Chủ Nhật, 23/02/2020 00:36

Biểu tượng súng, dao, gươm trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Ngày 14-6-1946, trên đất Pháp Hồ Chí Minh trả lời Hãng Thông tấn Pháp AFP: “Dùng văn minh mà chinh phục người ta thì bền vững hơn súng đại bác”. Đây là một chân lý phổ quát không chỉ cho các nước mà còn cho tất cả mọi người. (NGUYỄN HẢI THANH)

. NGUYỄN HẢI THANH

Ngày 14-9-1952 Người nhờ đoàn đại biểu Lào sang dự Hội nghị cán bộ liên minh Việt Lào gửi tặng Chủ tịch Xuphanuvông 1 tấm lụa, 1 thanh kiếm, 1 bộ quần áo và giải thích: “Tấm lụa tượng trưng cho sự mềm mỏng và đại đoàn kết. Đoàn kết chặt chẽ như những sợi tơ trong tấm lụa. Mềm mỏng là để đối với nhân dân. Thanh kiếm là tượng trưng cho sự sắc sảo và kiên quyết…”[1]. Chúng tôi giới thiệu như vậy để muốn nói Bác Hồ rất có ý thức trong việc sử dụng biểu tượng văn hoá trong công việc thường ngày, nhất là trong đối ngoại.

1. Súng, đại bác, lưỡi lê – biểu tượng của chiến tranh, sự chém giết

Ngày 14-6-1946, trên đất Pháp Hồ Chí Minh trả lời Hãng Thông tấn Pháp AFP: “ Dùng văn minh mà chinh phục người ta thì bền vững hơn súng đại bác”[2]. Đây là một chân lý phổ quát không chỉ cho các nước mà còn cho tất cả mọi người.

Đường lối chiến tranh nhân dân và sự tin tưởng vào chiến thẳng của ta được Bác Hồ nói gọn lại chỉ trong một vài chữ mang tính biểu tượng:

“Pháp có xe tăng, đại bác, thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm.

Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng!”[3].

Câu nói sau của một nghị sỹ Pháp phần nào cho thấy tính chất hiếu chiến của thực dân Pháp và thảm cảnh khốn khổ của những nạn nhân chiến tranh: “Nói về nền công lý Pháp ở Angiêri, một nghị sĩ Pháp đã viết một cách châm biếm rằng: "Pháp luật, công lý với người bản xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng lục, súng trường, đó mới là những thứ xứng đáng với lũ sâu bọ ấy!"[4].

Với người nông dân An Nam thì sao? Cũng tương tự “bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm” [5]. Thậm chí còn khốn khổ gấp đôi vì vừa bị “hành hình” trên thân xác, vừa bị “hành hình” trong tinh thần!

Chủ nghĩa thực dân luôn nói tới hai chữ “nhân quyền” nhưng thực chất lại là những kẻ phản nhân quyền ghê tởm và trắng trợn:

“Chính vì quyền con người mà hàng triệu con người đã bị giết hại trong thời đại chiến. Cái quyền mà họ đã hy sinh vì nó, cùng với những xác chết thảm thương của họ, nay bị vùi sâu vào lãng quên.

Hồi đó, các chính khách còn gào to hơn cả tiếng đại bác cho khắp bốn phương gầm trời nghe: Quyền! Quyền! Quyền! Nhưng lập tức, sau khi cuộc chém giết đã chấm dứt, lập tức sau khi tai hoạ đã qua, thì không còn ai nghe thấy nói đến cái con vật ấy nữa. Ở Vécxây, ở Giơnevơ, ở Bulônhơ cũng như ở Oasinhtơn quyền con người đã được thay thế bằng than đen, than đá, dầu hoả, thuộc địa”[6].

Nguyễn Ái Quốc đã đứng trên tầm của chủ nghĩa thực dân để cười cợt, nhạo báng cái giả dối bề ngoài (chính khách còn gào to hơn cả tiếng đại bác) với thực chất tàn bạo (cuộc chém giết đã chấm dứt), với sự bóc lột thuộc địa tàn nhẫn (quyền con người đã được thay thế bằng than đen, than đá, dầu hoả, thuộc địa). Còn là mâu thuẫn giữa lời nói (Quyền! Quyền! Quyền!) và việc làm (không còn ai nghe thấy nói đến cái con vật ấy nữa) để bật ra bản chất vô nhân tính của “các chính khách” kia!

“Công cuộc khai hoá người Marốc bằng đại bác vẫn tiếp diễn.

Một viên chỉ huy bộ binh Duavơ đóng ở Xéttát, đã nói với binh sĩ như thế này: "Chúng ta phải diệt cho xong lũ man rợ này. Đất Marốc giàu khoáng sản và nông sản. Chúng ta, những người Pháp, những người văn minh, chúng ta đến đây với hai mục đích: khai hoá và làm giàu cho chúng ta"[7].

Dễ thấy một ý mỉa mai, “khai hoá” gì mà “khai hoá” bằng “đại bác”. Thế là chỉ một lối chơi chữ, nói ngược tác giả đã làm bật ra chân tướng, bản chất xâm lược của “chúng ta”. “Khai hoá” bằng cách nào? Tác giả để cho chính lời một người Pháp có trách nhiệm nói, bằng cách “diệt cho xong lũ man rợ này”!

Cấu trúc bề ngoài văn bản của ví dụ này thì mở đầu là lời của một viên sĩ quan chỉ huy Pháp nói với binh lính Pháp, lời nói trực tiếp đã gián tiếp làm bật ra bản chất dã man và ăn cướp của “Chúng ta, những người Pháp, những người văn minh”. Thế là “văn minh” với người Pháp thì phải hiểu: “chúng ta đến đây với hai mục đích: khai hoá và làm giàu cho chúng ta”, là bắn giết và bóc lột!

2. Súng, gươm, dao – biểu tượng cho tinh thần, ý chí đuổi giặc

Ngày19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Ngoài biểu hiện sự quyết tâm giữ nền độc lập của nước nhà, ở đây còn là đường lối chiến tranh toàn dân (ai cũng đánh giặc), toàn diện (đánh giặc bằng bất kỳ thứ vũ khí gì).
Nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi kể “trong không khí bừng sôi thắng lợi của Đại hội (ngày 16, 17 - 8-1945.NTT), tôi hát bài Thanh niên cứu quốc (không hát bài Diệt phát xít như một vài người đã lầm). Tôi say sưa hát với tất cả sự cố gắng nhằm truyền cảm mạnh nhất đến toàn thể các đại biểu. Tôi hát to: "Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến! Tiến lên, tiến lên, theo cờ Việt Minh!". Tôi hoàn toàn không biết rằng Hồ Chủ tịch đang chăm chú lắng nghe tiếng hát của tôi.

Khi vừa hát xong, tôi bỗng nghe rõ riếng Hồ Chủ tịch: "Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì thật không hợp với tình hình! Chú nên hát gươm đây, gươm đây!"[8].Ví dụ này cho thấy phải có một nhãn quan chính trị cực kỳ sắc bén mới có một phát hiện vỏ âm thanh của ngôn từ dù nhỏ nhưng ý nghĩa biểu hiện lại rất lớn.

Đường lối đối ngoại của Bác hết sức mềm dẻo, linh hoạt với phương châm luôn đặt hoà bình lên trên hết. Nhưng khi cần thì cũng kiên quyết trả lời bằng vũ khí với kẻ thù có dã tâm xâm lược. Tháng 6-1945 Phát xít Nhật tìm cách khiêu khích, doạ nạt Việt Minh, nắm rõ ý đồ và thực lực của chúng, Bác Hồ chỉ thị “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói”[9].

3. Dao – biểu tượng cho con người rèn luyện

Biểu tượng được Bác dùng luôn có xu hướng lấy điểm tựa là các quy luật của sự vật hiện tượng thường đã được đúc kết qua các thành ngữ, tục ngữ:

“Dao có mài, mới sắc.

Vàng có thui, mới trong.

Nước có lọc, mới sạch.

Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế” ”[10].

Câu đầu là ý của tục ngữ “Dao năng mài mới sắc” thì “dao” là biểu tượng cho con người phải năng rèn luyện học tập mới tiến bộ.

Những tầm trí tuệ lớn luôn có cách diễn đạt dễ hiểu những điều phức tạp. Ví dụ sau là một chứng minh: “Tri thức như con dao mổ, trong tay thầy thuốc thì chữa bệnh cho người, trong tay kẻ cướp thì hại người. Nên trí thức phải có chính trị”[11]. “Con dao mổ” bao giờ cũng phải sắc nên so sánh với “tri thức” là rất phù hợp dựa trên đặc trưng “sắc sảo” (tri thức sắc sảo. Người giàu có tri thức luôn sắc bén trong suy nghĩ). Nhưng có người rất giỏi lại dùng tri thức sản xuất ra bom nguyên tử (trường hợp nhà bác học Anhxtanh). Do vậy tri thức còn phải dùng vào đúng mục đích. Thế nên trí thức (danh từ chỉ những người học cao, có tri thức) phải rèn luyện tư tưởng phục vụ nhân loại, vì hoà bình…Ví dụ này ở thời cách mạng 4.0 càng có ý nghĩa lớn lao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa phổ quát, đúng ở mọi thời đại là như vậy!

----------------------

NHT

[1]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 5, tr 246.

[2]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 3, tr 248.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 54,55.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 420.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 229.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 238.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr 67.

[8]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 41.

[9]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 1, tr 261.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 209.

[11]. Nhiều tác giả - Bác của chúng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, 1985, tr 73.