏ lời yêu em. Đêm ấy sao mà đẹp thế. Ánh trăng như một dải lụa vàng lung linh trải dài trên bãi cát. Hai đứa ngồi trong im lặng. Sự im lặng như đang chờ đợi một điều trọng đại sắp xảy ra…

Ngày sắp sửa lên đường, em có tặng cho tôi một gói quà nhỏ. Trong đó có cuốn sổ tay ghi dòng chữ rất nắn nót “Lê Thành Công”. Giữa cuốn sổ nhỏ có kẹp hai chiếc khăn mùi soa rất đẹp và mấy chục tờ giấy pơ luya ướp nước hoa thơm phưng phức. Nhưng tôi đã gửi trả lại cho em. Không phải tôi không muốn giữ nó. Không phải tôi không muốn có em trong cuộc đời của mình. Nhưng quả thực, thời chiến chinh mấy người đi trở lại… nhỡ ra… Bom đạn không chừa một ai…

Giờ đây tôi vẫn tự lục vấn trái tim mình rằng tôi làm như vậy có đúng không, có làm em buồn không và có lỗi với mình không? Chỉ biết rằng, giá như còn chiếc khăn ấy ở đây thì tôi cũng nguôi ngoai bớt đi nỗi nhớ… Trên bầu trời, vầng trăng cuối tháng lặng lẽ trôi. Quả trám trên cây vẫn ngạo nghễ im lìm. Trong gió lẫn trong mùi khen khét của thuốc súng, tôi thấy như thoang thoảng mùi thơm món ăn mẹ nấu, mùi giấy pơ luya…

Đêm thứ hai trên chốt trôi qua bình yên. Ngày thứ ba thật yên tĩnh. Khoảng mười giờ đêm, liên lạc chạy lên thông báo:

“Rút quân! Đường đã thông. Bàn giao chốt cho đơn vị mới”.

Sau này chúng tôi được biết vào thế chân chúng tôi là Sư đoàn 31, một đơn vị mới thành lập. Chúng tôi thu xếp đồ đạc, súng ống, ba lô theo giao thông hào về sở chỉ huy. Tất cả đi trong im lặng. Ra đến đường lớn cả đại đội dạt vào hai bên đường ngồi nghỉ. Anh em vận tải mang nước và lương khô đến.

Lúc đó, cậu Tư Nghi Kiều, bạn thân nhất của tôi chạy lại ôm chầm lấy tôi, sờ nắn khắp người. Khi thấy đầu tôi quấn băng trắng, hắn cười. “Tao tưởng mày chết rồi cơ đấy”.

Nó đưa cho tôi một bình tông nước lạnh. Tôi tu một hơi gần hết. Uống xong tôi thấy người mệt lả và ngồi khụy xuống. Cậu Tư lấy cho tôi một bánh lương khô, tôi nhấm một chút rồi nằm lăn ra vệ cỏ kể chuyện đánh nhau.

Xe cứu thương đến. Tôi tạm biệt đồng đội D6 thân yêu. Tạm biệt chốt Tà Nốt.

Tôi ở chốt Tà Nốt chỉ có ba ngày ba đêm nên khuôn mặt của anh em lính cũ C9, tôi không biết ai, ngoại trừ Trung đội trưởng. Tôi chưa kịp hỏi tên, quê quán của anh, nhưng hình ảnh của anh đã in đậm trong trái tim tôi. Những bài giảng trên chốt của anh, tôi thấy không được nhắc đến trong bốn tháng huấn luyện ở Dục Mỹ, Phú Khánh. Sau này ra viện, tôi không trở lại C9, thành ra không gặp anh nữa. Tôi bỗng cảm thấy mình may mắn vì được gặp anh, được anh dạy những bài học vỡ lòng về sinh tử. Và tôi tự hỏi, những anh em tân binh nào may mắn được ở bên anh như tôi?

Viết đến đây tôi cảm thấy lòng nhẹ hơn, nhưng trong đầu vẫn còn một câu hỏi dai dẳng. Không biết qua cuộc chiến đấu khốc liệt và gian khổ ấy, anh còn hay mất?

P.C.V