Thứ Ba, 06/07/2021 17:25

Bệnh viên Quân y 5 và câu chuyện phía sau địa chỉ đỏ

Nhắc đến Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng là nhắc đến một chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tiết niệu trong ngành quân y Quân khu 3 cũng như trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. (Thực hiện: Trần Ngọc)

Những năm gần đây, Bệnh viện Quân y 5 (Cục Hậu cần Quân khu 3) luôn được coi là địa chỉ đỏ trong chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 3, Quân đoàn 1, các đơn vị của Bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng như các địa phương lân cận. Có được điều đó phải kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện và sự đồng lòng của tập thể y bác sĩ, cán bộ công nhân viên Bệnh viện. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một nhân vật cùng những đóng góp của anh, đó là Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Quân y 5.

Nhắc đến Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng là nhắc đến một chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tiết niệu trong ngành quân y Quân khu 3 cũng như trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Để có được uy tín trong nghề như vậy, Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng đã có một quá trình phấn đấu với muôn vàn khó khăn. Cương nghị, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, luôn nghĩ cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị trước khi nghĩ cho mình là cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với Giám đốc Bệnh viện Quân y 5. Và cảm nhận đó càng được khẳng định khi tôi được nghe các cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện nói về vị chỉ huy cao nhất của mình.

 Năm 1992, sau gần 7 năm đèn sách tại Học viện Quân y, bác sĩ đa khoa Trần Đình Hưng được điều động về thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Quân y 7 (Cục Hậu cần Quân khu 3). Sau gần 3 năm gắn bó ở khoa Ngoại Bụng, anh được điều động ra thực hiện nhiệm vụ ở đảo Cô Tô. Khi nhắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mắt người sĩ quan khoác áo blouse trắng ánh lên niềm tự hào. Hơn 2 năm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên đảo Cô Tô đã cho anh nhiều trải nghiệm thú vị, những năm đó đời sống kinh tế đất nước còn khó khăn nên đảo Cô Tô đó còn chưa có điện, nguồn nước ngọt thì hạn chế nên những người quen sống trong đất liền mới ra đảo nhận nhiệm vụ như anh ban đầu không khỏi bỡ ngỡ. Được sự tin yêu của nhân dân trên đảo cùng những quan tâm thiết thực như tặng vật dụng sinh hoạt, chia sẻ can nước, củ sắn củ khoai... đã giúp anh và đồng đội làm quen và quyết tâm bám trụ để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Việc khám chữa bệnh nơi đảo xa ngày đó vô cùng khó khăn với việc thiếu thốn trang thiết bị, máy móc. Trong khi đó, các trường hợp cấp cứu, điều trị các loại bệnh rất đa dạng, từ ngoại bụng, đến cấp cứu chấn thương, rồi cả sản phụ khoa… tất cả yêu cầu phải xử trí nhanh chóng, chính xác, nếu chậm chễ có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Việc chuyển bệnh nhân vào đất liền gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Ngày đó cả bệnh xá có duy nhất một máy phát điện chỉ dùng những khi phẫu thuật, cấp cứu khẩn cấp. Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng kể lại một câu chuyện đã thành kỉ niệm từ thời công tác tại đảo Cô Tô: "Tôi còn nhớ như in lần cấp cứu trường hợp ca đẻ ngôi ngược của một sản phụ trên đảo. Đó là khi tôi mới ra nhận nhiệm vụ được gần một tháng, người nhà đưa sản phụ đến Bệnh xá quân dân y vào lúc gần tối. Sản phụ quằn quại với những cơn đau dữ đội, gần như đã kiệt sức. Tôi nhanh chóng khám và chuẩn đoán đây là ca để ngôi ngược, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ bị suy thai, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Sản nhi không phải chuyên ngành chuyên sâu của tôi và trường hợp ca đẻ ngôi ngược cũng là lần đầu tiên tôi gặp trong quá trình khám chữa bệnh. Rất may, trong hành trang ra đảo, tôi đã chuẩn bị rất nhiều tài liệu chuyên ngành sản nhi, tiến hành vừa đọc sách, vừa cấp cứu và cấp cứu thành công… Mẹ tròn, con vuông trong sự thở phào của tôi và các đồng chí ở bệnh xá. Người thân bệnh nhân thì vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc”. Anh kể lại câu chuyện như mới hôm qua, dù nó diễn ra đã gần chạm mốc ba mươi năm rồi.

Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Quân y 5 thăm khám cho bệnh nhân.

Qua những câu chuyện anh trải lòng về những ngày gắn bó với đảo Cô Tô, tôi hiểu rằng những ngày tháng đó không chỉ cho người lính áo trắng những bài học thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn y khoa mà còn rèn cho anh bản lĩnh vững vàng khi đối mặt với gian khó. Và chính bản lĩnh không ngại khó, ngại khổ đã giúp anh tiếp tục vượt qua những thử thách trên con đường theo đuổi y thuật của mình.

Sau khi rời đảo, bác sĩ Hưng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quân y ở Sư đoàn 395. Sau một thời gian cống hiến, anh được cấp trên tạo điều kiện cho đi học. Đến tháng 10/2003, Đại tá Trần Đình Hưng hoàn thành chương trình cao học và được điều động về bệnh viện Quân y 5 công tác. Tháng 7/2006, anh được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại Bụng của bệnh viện. Sau hai năm gắn bó với cương vị Phó Chủ nhiệm khoa, anh tiếp tục theo học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành phẫu thuật tiết niệu. Sau khi bảo vệ thành công luận án, anh quay trở lại bệnh viện công tác với vị trí Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại Nhân dân, tháng 12/2013 anh được cấp trên tin tưởng, phân công giữ cương vị Chính ủy Bệnh viện. Đến tháng 11/2018 anh trở thành Giám đốc bệnh viện.

Một thuận lợi với Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng trên cương vị Giám đốc Bệnh viện Quân y 5 chính là anh có thời gian công tác lâu năm ở đây, từng 5 năm giữ chức vụ Chính ủy nên anh rất hiểu đơn vị. Cũng chính vì thế mà những quyết sách anh và các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám đốc đơn vị đưa ra đều sát, đúng với thực tiễn nhiệm vụ.

Đứng trước những khó khăn như: một số cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế xuống cấp; nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi đã hết tuổi phục vụ Quân đội, số y bác sĩ trẻ cần phải có thời gian tích lũy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thêm nữa, những năm gần đây Bệnh viện quân y 5 còn được giao tự chủ tài chính… nên đời sống của cán bộ, nhân viên còn nhiều khó khăn. Đại tá Hưng và các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện xác định, đoàn kết, chủ động phát huy nội lực chính là nhân tố cơ bản để đơn vị bứt phá đi lên; thực hiện tập trung xây dựng đội ngũ y, bác sĩ theo phương châm: “Sáng về y đức, giỏi về y thuật” với nhiều hình thức, biện pháp như: mời chuyên gia đầu ngành các Bệnh viện tuyến Trung ương, Học viện Quân y về giảng dạy, chuyển giao kĩ thuật; cử các kíp kĩ thuật lên tuyến trên học tập, do vậy nhiều kĩ thuật tiến bộ khoa học làm ở tuyến A đã được triển khai thực hiện tại Bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện đã phát triển nhiều kĩ thuật mới như: Kết xương bằng nẹp khóa, thay khớp háng toàn phần và bán phần, vi phẫu nối mạch máu thần kinh; cắt tử cung bán phần và toàn phần nội soi; cắt u phì đại tiền liệt tuyến bằng phương pháp nội soi bốc hơi lưỡng cực; tán sỏi tiết niệu bằng nội soi ngược dòng; giảm đau cạnh sống điều trị chấn thương ngực; hồi sức cấp cứu nhiều bệnh lí đa dạng phức tạp, nhất là hôn mê sâu do đột quỵ, do chấn thương sọ não, thông khí nhân tạo dài ngày; phát triển các kĩ thuật cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn vị vật lí trị liệu, phục hồi chức năng….
Việc nghiên cứu ứng dụng các đề tài trong công tác quản lí và điều trị của Bệnh viện cũng được quan tâm tổ chức thực hiện và nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của cán bộ, nhân viên, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Quân y 5 thăm và tặng quà cho bệnh nhân trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Ngoài việc cùng với Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng còn đặc biệt quan tâm, chăm lo đến các hoạt động tri ân mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hàng năm, Bệnh viện đều tổ chức những hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn Quân khu để tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí.

Giám đốc Bệnh viện quân y 5 cho chúng tôi biết: “Đến nay, Bệnh viện Quân y 5 đã trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành. Suốt chặng đường lịch sử đó, niềm tin yêu của quân và dân dành cho Bệnh viện chính là nguồn động lực vô cùng to lớn để chúng tôi có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kì đổi mới”. Lớp lớp thế hệ cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện luôn khắc sâu trong tâm hai chữ “tri ân” tình cảm thiêng liêng đó. Mỗi một người lính ở đơn vị luôn tự nhủ phải nỗ lực phân đấu, học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Song song với đó, cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức người quân nhân cách mạng, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Người Thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng, hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội…”.

Luôn tâm niệm “tri ân”, một lòng phục vụ nhân dân, trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng nhắc đi, nhắc lại những điều tâm niệm về y đức khi trải lòng về chặng đường binh nghiệp của mình cũng như quá trình phát triển không ngừng của Bệnh viện Quân y 5. Cách sống mẫu mực và quan niệm làm nghề của anh đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, để mỗi cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện học tập và noi theo, để họ phấn đấu rèn luyện trên tinh thần phục vụ tận tình, chu đáo. Có lẽ từ những điều như vậy mà nhiều năm qua Bệnh viện Quân y 5 đã trở thành một địa chỉ đỏ trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế đối với không chỉ cán bộ chiến sĩ các đơn vị Quân khu 3 mà còn với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT trong khu vực và bà con nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng như các địa phương lân cận.

Bài và ảnh: TRẦN NGỌC