Thứ Bảy, 28/03/2020 09:29

Bảo đảm thông tin nơi trời gần đất xa

Nằm ở độ cao hơn 1000m (so với mực nước biển), Trạm thông tin T2 tại đỉnh núi Khau Khiêng là một trạm lẻ thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 601, Quân khu 1, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn

.Ghi chép. BÙI HIỆP

Nằm ở độ cao hơn 1000m (so với mực nước biển), Trạm thông tin T2 tại đỉnh núi Khau Khiêng là một trạm lẻ thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 601, Quân khu 1, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn cho Quân khu 1 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Được ví như ốc đảo biệt lập, đường lên Trạm T2 heo hút, nơi đây quanh năm sương mù bao phủ, thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường… Cùng với đó là biết bao khó khăn, thiếu thốn mà hàng ngày, hàng giờ, cán bộ, chiến sĩ Trạm T2 phải đối mặt và tìm cách vượt qua để bảo đảm “mạch máu” thông tin của Quân khu luôn được thông suốt trong mọi tình huống.

 

Vượt quãng đường hơn sáu mươi cây số từ thành phố Thái Nguyên, chúng tôi có mặt tại chân núi Khau Khiêng thuộc thôn Nà Danh, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm Thông tin T2 thuộc Lữ đoàn Thông tin 601 hồ hởi đón đoàn và đưa chúng tôi đi tham quan nơi ăn, chốn ở của bộ đội. Anh giới thiệu: “Trạm T2 biên chế tổng cộng có sáu cán bộ, chiến sĩ, được chia làm hai tổ, một tổ dưới chân núi và một tổ trực trên đỉnh Khau Khiêng, tổ ở dưới thuận lợi hơn vì gần chợ, gần đường, gần dân, còn cuộc sống của bộ phận trên đỉnh Khau Khiêng rất khó khăn, vất vả. Vì “trận địa thông tin” tận trên đỉnh núi, đường lên xuống cheo leo, nên cứ năm ngày anh em thay phiên trực một lần, mọi nhu cầu sinh hoạt như lương thực, thực phẩm… đều phải đưa từ chân núi lên”.

Đoàn công tác của chúng tôi lên Trạm T2 cũng đúng dịp các chiến sĩ hết phiên, đổi trực. Qua câu chuyện bên ấm trà xanh, chúng tôi được Thiếu úy QNCN Hứa Hoài Nam, Phó trạm trưởng Trạm Thông tin T2 khuyến cáo, nên sử dụng giầy vải của bộ đội trang bị khi leo núi mới đỡ bị trơn trượt và phồng chân. Anh cho biết thêm, đường lên Khau Khiêng vô cùng vất vả, nếu các chiến sĩ thông tin Trạm T2 leo lên đến đỉnh chỉ mất hơn một giờ đồng hồ, thì những người mới lần đầu lên đó phải mất hơn hai giờ.

Nhìn đồng hồ chỉ hơn chín giờ sáng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên rừng, ngược dốc. Tham gia đoàn công tác có Trung tá Nguyễn Huy Lừng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 601. Từng có thâm niên là chỉ huy tại Trạm T2 trước đây, nên lần này anh Lừng vừa trong vai chỉ huy Lữ đoàn thăm kiểm tra trạm, vừa kiêm cả “hướng dẫn viên” cho cánh báo chí.

Và trước mắt kia, con đường mòn lên trạm thông tin “tiền tiêu” trên đỉnh Khau Khiêng ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt ngang qua những vạt rừng già xanh ngút ngàn cây lá. Thay vì trước kia thường đi theo con dốc có tên Mèo Cào với độ dốc cao và trơn trượt, thì nhiều năm nay, cán bộ, chiến sĩ Trạm T2 sử dụng đường mới, men theo nơi bà con dân tộc sinh sống, đường đỡ dốc hơn, song lại nhiều nắng, cái nắng rát bỏng phả vào mặt như muốn vắt kiệt sức và những giọt mồ hôi của thành viên trong đoàn. Giữa lúc cái mệt, cái khát đeo lấy mọi người thì bỗng nghe đâu đó tiếng nước chảy róc rách, đi tiếp một đoạn, con suối nhỏ có tên Bó Hon bất chợt hiện ra trước mắt như một vị cứu tinh. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng cởi áo ngoài, vục mặt xuống dòng nước mát lạnh cho thỏa cơn khát và lấy lại sự tỉnh táo.

Qua tìm hiểu được biết suối Bó Hon bắt nguồn từ trong khe núi, đây là nguồn nước sạch cung cấp cho hầu hết các thôn trong xã và cũng là nguồn nước nuôi sống bộ đội trên đỉnh núi cao kia trong mùa khô hạn. Tới đây mới được một phần ba quãng đường lên đỉnh núi. Mà lại là đường dễ, hai phần ba còn lại sẽ khó đi hơn rất nhiều, chưa kể không khéo là làm mồi cho muỗi vằn, vắt và côn trùng hút máu.

Sau vài phút nghỉ ngơi lại sức, chúng tôi tiếp tục hành trình. Cả đoàn nhích dần theo những con dốc, qua hết khu vực có dân sinh sống là bạt ngàn một màu xanh của rừng vầu. Lá vầu khô trút xuống, theo thời gian tạo thành một lớp mùn mục phủ trên những tảng đá xanh, gặp nước mưa càng làm cho đường trở nên trơn trượt. Càng lên cao dốc càng dựng ngược, có những đoạn dốc đến gần chín mươi độ. Đường khó đi, lại cộng thêm từng đàn muỗi vằn và côn trùng vây ráp khiến chúng tôi dù muốn cũng không thể dừng lại nghỉ. Giữa lúc đôi chân như muốn xuội xuống thì Trạm T2 hiện lên giữa lưng trời lộng gió. Đến lúc này, chúng tôi mới biết mình vừa chinh phục đỉnh núi Khau Khiêng…

 

*

* *

Sau chuyến hành trình băng đèo cắt mây, chúng tôi có mặt tại Trạm Thông tin T2 vào giữa trưa. Nằm chênh vênh nơi đỉnh núi là căn nhà mái bằng nhỏ nhắn và nhuốm màu thời gian. Nơi đây vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở của các chiến sĩ. Trong nhà, ngoài chiếc bàn có máy thông tin để làm việc, hai tấm phản được ghép lại, kê cao làm chỗ ngủ, thì còn được trang bị thêm một chiếc bàn inox, vừa dùng làm bàn ăn, vừa dùng làm bàn uống nước. Nơi góc nhà là chiếc chạn bát, và ngay gần cửa có treo một tủ thuốc nho nhỏ. Trước nhà có luống hoa loa kèn và một mảnh vườn để các chiến sĩ tăng gia cải thiện đời sống. Bao bọc bốn xung quanh không gian nhà ở là rừng vầu xanh ngút ngàn. Để có không gian sinh hoạt và tránh rắn rết, các chiến sĩ đã tổ chức phát thành một hành lang quang đãng, sạch sẽ. Sau vài phút nghỉ ngơi, mỗi thành viên trong đoàn được chia một chậu nước sạch để lau qua người cho đỡ mồ hôi. Binh nhất Nông Văn Sáu, người dân tộc Tày, quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cẩn thận bê từng chậu nước cho chúng tôi, không quên kèm theo lời dặn “các chú, các anh đừng đổ nước đi, nhớ giữ lại để tưới rau nhé…”. Đã từng có thời gian phụ trách bộ đội ở “trạm tiền tiêu” này, nên Trung tá Nguyễn Huy Lừng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 601 không còn lạ gì chuyện đó, anh mỉm cười giải thích. Vì ở trên đỉnh núi này ngoại trừ cây vầu phát triển thành rừng, các loại cây khác nhất là rau xanh khó mà phát triển do sự khắc nghiệt về khí hậu, thổ nhưỡng, sâu bệnh và nhất là thiếu nước. Công tác tăng gia sản xuất chủ yếu do bộ phận ở dưới chân núi đảm nhiệm, rồi tiếp tế lên. Tuy nhiên, anh em trực phía trên núi cũng tranh thủ những lúc rảnh rỗi tổ chức tăng gia, trồng rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Các chiến sĩ Trạm Thông tin T2 trên cung đường lên đỉnh Khau Khiêng.
                                                                                                                             Ảnh: Bùi Hiệp

Bằng giọng nói mộc mạc, chất phác của người dân tộc vùng cao, Binh nhất Triệu Văn Trịnh tâm sự việc trồng rau trên này khó khôn cùng, nước tưới, phân bón cho rau đã hiếm mà sâu bệnh lại nhiều. Thuốc mang từ dưới chân núi lên phun được vài bữa là sâu bọ lại ào vào phá hết. Thời tiết thì mưa nắng thất thường, vào những đợt nắng dài ngày không có mưa, không đủ nước tưới thì rau héo hết. Thôi thì cứ trồng, thu hoạch được thêm bữa nào hay bữa đó.

Cứ tưởng ở trên núi cao thì mưa nhiều, nước nhiều, nhưng không phải, trên này mưa rất ít, mỗi cơn mưa cũng chỉ kéo dài khoảng chừng năm đến bảy phút. Những cơn mưa ngắn ngủi nhưng thật sự quý giá góp phần bổ sung thêm lượng nước dự trữ, rồi nếu may mắn hơn khi hứng được nhiều nước vào hệ thống vải mưa, xô, thùng, gầu, chậu… anh em lại được một bữa “liên hoan”. Liên hoan theo nghĩa của anh em chiến sĩ ở đây là được tắm. Vì nước trên này khan hiếm nên thông thường nếu không có mưa, phải hết năm ngày, khi đổi ca trực, xuống chân núi, anh em mới được tắm rửa theo đúng nghĩa. Vào mùa mưa, tuy nước sinh hoạt không được thoải mái nhưng các chiến sĩ tạm thời chưa phải lo đến vấn đề nước. Sang đến mùa khô, cả tháng có khi không mưa lấy một giọt; lúc này, vấn đề thiếu nước trở nên cấp bách; những lúc như thế, anh em trong ca trực lại động viên nhau xuống tận khe suối dưới chân núi gùi nước lên để phục vụ sinh hoạt. Đường lên trạm đi người không đã mệt, gùi theo can nước thì cái mệt ấy không biết phải tả thế nào cho xứng.

Nhớ ngày còn chỉ huy bộ đội trực tết ở trạm, Trung tá Nguyễn Huy Lừng không thể nào quên kỉ niệm vào ba mươi tết, do sơ suất không để ý đến nước, anh em thịt gà để chuẩn bị làm cơm giao thừa, chuẩn bị xong xuôi, đến phần luộc gà thì thôi, nước không còn một giọt. Trời lúc này đã sẩm tối, nếu xuống chân núi gùi nước lên thì rất vất vả và nguy hiểm nên anh em quyết định chuyển từ gà luộc thành món… gà rang.

Và để khắc phục tình trạng thiếu nước, đơn vị đã cho xây bể chứa, khi mùa mưa đến, nước được tích vào bể, anh em chiến sĩ còn có sáng kiến căng vải mưa, căng bạt hứng sương, mỗi đêm cũng thêm được chút ít. Tuy vậy nước vẫn chỉ đủ dùng cho những sinh hoạt thiết yếu, nguồn nước trong bể đôi khi cũng không bảo đảm vệ sinh do thường xuyên bị rêu mốc và chuột bọ rơi vào gây mùi hôi thối. Việc cọ rửa bể thường xuyên, xem như nhiệm vụ bất khả thi, vì nước dùng còn không đủ thì nói gì đến nước rửa.

Sau lần Thiếu tướng Dương Hiền, Phó Tư lệnh Quân khu trực tiếp lên thăm, kiểm tra, Trạm đã được quan tâm đầu tư củng cố cơ sở vật chất, được trang bị thêm chiếc tủ lạnh chứa thức ăn dự trữ, có thêm hệ thống téc nước inox bảo đảm vệ sinh… nên đời sống của anh em chiến sĩ trên trạm tiền tiêu cũng được cải thiện nhiều hơn so với trước, không còn nữa mối lo hằng đêm canh chuột vào trộm trứng trộm đồ, nước sinh hoạt cũng cơ bản được bảo đảm. Tuy vậy, nếu không biết tiết kiệm nước trong mùa mưa thì đến mấy tháng mùa khô chắc chắn sẽ không còn nước để dùng.

 

*

* *

Nhưng thiếu nước mới chỉ là một phần của sự khó khăn ở đây. Thứ đáng sợ hơn nữa là lưỡi tầm sét ông trời từ trên cao giáng xuống. Kể cho chúng tôi nghe những phiên trực từng đảm nhiệm, trong mắt Binh nhất Triệu Văn Trịnh, quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn đau đáu nỗi sợ hãi. Anh kể, vào mùa mưa thì ở đây sợ lắm, vì sét rất nhiều, sét đánh sáng trưng cả nhà với nhiều tiếng nổ lớn. Để bảo đảm an toàn, đơn vị có quy định khi trời mưa to kèm sấm sét thì báo về tổng trạm và tắt hết các thiết bị điện, dừng phiên làm việc cho đến khi hết mưa gió sấm sét. Dù đã có hệ thống chống sét của trạm, lại thêm hệ thống chống sét của trạm BTS mà Tập đoàn viễn thông Viettel đặt kế ngay bên cạnh, nhưng nhiều thiết bị vẫn bị nhiễm điện từ sét gây ra tình trạng hỏng hóc, không ổn định phải mang xuống trạm sửa chữa khắc phục. Chiếc tivi được trang bị nhằm bổ sung thông tin thời sự, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ trực nơi đây cũng không ở trong trường hợp ngoại lệ; phần vì do điện không ổn định, phần do nhiễm điện từ sét nên sau nhiều lần phải gùi đi sửa, đến nay đã không còn dùng được nữa.

Đó là mối hiểm nguy thường trực mà các chiến sĩ kể lại, còn theo quan sát và cảm nhận của chúng tôi thì khi thực hiện nhiệm vụ tại nơi rừng núi hoang vu này, các chiến sĩ còn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khác như việc không may bị rắn rết tấn công, hay đơn giản như bị đau ruột thừa… Với cự li khá xa so với trạm y tế xã cộng thêm sự khó khăn, vất vả trong quá trình di chuyển thì không loại trừ khả năng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Để tạm khắc phục mối nguy hiểm khi bị rắn cắn, anh em chiến sĩ mách nhau cách trộn hỗn hợp muối, tỏi với thuốc lào mang theo trong người. Anh em chiến sĩ thông tin nơi chốt vẫn luôn xác định tốt tinh thần trách nhiệm, nêu cao ý thức tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khí tài không phải lúc nào cũng bảo đảm được, thời tiết nồm ẩm quanh năm làm cho thiết bị khí tài rất nhanh xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc phải đóng kín cửa để đỡ bị không khí ẩm thấp lùa vào, hàng ngày, anh em chiến sĩ phải thường xuyên đổi máy, những chiếc máy vô tuyến điện đổi ra được mang gửi ở trạm BTS của Viettel để hút ẩm, sấy khô, rồi hôm sau lại mang về đổi cho hệ thống máy dự phòng. Đặc biệt, có đợt phục vụ diễn tập, xảy ra tình trạng khí tài hư hỏng, anh em kíp trực đã kịp thời báo cáo về đơn vị để xử trí tình huống và cử người hành quân ngay trong đêm để kịp thời vận chuyển khí tài thay thế, góp phần bảo đảm cho “mạch máu” thông tin liên lạc luôn được thông suốt.

Tạm biệt các chiến sĩ thông tin canh chốt nơi lưng chừng trời, chúng tôi mang theo tình cảm và sự ngưỡng mộ tinh thần vượt khó hoàn thành nhiệm vụ của các anh ở nơi đây. Con đường độc đạo gần ba cây số đường núi ngoằn ngoèo nối liền giữa chốt thông tin trên đỉnh núi và trạm dưới chân núi, lúc lên đã khó, khi xuống cũng thật không đơn giản chút nào. Lúc chia tay các chiến sĩ trời vẫn nắng vậy mà chỉ đi được một quãng đã chuyển mây đen kín trời. Thượng úy Nguyễn Văn Ngọc, Chính trị viên Đại đội 1 giục chúng tôi đẩy cao tốc độ hành quân vì sợ trời mưa, đường trơn trượt sẽ rất khó đi. Cả đoàn cùng cố gắng di chuyển thật nhanh. Nét mặt ai cũng biểu lộ một chút tâm trạng, riêng tôi thì vừa mừng, vừa lo. Lo nếu trời mưa sẽ khó giữ cho máy quay phim cùng trang bị mang theo khỏi bị ướt. Mừng vì trời mưa sẽ bổ sung thêm một lượng nước quý giá và các chiến sĩ trực thông tin trên đỉnh núi Khau Khiêng sẽ lại được “liên hoan” tiệc nước giữa lưng trời

B.H