Thứ Tư, 03/04/2019 15:16

Tọa đàm khoa học quốc tế

Báo chí trong đế chế thuộc địa Pháp đầu thế kỉ XX

Sáng 3/4, tại Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Le Mans (Pháp) và Viện Văn học Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm Báo chí trong đế chế thuộc địa Pháp đầu thế kỉ XX.

Sáng ngày 3/4, tại Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Le Mans (Pháp) và Viện Văn học Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm Báo chí trong đế chế thuộc địa Pháp đầu thế kỉ XX. Tọa đàm xoay quanh ba chủ đề chính: Báo chí tiếng Pháp trong Đế chế thuộc địa Pháp (1918 - 1940), Vấn đề phụ nữ trên báo chí đầu thế kỉ XX và Giới thiệu tờ báo Le Courrier D’Haiphong (1886 - 1940).

Toàn cảnh tọa đàm

Mở đầu là chủ đề: Báo chí tiếng Pháp trong Đế chế thuộc địa Pháp (1918 - 1940) do Frank Laurent (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nghệ thuật, Văn chương và Ngôn ngữ, Đại học Le Mans) & TS. François Vignale (Phó giám đốc Trung tâm Thư viện, Đại học Le Mans) thuyết trình. Trong báo cáo của mình, hai tác giả nhấn mạnh vai trò của báo chí trong tư cách một phương tiện phản ánh tình hình thuộc địa, và đó là đối tượng rất quan trọng, thú vị để tiến hành các nghiên cứu về sắc thái và tình hình thuộc địa trong đế chế Pháp.

Nghiên cứu của hai tác giả người Pháp đã nhấn mạnh, hướng tìm hiểu của họ giúp làm tăng nguồn tư liệu, thông tin, từ đó có cơ sở cho những khảo sát, so sánh, mở rộng việc nghiên cứu tình hình thuộc địa, đồng thời cũng gia tăng thông tin cho việc nghiên cứu hoạt động báo chí tiếng Pháp ở thuộc địa giữa hai cuộc thế chiến. Với hướng tiếp cận đó, nghiên cứu của hai học giả đưa ra những phân loại khá cụ thể về báo chí tiếng Pháp ở thuộc địa. Bao gồm: 1- Nhật báo quốc gia (Paris): là những tờ báo phổ biến, đại chúng, có tầm ảnh hưởng vượt qua giới hạn thủ đô, thống trị những loại báo khác. 2- Nhật báo địa phương hoặc vùng: có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn, phát hành với quy mô nhỏ hơn tại các khu vực thuộc Pháp. 3 - Báo chí của các cơ quan: là những tờ báo của công ti, nhóm nghề nghiệp, phát hành theo kỳ (6 tháng). 4 - Công báo: là những tờ báo được cơ quan chính quyền, chính phủ phát hành, công bố các quy định, quyết định, sắc lệnh. 5 - Báo chí chuyên ngành: Là những tờ báo có nội dung cụ thể, hướng đến các chủ đề và đối tượng rõ ràng. 6 - Báo chí văn học: là những tờ báo có nội dung văn học, rất phổ biến cả ở chính quốc và các vùng thuộc địa.

Chu trình sản xuất một tờ báo là điều được các học giả nhấn mạnh, trong đó lưu ý đến ba yếu tố: Điều kiện vật chất – Kinh tế - Pháp lí. Cùng với những điều kiện cứng này, mỗi tờ báo đều có tôn chỉ, mục đích, thể hiện rõ ràng và được tôn trọng tuân thủ đối với mọi biên tập viên. Có một chi tiết khá thú vị đó là năm 1881, khi luật báo chí được thông qua, quy định quyền tự do và trách nhiệm của báo chí ở Pháp, thì những sắc lệnh này lại không được áp dụng ở thuộc địa như Đông Dương hay Algiére. Có lẽ, chính quốc đã hình dung ra sự phát triển của báo chí ở thuộc địa nếu trao cho họ quyền tự do báo chí, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ “làm suy yếu sự tôn trọng đối với chính quyền Pháp”.

Cũng trong báo cáo của mình, hai học giả đến từ đại học Le Mans đã trình bày những khảo sát bước đầu về báo chí tiếng Pháp ở thuộc địa trong các năm 1917, 1926, 1936, đặc biệt nhấn mạnh vào tình hình báo chí ở Đông Dương. Theo đó, từ 1917 – 1940, báo chí tiếng Pháp ở Đông Dương đã tăng từ 28 tờ lên 113 tờ. Đây là con số chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Các tờ báo tiếng Pháp này cũng khá thăng trầm vì bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị cùng với sự cạnh tranh của báo chí tiếng Việt. Có một chi tiết khá thú vị đó là, để “lách luật” hoặc để được hưởng quyền tự do báo chí, nhiều tờ báo ở thuộc địa đã xuất bản ở Pháp. Có thể nói đây là một nỗ lực rất lớn của trí thức thuộc địa Tây học trong việc đưa tiếng nói của thuộc địa đến chính quốc, đồng thời đó cũng là nơi hình thành đội ngũ trí thức tinh hoa sau này.

TS. François Vignale, Phó giám đốc Trung tâm Thư viện, Đại học Le Mans

Chủ đề thuyết trình thứ hai: Phụ nữ và chủ nghĩa dân tộc: vấn đề phụ nữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, do TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) trình bày. Trong báo cáo của mình, Đoàn Ánh Dương tập trung khảo sát vấn đề phụ nữ trên báo chí đầu thế kỉ XX với sự xuất hiện của bốn nhân vật: Phan Bội châu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đạm Phương Nữ sử. Đây là bốn nhân vật, đại diện cho: nho sĩ, trí thức Tây học, công chức chính quyền và nữ giới. Theo đó, Phan Bội Châu là nho sĩ, Nguyễn Văn Vĩnh là trí thức Tây học, Phạm Quỳnh là công chức chính quyền và Đạm Phương là một nhà báo, một nhà hoạt động xã hội thuộc giới nữ… Sự quan tâm đến vấn đề phụ nữ, sự lựa chọn chữ quốc ngữ và báo chí đã nói lên nỗ lực hình thành một cộng đồng mới (độc giả mới, ngôn ngữ mới, sắc thái xã hội mới - xã hội dân sự). Từ sự trỗi dậy của vấn đề phụ nữ, nữ quyền, các nhà khoa học tại buổi tọa đàm cũng trao đổi thêm cùng TS Đoàn Ánh Dương về các vấn đề liên quan đến nữ giới trên báo chí tiếng Pháp đầu thế kỉ, sự du nhập của tân văn, tân thư với nhu cầu canh tân xã hội trong đó có vấn đề phụ nữ…

Chủ đề tọa đàm thứ ba: Le Courrier D’Haiphong (1886 - 1940) (Thư tín Hải Phòng) được giới thiệu bởi TS Trần Văn Kiên (ĐHSP Hà Nội). Đây là một tờ báo địa phương nhưng tồn tại rất lâu (54 năm). Tờ báo này lúc đầu là nguyệt san, sau đó tăng lên một tháng ba số, rồi tuần báo, nhật báo. Nội dung chủ yếu trên tờ Le Courrier D’Haiphong là các thông tin kinh tế, thương mại, quảng cáo, và một ít cho nghệ thuật (văn học – sân khấu). Tờ báo này về bản chất phục vụ cho lợi ích của giới chủ, giới tư bản, các hãng buôn,… Tuy nhiên, trong đó cũng sẽ thấy được sự phát triển của Hải Phòng theo thời gian và mô tả trên các trang báo. Hải Phòng trong cách hình dung của giới thương mại phố cảng lúc đó, cần phải được phát triển mạnh hơn, như là một trung tâm của khu vực Đông Á, Đông Nam Á, nối kết với Hồng Kông, Thượng Hải, Nhật Bản,… Như vậy, tờ Le Courrier D’Haiphong có thể được xem như một trong những nhân chứng, một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu Hải Phòng.

Buổi tọa đàm diễn ra từ 8h30 đến 11h30 đã thu hút rất nhiều ý kiến trao đổi của các học giả trong và ngoài nước. Có thể nói, với tinh thần nghiên cứu liên ngành, cuộc tọa đàm đã nối kết những mối bận tâm sâu sắc về kinh tế, chính trị, báo chí, lịch sử, văn hóa, văn học trên báo chí tiếng Pháp và tiếng Việt đầu thế kỉ XX, không chỉ ở Đông Dương mà còn ở các thuộc địa khác của Pháp (Algiérie) và ngay tại chính quốc.

NGUYỄN THANH TÂM