Thứ Năm, 10/01/2019 15:27

"Bãi săn" của Nguyễn Đình Tú và sứ mệnh khơi dậy huyền sử Việt

Bãi săn  tác phẩm đánh dấu cú chuyển mình ngoạn mục từ địa hạt văn học truyền thống sang giải trí của Nguyễn Đình Tú (ĐOÀN MINH TÂM).

- Sự thật nào ẩn đằng sau truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên? Phải chăng có những người đích thực là hậu duệ của đệ nhất linh vật trong văn hóa tâm linh người Việt?

- Ngoài ghi chép chính sử, Đại Việt sử kí toàn thư ­- bộ quốc sử, di sản văn hóa vô giá của người Việt - phải chăng còn “lưu trữ” những huyền cơ tối mật liên quan đến “âm phần” của dân tộc? Vì sao các triều đại phong kiến Việt Nam lại tìm mọi cách che giấu huyền cơ đó trong suốt một thiên niên kỉ?

- Lĩnh Nam chích quái có đơn thuần là một tác phẩm văn học thành văn? Những trang sách của tiền nhân miêu tả về các loại quái vật mang ngụ ý sâu xa gì?

- Sông Tô Lịch, con sông mà Cao Biền yểm bùa trấn toàn cõi Nam không thành công, còn ẩn chứa trong mình những gì? Những biến thiên “thương hải tang điền” của cảnh vật liệu có làm dòng sông mất đi sự huyền bí, linh thiêng?

- Bãi săn là gì? Phường săn là gì? Vì sao mấy trăm năm qua súng vẫn nổ, máu vẫn rơi, người vẫn chết? Một nền hòa bình giữa muôn loài thật sự khó khăn đến vậy hay sao?

- Một chiếc xe gặp tai nạn thảm khốc trên cung đường vắng. Một tai nạn giao thông thông thường vốn phổ biến ở Việt Nam hay là một âm mưu ám sát được tính toán kĩ lưỡng? Sự thật nào đang bị che giấu sau cái chết của người đàn ông giàu có, thành đạt? Vợ, con anh ta liệu có được an toàn sau biến cố kinh hoàng ấy?

- Sự gặp gỡ giữa cô gái xinh đẹp, thông minh dòng dõi danh gia vọng tộc nhưng bị tật nguyền phải ngồi xe lăn và chàng hotboy con nhà nghèo là tình cờ hay sự an bài của số phận? Họ có cùng nắm tay nhau đi trọn con đường? Ngôi trường đại học họ theo học có đơn giản chỉ là một trường đại học danh giá nhất vùng?

Tất cả sẽ được Nguyễn Đình Tú giải đáp trong Bãi săn, tác phẩm đánh dấu cú chuyển mình ngoạn mục từ địa hạt văn học truyền thống sang giải trí của anh.

Bìa cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú

Một nền văn học mạnh, phát triển bền vững là một nền văn học hài hòa, cân đối giữa hai yếu tố hàn lâm và giải trí. Nước Anh có Shakespeare với kiệt tác Hamlet thì cũng có Conan Doyle với bộ truyện về thám tử Sherlock Holmes. Nước Mĩ ngoài Hemingway, Jack London… với Tiếng gọi nơi hoang dã, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai… thì cũng có Mario Gianluigi Puzo với Bố già, Dan Brown với Mật mã Da Vinci, Pháo đài số… Trung Quốc bên cạnh Lỗ Tấn, Mạc Ngôn, Lí Nhuệ, Giả Bình Ao… thì còn có hai đỉnh “Thái Sơn” Kim Dung và Cổ Long trong lĩnh vực tiểu thuyết kiếm hiệp kì tình. Trong một thời gian dài (từ 1945 cho đến nay), văn học Việt Nam đã phát triển phi đối xứng giữa hai địa hạt kể trên khi các nhà văn chỉ tập trung tìm kiếm Chiến tranh và hòa bình “phiên bản Việt” mà có phần sao nhãng, nhường “trận địa” giải trí cho văn học nước ngoài để những bậc tiền nhân như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Sơn Linh, Hoàng Ly... không khỏi có những ngậm ngùi nơi suối vàng vì người kế tục thưa vắng quá. Điều này thoạt nhìn bề ngoài thì đơn giản, không có gì nhưng thực ra lại có rất nhiều điều đáng lưu tâm. Đằng sau những tác phẩm giải trí của nước ngoài (ngoài văn học còn có điện ảnh, âm nhạc, truyền hình...) là gì? Đó là lịch sử, địa lí, phong tục, văn hóa, tư tưởng... của các quốc gia đó, những thứ tạo nên “quyền lực mềm”, thứ quyền lực vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay mà các “đại gia” trên thế giới muốn bao phủ ở càng nhiều quốc gia càng tốt nhằm tạo nên những “vùng ảnh hưởng”. Thế hệ trẻ Việt Nam thuộc sử Trung Hoa hơn sử Việt, thuộc tên ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc hơn danh nhân đất nước cũng chính bởi những tác phẩm giải trí, trong đó có văn học, như thế.

Rất may, có nhiều nhà văn ý thức được điều đó và Nguyễn Đình Tú là một trong số đấy. Bãi săn (phần I) ra đời phản ánh những cố gắng của anh trong việc tạo ra những tác phẩm giải trí lành mạnh, và quan trọng nhất là... thuần Việt. Bãi săn là bản “hòa âm, phối khí” giữa lịch sử, dã sử, đặc biệt là huyền sử, văn hóa - văn học dân gian của dân tộc (được Nguyễn Đình Tú nghiên cứu, chắt lọc ra những điều hấp dẫn nhất), lồng ghép trong một không gian hiện đại với cốt truyện “phá án” quen thuộc mà anh vốn có thế mạnh từ Hồ sơ một tử tù cho đến Phiên bản. Với những tác phẩm như Bãi săn, mong rằng trong tương lai, bên cạnh những hình tượng anh hùng, những thần tượng bên ngoài, người Việt (nhất là thế hệ trẻ) cũng sẽ “xuýt xoa”, “bàn tán” về những đại hiệp, những ngôi sao “cây nhà lá vườn” và cũng sẽ thuộc, yêu lịch sử, địa lí, văn hóa, phong tục, truyền thống của dân tộc.

Có lẽ đây là mục đích tối thượng mà Nguyễn Đình Tú nhắm đến trong cuộc “đi săn” mới của mình!

Sáng tác ra một tác phẩm hay chưa bao giờ là công việc dễ dàng với người cầm bút. Văn học giải trí cũng không ngoại lệ. Để tạo được những tác phẩm mang tính “kinh điển” đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ bạn đọc là một thử thách “khó nhằn” với bất cứ người viết nào. Mỗi nhà văn sẽ tìm ra cho mình một lối đi riêng. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, những nhà văn thành công ở thể loại này có điểm chung là đều tạo được “hệ sinh thái” hấp dẫn trong sáng tác của mình như Kim Dung với Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long kí, Cổ Long với Lục Tiểu Phụng truyền kì, Tiểu lí phi đao, Sở Lưu Hương truyền kì, Tiêu thập nhất lang, J. K. Rowling với Harry Potter... Với những gì Nguyễn Đình Tú trình làng trong Bãi săn, tôi cho rằng anh cũng có ý định như các bậc tiền bối đi trước. Một cái kết lửng lơ khi các nút thắt chưa được tháo gỡ hoàn toàn thêm vào đó là sự xuất hiện của nhân vật mới, hứa hẹn về những biến cố li kì, hấp dẫn hơn ở phần tiếp theo là cách dẫn dụ, kích thích bạn đọc đến với tác phẩm không thể tốt hơn.

Với một khởi đầu ở mức “chấp nhận được”, hi vọng Nguyễn Đình Tú sẽ thành công trong việc tạo nên một “bầu sinh quyển” Bãi săn của riêng mình và mở ra một trang mới cho tiểu thuyết trinh thám Việt.

ĐOÀN MINH TÂM