Thứ Sáu, 08/11/2019 09:59

Biểu tượng thanh niên trong tác phẩm của Hồ Chí Minh

Trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp (1923) có đoạn: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập…” (NGUYỄN VIỆT SINH)

.NGUYỄN VIỆT SINH

 

1. Thanh niên – Biểu tượng cho sức sống, cho tương lai

Trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp (1923) có đoạn: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập…”[1]. Lá thư này cho thấy một bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Người: hướng về Đông Dương, dĩ nhiên, mục đích tối thượng của Nguyễn Ái Quốc là giải phóng dân tộc mình, nhân dân mình nên Người giành nhiều tâm huyết hơn cả để thức tỉnh cả “dân tộc An Nam”, nhất là thanh niên. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp có phần Phụ lục Gửi thanh niên An Nam: “Người Airlan, Ai cập, Triều Tiên, Ấn Độ, tất cả những người chiến bại hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập ngày mai của họ. Riêng người An Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô lệ”. Những dòng cuối cùng tác giả đưa ra lời bình luận thức tỉnh:

“Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[2].

Ngày 2-9-1961 tại Quảng trường Ba Đình, trong lễ Quốc Khánh, Người nói: “Hiện nay tất cả chúng ta đều 16 tuổi. Bây giờ toàn dân ta đều bước sang tuổi 17. Tuổi 17 tức là tuổi thanh niên cường tráng, vui vẻ, hăng hái, dũng cảm”[3]. Khi miền Nam còn bị nô lệ, thanh niên bị mất tự do, bị lôi kéo vào con đường tối tăm, Người viết thư thể hiện tình cảm, có đoạn: “Mắt tôi như trông thấy các cháu nam nữ thanh niên đau xót, hoặc bị truỵ lạc, hoặc bị giày vò, đang ngóng đợi ngày mai tươi sáng. …”[4]. Câu này đậm tình nhưng còn cho thấy một ý niệm của cấu trúc biểu tượng: thanh niên là “tươi sáng” nên luôn “ngóng đợi ngày mai tươi sáng”.

Trong Đại hội lần thứ ba Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1961, Bác Hồ nhắc nhở thanh niên: "Nhà thơ Pháp, đồng chí Vayăng Cutuyariê viết: Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại. Nhà thơ Xô viết, đồng chí Maiakôpxki viết:

Chủ nghĩa cộng sản

Là tuổi trẻ của thế giới

Do những người trẻ tuổi

Xây dựng nên.

Bác nói một cách mộc mạc: "Thanh niên Việt Nam, thanh niên thế giới hãy hăng hái tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản”[5].

Qua dẫn chứng này đã cho biết Bác đọc, thuộc và hiểu thơ Maiacôpxki. Có lẽ ai cũng thuộc câu nói này của Bác: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội", cũng dễ thấy Bác đã mượn ý của hai nhà thơ cộng sản vĩ đại: Vayăng Cutuyariê và Maiacôpxki

Bác lấy biểu tượng tuổi thanh niên trẻ nhất, khoẻ nhất để diễn tả cục diện chiến lược: “Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu, mà thế giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi cho sức mình khoẻ lên. Khi sức ta đã khoẻ, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi”[6]. Cách diễn đạt này lại cho thấy cái nhìn lạc quan, biết mình biết người, biết nuôi giữ sức mình, biết chờ cơ hội tức là phải biết “tạo thế lập thời”. Câu nói tưởng như đơn giản vui đùa nhưng thực sự sâu sắc mang trong đó cả một tư tưởng lớn về quân sự. Quan điểm kế thừa cán bộ có lớp trước có lớp sau, nhưng dù trước dù sau cũng đều vì công việc cách mạng, điều ấy được diễn đạt bằng các hình ảnh: “Có thể ví dụ rằng: các lớp cán bộ trước là những người đã phát rừng, cày đất, gieo mạ, tát nước. Mà các cháu trong lớp này là những cán bộ phải chuẩn bị sẵn sàng để đi gặt lúa”[7].

Trong bất kỳ xã hội nào thì người thanh niên đều được coi là trụ cột, là “rường cột”, là lực lượng tinh hoa quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[8]. Tuổi thanh niên là tuổi đẹp nhất của đời người, có niềm tin và lẽ sống đẹp nhất, có khát vọng cống hiến cao nhất, có trí tuệ, sức khoẻ tốt nhất…Thế hệ thanh niên là điểm tựa để mỗi dân tộc cất cánh bay vào bầu trời tự do, văn minh, hạnh phúc. Mỗi khi Tổ quốc nguy nan, thanh niên là chỗ dựa để đất nước vượt qua thách thức. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp ở giai đoạn khó khăn nhất Bác Hồ viết thư gửi thanh niên nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của những người tuổi trẻ trong sự nghiệp cứu nước: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[9].

Từ quan điểm này mà Bác đánh giá cao vai trò của nhà trường: “óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”[10].

Trong Kiều có hai câu tràn đầy niềm tin vui của Kiều khi gặp lại Từ Hải: Đến bây giờ mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai( câu 2283, 2284) đ­ược Bác lẩy trong lời chào mừng Tổng thống Xêcu Turê của n­ước Cộng hoà Ghinê:

Bây giờ mới gặp nhau đây,

Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên![11].

2. Thanh niên – Biểu tượng cho cho ý chí phấn đấu, là “lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.

Ngay từ năm 1925, trong Đường Kách mệnh, Bác đã đặt vấn đề phải xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam. Ngày 26-3-1931, Thanh niên Cộng sản Đoàn ra đời. Ý nghĩa của sự kiện này ngoài sự kế thừa lịch sử, là sự đáp ứng tư tưởng của thời đại, còn là thể hiện niềm tin, hy vọng vào thế hệ những người trẻ tuổi sẽ gánh vác trọng trách cứu nước. Tư tưởng chiến lược của Bác về tổ chức, đoàn kết, tập hợp thanh niên thực sự là nhân tố cơ bản góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng nước ta sau này. Người rất tin tưởng vào thanh niên ta: “Tôi luôn luôn nói đến thanh niên, vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng”[12].

Bác Hồ tặng thanh niên Việt Nam những chữ vàng chân lý: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người dặn Đảng ta “cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng” cho thế hệ thanh niên và “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”[13]. Năm 1958, trong lần nói chuyện với sinh viên, Bác Hồ nhấn mạnh tới nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: “Thời đại của chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng; mỗi người lao động tốt đều có thể trở nên anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”[14]. Sang phương Tây, ngoài quyết định tìm đường cứu nước, Bác Hồ còn một mục đích nữa là tìm hiểu về một nền khoa học phát triển. Nên ngay sau Hội nghị Fontainebleau (1946) Bác đã đưa về nhiều nhà khoa học trẻ sau này có công lớn vào công cuộc kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, như Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng...Chính Bác Hồ là người đặt nền móng cho toà nhà khoa học kỹ thuật nước nhà.

Chưa bao giờ nhân loại đòi hỏi tri thức của con người cao như bây giờ. Xét ở phương diện hội nhập văn hoá toàn cầu thì tri thức là con đường để tạo ra cuộc đối thoại mà các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Càng hiểu biết nhiều càng có cơ hội mở rộng lĩnh vực quan tâm và làm sâu các vấn đề đối thoại. Với cách mạng 4.0 thì cánh cửa quan trọng nhất để ra với thế giới là tri thức, để hoà nhập, để làm việc.

Để trở thành một trí thức trong thời đại mới thanh niên thực sự phải có ý chí, nghị lực, quyết tâm: “Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng”[15].

Có vậy mới đảm bảo 4 tiêu chuẩn của người lao động trước ngưỡng cửa 4.0: Một là, tinh thần chủ động, tự giác, bản lĩnh. Hai là, giỏi chuyên môn, thạo việc, sáng tạo, hiệu quả, năng suất cao. Ba là, có tư duy kinh tế và tư duy phối thuộc các ngành nghề tương ứng. Bốn là, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ mới, có kỹ năng giao tiếp xã hội, năng lực thích ứng nhanh.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thanh niên là “người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”. Mục đích học tập là “để phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”[16]. Thế giới đang hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”. Xu hướng giáo dục chung, nhất là với thanh niên thì tự học là vấn đề cơ bản. Đó là triết lý biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân. Bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi. Nhận thức là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ trong đó chủ thể nhận thức đóng vai trò quyết định. Phải tự mày mò, học hỏi, tự tìm lấy con đường đi cho chính mình thì tri thức thu được mới chắc chắn và làm chủ được nó.

Một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế tri thức là cơ cấu sản xuất dựa vào việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Nước nhà có vững vàng bước vào nền kinh tế tri thức hay không phần lớn trọng trách đặt lên vai thế hệ trẻ.

Mỗi thanh niên hôm nay lại nhớ về lời Bác: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”[17]. Mỗi người, bằng tài năng, ý chí của mình phấn đấu làm nhiều thêm tài sản cho quốc gia, là đóng góp về trí tuệ, là đóng góp bằng chính sức trẻ bản thân mình…là cách để đất nước mình mạnh lên.

Bác Hồ từng mong mỏi Đảng, Quốc hội, Nhà nước ta “chú trọng đặc biệt giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục”[18]. Đây là tầm nhìn văn hoá của nhà văn hoá lớn. Thế giới có thể tiến tới cách mạng 6, 7.0 gì đó thì cấu trúc nhân cách con người vẫn không thay đổi với ba trụ cột: đức dục (lý tưởng, niềm tin, nhân cách…); trí dục (trí tuệ, tài năng, khả năng sáng tạo, cống hiến…); thể dục (sức khoẻ, sự năng động, hoạt bát…). Năm 2018 và đầu năm 2019 bóng đá Việt Nam giành những thành công lớn đã nâng vị thế Việt Nam lên một tầm mới. Không hẳn bóng đá là môn thể thao mang tính xã hội hoá cao, được nhiều người quan tâm, mà trong bản chất, bộ môn này đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của tập thể và cá nhân: ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, thông minh, bản lĩnh, thể lực tốt, sức bền, dẻo dai, linh hoạt…Nhìn vào yêu cầu của thể thao đỉnh cao hôm nay, thì đúng như Bác Hồ dạy, có thể khái quát trong 6 chữ “đức dục, trí dục, thể dục” (kể cả trật tự và nội dung con chữ).

Trong Di chúc, trước khi ra đi về với thế giới Người Hiền, Bác “để lại muôn vàn tình thương yêu” cho mọi tầng lớp, riêng với thanh niên rất được Bác quan tâm vì “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng”. Vì lẽ đó mà Người dành cho thanh niên tình cảm lớn. Thời kỳ chống Pháp, khi Bác sỹ Vũ Đình Tụng có người con trai hy sinh, Bác Hồ gửi thư cho Bác sỹ, thư có đoạn: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”[19]. Lời văn là lời chia sẻ, nỗi đau từ phía khách thể chuyển về phía chủ thể qua lối so sánh “hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

N.V.S

 


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 192.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr 129,133.

[3] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tập 8, tr 124.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 560.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 305.

[6] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 59.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 708.

[8] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 4, tr 194.

[9] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 5, tr 216.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 102.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 209.

[12] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 13, tr 30.

[13] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 15, tr 612.

[14] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 11, tr 401.

[15] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 9, tr 265.

[16] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 9, tr 178-179.

[17] Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 9, tr 265

[18] Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 12, tr 377.

[19] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 40.