Thứ Năm, 25/07/2019 10:03

Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa: NGÀN NĂM BIÊN TRẤN ANH HÙNG

Hò ớ hơ! Đưa nhẹ mái chèo, ta chào sông Mã, chào những anh hùng đất Hàm Rồng, ta yêu quê hương, yêu những con người bất khuất kiên cường…

Đại tá, Chỉ huy trưởng
Lê Văn Hùng

Hò ớ hơ! Đưa nhẹ mái chèo, ta chào sông Mã, chào những anh hùng đất Hàm Rồng, ta yêu quê hương, yêu những con người bất khuất kiên cường… Gió Nam Ngạn nâng từng giai điệu ngân lên trong một ngày tháng 5 khi đoàn nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội về Thanh Hóa - xứ trấn biên kiêu dũng ngàn năm, để làm việc cùng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh. Nắng mải miết tô lên màu sóng đẫm phù sa, thác ghềnh thượng du như còn hằn trong nhịp thở gấp gáp mà hân hoan của dòng sông Mã xuôi về thành phố. Nhìn sông biết biên cương bình yên!
Cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở với Đại tá Lê Văn Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng về đất và người xứ Thanh, về những người lính mang quân hàm xanh trên vùng phên giậu trọng yếu, thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Thanh Hóa là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, đồng thời là một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh khu vực miền Trung. Xin đồng chí Chỉ huy trưởng khái quát một vài nét về mảnh đất giàu truyền thống vẻ vang này.
Đại tá Lê Văn Hùng: Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, dù dưới những danh xưng khác nhau như Cửu Chân, Ái Châu, Thanh Hoa, Thanh Hóa, đây vẫn là vùng đất khá ổn định về mặt địa dư, có sắc thái văn hóa riêng và giàu truyền thống, in đậm dấu ấn hào hùng trong từng bước thăng trầm của dân tộc.
Là một tỉnh đất rộng, người đông, núi cao, sông dài, đồng bằng lớn, nằm trên trục giao lưu Bắc - Nam, Đông - Tây, Thanh Hóa thực sự là kho người, kho của, là địa bàn chiến lược, “tiến có thể công, thoái có thể thủ” trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nói về vị trí của Thanh Hóa, sử gia Phan Huy Chú khẳng định trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao sát phía tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.
Thanh Hóa là một trong những cái nôi của người Việt cổ được xác lập thông qua các dấu tích, di chỉ khảo cổ. Theo đó, trên mảnh đất này đã từng tồn tại những nền văn minh từ cách đây 5000 - 6000 năm, vào giai đoạn đồ đá mới (văn hóa Đa Bút), sau đó là nền văn hóa Đông Sơn ở thời kim khí. Trải dài theo lịch sử, những biến động của dân tộc luôn ghi dấu ấn của người xứ Thanh. Tiêu biểu như Triệu Trinh Nương, mười tám tuổi đã tụ binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Ngô. Khí chất kiêu hùng ấy còn vang vọng trong lời tuyên bố của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ nhất định không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Đó còn là Dương Đình Nghệ chiêu mộ dân binh, tập hợp nhân tài, nuôi ngàn thực khách, xưng Tiết độ sứ… làm tiền đề cho Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, xác lập nền tự chủ cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc. Đó là Lê Hoàn ra tay phá Tống, bình Chiêm, ổn định đại cục, giữ nền độc lập non trẻ của Đại Việt. Đó là Lê Lợi sau mười năm “nếm mật nằm gai” giành lại đất nước từ tay giặc Minh, rửa đi “nỗi hổ thẹn nghìn thu”, lập nên “nền thái bình muôn thuở” cho dân tộc. Lịch sử cũng không thể bỏ qua vai trò của chúa Trịnh trong việc phục quốc thống nhà Lê khi vương triều này suy yếu. Công lao mở cõi định hình lãnh thổ cũng phải ghi nhớ công lao của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Lịch sử cận đại với phong trào Cần Vương, trên mảnh đất này cũng phải nhắc đến các cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh, Mã Cao… với sự hi sinh anh dũng rạng ngời khí tiết của Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao…
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ngày 29/7/1930 Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập. Đây là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thanh Hóa đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và chiến tranh biên giới. Biểu dương vai trò của Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Cùng với những chiến thắng Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép… trong chiến tranh chống Mĩ, năm mươi sáu ngàn liệt sĩ, bốn mươi bảy ngàn thương binh đã góp phần tô thắm truyền thống quật cường, ý chí cách mạng của quân và dân Thanh Hóa.
Đất nước thống nhất, trong giai đoạn hòa bình, đổi mới, Thanh Hóa vẫn tiếp tục vượt khó đi lên, từng bước thích nghi với kinh tế thị trường, khơi dậy tiềm năng từ mọi thành phần, lực lượng xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2018 đạt 15.16% đứng thứ ba trong cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt gần 23.500 tỉ đồng - gấp hơn hai lần năm 2015, gấp gần sáu lần năm 2010. Khu kinh tế Nghi Sơn, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, thành phố Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn… trở thành những vùng trọng điểm, vùng lõi của cấu trúc kinh tế Thanh Hóa. Những con số có vẻ như khô khan, nhưng nếu theo dõi từng bước phát triển của Thanh Hóa, các anh sẽ thấy đó là sức sống và đi lên kì diệu của xứ sở này.
PV: Cảm ơn Chỉ huy trưởng đã có những chia sẻ rất sâu sắc và tâm huyết về truyền thống của đất và người xứ Thanh. Quay lại câu chuyện của chúng ta, từ khi thành lập đến nay, Biên phòng Thanh Hóa đã có những thành tích tiêu biểu, nổi bật gì, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Văn Hùng: Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa thành lập ngày 28/4/1959, đến nay vừa tròn 60 năm. Sáu mươi năm đó, biết bao thăng trầm nhưng cũng rất đỗi tự hào, những chiến công của lực lượng Bộ đội Biên phòng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đến nay, đã có 8 đơn vị được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, gồm: Đồn Biên phòng Pù Nhi, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Trạm kiểm soát Nghi Sơn, Phân đội 3 bảo vệ cầu Hàm Rồng trong thời kì chống Mĩ, Đồn Biên phòng Sầm Sơn, Đồn Biên phòng Quang Chiểu, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn, Đồn Biên phòng Tam Thanh. Đặc biệt, tháng 12/2014, lực lượng Biên phòng Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kì Đổi mới”. Cùng với đó, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ được nhận phần thưởng cao quý từ Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND tỉnh, các ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương… Đây là một vinh dự lớn lao nhưng cũng đòi hỏi Biên phòng Thanh Hóa phải nỗ lực hơn nữa để luôn xứng đáng với truyền thống hào hùng và sự tin tưởng, gửi gắm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
PV: Thưa Chỉ huy trưởng, được biết trong kháng chiến chống Mĩ, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cùng với quân dân cả nước đã lập nhiều chiến công, chia lửa cho chiến trường miền Nam, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước. Xin đồng chí cho biết những thành tích đã trở thành trang sử vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa.
Đại tá Lê Văn Hùng: Đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, ngày 28/4/1959 là một ngày không thể nào quên. Với sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy, Quân khu Hữu Ngạn, Tỉnh đội, Ti Công an, Công an nhân dân vũ trang Thanh Hóa (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập trên cơ sở của Tiểu đoàn 28. Tổ chức, biên chế ban đầu gồm hai ban chỉ huy: Công an nhân dân vũ trang biên phòng làm nhiệm vụ ở biên giới Việt - Lào và Công an nhân dân vũ trang nội địa làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và các mục tiêu nội địa.
Ra đời trong khói lửa chiến tranh, nhiệm vụ được giao hết sức nặng nề, địa bàn hoạt động khó khăn gian khổ, đặc biệt trên tuyến biên giới Việt - Lào đường sá đi lại khó khăn, dốc đèo hiểm trở, phương tiện chủ yếu bằng đôi chân, ngựa thồ, đời sống vật chất thiếu thốn, hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc còn nhiều lạc hậu, tình hình anh ninh biên giới phức tạp, bọn phản động trong địa bàn cấu kết với gián điệp, biệt kích từ bên ngoài không ngừng tiến hành các hoạt động tình báo, nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn hòng chống phá cách mạng; nhưng với phẩm chất anh hùng, ý chí kiên cường bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã đoàn kết một lòng, vượt mọi thử thách khó khăn, nhanh chóng triển khai lực lượng, xây đồn, lập trạm, bám đất, bám dân, vận động quần chúng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thế trận lòng dân được thiết lập, tự nhiên và bền chắc từ trong quá trình cố gắng không ngừng của những người chiến sĩ biên phòng. Với người chiến sĩ biên phòng Thanh Hóa, thực sự “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Từ tinh thần đó, các mục tiêu nội địa được bảo vệ, tuyến biên giới dần được ổn định, mọi âm mưu đen tối thù địch bị đập tan, hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thổ phỉ đã bị lực lượng Công an nhân dân vũ trang Thanh Hóa tiêu diệt, bắt sống, buộc quy hàng. Tiêu biểu cho những chiến công này là Đồn Biên phòng Pù Nhi, Quang Chiểu… Bên cạnh đó, lực lượng còn tích cực xây dựng kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn của hai nước Việt - Lào.
Chiến tranh leo thang ra miền Bắc, từ 1965 - 1973, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã cùng với quân dân miền Bắc chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ. Phân đội 3 lực lượng Công an nhân dân vũ trang Thanh Hóa lúc bấy giờ được bố trí ở chân núi Ngọc, có nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Đây là mục tiêu không quân Mĩ đánh phá ác liệt nhất, nhằm chia cắt con đường huyết mạch chi viện giữa miền Bắc và miền Nam. Trong một không gian hẹp, Hàm Rồng đã phải chịu đựng hơn 7000 tấn bom đạn, gần 3000 lượt máy bay trực tiếp oanh tạc xuống cầu, nhưng cán bộ chiến sĩ Phân đội 3 vẫn kiên cường bám trụ cùng với quân và dân Hàm Rồng giữ vững mạch máu giao thông, bảo vệ an toàn hàng triệu chuyến xe vào ra giữa hai miền đất nước. Chỉ trong hai ngày, mùng 3 và mùng 4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa bắn rơi 47 máy bay Mĩ, bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Phân đội 3 đã bắn rơi 4 chiếc, bảo vệ an toàn địa bàn, được nhân dân phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Bảo vệ cầu Hàm Rồng”, được Hồ Chủ tịch kí lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng II. Tháng 8/1965, tại Đại hội “Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, lực lượng Công an nhân dân vũ trang vinh dự có 31 đơn vị xuất sắc được nhận danh hiệu đơn vị Quyết thắng của Hội đồng Chính phủ, trong đó có Phân đội 3 bảo vệ cầu Hàm Rồng.
PV: Những chiến công oanh liệt, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quân dân Thanh Hóa nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Để lập nên những chiến công vang dội đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã vượt lên rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm những nét khác biệt về địa bàn của Thanh Hóa so với các địa phương khác, đồng thời, từ những đặc thù đó, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã định ra phương hướng hoạt động như thế nào, thưa Chỉ huy trưởng?
Đại tá Lê Văn Hùng: Thanh Hóa có đường biên giới đất liền dài 213,6 km gồm 5 huyện với 16 xã và tuyến biên giới biển dài 102 km với 1 thành phố, 6 huyện, 43 xã. Trên tuyến biên giới đất liền có 6 dân tộc anh em cùng chung sống (Kinh - Thái - Mường - H’mông - Dao - Khmú). Đặc biệt, có 34 bản người H’mông với 64.837 nhân khẩu, là những bản làng xa xôi, heo hút, điều kiện kinh tế của đồng bào còn khó khăn, đi lại cách trở, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, đời sống của đồng bào H’mông ở khu vực biên giới Thanh Hóa đã cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp thuộc về tập quán và tâm tính tộc người. Cùng với đó, số người H’mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào làm nảy sinh nhiều vấn đề như: nạn chặt phá rừng đầu nguồn, đốt nương làm rẫy, vượt biên mua bán ma túy, vũ khí hoặc lao động trái phép… Đây là cơ hội để kẻ địch và những đối tượng xấu khác lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, trà trộn. Không những thế, một số đối tượng, tổ chức phản động vẫn luôn tìm cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định an ninh chính trị, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền kích động di cư tự do, truyền đạo trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý giúp nhân dân dựng nhà.

Tuyến biên giới trên biển cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp như tranh chấp ngư trường, sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản, buôn lậu, gian lận thương mại…
Từ đặc thù đó, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã quán triệt tinh thần bám dân, bám đất, thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, hình thành thế trận lòng dân, sức mạnh tổng hợp, toàn diện trong xây dựng kinh tế - văn hóa, quốc phòng - an ninh. Quy chế dân chủ được thực hiện tốt ngay từ cơ sở, phát huy nguồn lực tại chỗ đồng thời tranh thủ những nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, cải thiện đời sống cho nhân dân khu vực biên giới.
Không thể làm được bất cứ việc gì nếu không lấy dân làm gốc, dựa vào dân để hoạt động và vì lợi ích thiết thực của người dân. Vì thế, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, những người có uy tín. Song hành với đó là các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục chủ trương, chính sách, phong trào nhằm xây dựng, cải thiện đời sống nhân dân. Người chiến sĩ biên phòng trên biên giới xứ Thanh đã thực hiện “ba bám, bốn cùng” với đồng bào để phổ biến, hướng dẫn bà con làm ăn, sinh sống, xây dựng vùng biên ổn định, ngày càng phát triển. Hàng loạt phong trào gắn với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đã được thực hiện một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả, có tính bền vững bởi nhiệt huyết của người chiến sĩ biên phòng, sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc biên giới. Biên giới ổn định, cột mốc vững vàng, bản làng bình yên, đời sống người dân được cải thiện… đó chính là niềm vui trong trái tim mỗi người lính trên biên cương Tổ quốc.
PV: Thưa đồng chí Chỉ huy trưởng, với bề dày lịch sử và văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang, đặc thù địa bàn cùng các phương hướng hoạt động như đã hình dung ở trên, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa được thực hiện như thế nào?
Đại tá Lê Văn Hùng: Thường vụ, Bộ chỉ huy luôn xác định rõ, với tuyến biên giới đất liền và trên biển rất dài và tiềm ẩn nhiều phức tạp, các đơn vị phải thường xuyên bám sát tình hình, địa bàn, nhân dân để thực hiện nhiệm vụ. Các tình huống được hình dung, các phương án được thiết lập và luôn trong thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ứng phó chính là quan điểm xuyên suốt trong hoạt động huấn luyện của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa.
Cuộc sống của người chiến sĩ gắn với công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Điều đó đã trở thành thói quen, thành suy nghĩ và hành động có tính thống nhất từ chỉ huy đến từng đơn vị, từng chiến sĩ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong bất kì hoạt động nào, chúng ta cũng có thể hình dung ra nỗ lực không ngừng ấy. Chẳng hạn như, trong những năm vừa qua, cùng với việc thực hiện đề án “Tăng cường đảm bảo an ninh biên giới phía tây Thanh Hóa”, đề án “Tăng cường đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển”, đề án “Phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đối với đồng bào H’mông”, đề án “Khắc phục tình trạng các bản trắng đảng viên”…, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã có những việc làm tích cực mang lại hiệu quả cụ thể. Có 2 tập thể, 85 cá nhân đăng kí bảo vệ 213,6 km đường biên, 92 mốc quốc giới, 13 cọc dấu biên giới an toàn, không còn bản trắng đảng viên, người dân không còn tình trạng du canh du cư, không đốt rừng làm nương, không tái trồng cây thuốc phiện, không nghe theo kẻ xấu tham gia “Nhà nước H’mông”, không truyền đạo, lập đạo trái pháp luật, một số tập quán lạc hậu đã dần được thay đổi theo hướng văn minh hơn… Đời sống người dân trên toàn tuyến biên giới được ổn định, kinh tế ngày càng khởi sắc, niềm tin và sự thương yêu của nhân dân đối với biên phòng ngày càng thắm thiết là bằng chứng cho nỗ lực không ngừng của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa.
Trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, trong những năm vừa qua, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã xác lập và triệt phá thành công hàng trăm chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ, bắt 689 vụ/ 859 đối tượng, thu giữ 89 bánh heroin, 10 kg ma túy đá, 51 kg nhựa thuốc phiện, hơn 100.000 viên ma túy tổng hợp, 200 kg quả anh túc, 330 kg thuốc nổ, vận động nhân dân giao nộp hơn 2000 khẩu súng các loại cùng nhiều công cụ hỗ trợ… Tiêu biểu cho chiến công này là chuyên án 217.L ngày 22/10/2016 tại khu vực bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Trong chuyên án này, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ hai đối tượng người Lào vận chuyển 69 bánh heroin. Nếu tính đến thời điểm năm 2016, 217.L là chuyên án bắt được số lượng ma túy lớn nhất của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa nói riêng và Biên phòng Việt Nam nói chung. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) đấu tranh nhiều chuyên án, vụ án; chỉ tính từ năm 2014 đến nay bắt 13 vụ/ 25 đối tượng, thu 41 bánh heroin, 33,2 kg bột heroin, 135.292 viên ma túy tổng hợp...
PV: Trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã có những hoạt động gì và kết quả ra sao, thưa Chỉ huy trưởng?
Đại tá Lê Văn Hùng: Là cơ quan thường trực trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã huy động trên 15 nghìn lượt cán bộ chiến sĩ, 782 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Kêu gọi hơn 27 ngàn tàu thuyền, hơn một triệu ngư dân vào nơi trú tránh bão an toàn, cứu nạn 36 thuyền viên, lai dắt 17 tàu cá gặp nạn khi đang vươn khơi đánh bắt, cử 178 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia xử lí sự cố tràn dầu trên biển, gần 1400 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia phòng chống, chữa cháy rừng… Một ví dụ điển hình trong công tác giúp dân khắc phục thiên tai đó là năm 2018, trận lũ ống chưa từng có trong 100 năm qua đã đổ về xã Tam Chung của huyện Mường Lát (1 trong 7 huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa). Bộ chỉ huy Biên phòng đã chỉ đạo Đồn Tam Chung tập trung mọi khả năng phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, đưa trên 100 người dân bị mất nhà cửa vào đồn chăm sóc, nuôi dưỡng hơn nửa tháng trời. Đó là những đóng góp không nhỏ, làm nên hình ảnh người chiến sĩ biên phòng tận tụy vì dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Có hi sinh mất mát nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không, thưa Chỉ huy trưởng?
Đại tá Lê Văn Hùng: Có chứ! Đó là những mất mát, hi sinh của đồng đội chúng tôi, đến giờ nhắc lại vẫn thấy xót xa, ngậm ngùi. Chắc các anh cũng đã nghe đến trận lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Lang Chánh. Trong cơn lũ đó, Thượng tá Cao Đăng Cường - Chính trị viên Đồn Yên Khương và Đại úy Nguyễn Thành Chủng - Đội trưởng Tổng hợp bảo đảm, trên đường đi kiểm tra, đôn đốc tình hình phòng chống bão lũ, khi ngang qua đường tràn bản Bôn để về đơn vị đã bị lũ quét cuốn trôi cả người và phương tiện. Chúng tôi đã tích cực tìm kiếm nhiều ngày nhưng cũng phải đến một tuần sau, khi nước rút mới tìm thấy thi thể đồng chí Cường. Còn đến nay, đã gần hai năm, thi thể đồng chí Nguyễn Thành Chủng vẫn chưa được tìm thấy. Mỗi lần nghĩ tới đồng đội vẫn còn gửi thân mình đâu đó giữa núi rừng biên cương, đau xót lắm các đồng chí ạ! Vậy đấy, ngay thời bình này, đồng đội của chúng ta vẫn ngã xuống vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Phía sau họ, gia đình, cha mẹ, vợ con vẫn ngày đêm mong ngóng. Gia đình đồng chí Chủng còn nhiều khó khăn, vợ đồng chí Cường không có công việc ổn định, con cái còn nhỏ đang trong độ tuổi học hành, cần sự dìu dắt, bảo ban của người cha… Thế nhưng, họ đã mãi mãi không về!
PV: Chúng tôi xin chia sẻ sâu sắc những hi sinh mất mát của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và cũng là mất mát của Biên phòng Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Chiến tranh đã đi qua, đã ngừng bom rơi đạn nổ, những hi sinh giữa thời bình càng khiến chúng ta bùi ngùi. Nhưng, từ đó chúng ta hiểu và trân trọng hơn cuộc sống bình yên đang có hôm nay. Thưa đồng chí Chỉ huy trưởng, trở lại với những hoạt động của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, cùng với huấn luyện sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế, giúp đỡ nhân dân xây dựng hạ tầng cơ sở. Xin đồng chí nói thêm một chút về những hoạt động này.
Đại tá Lê Văn Hùng: Thời nào cũng thế các đồng chí ạ! Quân với dân như cá với nước, lấy dân làm gốc, gần dân, bám dân, giúp dân chính là giúp mình. Với bộ đội biên phòng, nhiệm vụ ấy lại càng quan trọng. Các mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các mô hình phát triển kinh tế VACR… đã được triển khai và đạt được hiệu quả tốt. Tiêu biểu là mô hình trồng ngô lai ở Đồn Pù Nhi; mô hình chuyển đổi phương thức canh tác từ lúa nương sang lúa nước ở Đồn Tam Thanh; nuôi cá tầm ở Đồn Bát Mọt; nuôi bò sinh sản, lợn cỏ, dê, nhím ở Đồn Quang Chiểu, Yên Khương… Bên cạnh đó, các chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường” cũng thu được rất nhiều thành công thể hiện qua những con số thống kê cụ thể, bằng những hiện vật ý nghĩa (nhà ở, công trình điện nước, trường học…). Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ 94 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi tháng 500 ngàn đồng, trong đó có 11 cháu người Lào, với tổng số tiền gần 1,6 tỉ. Bản thân Chỉ huy trưởng nhận đỡ đầu 2 em. Mình phải đi đầu, nêu gương các đồng chí ạ, có như thế anh em cán bộ chiến sĩ mới nhận thức rõ và nhiệt tình tham gia. Những việc làm thiết thực đó góp phần giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, giúp trẻ em được đến trường, nuôi dưỡng hi vọng trên những bản làng xa xôi, tạo tâm thế yên tâm lao động, sản xuất và dựng xây, hỗ trợ bộ đội bảo vệ biên cương Tổ quốc.
PV. Người lính gắn với quân ngũ, cũng là những tháng năm có khi phải xa gia đình đằng đẵng, nhất là người chiến sĩ biên phòng. Các hoạt động chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ và chính sách hậu phương quân đội của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa có gì đặc biệt, thưa Chỉ huy trưởng?
Đại tá Lê Văn Hùng: Trong những năm qua, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hậu phương quân đội. Thực hiện chương trình “Mái ấm chiến sĩ” nơi biên giới, hải đảo, cán bộ chiến sĩ đã quyên góp, ủng hộ xây dựng được 39 căn nhà trị giá trên 2 tỉ đồng cho cán bộ chiến sĩ trên hai tuyến biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công trong Bộ đội Biên phòng tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận liệt sĩ cho 4 trường hợp (đang chờ quyết định).
Chúng tôi và gia đình cũng mong ngóng và chờ đợi quyết định từ cấp trên để yên lòng người ngã xuống. Hiện nay, con trai đồng chí Cao Đăng Cường đã được Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tiếp nhận vào lực lượng và cử đi học để phục vụ lâu dài trong quân đội.
PV: Những việc làm thật thiết thực và cảm động. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sự yêu mến và đùm bọc của nhân dân, Biên phòng Thanh Hóa sẽ ngày càng lớn mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng đồng bào các dân tộc anh em xây dựng biên cương bình yên, no ấm. Xin cảm ơn đồng chí Chỉ huy trưởng đã tham gia cuộc đối thoại ý nghĩa này
P.V