Trong cuốn Pen Names vừa mới ra mắt, hai tác giả Kirsty McHugh và Ian Scott đã khám phá những câu chuyện thú vị đằng sau một số bút danh của những tên tuổi vô cùng nổi tiếng...
Trong cuốn Pen Names vừa mới ra mắt, hai tác giả Kirsty McHugh và Ian Scott đã khám phá những câu chuyện thú vị đằng sau một số bút danh của những tên tuổi vô cùng nổi tiếng, gồm Charles Dickens, George Elliot và John le Carré.
Boz - bút danh của Charles Dickens
Charles Dickens là một trong những cái tên dễ nhận biết nhất của văn học Anh, nhưng ít người biết trong suốt nhiều năm ông từng xuất bản dưới bút danh Boz. Dickens lớn lên trong cảnh nghèo đói, do đó suốt thời thơ ấu ông phải làm việc để giúp đỡ gia đình. Năm 15 tuổi ông bỏ học để bước chân vào một văn phòng luật sư. Công việc này tuy nhàm chán nhưng sau đó lại cung cấp nhiều tư liệu cho việc sáng tạo của nhà văn này. Từ năm 1828, Charles và cha – John – một cựu nhân viên hải quân, chuyển sang làm báo.

Charles Dickens, George Eliot và John le Carre có nhiều lí do tránh dùng tên thật.
Vào đầu những năm 1830, trong thời gian rảnh rỗi, Charles Dickens đã viết các bản thảo và bài hát, dàn dựng các vở kịch nghiệp dư và dành thời gian để học tại Phòng đọc của Bảo tàng Anh. Vào tháng 12 năm 1833, một bản thảo ngắn mà ông viết đã được in ẩn danh trên Tạp chí Monthly. Ông cũng gửi thêm các bài đóng góp sau đó và trong số ra tháng 8 năm 1834, bút danh Boz lần đầu xuất hiện. Bút danh này được lấy từ biệt danh thời thơ ấu của anh trai ông là Augustus như cách phát âm sai của “Moses”.
Mặc dù một số truyện nhiều kì của Dickens vẫn tiếp tục được kí dưới bút danh Boz rất lâu sau đó, nhưng trang tiêu đề của các tiểu thuyết và truyện vừa của ông đã bắt đầu sử dụng tên thật Charles Dickens từ những năm 1840. Boz nổi tiếng đến nỗi từng có một buổi chào đón Dickens đến Mĩ vào năm 1842 mang tên “Boz Ball”.
Như vậy Dickens đã lấy bút danh theo truyền thống làng báo dù không cần phải che giấu danh tính của mình. Mặc dù ông vẫn được biết dưới bút danh Boz, nhưng giờ đây với tư cách là người nổi tiếng trong giới văn học, cái tên Charles Dickens lại phổ biến hơn.
George Eliot - bút danh của Mary Anne Evans
Được nhớ đến nhiều nhất qua tiểu thuyết Middlemarch - bức chân dung nổi tiếng của tác giả về cuộc sống tỉnh lẻ ở Anh Quốc, có một sự thật là Mary Anne Evans đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau trong suốt cuộc đời. Nhưng bút danh mà bà sử dụng vào những năm 1850 là George Eliot vẫn tồn tại và là cái tên mà các cuốn sách của bà được phát hành cho đến ngày nay.
Bút danh này lần đầu xuất hiện khi truyện đầu tiên thuộc loạt Scenes of Clerical Life ra mắt trên Tạp chí Blackwood vào tháng 1 năm 1857. George Henry Lewes - nhà văn đồng nghiệp và là cộng sự của Evans, ban đầu đóng vai trò trung gian để danh tính của bà có thể che giấu ngay cả với biên tập viên của tạp chí. Sau đó loạt truyện này được xuất bản dưới dạng sách vào năm sau và cái tên George Eliot đã được sử dụng. Về sau, bà giải thích “George là tên thánh của Lewes còn Eliot là một từ dễ phát âm, dễ đọc”.

Cuốn sách tiết lộ câu chuyện đằng sau các bút danh thú vị.
Lí do Evans sử dụng bút danh rất phức tạp, có liên quan đến thực hành viết lách và cảm xúc của bà về quyền tác giả, nhưng cũng đồng thời là vấn đề thời đại khi xuất bản dưới tư cách là một phụ nữ trong thời Victoria. Evans hiểu thế giới văn chương và biết giới tính của người viết có ảnh hưởng không nhỏ đến cách tác phẩm được đón nhận cũng như đánh giá. Ngoài ra, cuộc sống riêng tư của bà có thể làm suy yếu thành công về mặt phê bình và thương mại. Bà có mối quan hệ lãng mạn với Lewes, người đã li thân với vợ nhưng không thể li hôn. Tên gọi rất quan trọng với bà và bà đã đổi tên mình trong suốt cuộc đời. Được rửa tội là Mary Anne Evans nhưng sau này bà tự gọi mình là Mary Ann hoặc Marian. Khi bà và George Henry Lewes cùng nhau lập gia đình vào năm 1854, bà muốn được gọi là Bà Lewes.
Sự thành công của cuốn sách thứ hai - Adam Bede (1859) đã làm tăng thêm sự suy đoán của công chúng về tác giả của nó. Mặc dù danh tính của George Eliot không được tiết lộ cho các nhà xuất bản cho đến đầu năm 1858, nhưng họ đã đoán được. Trong giới văn chương, Evans ngày càng được nhiều người biết đến là tác giả đằng sau bút danh này. Tuy nhiên, các tiểu thuyết của bà vẫn tiếp tục xuất hiện dưới cái tên George Eliot.
Năm 2020, để kỉ niệm 25 năm Giải Women’s Prize for Fiction ra đời, dự án “Reclaim Her Name” đã xuất bản các tác phẩm dưới định dạng ebook theo tên thật của các tác giả nữ, trong đó có Middlemarch đã xuất hiện cùng tên Mary Ann Evans. Mặc dù dự án có ý định tốt trong việc nêu bật sự thiên vị giới tính trong ngành xuất bản, nhưng nó đã vấp phải khá nhiều chỉ trích. Chủ tịch của Quỹ George Eliot đã bình luận: “Họ không hiểu rằng George Eliot đã chọn cái tên đó và muốn giữ nguyên vì đó là quyền của bà ấy. Ngoài ra cái tên ấy luôn gắn liền với sự chính trực dưới tư cách một nhà văn, với cảm xúc riêng của bà về bản thân mình”.
John le Carré - Bút danh của David Cornwell
Sử dụng danh tính giả là điều thường thấy trong giới điệp viên bí ẩn, vì vậy có vẻ như việc David Cornwell xuất bản những tiểu thuyết gián điệp nổi tiếng dưới bút danh John le Carré là điều không quá bất ngờ. Thế nhưng sự thành công của cuốn tiểu thuyết Điệp viên từ vùng đất lạnh đã thay đổi cuộc đời và làm lộ “vỏ bọc” này.
David Cornwell theo đó đã âm thầm xuất bản tiểu thuyết dưới bút danh John le Carré khi đang làm việc chính thức như một nhà ngoại giao và không chính thức như một điệp viên cho MI5 và MI6. Ngay sau khi cuốn sách được xuất bản vào tháng 9 năm 1963, nó đã trở thành cuốn sách rất được chú ý. Báo chí bắt đầu suy đoán John le Carré là ai và làm thế nào mà con người này biết nhiều về nghề nghiệp, thuật ngữ mà chỉ các gián điệp mới hiểu? Một nhà báo của tờ Sunday Times đã gọi điện cho Cornwell ở Hamburg và hỏi liệu ông có phải là le Carré không. Cornwell xác nhận là đúng nhưng nhấn mạnh bản thân không làm việc cho các cơ quan mật vụ và chỉ quan sát họ làm việc thôi.
Cuộc sống hai mặt với tư cách là một tác giả văn học của ông đã được các “cấp trên” biết đến. Theo đó Cornwell đã thông báo về ý định xuất bản một cuốn tiểu thuyết và được gợi ý nên sử dụng bút danh. Nhà xuất bản Victor Gollancz theo đó đã gợi ý những cái tên thô kệch và khiêm tốn như Jack Smith hoặc Herb Brown, nhưng ông kiên quyết phải là le Carré.
Tên đầy đủ của Cornwell là David John Moore Cornwell, vì vậy chúng ta biết “John” bắt nguồn từ đâu, nhưng tại sao lại là “le Carré”? Nó có nghĩa là “hình vuông” trong tiếng Pháp, và trong nhiều năm ông khăng khăng John le Carré là tên thương hiệu của một cửa hàng giày bản thân nhìn thấy từ tầng trên cùng của một chiếc xe buýt ở London. Nhiều năm sau đó ông thú nhận đây là một cái tên tưởng tượng và mình thì không thể nhớ nguồn gốc của nó, nhưng với cấu trúc và giọng điệu đặc biệt cùng sự pha trộn giữa quen thuộc và kì lạ, nó lại tạo ra sự thu hút cho tên của một tác giả.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ LitHub