Thứ Hai, 23/04/2018 15:42

Bộ đội Hóa học: chiến đấu với “cái độc” cả thời chiến, thời bình

Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Binh chủng Hóa học, Văn nghệ Quân đội có cuộc đối thoại với Thiếu tướng Tư lệnh Hà Văn Cử và Đại tá Chính ủy Hoàng Xuân Dũng xung quanh đề tài này.
TL4
Tư lệnh Hà Văn Cử
Theo thống kê, Việt Nam là đất nước phải gánh chịu lượng chất độc hóa học trong chiến tranh lớn nhất thế giới. Nhưng vì nhiều lí do, vấn đề chất độc hóa học và lực lượng xử lí, khắc phục hậu quả do những loại chất độc này gây ra ít được nhắc đến. Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Binh chủng Hóa học, Văn nghệ Quân đội có cuộc đối thoại với Thiếu tướng Tư lệnh Hà Văn Cử và Đại tá Chính ủy Hoàng Xuân Dũng xung quanh đề tài này.

PV: Thưa đồng chí Tư lệnh! Chúng tôi rất ấn tượng với câu slogan “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi” được kẻ ở tất các đơn vị hóa học trong toàn quân. Đồng chí có thể giải thích cho độc giả VNQĐ hiểu rõ ý nghĩa của câu này? 
Tư lệnh Hà Văn Cử: Câu slogan này có hai vế. “Phòng chống tốt” được đưa lên đầu. Điều này thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta là không tiến hành nghiên cứu, sản xuất vũ khí hóa học. Thế nhưng trước việc nhiều nước trên thế giới đã sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, thậm chí cả vũ khí hạt nhân trong các cuộc chiến tranh, Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng chủ trương phải xây dựng, huấn luyện Quân đội ta từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, kể cả trong tình huống địch sử dụng vũ khí hoá học, hạt nhân hay còn gọi là vũ khí huỷ diệt lớn. Để thực hiện  nhiệm vụ này, đơn vị hóa học đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 19/4/1958. Như vậy là xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn, Bộ đội Hóa học được xây dựng theo phương châm chủ động phòng chống là chính. 

PV: Về tổ chức xây dựng lực lượng của Bộ đội Hóa học trong những ngày đầu như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Khi mới thành lập, cơ quan chỉ đạo Bộ đội Hóa học là Phòng Hóa học - Nguyên tử chỉ có bốn cán bộ; về lực lượng chỉ có một Tiểu đoàn phòng hóa thuộc Trường Sĩ quan Lục quân và hai Đại đội phòng hóa thuộc các Sư đoàn bộ binh 308, 320. Về cơ sở vật chất, vũ khí trang bị còn rất hạn chế, kinh nghiệm chiến đấu trong lĩnh vực phòng hóa chưa có. Nhưng Bộ đội Hóa học đã nhanh chóng kế thừa truyền thống xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc mô hình tổ chức, xây dựng lực lượng hóa học của các nước xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kĩ thuật hóa học, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng.
Ở miền Bắc, hệ thống cơ quan hóa học các cấp luôn được củng cố, kiện toàn. Đến cuối năm 1959, Bộ đội Hóa học đã được tổ chức thành hệ thống từ Bộ đến toàn quân, có cơ quan tham mưu chỉ đạo là Phòng Hóa học - Nguyên tử trực thuộc Cục Quân huấn; Tiểu đoàn 6, Khoa Hóa học Trường Sĩ quan Lục quân, Khoa Hóa học Trường Trung cao quân sự và có tương đối đầy đủ chủ nhiệm, trợ lí và phân đội hóa học ở các quân khu, quân binh chủng, các sư đoàn và trung đoàn của một số sư đoàn bộ binh. Năm 1966, Phòng Hóa học - Nguyên tử phát triển thành Cục Hóa học trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cùng với đó, các đơn vị hóa học cũng lần lượt được thành lập: Tiểu đoàn 901, 902, Kho K61, Xưởng K61. Các phân đội phòng hóa trực thuộc vừa tranh thủ huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn sát với thực tiễn chiến trường.
Cùng thời gian này, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ bí mật vượt Trường Sơn vào Nam xây dựng lực lượng. Tháng 11/1964, Phòng Hóa học Miền được thành lập, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng hóa trên chiến trường miền Nam. Các cơ quan tham mưu, phân đội hóa học ở các quân khu, quân chủng, sư đoàn cũng lần lượt được tổ chức, được trang bị khí tài tương đối hiện đại, khẩn trương cùng toàn quân toàn dân đối phó với cuộc chiến tranh hóa học của Mĩ. 

PV: Độc giả rất muốn được biết những hoạt động của Bộ đội Hóa học trong cuộc chiến tranh chống Mĩ, thưa đồng chí Tư lệnh?
Tư lệnh Hà Văn Cử: Lần đầu ra quân của Bộ đội Hóa học là trong Chiến dịch Đồng Xoài. Trong chiến dịch này, không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Phòng chống tốt” bảo đảm công tác phòng hóa cho các Trung đoàn 271, 272, 273 và Tiểu đoàn 840 chiến đấu, mà Bộ đội Hóa học còn chứng tỏ được khả năng “Chiến đấu giỏi”. 
Đồng Xoài là một chi khu quân sự của địch có hệ thống phòng ngự cực kì kiên cố, các phân đội chiến đấu của ta vấp phải một mạng lưới hỏa lực được bố trí dày đặc trong các lô cốt từ tiền duyên tới tung thâm mà các loại vũ khí của ta không chế áp được. Trước tình huống gian nan, Phân đội hóa học 32 được Bộ chỉ huy quân sự Miền tung vào trận. Và những chiến sĩ hóa học đã thể hiện tinh thần thép, tiếp cận mục tiêu, sử dụng súng phun lửa nhanh chóng dập tắt các ổ hỏa lực địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong làm chủ trận địa.
Trận đầu ra quân thắng lợi đã tiếp thêm ý chí và sức mạnh cho Bộ đội Hóa học. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ, ở mọi chiến dịch đều có sự tham gia tích cực của lực lượng phòng hóa. Thực hiện chức năng làm nòng cốt, Bộ đội Hóa học đã đưa công tác phòng hóa phát triển từ thấp đến cao, từ quy mô nhỏ đến đảm bảo hóa học chiến dịch hợp đồng binh chủng và trong các loại hình chiến thuật. Bộ đội Hóa học luôn chủ động tham mưu, đề xuất giúp người chỉ huy chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng hóa, nhờ vậy bộ đội không bị bất ngờ khi địch tập kích bằng vũ khí hóa học, bảo toàn lực lượng. Ngoài sử dụng súng phun lửa tham gia đánh địch trong những trận then chốt, Bộ đội Hóa học còn tích cực chủ động sử dụng vũ khí thu được của địch để đánh lại địch, tạo uy hiếp tâm lí lớn, khiến chúng hạn chế sử dụng các loại vũ khí này.

PV: Như vậy là vai trò của Bộ đội Hóa học trong kháng chiến chống Mĩ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, với phần đông độc giả thì “Phòng hóa” vẫn là một khái niệm khá trừu tượng. Chúng tôi rất muốn đồng chí Chính ủy cung cấp cho độc giả VNQĐ một số ví dụ sinh động!

 
c ủy 4
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Cả một cuộc chiến tranh dài hai mươi năm nên thật khó để kể hết. Tôi chỉ xin nêu một số điển hình. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20/01-15/7/1968), qua 177 ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong điều kiện địch thường xuyên sử dụng rộng rãi vũ khí hoá học, vũ khí cháy với mức độ ngày càng cao, nhưng Bộ đội Hoá học đã chủ động phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, nhiều lần quan sát, trinh sát phát hiện đúng chất độc; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn cho từng cá nhân, từng đơn vị và toàn chiến dịch biết tự phòng chống vũ khí hoá học cho bản thân mình, đơn vị mình, bảo đảm sức chiến đấu liên tục cho chiến dịch giành thắng lợi. Đại đội 2 Tiểu đoàn 901 làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch đã cấu trúc được 57 trận địa pháo giả, 9 trận địa phục kích bắn máy bay, 13km đường giả, 70 bù nhìn, 5 chiếc cầu giả bắc qua sông, 20km cột và dây điện thoại giả, 6 mục tiêu mang cần ăng ten vô tuyến điện, 24 kho và lán giả, 6.180 giờ dùng lửa bếp và trực lửa bếp đốt điểm khói và gây ánh lửa, làm hàng trăm mét tuyến công sự ẩn nấp, bảo đảm an toàn cho một tuyến cơ động của mặt trận, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chiến đấu. Chỉ tính trong đợt 1 của Chiến dịch, số bom đạn địch đánh vào các khu vực nghi binh trận địa giả là 1.225 loạt bom, 8.325 loạt pháo, 79 loạt B52, 180 quả bom cháy, 130 loạt rốc két, 52 loạt tên lửa. Phân đội súng phun lửa tham gia chiến đấu đã tiêu diệt 35 tên, bắt sống 6 tên; thu hồi 6 súng tiểu liên AR15. Tiêu biểu trong trận Làng Vây, các phân đội phun lửa phối thuộc cho các Sư đoàn 304 và 325 tiêu diệt và uy hiếp lô cốt đầu cầu, mở cửa, tạo điều kiện cho các lực lượng đột kích thọc sâu tiêu diệt địch, làm chủ cứ điểm Làng Vây. 
Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (30/01-23/3/1971), qua 52 ngày đêm chiến đấu, Đại đội 91 phun lửa thuộc Tiểu đoàn 902 được tăng cường đã tham gia chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt nhiều hỏa điểm, bắn cháy 4 xe tăng, 4 xe bọc thép M-113, tiêu diệt 243 tên Mĩ, Ngụy. Trong trận chốt chặn địch rút chạy từ Bản Đông về Lao Bảo (17/3/1971), phân đội phun lửa do đồng chí Hoàng Văn Vẻ phụ trách phối thuộc cho Trung đoàn Bộ binh 36 trực thuộc Sư đoàn 308 đã diệt được 4 xe M-113 và gần 100 tên địch, góp phần kìm giữ không cho địch rút chạy khỏi Bản Đông, tạo điều kiện cho đơn vị tập kích tiêu diệt cứ điểm này. 
Trong Chiến dịch Bình Trị Thiên (30/3-27/6/1972), Bộ đội Hoá học đã làm nòng cốt cho các đơn vị phòng chống hiệu quả gần 200 tình huống hoá học, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. 
Ở miền Bắc, từ năm 1964 đến 1972, Bộ đội Hóa học đã khắc phục kịp thời các điểm đánh phá bằng chất độc của không quân Mĩ ở Quỳ Châu, Yên Thành (Nghệ An), Nông Cống (Thanh Hoá), Thanh Thuỷ (Phú Thọ) năm 1964; Hướng Lập, Vĩnh Ô, Vĩnh Thạnh, Nông trường Quyết Thắng, khu vực Vĩnh Linh năm 1967... Khắc phục hậu quả do máy bay Mĩ đánh cháy tàu chở thuốc bảo vệ thực vật tại Ga Gôi, Vụ Bản (Nam Định) ngày 21/8/1966…. Từ năm 1967 đến năm 1972, Bộ đội Hóa học đã thực hiện 385 trận thả khói che mắt không quân địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng như: Nhà máy điện - nước Yên Phụ, Cầu Đuống, Cầu Hàm Rồng, Trạm biến thế Ba La - Bông Đỏ… 
Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Cục Hoá học đã chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị mọi mặt công tác bảo đảm phòng hóa ba thứ quân. Các Tiểu đoàn 901, 902 nhanh chóng được kiện toàn lên đường phối thuộc chiến đấu. Công tác chuẩn bị tích cực, chu đáo về mặt phòng hoá trên các chiến tr­­ường đã góp phần hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học của địch; giúp các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng phát triển lực lượng thần tốc.

PV: Có một vấn đề độc giả rất quan tâm và rất mong đồng chí Tư lệnh giải đáp, đó là Mĩ đã sử dụng những loại vũ khí hóa học nào ở Việt Nam? 
Tư lệnh Hà Văn Cử: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, giúp chúng tôi có cơ hội giải đáp một phần băn khoăn trong dư luận mấy chục năm qua. 
Trong chiến tranh Việt Nam, Mĩ luôn rêu rao rằng “chỉ dùng hơi cay chống nổi loạn.” Nhưng trong thực tế, quân đội Mĩ đã ném xuống Việt Nam rất nhiều loại bom đạn có chứa chất độc CS, ước tính khoảng hơn 9.000 tấn. Nghiêm trọng hơn, Mĩ đã triển khai chiến dịch có mật danh Ranch Hand, dùng hoá chất khai quang phá những khu rừng rậm nhằm triệt hạ lớp ngụy trang tự nhiên của quân đội ta. Trên 74 triệu lít chất độc diệt cây đã được rải xuống miền Nam Việt Nam, trong đó chất độc da cam khoảng 45 triệu lít, chứa khoảng 366 kg dioxin. 
Trước tình hình đó, từ đầu năm 1966, nhà bác học người Anh Bertrand Russell đã thành công khi đứng ra vận động, tổ chức và lập được một toà án quốc tế để xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mĩ. 
Để có những bằng chứng cụ thể làm tài liệu cho tòa án, Bộ Quốc phòng cử một cán bộ hóa học tham gia Tiểu ban Điều tra tội ác chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam; đồng thời, Cục Hóa học cử một số cán bộ vào chiến trường thu thập hiện vật, vũ khí, phương tiện, những loại chất độc, chất cháy Mĩ đã sử dụng; tiến hành chụp ảnh, quay phim hiện trường, tìm gặp phỏng vấn những nhân chứng bị nhiễm độc, làm những thống kê cơ bản về quy mô, mức độ và quá trình tiến hành đánh phá, phun rải chất độc hóa học của Mĩ ở các mặt trận... 
Cuối năm 1967, tại phiên họp thứ 2 ở Copenhagen (Đan Mạch), từ những tài liệu ta cung cấp, Tòa án Bertrand Russell kết luận: “Mĩ muốn dùng những hoạt động diệt chủng ở Việt Nam không những để uy hiếp nhân dân Việt Nam mà còn để đe dọa nhân dân thế giới… Mĩ đã chủ tâm dùng các loại vũ khí man rợ nhất, từng bị quốc tế ngăn cấm để tàn sát trẻ em, phụ nữ và dân thường ở Việt Nam.”
Tháng 12/1970 tại Paris, nhân dịp lực lượng hòa bình Pháp tổ chức Hội nghị Chống chiến tranh hóa học của Mĩ ở miền Nam Việt Nam, cán bộ Cục Hóa học được Chính phủ ta cử tham gia Hội nghị với danh nghĩa chuyên viên khoa học của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đây, lần đầu tiên ta chính thức công bố với thế giới rằng: Loại chất độc mà đế quốc Mĩ phun rải ở miền Nam Việt Nam là chất diệt cây 2,4-D; 2,4,5T; Picloram, axit Cacodylic với các kí hiệu tương ứng của Mĩ là chất màu da cam (Orange), chất trắng (White), chất xanh (Blue) và các chất độc kích thích CS, CS-1, CS-2. Công bố này đã gây chấn động thế giới. Nhiều nhà khoa học, luật gia, sử gia, nhà bác học có tên tuổi, nhà báo thuộc nhiều nước lên tiếng phản đối một cách toàn diện tội ác của đế quốc Mĩ. Một làn sóng chống đế quốc Mĩ lan rộng khắp thế giới. Trước sức ép mạnh mẽ như vậy, ngày 26/12/1970, Tổng thống Mĩ Richard Nixon phải ra lệnh hủy bỏ việc phun rải các loại chất độc diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam. 

 
Bộ trưởng BKHCN & Thứ trưởng BQP tham quan trang bị phòng hóa (1)
Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Thượng tuớng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan trang thiết bị phòng hóa tại Binh chủng Hóa học  - Ảnh: TL

PV: Dù bị ngăn chặn, nhưng lượng chất độc hóa học mà Mĩ kịp rải xuống Việt Nam là quá lớn. Độc giả muốn biết Bộ đội Hóa học đã làm gì trong nhiệm vụ khắc phục hậu quả này?
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Ngay sau ngày thống nhất đất nước, Bộ đội Hóa học đã có mặt ở các vùng đất nhiễm độc, những kho đạn chứa chất CS.
Việc xử lí chất độc CS đòi hỏi một lượng kinh phí lớn và kĩ thuật rất phức tạp. Bộ đội thường phải làm việc cùng thời tiết khắc nghiệt trên địa bàn miền Trung, miền Nam, trong bộ khí tài phòng hóa nóng đến trên 40 độ C. Đây là công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi rất nhiều quả đạn sau khi được đưa lên khỏi mặt đất đã rỉ sét hoàn toàn, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Đối với chất độc dioxin còn khó khăn hơn. Để xử lí, bộ đội phải tiến hành xử lí khối lượng đất nhiễm độc lớn. Công việc này không chỉ đòi hỏi bộ đội phải có sức khỏe tốt để có thể thực hiện được nhiệm vụ trong khí tài với thời gian dài, mà còn phải có trình độ chuyên môn giỏi và bản lĩnh vững vàng, vì chỉ một sơ xuất nhỏ là có thể gây tác hại nghiêm trọng cho chính mình.  
Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng với lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm, suốt mấy chục năm qua Bộ đội Hóa học đã vượt qua tất cả để tẩy độc, cô lập chất độc, trả lại sự sống cho nhiều vùng đất như sân bay Biên Hòa, sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng...

PV: Có phải vì nhiệm vụ đặc thù như vậy nên một vị lãnh đạo Đảng đã nhận xét “Bộ đội Hóa học là những người lính chiến đấu ngay cả trong thời bình”? 
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Xét về tính chất công việc phải đối diện với nguy hiểm, gian khổ và hi sinh, đó thực sự là những cuộc chiến đấu - chiến đấu với cái độc. 

PV: Vâng, chúng tôi được biết, Bộ đội Hóa học không chỉ chiến đấu với cái độc tồn lưu từ chiến tranh, mà còn chiến đấu với cái độc từ thời đại công nghiệp? 
Tư lệnh Hà Văn Cử: Trong thời bình, Bộ đội Hóa học đã tham gia khắc phục nhiều sự cố hóa học trong xây dựng, sản xuất, điển hình như vụ nổ hóa chất ở Nhà máy Nhiệt điện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), tẩy độc tàu ở cảng Chùa Vẽ, sự cố cháy nổ ở Nhà máy Z121/TCCNQP, chỉ đạo và tham gia cùng lực lượng hóa học Quân khu 9 hủy bình khí Clo tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang, xử lí đất nhiễm chất độc hóa học tại Kho KV1 Cục Quân khí, cứu nạn nhân bị ngạt khí tại mỏ vàng Bá Thước, Thanh Hóa... 

PV: Thế còn vụ Formosa, Bộ đội Hóa học có tham gia giải quyết sự cố không? 
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Vụ Formosa là sự cố môi trường lớn, gây xôn xao dư luận. Vì tính chất vụ việc quá nghiêm trọng nên cộng đồng rất hoang mang và có những mối hoài nghi. Trong vụ này, các trạm quan trắc của Binh chủng đã kịp thời đo đạc kĩ thuật, lấy mẫu thẩm định. Với tinh thần khách quan, khoa học và trách nhiệm trước môi trường sinh thái của đất nước, bằng thái độ làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Bộ đội Hóa học đã đưa ra được các số liệu báo cáo có độ tin cậy cao, giúp các cơ quan chức năng có dữ liệu để xử lí. Trong vụ cá chết ở hồ Tây năm 2016 cũng vậy, Bộ đội Hóa học đã vào cuộc, lấy mẫu xét nghiệm và đưa ra những báo cáo kịp thời, chính xác về độ ô nhiễm môi trường, góp phần dập tan những đồn đại thất thiệt về nguyên nhân cá chết, trấn an tinh thần nhân dân. 

PV: Nãy giờ chúng ta đã nói nhiều về việc khắc phục hậu quả. Đề nghị đồng chí Tư lệnh cho biết công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hóa học? 
Tư lệnh Hà Văn Cử: Đảng ủy, chỉ huy Binh chủng luôn xác định huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm. Ngoài việc chỉ đạo huấn luyện phân đội, Binh chủng đã và đang tích cực chỉ đạo huấn luyện các đại đội chuyên trách làm nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, 3 trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc xạ ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam), đội khắc phục hậu quả môi trường theo Hiệp định các nước ASEAN. Trong đó tập trung chỉ đạo huấn luyện nâng cao theo tình huống, mô phỏng các mục tiêu, các sự cố để gần sát với môi trường độc xạ, với sự cố hóa chất độc có thể xảy ra trên từng địa bàn. Trong huấn luyện luôn kết hợp với rèn luyện thể lực, khả năng sử dụng trang bị khí tài hóa học trong điều kiện môi trường độc xạ, khả năng hiệp đồng với các lực lượng cùng tham gia khắc phục sự cố... Để hoàn thành tốt yêu cầu huấn luyện, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Binh chủng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả kinh phí, vật chất... Đặc biệt trong việc xây dựng thao trường. Hàng năm Binh chủng chỉ đạo các đơn vị từng bước xây dựng hệ thống thao trường huấn luyện phù hợp với đầu tư của trên, đồng thời tích cực, chủ động liên hệ với các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn đóng quân để mượn thao trường, nhất là các thao trường huấn luyện phòng, chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn... 

PV: Xin được hỏi thêm đồng chí Tư lệnh, những nguy cơ cán bộ chiến sĩ Binh chủng Hóa học có thể phải đối diện hiện nay? 
Tư lệnh Hà Văn Cử: Tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp. Các cường quốc không những không từ bỏ, mà còn lợi dụng những thành tựu của khoa học công nghệ để cải tiến, hiện đại hóa kho vũ khí hóa học, hạt nhân, làm cho những loại vũ khí này “thông minh” hơn, chính xác hơn, sức hủy diệt lớn hơn. Một số quốc gia vẫn nuôi tham vọng sở hữu vũ khí hóa học, hạt nhân làm con bài để mặc cả trong quan hệ quốc tế; đặc biệt, chủ nghĩa khủng bố tìm mọi cách để sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. 
Trên thế giới hiện nay có khoảng 2.000 tấn vật liệu chế tạo hạt nhân hiện được lưu trữ; các hoạt động buôn bán trái phép, sở hữu bất hợp pháp và tình trạng mất cắp các nguyên liệu hạt nhân đã xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố bức xạ. 
Một số quốc gia trong khu vực phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển và gần biên giới Việt Nam, trong khi trình độ công nghệ còn hạn chế dễ dẫn đến sự cố gây rò rỉ phóng xạ mức độ cao, gây ô nhiễm nước đầu nguồn chảy vào Việt Nam hoặc phát tán ô nhiễm phóng xạ trong không khí và theo gió lan truyền vào nước ta gây ra các sự cố phóng xạ, hạt nhân nghiêm trọng.
Đối với nước ta, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp hóa chất đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, tuy nhiên, đi kèm với nó là các hệ lụy môi trường từ sự mất an toàn trong sản xuất, vận chuyển, sử dụng. Nhiều cơ sở hoạt động hóa chất sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, tiêu chuẩn an toàn chưa cao, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Hoạt động buôn bán, vận chuyển hóa chất diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Nước ta có khoảng gần 5.000 nguồn phóng xạ, 1 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất 500 kw với các thanh nhiên liệu có độ làm giàu thấp, nhiều cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong y tế, sản xuất công nghiệp, đo lường, bảo quản sản phẩm nông nghiệp... Tuy nhiên, các quy định về quản lí các nguồn phóng xạ ứng dụng còn có những điểm chưa hợp lí, thiếu chặt chẽ, trình độ ứng phó của cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ chưa đồng bộ, dẫn đến nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ...

PV: Từ những thực tế vừa nêu, chúng ta đều hiểu, để hoàn thành được nhiệm vụ trong thời kì mới đòi hỏi Binh chủng Hóa học phải có bước phát triển với yêu cầu cao hơn. Vậy Binh chủng đã có những chủ trương, chiến lược gì?
Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Binh chủng Hóa học đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Vấn đề hiện nay cần quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây được xác định là khâu đột phá nên Binh chủng đã chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút và giữ cán bộ chất lượng cao; khuyến khích đào tạo sau đại học, nhất là tiến sĩ. Binh chủng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng nguồn nhân lực như Học viện Kĩ thuật Quân sự, Viện Khoa học Công nghệ Quân sự Bộ Quốc phòng… để thống nhất hướng đào tạo sao cho đáp ứng yêu cầu của ngành phòng hóa. Binh chủng cũng tranh thủ các cơ sở đào tạo chuyên ngành hóa học ngoài quân đội để gửi cán bộ tới đào tạo. Đặc biệt, Binh chủng đang tìm hướng đào tạo ngoài nước để đội ngũ cán bộ được tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, nhưng phù hợp với Việt Nam.
Đối với các cơ sở đào tạo thuộc Binh chủng, chúng tôi đã tiến hành rà soát lại toàn bộ chương trình để thống nhất trọng tâm, trọng điểm, cắt bớt những nội dung không sát. Phương châm đào tạo của nhà trường là phải gắn chặt với thực tiễn. Thực tiễn của Bộ đội Hóa học không chỉ là khi có chiến tranh mà còn ngay cả trong thời bình. Bởi vậy ở cơ sở đào tạo trong Binh chủng, để rút ngắn khoảng cách giữa lí luận với thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và đơn vị, chúng tôi yêu cầu các giảng viên phải đi thực tế. Có thực tế thì bài giảng mới thiết thực, sinh động, có sức thuyết phục người học. Các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của học viên phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của binh chủng được phổ biến, ứng dụng rộng rãi. 

PV: Với những gì mà đồng chí Chính ủy vừa nêu, chúng tôi hiểu rằng Binh chủng Hóa học đã chính quy, hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Vậy đồng chí Tư lệnh đánh giá sức chiến đấu của Bộ đội Hóa học hiện nay thế nào trước tình huống xảy ra chiến tranh hóa học hoặc sự cố hóa học lớn?
Tư lệnh Hà Văn Cử: Cần trở lại với câu slogan “Phòng chống tốt.” Dù ở thời kì nào thì chúng ta vẫn xác định phòng là chính. Và cách phòng hóa tốt nhất là đừng để xảy ra chiến tranh hóa học, đồng thời ngăn chặn từ xa các nguy cơ hóa học, đặc biệt những sự cố như nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản mấy năm trước. Để thực hiện điều này, Việt Nam đã có những hoạt động đối ngoại tích cực, tham gia kí kết các điều ước quốc tế về phòng chống vũ khí hủy diệt lớn; phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế (Tổ chức Công ước cấm vũ khí hoá học (OPCW), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các đối tác thực hiện các dự án xử lí chất độc tồn lưu sau chiến tranh, chuyển giao công nghệ sản xuất, phát triển trang bị phòng hóa…) để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ đối đầu với vũ khí hóa học, vũ khí hủy diệt lớn.
Bên cạnh đó, Binh chủng đã chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây chiến lược “Phòng hóa toàn dân.” Theo chiến lược này, với vai trò nòng cốt, Bộ đội Hóa học đã có mặt ở hầu hết các địa phương, đơn vị để huấn luyện cho nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên cho đến dân quân tự vệ, quân dự bị động viên… và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tượng 1. Từ đầu năm 2016 đến nay Tư lệnh Binh chủng Hóa học đã trực tiếp giảng bài cho 11 khóa học tại Học viện Quốc phòng với gần nghìn học viên là lãnh đạo của các bộ, ban, ngành địa phương do trung ương quản lí giúp mọi người có những kiến thức cơ bản về phòng hóa, biết cách sử dụng thành thạo các trang thiết bị phòng hóa như mặt nạ phòng độc, sử dụng các chất tiêu độc, tẩy độc trong nước, không khí… để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Ngoài ra Binh chủng còn phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Chính phủ xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn về hóa học, phóng xạ, sự cố ô nhiễm môi trường... 
Hậu quả của chiến tranh hóa học là thảm khốc. Hậu quả của các sự cố hóa học trong công nghiệp cũng khôn lường. Chúng ta không ai muốn đối diện với những thứ này, nhưng với chức năng nhiệm vụ và năng lực hiện có, tôi tự tin rằng Bộ đội Phòng hóa đã chủ động “Phòng chống tốt” và sẽ “Chiến đấu giỏi” để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do vũ khí và các sự cố hóa học gây ra.

PV: Xin cám ơn đồng chí Tư lệnh và đồng chí Chính ủy đã cung cấp cho độc giả VNQĐ nhiều thông tin quan trọng qua cuộc đối thoại này! 

PV