Thứ Hai, 01/07/2019 10:43

Bé gái da đen

Cha mẹ tôi đều là công nhân xây dựng. Nghề này ở thị trấn chúng tôi, ráo mồ hôi thì tiền cũng hết. Mẹ tôi bị tai nạn lao động, suýt mất một tay. (Truyện ngắn của Veronica Stigger, Brazil)

. Truyện ngắn của Veronica Stigger (Brazil)

Cha mẹ tôi đều là công nhân xây dựng. Nghề này ở thị trấn chúng tôi, ráo mồ hôi thì tiền cũng hết. Mẹ tôi bị tai nạn lao động, suýt mất một tay. Sức khoẻ giảm sút nhiều. Thế nên, anh tôi, mới mười bảy tuổi, phải nghỉ học và lao động như một người lớn thực thụ. Không hiểu sao, tôi chán học và bắt đầu lêu lổng. Thoạt đầu, con Daniela Thomas rủ tôi lang thang ngoài phố. Ban đầu chỉ ban ngày, dần chuyển sang đêm. Mẹ phải bán hàng quà vặt, từ mờ sáng cho tới khuya, chủ yếu là bánh mì, ở ga tàu hoả. Mẹ có biết chuyện tôi vật vờ trên phố song chỉ nhắc nhở qua loa, vì mỗi lần thấy mặt tôi ở nhà, chính mẹ cũng mệt rã rời, không cất tiếng nổi. Cha thì nhiều lần ái ngại nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ tự trách. Bây giờ, tôi hiểu cha đau đớn chừng nào. Sinh con ra mà không làm sao cho con được ăn học tử tế, cha mẹ nào chẳng cảm thấy chưa tròn trách nhiệm với con, với xã hội. Chưa nói, họ còn cảm thấy mình phạm tội.

Chúng tôi, vài đứa trẻ mười hai, mười ba tuổi, cứ ăn xong bữa tối, là lặng lẽ tụ tập và ra khỏi nhà. Chúng tôi chạy nhảy trên vỉa hè, đương nhiên không dám hò hét. Hò hét sẽ bị cảnh sát bắt phạt. Nhưng hát khe khẽ với nhau thì thường xuyên. Các bài hát đầu Ngô mình Sở, do nghe lỏm của người lớn, câu được câu chăng, hay do chúng tôi tự bịa ra bất chợt. Chúng tôi hát về đủ thứ trên đời.

Trời cao vòi vọi

Thấy chúng tớ không

Đêm ngày lông bông

Như bầy bướm nhỏ

 

Chim Thiên đường ơi

Mau về đây chơi

Người xe nhộn nhịp

Sao sáng đầy trời

 

Này cá sấu

Bạn không xấu

Bánh mì đây

Mời chén ngay

 

Này cá sấu

Bạn không xấu

Bánh mì ngon

Thơm thơm ngon

 

Này cá sấu

Bạn không hỏng

Bánh mì đây

Vô thiên lủng

 

Muỗi ơi, mày đừng đốt

Mẹ tao tốt nhất đời

Nếu chẳng may mẹ sốt

Mày cũng buồn đấy thôi!...

Thời gian đầu, tôi thường về nhà khi trời xẩm tối. Về sau, mải mê bạn bè, cha mẹ không mắng chửi, tôi càng nấn ná, vui chơi ngoài phố suốt đêm dài. Tôi dần lớn phổng lên, chắc cũng hấp dẫn khi các bạn trai bằng tuổi đều tỏ điều quan tâm. Thoảng hoặc một người đáng tuổi cha thú xán lại, rủ tôi đi nhảy. Tôi không đáp, mà bỏ đi chỗ khác cùng cô bạn Daniela Thomas. Đôi lần, một bạn trai nhìn chằm chằm vào ngực tôi, tôi xấu hổ cúi gằm. Những chuyện ấy mau chóng chìm vào vô vàn niềm vui khác. Nhưng giờ thì tôi thích ở ngoài hơn ở nhà. Quả thật, ở nhà, mẹ có vẻ rầu rĩ quá. Cha thì luôn tư lự. Anh lầm lì. Nhà chẳng khác nào như có người vừa chết. Tôi bỗng cứ thấy mình mắc lỗi gì đó, cha mẹ và anh vẫn coi tôi là trẻ con, không thèm chấp.

Có những người lớn, hầu hết là đàn ông, hay chúng tôi kẹo bánh, hoặc nhờ chúng tôi đọc báo rồi thưởng tiền hoặc đồ uống. Thế là chúng tôi mất cảnh giác, không thấy các ông ấy đáng ngại. Những lời mẹ nhắc nhở bị quên bẵng. Thậm chí, tôi còn nghĩ mẹ quá lo xa. Chỉ mỗi khi cha tìm đón về, thường vào nửa đêm, tôi mới hơi thảng thốt. Tôi tự hứa không đi chơi khuya nữa. Được vài ngày, lại quen thói cũ, tôi lại vui chơi với các bạn da đen của mình. Chúng - cả nam lẫn nữ đều quấn lấy và mua tặng tôi những thứ đắt tiền như vòng tay nạm ngọc, vòng cổ kim cương và nói tôi đã lớn, lại xinh đẹp, phải diện vào cho xứng tầm. Dù tôi biết thừa đó là đồ giả nhưng vẫn tin vào những lời ngợi khen, xu nịnh. Chúng tôi cùng hát với nhau những bài dân ca Brazil hay nhất. Vừa bá vai nhau hát, vừa chụp ảnh và nhâm nhi những ly cà phê ngon hơn ở nhà nhiều. Thời gian đầu, chúng tôi gặp gỡ dưới những cây cổ thụ. Về sau, chúng tôi đường hoàng vào những quán ba nhỏ. Tôi bị ép ăn uống đôi món gọi là “cao lương mỹ vị”. Những người đàn ông da đen tầm tuổi ba mươi xuất hiện. Họ được giới thiệu với mấy đứa chúng tôi là cha chú trong nhà. Họ ăn mặc chải chuốt, hay nói chuyện văn thơ nghệ thuật. Họ lịch sự và bao giờ cũng gượng nhẹ, nuông chiều cánh con gái choai choai như tôi. Sự thân thiết đến tự nhiên mà chính tôi cũng không ngờ tới.

Tối hôm ấy chừng chín giờ, chúng tôi được những người lớn mời đi “dạ hội”. Bốn, năm người lên một taxi. Đoàn xe chạy qua những đâu, tôi không hay biết gì. Điểm dừng cuối cùng là một khách sạn lớn. Đèn sáng trưng. Bàn ghế lộng lẫy. Mỗi bàn ăn, chỉ hai người. Các món đều ngào ngạt mùi thơm nức. Chúng tôi được ngồi ăn tiệc và nghe nhạc sống rộn ràng. Tôi được động viên uống rượu nặng. Thế là chuếnh choáng. Một chị da trắng dìu tôi vào căn phòng thơm dìu dịu. Chị hôn lên trán tôi mấy bận. Chị khen tôi khỏe mạnh, mảnh mai và thùy mị. Mấy lần, chị nắm lấy tay tôi, bàn tay, cổ tay rồi cánh tay. Sau đó, chị như vô tình khẽ khàng vuốt ve tóc tôi, lưng tôi và đùi tôi nữa. Cuối cùng, chị thay váy áo cho tôi. Trắng toát một màu. Khi trở ra, tôi trở thành tiên nữ. Đôi mắt lấp lánh tự tin và kiêu hãnh, dáng vẻ khoan thai và hạnh phúc, đôi bàn tay đĩnh đạc và mềm mại. Từ đó, một người đàn ông da đen trong nhóm nói trên không rời tôi nửa bước. Một “Mời em…”. Hai “Em là thiên thần…”. Lúc đầu, tôi ngượng lắm, chắc đỏ chín mặt. Sau quen dần, tôi ăn uống thoải mái. Thỉnh thoảng, tôi đón nhận ánh mắt si tình của người đàn ông đáng tuổi cha chú mình. Tôi như mơ đi, đôi thoáng rạo rực rất lạ... Rồi chú Chacal, tên người da đen, khoác cánh tay tôi, đưa tôi ra một chiếc xe con màu trắng bóng lộn. Cửa vừa mở, một người da đen cao lớn nhảy đến: “Xin lỗi Chacal. Cháu Tarassa, bố cháu đến kìa…”. Người ấy nắm tay tôi, chỉ về phía một người đứng trước cửa khách sạn, và tức tốc kéo tôi chạy nhanh về phía đó. Một xe con bật mở. Tôi bị đẩy khẽ lên. Chiếc xe vút đi như bay trong đêm tối mịt mùng…

Ảnh minh họa.

Tôi được đón về một làng quê nghèo miền nam xa thẳm. Đây là vùng chuyện trồng mía. Bốn bên những mía là mía bạt ngàn. Làng mạc như những vườn hoa xinh xắn nổi lên giữa cái biển màu xám mênh mông, thỉnh thoảng lại cuộn sóng dạt dào, tựa trong truyện cổ. Sáng hôm sau và nhiều ngày nữa, tôi khóc đứng khóc ngồi. Mẹ của chú Ruffato, người “bắt cóc” tôi, cứ ôm lấy tôi, khẽ nựng nịu như vỗ về đứa cháu nhỏ. Bà già rồi, lưng đã hơi còng, mắt đau đáu điều gì bí ẩn, mái tóc bạc thì hầu lúc nào cũng bơ phờ, nụ cười móm mém. Bà đáng tuổi bà ngoại. Không thể tránh được ánh mắt xót thương vô cùng nhân hậu của bà trên khuôn mặt khắc khổ, tôi dịu lòng dần. Các bác các cô con bà, các cháu bà quấn quýt tôi như người ruột thịt. Như mọi người, tôi cũng ăn bánh ngô là món chủ lực và bắt đầu đi làm mía. Công việc bận rộn, mồ hôi nhễ nhại, bụi mù trời ngứa ngáy, nhưng luôn rộn rã tiếng cười. Cần nói cho rõ, tôi yên tâm ngay sau cái đêm hôm ấy. Chú Ruffato đã nói kĩ cho mẹ chú biết về chuyện của tôi. Hoá ra, đám trẻ “đi hoang” tại khu phố của tôi là một thế giới đủ mùi vị cay đắng ngọt bùi. Trẻ trai đa phần dù muốn dù không cũng được “huấn luyện” thành tội phạm ở mọi đẳng cấp. Trẻ gái thì phần lớn thành gái bán dâm. Trong đám trẻ gái, một số không nhiều được chăm sóc đặc biệt, để làm nô lệ tình dục cho những kẻ lắm bạc nhiều tiền. Chuyện thật như đùa: công cụ mua vui đơn thuần, bị nạo vét mọi rung động, đến thành tuyệt đối vô cảm, lại được hiểu như là người tình lí tưởng, vợ bé giá cao ngất trời, hay thiên thần hộ mệnh có một không hai. Số phận của những bé gái được tuyển chọn như vậy là vô cùng khắc nghiệt: vĩnh viễn bị tách khỏi gia đình, không sống nữa mà tồn tại như một trò vui xác thịt biến hoá khôn lường, đầy ê chề nhục nhã, đầy tởm lợm nhuốc nhơ... Đặc biệt, các bé ấy chỉ có lối thoát duy nhất khi không còn là đồ chơi nữa, đó là cái chết, thường không ai được tỏ...

Tôi là một nạn nhân khốn cùng như vậy. Chú Ruffato làm việc trong quán bar nhỏ mà có thời tôi hay ra vào. Chú hỏi han hay “thám tử” thế nào đó, nên đã nắm vững âm mưu của những kẻ tán tận lương tâm, coi tiền là Chúa. Chú đã bỏ ra bao công sức và tiền bạc để cứu tôi bằng được. Chú nghỉ làm nhiều ngày, tìm cho được tài xế dám liều mình vào hang bắt cọp. Dĩ nhiên, trước hết, tài xế đó phải dũng cảm và mưu trí, nhanh nhẹn. Thỏa thuận cứu người được nhất trí đâu vào đấy, người lái xe bỏ thời gian thám hiểm đường trường. Ông ấy chọn con đường ngoằn ngoèo, khấp khểnh nhất, xuyên qua đồng bãi và rừng rậm, rừng thưa. Ấy là đề phòng bọn tội phạm đuổi theo hay thuê cảnh sát tham nhũng rượt bắt chúng tôi kì được… Việc cứu xong rồi, chú chi thêm rất nhiều cho ân nhân, thật lạ, không những của tôi, mà còn là của chú. Những căng thẳng suốt mấy tiếng đồng hồ lái xe vun vút trong đêm rợn người, với chú, là tai hại ghê gớm cho sức khỏe thể xác và tâm hồn. Tôi vẫn nhớ, đêm đó, người lái xe lúc lúc lại nói rất đanh: “Ruffato, cứ bình tĩnh!”, “Chúng ở đàng sau, tớ ngoặt trái rồi”, “Chúc mừng Ruffato, ta sắp chiến thắng!”,… Chú rất ít về thăm nhà. Có về thăm chỉ thoáng chốc. Mỗi lần chú đi, mẹ chú hơi nhăn mặt, thở dài ảo não: “Cẩn trọng nghe con. Mẹ già rồi!...”. Chú cúi đầu, giấu những giọt lệ tình đời nóng hổi. Kể cũng lạ, lòng tốt ở đâu cũng cần, ở đâu cũng được yêu quý nâng niu. Sao người tốt như chú lại gian nan đến thế cơ chứ? Đối với chú, sống là cứu cho được những nạn nhân như chúng tôi. Chú quên cả hạnh phúc của riêng mình. Đôi lần, tôi nghe chú xin lỗi mẹ: “Đã không giúp được gì cho gia đình, con còn lần lữa chuyện vợ con, để cho mẹ thấp thỏm triền miên trong buồn tủi…”.

Từ khi bị đưa xuống miền nam, tôi chỉ dám về thăm nhà hai bận. Và thăm bí mật, theo lời dặn của chú. Đêm khuya lắm, mẹ mới về. Mẹ ôm choàng lấy tôi, khóc nức nở. Mồ hôi mẹ nồng đượm. Tôi khóc theo mẹ. Người run lẩy bẩy. Không sao ghìm lại được. Từ khi mất tin tôi, bố và anh đi khắp nơi tìm kiếm, tưởng tôi bị bắt cóc, hay bị cưỡng bức lao động. Dù gì, tôi vẫn loanh quanh trong khu vực. Giả thiết cay đắng nhất là tôi bị bắt hay bán làm nô lệ xác thịt. Đã vào chỗ đó, một địa ngục trần gian thực sự, coi như mất đời. Họa hoằn trốn thoát, cũng bị bọn hút máu người săn đuổi, bắt lại hay “bắn bỏ”. Bao nhiêu kẻ tán tậm lương tâm sống kí sinh trên thân thể trong trắng của chúng tôi, những đứa trẻ ngây thơ vô tội… Năm năm rồi, tôi thành thạo công việc làm mía, và có thể sống tạm ổn ở gia đình chú, nhưng hầu chưa được tâm sự với chú nhiều. Ôi, ngay làng quê thân yêu của chú, chú cũng phải giữ kín để tránh hại tới mẹ chú, tới xóm giềng. Có gì khó hiểu đâu, đồng tiền bất chính sẽ lần tới, triệt hạ hậu phương, để triệt hạ chú, kẻ thù không đội trời chung của chúng… Nghịch lí quái gở này, bao giờ người Brazil mới gỡ bỏ được? Gần đây chú bặt tin một thời gian dài, anh trai nhất quyết đưa tôi tìm thăm chú, tôi mới vỡ lẽ, chú đổi chỗ làm liên tục, khắp nước và liên tục cứu được nhiều em bé da đen trong muôn vàn tình cảnh éo le. Sau thời gian dài can đảm hỏi thăm, tìm kiếm, chúng tôi bàng hoàng thấy ngôi mộ chú nằm giữa rừng. Ấy là một ngôi mộ cao to, toàn đá chất chồng, cỏ xanh rì xen hoa đỏ tím vàng phất phơ ở những khe hở của đá. Hàng tuần vẫn có người thay nhau tới xén cỏ và tỉa hoa. Mộ luôn luôn ấm áp tình người, chứ không lạnh lẽo. Mộ không hề cô đơn, dù được ẩn mình xa xôi trong vắng lặng. Chao ôi, những người như chú dù sao cũng bị nhòm ngó, bôi nhọ và tấn công, những cú đòn ngầm tàn độc. Tôi chợt nhớ câu nói của một văn Nam Phi mà tôi vừa đọc trong báo mà mỗi lần về nhà, chú Ruffato vẫn mang về khuyên tôi đọc: “Cái tốt không thể đơn lẻ, cái tốt cần tập hợp và gắn kết lại thành một khối khổng lồ, không gì dù mạnh đến đâu công phá nổi, đủ sức đè bẹp cái xấu, cho cõi người được trong sạch và yên bình”.

Mười người đang sùi sụt khóc hay quỳ đăm chiêu quanh mộ. Họ đều mang ơn cứu mạng của chú. Người trẻ nhất, mới mười lăm, đôi mắt vẫn thất thần, cho hay, em đang chạy trốn cảnh sát truy đuổi, chú đang chạy đằng sau, liền vọt lên trước, hứng lấy luồng đạn của cảnh sát, để em chạy thoát. Em bị đổ riệt ăn cắp số tiền lớn trong khách sạn khi em vào thăm mẹ đang chạy bàn. Người đổ riệt là một đại gia. Hình như ông ta thích mẹ em, xinh đẹp và hiền dịu hiếm thấy. Ông ta mua chuộc kiểu gì cũng không được. Mẹ em biết tìm cớ thoái thác, nhờ chủ yếu vào các bạn cùng làm. Hễ gặp bí, mẹ lớn tiếng gọi ngay cô hoặc chị nào đó. Cô hay chị này chạy tới ngay… Tiền thất bại hoàn toàn, ông chủ chúng tìm cớ trả thù người đàn bà lương thiện. Tên kẻ cắp về sau bị phát hiện. Người cảnh sát bắn nhầm xin giải nghệ và ân hận, tới mức ốm đau một thời gian dài. Ông thường đến đây thăm chú, đầu cúi thấp hồi lâu, mắt rưng rưng lệ, trong những tiếng thở dài không sao kìm nén. Đôi khi, ông ôm lấy em bé mười lăm, khóc rống như vừa mất người mẹ tảo tần, mà ông chưa kịp đền đáp, dù yêu thương nhất trên đời. Tấm bia đá hoa cương đen nhánh gắn trước mộ chú khắc nổi như những bông hồng bạch thuần khiết dòng chữ bâng khuâng trắng ngần: “Ruffato: Chỉ người da đen đoàn kết lại mới giải phóng được người da đen!”. Một chị hơn tôi năm tuổi bảo rằng: “Chú thường nói, việc làm của chú chỉ là ném đá xuống biển. Phải làm sao phá bỏ được thói xấu của người da trắng, luôn luôn cao ngạo với dân da đen. Điều này mới là cốt tử…”. Tôi bỗng nhìn thấy đôi mắt chú, rực sáng bao dung, nhân từ thăm thẳm, bao giờ cũng buồn, buồn vô hạn, đang chăm chú nhìn tôi, nhìn khắp lượt mọi người. Đôi mắt tràn ngập yêu thương, tràn ngập an ủi, tràn ngập khích lệ và tràn ngập tin tưởng. Tôi bật khóc òa, suýt ngã xuống bên chị. Anh tôi vội đỡ được tôi. Vâng, người tôn trọng người, chuyện ấy quá bình thường, bình thường như mặt trời và mặt trăng vẫn mọc cho mọi sinh linh trên cõi thế. Vậy mà sao ở đây, đất nước Brazil thân yêu, chúng tôi không làm được?

Nhật Quang (Dịch)