Thứ Sáu, 19/06/2020 13:40

Bản giao hưởng Bạch Đằng

Bao giờ cũng vậy, dù đi phà ngang sông hay xuôi thuyền dọc theo dòng Bạch Đằng thì tôi vẫn mường tượng rằng mình đang được nghe một bản trường ca hùng tráng.

.Bút kí. PHẠM HỌC

Bao giờ cũng vậy, dù đi phà ngang sông hay xuôi thuyền dọc theo dòng Bạch Đằng thì tôi vẫn mường tượng rằng mình đang được nghe một bản trường ca hùng tráng. Tôi tìm mãi xung quanh chẳng có ai chơi đàn, cũng không có thiết bị âm nhạc nào trên thuyền cả mà sao vẫn nghe văng vẳng bên tai...

 

Từ Vân Cừ đến Bạch Đằng

Nhận nước từ sông Giá và sông Đá Bạc, dòng Bạch Đằng chảy qua huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Nếu ví Bạch Đằng là một “bản giao hưởng của những hợp âm” thì nó có hai “đơn âm” chính là sông Chanh và sông Rút. Dòng chính dài cỡ chừng 20km, đổ ra cửa Nam Triệu, xưa gọi là cửa Bạch Đằng. Hai chi lưu là sông Chanh dài khoảng 18km, đổ ra ở cửa Lạch Huyện và chi lưu sông Rút (còn gọi là sông Nam) dài khoảng 16km, hợp với dòng chính đổ ra cửa Nam Triệu.

Dòng chảy mênh mông, sóng vỗ trắng xoá như mây nên người xưa gọi Bạch Đằng là sông Vân Cừ. Sóng nước Bạch Đằng đã reo thành bản nhạc trải dài suốt ngàn năm lịch sử. Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi từng mô tả: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”. Nếu nói như Phan Huy Chú thì “Sông Bạch Đằng là nơi có tiếng thứ nhất trong những chỗ xung yếu. Các đời phần nhiều lập nên chiến công ở chỗ này” Lịch triều hiến chương loại chí. Còn một số sử quan nhà Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí thì nhận xét rằng “Nước ta khống chế người Bắc, sông này là chỗ cổ họng”.

Người dân ở Quảng Yên xưa không thích gọi tên con sông là Vân Cừ theo lối chữ Hán xa lạ ấy. Bạch Đằng họ gọi là sông Rừng cùng với bến đò Rừng, giếng Rừng, chợ Rừng và sau này là bến phà Rừng nữa. Những địa danh này hiện vẫn còn ở thị xã Quảng Yên hôm nay. Tôi không hiểu tại sao các địa danh nơi này cứ phải gắn với chữ “Rừng”. Đem chuyện này hỏi những người già nhất sống ở bên bến sông các cụ đều giải thích rằng, xưa kia từ thời Nguyễn Trãi viết cho đến mãi sau này, phù sa của con sông dung dưỡng cho cây cối nên cây cối um tùm mọc thành rừng. Rừng lấp bờ chắn sóng bảo vệ làng mạc, rừng che cho binh lính phục kích giặc, rừng vây quân thù cho chúng không còn nhận ra đâu là bờ bãi để biết lối ra.

 

Dậy sóng

Ca dao vùng này cho thấy, người Quảng Yên yêu mến sông nhưng cũng sợ cái hiểm trở của con nước sông Rừng: Con ơi nhớ lấy lời cha/ Gió nồm, nước rặc (nước thuỷ triều chảy mạnh xuống - tác giả) chớ qua sông Rừng. Sông Rừng chảy theo hướng Bắc - Nam, lúc thủy triều lên mạnh dâng sóng cao, lại gặp gió mùa Đông Bắc thì sóng gió trái triều. Nếu người chèo có gối được sóng thì lại trái chiều gió, tay lái không vững thì dễ lật thuyền, rất nguy hiểm.

Bởi vậy, chắc hẳn có ai bơi qua được sông lúc nước xuống chảy xiết thì đều thành anh hùng. Tôi nhớ đến chiến sĩ Nguyễn Công Bao quê ở xã Cẩm La chia tay người vợ mới cưới, bơi qua sông Bạch Đằng vào Nam chiến đấu, hi sinh được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Người ta cũng lấy tên anh để đặt tên đường và hình dáng anh được chọn làm nguyên mẫu để dựng tượng đài đặc công rừng Sác.

Cách bến Rừng một đoạn, bên đền thờ Trần Hưng Đạo có ngôi đền thờ một người phụ nữ. Tương truyền, trong khi đi thị sát địa hình chuẩn bị bãi cọc ngầm chống giặc, Trần Hưng Đạo đã trò chyện với một bà cụ bán hàng. Cụ đã nói rất chuẩn xác về quy luật lên xuống của thủy triều, địa thế lòng sông, đồng thời mách ông kết hợp chiến thuật hoả công để đánh giặc. Hưng Đạo Vương áp dụng chiến thuật bãi cọc của Ngô Quyền đã đánh tan quân giặc. Ông cho chuẩn bị hàng trăm cọc gỗ bịt sắt cắm xuống lòng sông nghiêng theo hướng ngược chiều nước ròng. Khi thủy triều lên, Trần Hưng Đạo cho những thuyền nhỏ dương đông kích tây vờ thua chạy lừa cho địch đuổi sâu vào trong sông. Khi thủy triều rút, quân ta từ các lùm cây ở hai bên bờ bất thần phản công đốt tàu địch. Địch hoảng sợ tháo lui, nhưng khốn nỗi lúc ấy nước đã xuống dưới mức cọc, lòng sông lúc này là một bãi chông, tua tủa cọc nhọn. Lần ấy 3 vạn quân Nguyên và 400 chiến thuyền đã không có cơ hội quay về.

Thắng trận, Trần Hưng Đạo quay lại tìm ân nhân thì chỉ thấy một đống mối đùn lên rất to. Cho rằng đấy là mộ bà cụ, Hưng Đạo Vương đã cảm khái rơi lệ về triều dâng sớ xin nhà vua Trần thi ân cho bà cụ và lập đền thờ ngay tại bến sông.

Đến tận bây giờ lịch sử không có dòng nào chép về lai lịch của bà cụ. Còn dân gian thì quen gọi cụ là Vua Bà. Dân gian đã lưu truyền truyền thuyết kể về chuyện bà hàng nước trên bến đò Rừng mách bảo quân lính rằng ở trại Yên Hưng (thị xã Quảng Yên ngày nay) có nhiều cỏ cây dễ cháy, hãy làm bè mảng mà thiêu đốt thuyền giặc. Một truyền thuyết khác được viết bằng chữ Hán trong bản thần tích ở di tích đình Đền Công có tên là “Trần Hưng Đạo chém Phạm Nhan” thì lại kể về bà cụ là người bán hàng cơm trên bến sông Bạch Đằng đã cung cấp cho Trần Hưng Đạo những động tĩnh của thuyền giặc Nguyên Mông và mách bảo cách chém đầu Phạm Nhan.

Một lão nghệ nhân ca trù ở địa phương thì chắc mẩm rằng cụ bà bán nước kia đích thị là một ca nương chuyên nghề đàn phách. Thực hư chẳng biết cái nào đúng cả! Chỉ biết có một bà cụ đã bán hàng trên bến sông và có công lớn với chiến thắng Nguyên Mông của nhà Trần. Câu chuyện mang màu sắc huyền thoại ít có cứ liệu lịch sử kiểm chứng nhưng cũng đã làm cho Bến Ngự - sông Chanh và dòng Bạch Đằng lịch sử thêm lung linh hơn.

Dù không có tư liệu lịch sử nào để kiểm chứng cả nhưng tôi vẫn tin vào câu chuyện một người phụ nữ bình dân hiến kế cho một thống lĩnh quân đội đánh giặc. Tôi tin bởi đó là bài ca đẹp về chiến lược chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh lòng dân, một vốn quý của dân tộc ta. Khi nghe chuyện kể về Vua Bà, một người phụ nữ khuyết danh bán hàng nước bên bến sông còn ngờ ngợ rằng, đây là hiện thân của hình tượng mẫu thoải (thủy), thánh mẫu ngự ở vùng sông nước để tương trợ nhân dân. Nếu mà như vậy thì rõ ràng, cha ông ta cùng văn hóa hàng ngàn năm đã cùng với cháu con đánh giặc. Nói sông Bạch Đằng không chỉ vang danh lịch sử mà còn cưu mang cả một thế giới huyền tích và chiến công là vì thế.

Nói thêm về cái hiểm yếu của con sông, lại nhớ ở cửa biển có một ngã rẽ thắt lại gọi là sông Rút. Hai bên sông um tùm cây cỏ. Tôi có cảm giác đoạn sông rất nông. Nước lại chảy mạnh. Chắc hẳn các cụ xưa kia gọi là sông Rút vì nước rút nhanh phơi bờ bãi, lòng sông nông tàu bè đi vào dễ mắc cạn. Nếu có thuỷ chiến ở đoạn này, nước sông thì rút còn chiến thuyền phương Bắc muốn rút nhanh ra biển về cố quốc cũng lực bất tòng tâm. Nhiều lần tôi cố tìm sách vở để đọc xem cha ông ta thắng giặc trên sông Bạch Đằng bằng chiến thuyền nào nhưng chẳng có dòng nào ghi cả. Nhưng về bên sông Bạch Đằng thì thấy chuyện này còn ghi trong bia đá và quan trọng hơn là trong tâm thức những nghệ nhân đóng thuyền. Chiến thuyền đó vẫn còn vài ba chiếc ở Quảng Yên hôm nay. Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn ở phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên là truyền nhân đời thứ 17 của nghề đóng tàu, thuyền truyền thống ở làng đảo Hà Nam bên sông Bạch Đằng. Ngay từ lúc lẫm chẫm biết đi, ông Chắn đã thích thú nhìn ông nội và cha đóng thuyền. Đồ chơi tuổi thơ của ông là búa và đục. Cho đến khi ông học hết lớp 5, ông nội và cha đã mang tất cả bí kíp của nghề truyền dạy cho. Gần trọn một đời gắn bó với nghề đóng tàu thuyền, nay ông đã truyền lại nghề cho cả bốn cậu con trai trong gia đình.

Mỗi khi nhận thêm học trò mới, bài học đầu tiên mà ông dạy thợ thuyền là phải “cháy” hết mình với nghề. Dù khó mấy, khổ mấy cũng phải giữ gìn ngọn lửa của tổ tiên để lại. Đóng tàu thuyền vỏ gỗ là nghề quý báu, cha ông đã dạy rằng “Ích nước - Lợi nhà, Dân lợi - Khí dụng”. Mỗi lần nhìn những dòng chữ đó trên tấm văn bia ở đền thờ tổ nghề, lòng ông Chắn lại trào dâng niềm xúc động. Ông Chắn giải thích: Khí dụng nghĩa là làng nghề không chỉ làm ra những con tàu phục vụ cho sản xuất trong thời bình, mà còn có thể làm vũ khí chống lại quân xâm lược.

Lão nghệ nhân Lê Đức Chắn luôn tự hào rằng chính những con thuyền cha ông mình đóng ra có thể chạy ngược gió bằng cánh buồm này đã từng làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. “Tôi suy đoán rằng, cha ông ta đã nhử giặc chạy vào thế trận. Sau đó thuyền ta thì cứ ngược nước mà chạy. Trong khi tàu giặc loay hoay xuôi chẳng được, ngược nước ngược gió lại không xong thì cha ông ta phản kích trên bãi cọc cắm sẵn” - Ông Chắn trầm ngâm bảo.

Nguyên lí di chuyển của con thuyền ba vách cánh dơi khi chạy xuôi gió thì vật buồm kiểu cánh tiên, khi chạy ngang gió thì cột buồm kiểu pha chằng và cột vát 2 buồm khi chạy ngược nước, ngược gió. Ông Chắn từ tốn chia sẻ bí kíp làm con thuyền chạy ngược nước ngược gió: Đại loại là phải gò sát dây lèo buồm sau, ở phía lái vào một bên mạn thuyền cho buồm căng lên hơi chéo góc hướng về cánh buồm phía trước đã được thả hơi chùng. Gió đập vào cánh buồm sau vốn rất căng nên bật lại đập ngược về cánh buồm trước tạo thành sức đẩy con thuyền tiến lên. Con thuyền sẽ chạy vát nghiêng về bên không có gió, tiến lên theo đường chữ “chi”. Điều này thuyền nước ngoài không làm được. Ở Trung Hoa và phương Tây trước kia, thuyền buồm muốn đi ngược nước, ngược gió phải dùng sức của rất nhiều người chèo hoặc lên bờ dùng dây mà kéo. Bởi vậy, tôi tin vào suy luận như ông Chắn rằng ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý 1288, con thuyền này đã được sử dụng. Có thể nghệ thuật “lấy ít địch nhiều” nằm ở chỗ ông cha ta sáng tạo ra con thuyền gỗ ba vách buồm cánh dơi, nhỏ nhẹ, nhanh nhẹn, cơ động này. Và kẻ thù phương Bắc vốn quen với thuyền chèo tay có khéo tưởng tượng đến mấy đi chăng nữa cũng không hình dung được người nước Nam lại có con thuyền kì lạ có thể đi ngược gió. Kiểu con thuyền của vùng sông nước Bạch Đằng này, không chỉ ở Trung Hoa mà trên thế giới chưa ghi nhận nơi nào có.

Con sông hiểm yếu này đã là niềm tự hào của dân tộc. Bởi vậy, vì nhắc đến sông Bạch Đằng mà Giang Văn Minh (1573-1637) thiệt mạng khi đi sứ nhà Minh. Chuyện kể rằng, đại thần nhà Minh ra một vế đối hống hách: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay, rêu đã mọc xanh) để gợi lại câu chuyện Mã Viện sang đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tịch thu trống đồng để đúc chiếc cột đồng với lời tuyên bố cột đồng mà đổ thì Giao Chỉ sẽ bị diệt vong. Giờ cột đồng đã rêu mọc xanh, ám chỉ không bao lâu nữa mà gẫy, Giao Chỉ sắp diệt vong.

Nghe vậy, Giang Văn Minh tức khí đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ), ý muốn nhắc nhở nhà Minh về những bài học đắt giá của kẻ xâm lược. Vì vế đối đó mà ông bị nhà Minh giết. Bởi thế, khi ghé vào thăm khu di tích Tràng Kênh (gồm đền thờ Ngô Quyền, đền thờ Lê Đại Hành, đền thờ Trần Hưng Đạo ở ven sông, thờ những người đã có chiến thắng lẫy lừng trước quân phương Bắc xâm lược), để lật giở từng trang lịch sử, tôi nghĩ, vế đối phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của Giang Văn Minh đến tận mai sau cũng vẫn còn nguyên giá trị.

Giá trị cảnh giác với chúng ta và cũng là lời nhắc nhở với âm mưu của những kẻ đang nuôi dã tâm xâm lược. Các nhà nghiên cứu lịch sử nước nhà đã tổng kết và rút ra những bài học lịch sử về truyền thống sông Bạch Đằng đánh giặc trên sông nước và thắng giặc trên sông nước. Các nhà viết sử của phương Bắc cũng nghiên cứu về Bạch Đằng để dạy cho lớp trẻ đừng đi vào vết chân của cha ông nuôi mộng xâm lăng mà bị nhấn chìm dưới đáy nước Bạch Đằng ở An Bang xưa.

 

Và dịu êm

Chỉ khi nào đứng trước họa xâm lăng, Bạch Đằng mới dậy sóng, còn không con sông lại trở về với bản thể của nó, êm đềm tự thuở hồng hoang. Đã từ lâu rồi, người Quảng Ninh muốn sang Hải Phòng chẳng cần phải đi đò nữa chứ chưa nói đến chuyện bơi sông như Nguyễn Công Bao năm xưa. Đã có con phà êm đềm giờ lại có cây cầu Bạch Đằng hiện đại bắc ngang sông trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Dòng người và xe cộ sẽ lao vun vút qua cầu. Rồi đây, từ Hạ Long đi Hải Phòng qua con đường này để về quê tôi chỉ mất hơn nửa giờ chạy xe. Người Hạ Long về Thăng Long qua lối Bạch Đằng chỉ ngồi xe khách chừng hơn một tiếng.

Nghĩ vậy, nhưng tôi đã bắt đầu thấy nhớ những chuyến phà. Bởi vậy, tôi thường tranh thủ đi phà để thấy cửa biển Bạch Đằng từ xa xa hiện ra mênh mông trời nước. Tôi lại bâng khuâng nhớ những năm tháng học trò chỉ mường tượng về con sông qua bài giảng của cô giáo về bài Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi.

Thuyền tôi chầm chậm qua Bến Ngự. Ban đầu tôi lấy làm lạ bởi cứ nghĩ chỉ riêng cố đô Huế mới có Bến Ngự, không ngờ ở Quảng Ninh mình cũng có. Không phải là Bến Ngự - sông Hương mà là Bến Ngự - sông Chanh. Tương truyền, một lần duyệt quân trên sông Bạch Đằng ra Hải Đông, hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông đã qua đây, sai lập hành dinh trên một bến nhỏ. Ban đêm thấy trăng thanh gió mát, nhà vua liền ngâm ngợi làm thơ. Cũng từ đó mà dân gian quen gọi bến sông đó là Bến Ngự.

Bên Bến Ngự có bến đò Chanh nối liền đôi bờ làng đảo Hà Nam với vùng Quảng Yên ngày nay. Còn cái tên sông Chanh, đọc lên nghe cũng thấy là lạ nhưng thực chất là một nhánh của sông Bạch Đằng. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, vào thời Hậu Lê, vùng đảo Hà Nam phía nam trấn An Bang đã hình thành một cách ngẫu nhiên. Vùng cù lao ấy chia cửa sông Bạch Đằng rộng lớn thêm một nhánh khác. Nhánh đó chính là sông Chanh, chia nước với sông mẹ Bạch Đằng cùng chảy ra Vịnh Hạ Long. Sông Chanh mang vẻ đẹp thơ mộng hiếm có. Nước sông lúc xanh màu tre trúc, khi lại hồng theo con nước phù sa. Thực ra, người xưa gọi sông Tranh mới đúng. Bởi lẽ chỉ nhìn phong cảnh sông nước, núi đồi, làng mạc ấy cùng thấy đẹp chẳng khác nào tranh vẽ. Du khách thảnh thơi mà đứng trên bờ nam nhìn sang sẽ thấy phố phường như một bức họa đa sắc màu trên nền mây, nước, cỏ cây. Dần dà thổ âm địa phương phát âm nhẹ quá nên từ sông “Tranh” mà hóa sông “Chanh”.

Nhiều người không hiểu về Bến Ngự, không rõ vẻ đẹp của con sông đến vua cũng phải xiêu lòng mà gán ghép linh tinh rằng, con sông có tên như thế bởi hai bên bờ cư dân sông nước trồng nhiều chanh. Tôi nghĩ người Bạch Đằng xưa vốn yêu cái đẹp không nỡ lòng nào mà đặt cho con sông cái tên thực dụng và... chanh chua như thế.

Từ sông Chanh đi vào một quãng sẽ gặp hai cây lim giếng Rừng. Đây là hai cây lim muồng, vì lá giống lá lim, gỗ giống cây muồng, nên cư dân quen gọi thế. Khi xuất hiện giếng Rừng trong và giếng Rừng ngoài, người Quảng Yên gọi là hai cây lim giếng Rừng. Hai cây đại thụ duy nhất trên đất Quảng Yên còn sót lại trơ gan cùng tuế nguyệt. Biết đâu những cây lim cùng thế hệ với hai cây này đã được Trần Hưng Đạo sử dụng để đóng cọc trên sông Bạch Đằng? Cùng với bãi cọc lim dưới lòng sông Bạch Đằng, sông Chanh, hai cây lim là chứng tích lịch sử của một vùng đất.

Sau này, Bến Ngự - sông Chanh cũng là nơi nhiều lần đón đưa nữ chiến sĩ cách mạng Đỗ Thị Minh Hà, người con gái kiên cường, dũng cảm từ Hà Bắc sang quê đảo Hà Nam gây dựng cơ sở Việt Minh trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Sông cũng là nơi chứng kiến những cuộc tháo chạy của tàu chiến Pháp - Nhật bị quân dân ta đuổi đánh. Những bãi sú mọc thành rừng bên bờ sông đã từng che giấu những cuộc họp kín của Việt Minh, vạch ra kế hoạch tổ chức, lãnh đạo người dân Yên Hưng giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau này người nữ chiến sĩ cách mạng đã hi sinh. Nhân dân tỏ lòng xót thương đã lập miếu thờ và gọi bà là nữ thần Minh Hà. Chiến tranh đã lùi xa, mọi nỗi hận thù đã chìm vào đáy nước. Bến sông, cây lim và giếng nước đã hòa vào nhịp sống yên bình dịu dàng của người dân Quảng Yên.

Cái phong cảnh ấy, nhịp sống ấy vốn đã mang sẵn trong mình chất thơ rồi. Bởi thế, có lẽ chẳng riêng gì hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông, đứng trước dòng Bạch Đằng văn nhân thi sĩ xưa nay khó mà cầm lòng cho được. Bởi thế, khá nhiều người cùng tán đồng cho rằng, dòng sông Bạch Đằng chính là “miền sáng trăng thơ”, là ngọn nguồn phù sa màu mỡ cho cánh đồng thơ ca, trong đó có nhiều bài đóng đinh vào lịch sử văn học dân tộc. Hầu như các văn nhân, tài tử nổi danh đều ít nhất một lần dạo bước Bạch Đằng như: các vua Lê Thánh Tông, Trần Minh Tông, Trần Anh Tông; Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, nữ sĩ Hồ Xuân Hương... Cũng vì muốn thu phục nhân tâm mà các vua chúa nhiều lần đi kinh lí xứ An Bang bằng đường sông. Và họ ít nhiều đều để lại thơ ca, du kí, nhiều bài đã được khắc lên vách đá.

Ông Lê Duy Thái, người đã nhiều năm gắn bó với vùng đất Quảng Yên, đang kể chuyện về dòng sông cho tôi nghe bỗng dừng lời lẩm nhẩm đọc một câu thơ cũ: Bồng bềnh như thực như mơ/ Bạch Đằng bao chuyện bạc phơ mái đầu. Giọng ngâm thủ thỉ của ông cùng tiếng sóng nước như đưa tôi về huyền thoại xa xăm. Nghe như giọng đọc kia không còn là giọng của ông nữa mà ở nơi nào đang vọng về, hay giọng ngâm của một văn nhân thời trước còn lẩn khuất với bờ lau bến cũ.

Ông bảo, quả đúng như vậy, Bạch Đằng là kho chuyện kể vô tận mà người đời sau còn muốn nghe mãi. Đã nhiều buổi hoàng hôn, ông chống gậy ra bến sông nghe con nước ì oạp vỗ mà mường tượng rằng lời tiền nhân đang vọng về. Lời kể có khi rất hào hùng nhưng cũng có khi đầy bi tráng. Chiến tranh mà có cả bài ca chiến công oai hùng lẫn khúc hát bi thương. Chỉ lên mái đầu bạc trắng như cước, ông Thái bảo rằng, cái tuổi 80 của ông chưa thấm tháp gì so với tuổi của con sông. Và có dùng cả cuộc đời mình để nghe để kể về dòng Bạch Đằng trước mặt kia cũng chẳng hết được.

Từ Bến Ngự nếu ngược dòng về phía thượng nguồn, người ưa hoài niệm sẽ muốn ghé vào Hang Son tìm thơ Phạm Sư Mạnh trên vách đá, muốn đến Phương Nam ăn vải chín sớm. Người ta bảo rằng cứ để cái vị ngọt của vải Phương Nam tan dần trên đầu lưỡi sẽ nhận ra giá trị của phù sa sông Bạch Đằng. Có lẽ, do phù sa quá mỡ màu đã đốc thúc sự sinh trưởng của cây, tăng tốc quá trình đơm hoa, kết trái để vải nơi này chín sớm hơn vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn cả tháng trời.

Thuyền tôi chạy rất chậm như thể đang lững lờ trôi trên sông Bạch Đằng, lãng du giữa đôi bờ con sông huyền thoại. Tôi băn khoăn tự hỏi từ đâu mà có những cái tên ven sông như: Cái Tráp, Lạch Huyện, Quỳnh Biểu, Cống Mương. Phía bên kia là con đê Hà Nam uốn lượn có chu vi mấy chục cây số. Đê bao bọc những xóm làng, bảo vệ ruộng đồng, ô đầm nuôi tôm nuôi cua cá của xã Tiền Phong, Liên Vị, Nam Hoà. Tôi đi thuyền nan vượt sông Rút để sang khu vực đầm nhà Mạc.

Ông Hoàng Văn Chung, một ngư dân ở Nam Hoà sang đây nuôi tôm bảo, đây là khu vực Chương Cồn vốn hoang vu lắm. Hai mươi năm trước ông vượt sông sang đây be bờ đắp đập nuôi tôm cá. Ở đây, không điện, không hát hò, karaoke, chẳng có bạn bè, ông nhớ làng nhớ xóm, nhớ tiếng người quá ông ra sông nghe tiếng cá quẫy, cá đớp mồi, tiếng sóng vỗ mạn thuyền để giải khuây. Những thanh âm đó là khúc nhạc của riêng ông. Chỉ thiếu nó một ngày ông không chịu nổi.

 

Thay lời kết

Ông Chung bảo với tôi rằng, sông Bạch Đằng rộng thật nhưng luồng sâu thì hẹp mà đa phần chỉ là cồn bãi, chương, đầm lầy. Sự ưu ái của con sông đã cho người Hà Nam nhiều đồng bãi phì nhiêu, ao đầm thoáng rộng. Có được điều đó là do sự phân nhánh của sông Bạch Đằng ra sông Chanh và sông Rút. Sông ôm lấy những bờ bãi, ao đầm.

Có người ví von rằng: “Vùng đất Quảng Yên không khác gì một cái nậm rượu khổng lồ. Cái nậm rượu ấy, cổ thắt của nó là dòng sông Chanh buộc lại giữa bầu nậm là phường Quảng Yên cùng các làng xã khu Hà Bắc; còn chót mũi Đầm Bầu đảo Hà Nam là cái miệng nậm dúi xuống muốn vục đầy nước biển Đông - một thứ rượu mặn mòi muôn thuở nuôi sống bao thế hệ cư dân”. Xưa vua cắm sào, dừng thuyền uống rượu ngắm trăng. Nhưng ngày nay, người dân Quảng Yên không cắm cọc cắm sào dừng thuyền uống rượu. Họ cũng cắm cọc chăng dây xuống sông không phải để đánh giặc như cha ông mà để nuôi hà nuôi hàu để làm giàu.

Còn con đê thì ôm lấy làng đảo, con đê mà 19 vị tiên công đã đắp những viên đất đầu tiên vào thế kỉ thứ XV. Nhờ có bàn tay, khối óc, mồ hôi và cả xương máu của các vị tiên công, những cư dân kinh thành Thăng Long xưa đi quai đê lấn biển, mới có làng đảo Hà Nam trù phú như ngày hôm nay. Tạm biệt dòng sông lịch sử, tôi đi trên con đê Hà Nam để trở về, vừa đi vừa ngẫm lại lời ông Chung thấy quả là chí lí

 

P.H