Thứ Tư, 26/02/2020 06:50

Biểu tượng Sông, Biển trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Trong việc giáo dục đạo đức cách mạng Bác Hồ cũng thường dùng ngụ ngôn, trong đó có hình tượng “biển”... (THANH HẢI)

THANH HẢI

 

1. Biển là đối tượng thẩm mỹ.

Nhà thơ Tiêu Tam (Trung Quốc) kể, ngày 1- 6-1960 Tiêu Tam được mời đến gặp Bác Hồ. Nhà thơ khoe mới làm được bài thơ Phú vịnh Hạ Long. Khi Tiêu Tam hỏi ý kiến Cụ, Cụ Hồ đã chữa câu “Thủy liên thủy, Thủy liên sơn” thành “Sơn liên thủy, Thủy liên sơn”. Tiêu Tam chữa tiếp thành “Thủy liên thiên”. Cụ Hồ vui vẻ khen “Hay!”. Cuối cùng đã thành bản chính thức: “Sơn liên thủy, Thủy liên thiên, Sơn thủy thiên địa đại đoàn viên”[1]. Đúng là chữa “Thủy liên thủy” thành “Sơn liên thủy” thì không gian hình ảnh thơ được mở rộng, tình thơ lai láng hơn, ý thơ sâu sắc hơn.

2. Biển là biểu tượng cho sự vĩ đại, lớn lao.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (5-1-1960), Bác Hồ nói:

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình”[2]

Trong việc giáo dục đạo đức cách mạng Bác Hồ cũng thường dùng ngụ ngôn, trong đó có hình tượng “biển”. Đây là một ví dụ về dùng ngụ ngôn để mọi người hiểu bệnh “tự kiêu tự đại”, bệnh “công thần”: “Ai tự cho mình có công trạng mà tự kiêu tự đại là không đúng. Lòng của người cách mạng chân chính là phải rộng rãi như sông như bể, có như thế thì mới tiến bộ. Nếu có một chút công trạng gì mà tự cao tự đại, coi người ta không ra gì, thế là sai, thế là cái ruột nhỏ, ví như cái cốc, một gáo nước đổ vào thì tràn hết. Vậy các cô các chú muốn độ lượng mình như sông như bể hay như cái cốc? Như sông như bể mới gọi là độ lượng của người cách mạng ”[3].

Ngày 19-12-1948, trên báo Cứu quốc số 1116, Bác Hồ nhấn mạnh các hình tượng mang tính biểu trưng: “Lực lượng của địch trước to sau nhỏ, trước mạnh sau yếu. Tình hình của địch như mặt trời đã xế tà, gần tắt.

Lực lượng của ta trước nhỏ sau to, trước yếu sau mạnh. Thanh thế của ta cũng như những nguồn nước nhỏ nhớn dần thành một đại dương”[4]. Đoạn văn kết cấu tương phản gay gắt ta và địch. Hình tượng đại dương đã khái quát một cách cao nhất sự lớn mạnh vĩ đại, ý chí mạnh mẽ, quyết tâm lớn lao của ”lực lượng ta”.

3. Biển là biểu tượng cho ý chí mạnh mẽ.

Bác Hồ có bài ca dao tặng Đại hội chiến sỹ thi đua công an nhân dân vũ trang:

“Non xanh nước biếc trùng trùng,

Giữ gìn Tổ quốc, ta không ngại ngùng gian lao.

Núi cao, sự nghiệp càng cao,

Biển sâu, chí khí ta soi vào càng sâu”[5].

Rất đúng với công việc của ngành công an nhân dân vũ trang (nay gọi là bộ đội biên phòng) luôn phải làm công tác nơi“Non xanh nước biếc trùng trùng”, “núi cao”, “biển sâu”. Thời chống Mỹ họ lại càng vất vả, nhưng càng nơi thử thách con người càng trưởng thành: “Núi cao, sự nghiệp càng cao”.

4. Biển là biểu tượng cho sự bao la, rộng lớn.

Trong bài báo Trong trần ai, ai cũng ghét Ai, Bác Hồ đã “tập” từ hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” mà Nguyễn Trãi đã viết để nói về tội ác trời không dung đất không tha của giặc Minh thành:

“Chẻ hết tre rừng cao, ghi không hết tội

Múc hết nước biển cả, rửa không sạch thù!”[6]

để tố cáo, lên án đế quốc Mỹ mà đầu sỏ là Tổng thống Aixenhao đang cùng bọn tay sai Ngô Đình Diệm gây ra với nhân dân miền Nam Việt Nam.

Truy về nguồn gốc thì Cụ Nguyễn Trãi lại “tập” từ câu nói của Lý Mật, một lãnh tụ nông dân nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà Tuỳ:

Khánh nam sơn chi trúc thư tội vô cùng

Quyết Đông hải chi ba lưu ác lan tận

(Chặt hết trúc núi Nam cũng không ghi hết tội,

Sóng biển Đông tràn ra cũng không rửa hết mùi tanh hôi).

Câu nói này kết tội Tuỳ Dưỡng Đế giết cha, giết anh để chiếm ngôi, trong suốt 23 năm trị vì ông ta đã làm biết bao tội đến ma quỷ cũng còn sợ[7]. Hàm ý mỉa mai trong cách “tập cổ” của Nguyễn Trãi, ngoài tố cáo tội ác giặc Minh với dân ta, còn muốn nói rằng: các người có “truyền thống” tội ác, tổ tiên (triều đại nhà Tuỳ) các người (giặc Minh) đã từng có tội ác với anh em mình, dân mình như thế, khi trở thành kẻ xâm lược thì tội ác các người còn hơn thế nhiều.

Quả là văn chương thật vô cùng, càng học càng thấy các vĩ nhân có vốn hiểu biết thật uyên bác, sâu sắc, tinh tế!

5.Sông - Biểu tượng cho khó khăn ngăn trở.

Một sáng, trên đường tới dự cuộc họp quan trọng thì trời mưa to, nước dâng ngập suối nhưng Bác vẫn quyết tâm vượt qua đến họp đúng giờ. Bác kể: “Hôm nay trời mưa to, suối nước lũ, khi đi đến một cái suối nước chảy mạnh, thấy bên kia có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống để sang, Bác nghĩ: nếu không đi ngay, e các chú đợi mất thì giờ. Nên Bác cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi áo quần, tay sào, tay gậy, lần sang được. Thấy Bác sang được, nhóm đồng bào kia cũng quyết tâm sang. Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình”[8].

Nói về tình hữu nghị Việt Nam – Lào, Bác mượn ca dao để khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt dù có khó khăn trở ngại gì cũng vượt qua: “Th­ương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào, hai n­ước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

6. Sông - Biểu tượng cho lịch sử, cho sự vĩ đại, lớn lao.

Ngày 23-4-1946, tướng Pháp mời Bác đi thăm hạm đội Pháp ở Vịnh Hạ Long. Tướng Đácgiăngliơ hỏi Người về cảm tưởng chuyến thăm. Bác nói: “- Các ngài biết đấy. Lịch sử nước chúng tôi đã từng ghi không một chiến hạm nào của quân xâm lược vượt qua được sông Bạch Đằng”.

Trên máy bay trở về Hà Nội, Bác nói với tướng Xalăng:

“- Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược những dòng sông của chúng tôi”[9]. Đây là lời nhắc cũng là lời cảnh tỉnh cho tướng Pháp, có thể hiểu nhiều nghĩa: vì địa hình hiểm, dòng chảy dốc; và chúng tôi - những người kháng chiến sẽ không bao giờ cho những con tàu đó ngang nhiên xâm phạm đất nước chúng tôi.

Bác Hồ dùng hình tượng sông suối để giáo dục đạo đức cách mạng. Ở một bài viết Bác Hồ gọi những người tự kiêu là những “anh hùng giả”: “Anh hùng giả là những người có độ lượng nhỏ bé, như cái vỏ hến, một giọt nước cũng đủ đầy tràn. Khi có chút ít thành tích thì họ liền ra mặt "anh hùng"[10]. Các “anh hùng giả” thì luôn có “độ lượng hẹp nhỏ”: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”[11].

Nhìn từ phương diện này lại cho thấy Bác Hồ là nhà giáo dục lớn, nhà ngụ ngôn thâm thuý, sắc sảo!

T.H


[1]. Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012. tr 103.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 10, tr 5

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 8, tr 409.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập5, tr 532.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 10, tr 522

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 10, tr 254

[7]Xin xem Diện mạo thơ Đường của GS Lê Đức Niệm. Nxb Văn hoá, 1995, tr 5

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tậpTập 6, tr 558.

[9]. Nguyễn Chí Thắng, Nguyễn Ngọc Đào, Lê Kim Dung (Biên soạn và tuyển chọn) - Bác là Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2004, tr 21.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 7, tr 167

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 644