Thứ Tư, 04/05/2022 07:01

"Belfast" khiến những người cứng rắn nhất cũng khó kiềm chế cảm xúc

Tin chắc rằng đây là bộ phim có thể khiến ngay cả những người cứng rắn cũng không thể kiềm lại được cảm xúc của mình.

Gợi nhớ nhiều đến Roma những năm về trước của đạo diễn Alfonso Cuarón, Belfast của đạo diễn Kenneth Branagh là một thước phim nhỏ nhắn nhưng nhiều cảm xúc. Rất có thể từ sau hai địa danh này, “vũ trụ của những thành phố” sẽ được lập ra và trở thành một trường phái mới đưa người xem vào những khe hẹp của kí ức riêng tư.

KẾ THỪA DI SẢN ROMA

Lấy bối cảnh Belfast thuộc Bắc Ireland những năm đầu thập niên 1970, đạo diễn Kenneth Branagh đã tái hiện lại những kí ức ấu thời của mình trong Thời kì Nhiễu nhương. Xoay quanh gia đình của cậu bé Buddy theo đạo Tin lành Ulster thuộc tầng lớp lao động, lúc này đương nổ ra một cuộc bạo loạn trong nhóm những người theo đạo Tin lành đối chọi với người Công giáo.

Buddy sống cùng mẹ, anh trai và ông bà mình trong một khu phố trước đó từng xảy ra bạo động, trong khi cha cậu làm ngành xây dựng ở tít nước Anh, và chỉ về nhà hai tuần một lần. Là gia đình theo đạo Tin lành, bố Buddy từ sớm được Billy Clanton - một tên bạo động cuồng tín, yêu cầu tham gia vào nhóm đánh phá, nhưng từ chối; dẫn đến sau đó Buddy và mẹ bị bắt làm con tin khi cậu nghe lời em họ Moira cướp phá tiệm tạp hóa.

Khi thấy tương lai không thể chịu được, cả gia đình đã quyết định rời đến Anh sinh sống. Ý định đó được đưa ra một cách vô cùng khó khăn, trước cái chết của người ông, người bà cô độc, cũng như nỗi e ngại một môi trường mới của Buddy và mẹ cậu. Bộ phim khép lại bằng thước phim quay cận hình ảnh người bà tạm biệt gia đình, để lại nỗi buồn và sự cô độc.

Kenneth Branagh phủ màu lên những cảnh phim.

Sử dụng màu phim đen - trắng với độ tương phản cao, Belfast một phần nào đó khiến người xem nhớ đến Roma ở chính màu phim cũng như nội dung đơn giản về những kí ức ấu thời gắn liền với một vùng đất. Chính điều này vô hình trung đặt Belfast lên trên bàn cân, để so sánh với một bộ phim vô cùng thành công những năm về trước, và đôi khi cảm xúc bị đẩy xuống hàng thứ hai bởi những so sánh kể trên.

Nhưng cũng dễ dàng thấy được kịch bản của Belfast có sức nặng và tập trung hơn Roma. Lấy Thời kì Nhiễu nhương làm bối cảnh chính, đạo diễn Kenneth Branagh phần nào đã tái hiện lại một thời biến động với bạo lực, hỗn loạn, cũng như vai trò yếu thế của người phụ nữ gắn liền với việc nội trợ trong một gia đình có người đàn ông chưa kịp trưởng thành. Kịch bản bộ phim cũng đã chiến thắng hạng mục Kịch bản gốc hay nhất ở Oscar 2022, vượt qua Lirico Pizza được nhiều nhà phê bình đánh giá cao.

Dùng góc nhìn của Buddy, một cậu bé nhỏ để truyền tải đi nội dung có phần buồn thương, có thể thấy rằng chính vì lí do này mà Belfast không quá nặng nề. Đó chỉ là những lát cắt có phần thơ ngây và nhiều câu hỏi đã được Kenneth Branagh tận dụng với hai mục đích, vừa trung thành với nhãn quan của bản thân, nhưng cũng đồng thời làm nhẹ thực tế, khi quy sự tập trung vào trong kí ức của thế giới quan duy nhất của một đứa trẻ.

NHỮNG ĐIỂM TỎA SÁNG

Có thể thấy rằng phủ suốt Belfast chính là những sự tò mò của một đứa trẻ. Trong những phân cảnh ở rạp chiếu phim, khi đang xem phim khủng long, motor bay Chitty Chitty Bang Bang hay kịch Hồn ma đêm giáng sinh của Charles Dicken… tất cả đều được Kenneth Branagh “phủ màu” lên những phân cảnh này, như những ước mong cũng như giấc mơ của một đứa trẻ khi được tưởng thưởng một điều gì đó. Hướng đến khác biệt so với Roma khi bộ phim đó hoàn toàn đen trắng, điều này đã khiến Belfast sinh động và nhộn nhịp hơn.

Kenneth Branagh cũng rất thông minh khi đem đến được những tiếng cười bảng lảng ở những cảnh phim, vừa làm giảm nhẹ sự thật trần trụi, nhưng cũng khơi gợi được sự đồng cảm của khán giả xem phim. Đó có thể là Buddy thơ ngây với việc lên tiếng khi mẹ cậu trốn nhân viên thuế, là cậu khi đi cướp cửa hàng socola hay tiệm tạp hóa, và cũng là cậu với một tình yêu thầm kín với cô bé Christina. Đó cũng là những trận cãi vả một cách vui vẻ giữa ông bà cậu, hay bố mẹ cậu.

Phân cảnh quay cận Judi Dench để lại sự xúc động lớn.

Nếu Anna Burns lựa chọn tái hiện Thời kì Nhiễu nhương từ góc độ văn chương của Người giao sữa bằng một nhân vật không tên có phần kì dị thì Buddy là tất cả những gì người xem chờ đợi. Cậu vừa là nguyên nhân, nhưng cũng đồng thời là hậu quả. Những phân cảnh được chắt lọc một cách hiệu quả, như cái ôm sau khi cả gia đình thoát khỏi được trận bắt làm con tin, đã khiến người xem nhớ lại Roma, với chính phân cảnh trên bãi biển khi cô giúp việc Cleo ôm chằm những đứa trẻ nhỏ.

Trong âm nhạc jazz của Van Morrison, Kenneth Branagh cũng tái hiện lại những tình yêu thanh xuân, với âm nhạc được tinh chỉnh phù hợp và cần thiết, bắt trọn cảm xúc không thừa không thiếu. Dàn diễn viên cũng thực hiện được vai trò của mình, với sự tỏa sáng của cậu bé Buddy (do Jude Hill thủ vai) đã khiến mọi người còn lại thành diễn viên phụ. Các khung cảnh quay chậm, tập trung vào nét biểu cảm khuôn mặt cũng là thứ đánh vào cảm xúc người xem, khiến họ bị ám ảnh và cảm nhận được dòng chảy cảm xúc của các nhân vật.

Nói về điểm yếu. Bối cảnh của Belfast hoàn toàn được dựng trong studio nên không gian tù túng, chật hẹp là không tránh khỏi khiến người xem nhận ra. Hơn nữa mạch phim có phần chậm chạp, một mặt nhằm tái hiện lại sự mất kết nối, nhưng cũng bi kịch với màu trầm buồn. Điều này cũng là con dao hai lưỡi, khi vừa thực hiện được ý đồ đạo diễn, nhưng đôi khi cũng khiến khán giả mất sự kiên nhẫn, dẫu cho sau đó là những trường đoạn gợi nhiều cảm xúc.

*

Nhìn chung Belfast là màn tài hiện lại những cảm xúc vô cùng đẹp đẽ. Kenneth Branagh biết cách giữ chân khán giả, bằng màu phim, kịch bản cũng như nụ cười có phần bàng bạc. Tuy không tránh khỏi việc phải quay phim trong studio ở thời điểm dịch bệnh, nhưng tin chắc rằng đây là bộ phim có thể khiến ngay cả những người cứng rắn cũng không thể kiềm lại được cảm xúc của mình.

Chiến thắng hạng mục People’s Choice của LHP Quốc tế Toronto nhưng thất bại ở Oscar, tuy thế Belfast vẫn là bộ phim đáng xem, và thuộc motif tác phẩm người xem có thể cất vào ngăn kí ức để nhiều năm sau xem lại thêm một lần nữa.

NGÔ MINH