Thứ Bảy, 29/08/2020 00:58

Bộ đội Trường Sơn: Từ cội nguồn huyền thoại

Lịch sử chiến tranh cách mạng của chúng ta đã có một Đoàn 559 gắn liền với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh... 

Lịch sử chiến tranh cách mạng của chúng ta đã có một Đoàn 559 gắn liền với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đó là từ quyết định đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ; từ 500 con người đầu tiên soi tuyến mở đường để sau đó mở ra chiến trường Trường Sơn nối hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương quan tâm giúp đỡ về mọi mặt, được nhân dân hết lòng yêu thương, đùm bọc, chở che, hơn 60 năm qua, người chiến sĩ Trường Sơn - Binh đoàn 12 trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, cống hiến trí tuệ, xương máu, viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong thời chiến, tạo những thành tựu, dấu mốc quan trọng trong thời bình, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trên tinh thần ấy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ti Xây dựng Trường Sơn.

VNQĐ: Nhắc đến Bộ đội Trường Sơn là nhắc đến quá khứ hào hùng, oanh liệt không thể nào quên của thế hệ chống Mĩ và không riêng thế hệ chống Mĩ. Trong chiến tranh, bộ đội ta đã tạo ra rất nhiều huyền thoại mà chỉ riêng ở Trường Sơn thôi đã có biết bao điều kì diệu. Những kỉ lục không tưởng. Những việc làm phi thường. Những câu chuyện như cổ tích. Khi chiến tranh lùi xa vài chục năm, phía đối phương vẫn không thôi tìm hiểu và thán phục những huyền thoại của Trường Sơn. Đó cũng là niềm tự hào lớn lao, điểm tựa vững vàng từ cội nguồn huyền thoại để người lính Binh đoàn 12 - người lính Trường Sơn hôm nay vững bước trưởng thành. Xin đồng chí Tư lệnh khái quát những nét tiêu biểu nhất về Bộ đội Trường Sơn thời chống Mĩ?

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Nhắc đến Bộ đội Trường Sơn là nhắc về một thời lửa đạn mà thế hệ cha anh đã viết thành những trang vàng. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ chọn ngày 19 tháng 5 năm 1959 để khai mở tuyến đường lịch sử. Cột mốc đầu tiên ấy đã cho người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa và bây giờ không chỉ sự thiêng liêng mà còn là trách nhiệm lớn lao. Ngay tên gọi đầu tiên “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” do Thượng tá Võ Bẩm làm Trưởng Đoàn 559 mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đã báo trước sẽ có nhiều điều kì diệu diễn ra.

Những huyền thoại cũng bắt đầu từ đó. Huyền thoại trong chiến tranh. Huyền thoại trong thời bình. 16 năm chiến đấu anh dũng của Bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác đã phải đối mặt với mọi thủ đoạn, phương tiện và vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mĩ. Chúng đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay trong đó có các máy bay ném bom B52; trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít chất độc da cam - dioxin.

Nói thế để thấy sự khốc liệt và hi sinh vô bờ bến của bộ đội và nhân dân ở Trường Sơn. Để đưa được một cân hàng, một khẩu súng vào chi viện cho miền Nam, chúng ta đều phải trả bằng xương máu. Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hệ thống giao thông huyền thoại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 20.000 km đường cơ giới, tổ chức hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào, ra chiến trường, vận chuyển hơn 1,8 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường. Chỉ có ý chí và niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng, mong đất nước sớm hòa bình mới có được sự diệu kì đó. Điều mà ở thời điểm đó và sau này, phía Mĩ cũng không thể ngờ được, không thể tin sức người có thể tạo dựng lên.

VNQĐ: Thật là những con số đáng kinh ngạc với một đất nước nhỏ bé, thiếu thốn trăm bề trong chiến tranh như Việt Nam. Nhưng có lẽ điều đối phương không tính được nhất, chính là yếu tố con người yêu nước của một dân tộc anh hùng. Một dân tộc dằng dặc chiến tranh nhưng vô cùng bất khuất. Ở những giai đoạn khó khăn nhất, chúng ta vẫn biết cách kiên cường vượt qua bởi có những con người xuất sắc. Nhắc đến Trường Sơn huyền thoại, không thể không nhắc đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị Tư lệnh đặc biệt. Xin đồng chí chia sẻ về con người đặc biệt này?

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Đúng vậy! Nhắc đến Trường Sơn huyền thoại không thể không nhắc đến Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Ông không phải là vị Tư lệnh đầu tiên nhưng dấu ấn của ông là một sự kì diệu của chính nghĩa tất thắng. Đó là sự thực hành xuất sắc của một con người đặc biệt. Sự thực hành đạt tới đỉnh cao trí tuệ của người Việt Nam trong thời chiến. Thực hành những điều không thể. Thực hành những điều vô cùng giản dị mà tổ tiên truyền lại. Thực hành để trưởng thành. Thực hành để chúng ta tự hào là người Việt Nam.

Dẫu khi đó đất nước bị chia cắt, người Mĩ cho rằng chúng ta không thể thống nhất đất nước, không thể bắn rơi B52, không thể làm đường sá, cầu cống, đưa xe tăng, những quân đoàn chủ lực vượt Trường Sơn. Tất cả dường như là không thể.

Trước ông, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, một vị tướng tài hoa đảm đương nhiều trọng trách từng khởi sinh hệ thống đường Đông - Tây Trường Sơn làm Tư lệnh Trường Sơn. Trước đó nữa, Thượng tá Võ Bẩm, người được Bác Hồ giao nhiệm vụ mở tuyến đường 559 cũng đã thực hành những điều vô cùng khó khăn, nhưng phải đến khi Đồng Sĩ Nguyên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn mọi thứ mới hoàn toàn đổi khác.

Những con số có thể được thống kê và truy tìm nhanh chóng, nhưng điều căn bản nhất là tư duy chiến lược để thực hành trên con đường đó, hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại đó mới là vấn đề bây giờ vẫn còn những câu hỏi lớn không chỉ của phía ta mà cả phía đối phương. Sau này được tiếp xúc và làm việc với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, chúng tôi được học hỏi những điều vô cùng bình dị gói gọn trong hai chữ thực hành. Thực hành từ thực tiễn. Thực hành đến tận cùng trên nền tảng chính nghĩa của cuộc chiến tranh.

Ông vào Trường Sơn khi bộ đội ta gặp vô vàn khó khăn. Xe bị bắn cháy liên tục, hàng loạt. Đường bị san phẳng bất cứ nơi đâu. Sự dũng cảm hi sinh không thể đắp đầy nhu cầu phía trước. Khu 5, miền Nam ruột thịt cần rất nhiều vật chất, con người. Đưa vào bằng cách nào nếu cứ hi sinh mãi? Câu hỏi này nhiều vị Tư lệnh, cả cấp trên ngày đêm tìm lời giải, rất cam go, nhiều lúc như không có đáp số.

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên vào Trường Sơn, ông phải giải bài toán vô cùng hóc búa ấy. Chính điều đó đã bộc lộ một thiên tài chiến lược theo cách giản dị nhất: thực hành. Địch đánh, ta đánh lại chúng. Địch phá 1 ta làm 10. Địch chặn đường này, ta mở đường khác. Địch dùng B52, ta đưa thơ văn nhạc họa vào Trường Sơn. Địch rải chất độc thiêu trụi cây rừng, ta trồng cây ngụy trang, mở đường kín cho xe chạy ban ngày ra phía trước.

Cứ như vậy, hàng chục tiểu đoàn thành trung đoàn, sư đoàn. Các lực lượng công binh, thông tin, phòng không, vận tải, xăng dầu phơi phới tiến về phía trước. Những dòng sông mang lửa. Những dòng sông vượt hai đỉnh Đông - Tây Trường Sơn vào chiến trường đánh giặc và giành chiến thắng như huyền thoại được kể mãi đến hôm nay.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - một công trình mà Binh đoàn 12 trúng thầu. Ảnh: TL

VNQĐ: Bên cạnh tên tuổi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị Tư lệnh tài danh gắn với những giai thoại đã trở thành chuyện kể thuộc lòng không chỉ với bộ đội Trường Sơn, chúng ta không thể không nhắc đến Chính ủy Đặng Tính, một con người đặc biệt xuất sắc. Thật thương tiếc khi ông sớm hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn ngày 3 tháng 4 năm 1973 tại Pắc Soòng - Nam Lào trong chuyến đi công tác. Cả Trường Sơn lặng đi trước mất mát này. Người đau đớn nhất chính là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Tư lệnh gạt nước mắt nói phải lập tức tìm mọi cách đưa thi hài Chính ủy ra Hà Nội còn ông vẫn ở lại chỉ đạo Bộ đội Trường Sơn nắm chắc tay súng lập công. Anh có biết câu chuyện đó?

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Tôi từ nhỏ đã biết câu chuyện đó. Khi hi sinh, Chính ủy Đặng Tính đã có quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông cũng là người được dự kiến sẽ phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Từ những đóng góp xuất sắc của ông, năm 2015, Chính ủy Đặng Tính đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Còn chuyện này không biết các nhà văn có biết không? Ngày đó, trước tình hình tuyến đường Trường Sơn rất cần một Chính ủy dày dặn kinh nghiệm, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên khi ra Hà Nội làm việc với Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trực tiếp nói với ông: “Trong các Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, các Chính ủy quân khu, quân chủng, anh muốn xin ai thì Quân ủy sẽ quyết cho người đó”.

Vốn từng biết Đặng Tính từ thời chống Pháp, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên xin Đặng Tính. Ngày 24 tháng 10 năm 1971, Đặng Tính chính thức nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Đối với mỗi chiến sĩ Trường Sơn, Chính ủy Đặng Tính là người vô cùng gần gũi. Ở đâu lửa đạn ác liệt, ở đó có nụ cười đặc trưng của Chính ủy. Tại Ba Lòng - Quảng Trị tháng 3 năm 1972, khi đợt bom B52 rải thảm vừa dứt, bộ đội công binh ào xuống sửa đường đã thấy Chính ủy Đặng Tính ở đó rồi.

Chính ủy cởi quần dài buộc lên cổ, hòa vào đội hình chiến sĩ công binh vác đá lấp hố bom. Chính ủy như người cha, người anh, người bạn thân thiết của bộ đội. Ông cắt tóc cho thương binh, lợp lán cùng chiến sĩ, nói chuyện thời sự như một báo cáo viên và đọc thơ, làm thơ như một nhà thơ đích thực. Chính ông chủ trương đưa các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, văn công vào chiến trường cùng các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ, trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ.

Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng nhất, nhiều trường ca, tiểu thuyết viết về chiến tranh nhất. Chính sự xum xuê của các loại hình văn học nghệ thuật khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa. Ở Trường Sơn ngày đó máu vẫn luôn đổ nhưng lời ca, tiếng hát, vần thơ luôn được ngân lên. Người Việt Nam ta là thế. Máu đỏ thắm mà hoa càng đỏ thắm đến tận cùng. Đó chính là vẻ đẹp của Bộ đội Trường Sơn huyền thoại.

VNQĐ: Ngay cả vị Chính ủy cũng hi sinh nơi tuyến lửa. Quả là những huyền thoại chỉ có thể có được từ những con người biết hi sinh, đặc biệt là những người đã không trở về sau ngày toàn thắng. Chiến công của Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân vinh danh. Sau ngày đất nước thống nhất, trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, Binh đoàn 12 (đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trong kháng chiến chống Mĩ, Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thì trong thời kì Đổi mới, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều này mang lại những giá trị như thế nào với những người lính Binh đoàn hôm nay, thưa đồng chí?

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Từ truyền thống vẻ vang, từ những câu chuyện như là huyền thoại của các thế hệ Bộ đội Trường Sơn năm xưa đã cho chúng tôi sự vững vàng, tự tin để tiếp bước cha anh. Từ sự thực hành sáng tạo, quyết đoán, sâu sắc của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sự bình dị, chuyên cần, chia sẻ, thấu hiểu tâm tư bộ đội của Chính ủy Đặng Tính và những tấm gương của lớp người đi trước đã cho người chiến sĩ Binh đoàn hôm nay một nền tảng vững vàng.

Truyền thống luôn là nguồn lực lớn để người lính Binh đoàn tựa vững trên chặng đường mới. Chúng ta không chỉ biết ơn suông mà phải biết hành động thật hiệu quả mới không phụ tâm huyết, trí tuệ, máu xương của cha anh đi trước. Điều này đòi hỏi sự cố gắng không ngừng, sự kiên trì, bền bỉ của mỗi cán bộ chiến sĩ. Không phải dễ dàng để tạo dựng và giữ gìn, phát huy tốt sức mạnh danh hiệu Bộ đội Trường Sơn trong thời bình hôm nay. Nó đòi hỏi nhiều sự hi sinh.

Càng ở những cương vị cao nhất, càng phải ý thức sâu sắc điều này. Hi sinh từ thời gian, trí tuệ, tâm huyết. Anh đã dành hết niềm tin và sức lực cho công việc trên cương vị của mình hay chưa? Hi sinh cái tôi cá nhân, những đam mê thường nhật của con người. Anh đã biết lắng nghe, chia sẻ mọi tâm tư, trăn trở, khát vọng của đồng chí đồng đội xung quanh hay chưa? Nếu chỉ biết làm cho riêng mình, sẽ không thể nào trưởng thành bền vững được.

Rồi những va đập khốc liệt, những cám dỗ muôn hình vạn trạng áp sát người chiến sĩ, nhất là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Điều này cũng chẳng dễ vượt qua. Song cứ nghĩ đến các cụ tiền bối Trường Sơn, nhất là những liệt sĩ đã không trở về, chúng tôi lại lắng được lòng mình mà bình tĩnh vượt qua, hướng về phía trước.

VNQĐ: Lắng được lòng mình trong cơ chế thị trường sôi động quả là không dễ. Thấy rất rõ một điều rằng, Binh đoàn 12 - Tổng công ti Xây dựng Trường Sơn ngày càng nhận được sự tin cậy của các chủ đầu tư và đối tác. Đây chính là kết quả, sự ghi nhận sâu sắc với thương hiệu Trường Sơn trong thời kì xây dựng và phát triển đất nước ở chặng đường mới. Hiện nay, Binh đoàn đang tham gia xây dựng một số công trình lớn, trọng điểm của Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương. Để đảm bảo được tiến độ, chất lượng, thẩm mĩ thi công phải có sự nỗ lực rất lớn. Ở cương vị Tư lệnh, đồng chí hãy chia sẻ những vấn đề trên?

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Cuộc sống luôn có nhiều điều mới mẻ. Những thách thức mới song hành cùng những niềm tin mới. Đó cũng là điều bình thường. Cũng chính sự bình thường luôn tạo ra những áp lực mới cho chúng tôi. Để Binh đoàn phát triển ổn định, bền vững như chặng đường đã qua quả thực không dễ dàng. Để có được sự tin cậy của các chủ đầu tư và đối tác không hề dễ.

Vừa qua, đầu năm 2020, Binh đoàn đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công dự án đầu tư công trình đường ven biển từ thành phố Rạch Giá đi huyện Hòn Đất. Đây là dự án nhằm góp phần khai thác tài nguyên biển và vùng ven biển; thúc đẩy phát triển du lịch, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đường bộ ven biển kết hợp với đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lí các tình huống ứng phó với thiên tai, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc trong khu vực. Dự án trị giá 344 tỉ đồng này là 1 trong 4 dự án mà Binh đoàn vừa trúng thầu trong tháng 11 và 12 của năm 2019, với tổng trị giá 1.400 tỉ đồng.

Trước đó, cuối năm 2019, Binh đoàn đã phối hợp cùng Ban Quản lí đầu tư xây dựng thủy lợi 8 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị thi công tổ chức lễ chặn dòng đợt 1 dự án công trình hồ chứa nước Ea H’leo 1 (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Sau lễ chặn dòng, Binh đoàn đã tổ chức lễ phát động đợt thi đua “Đoàn kết, lập công, quyết thắng” ngay tại công trường, thể hiện quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ cụm công trình đầu mối dự án hồ chứa nước Ea H’leo 1.

Anh em khẳng định sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu với tinh thần quyết tâm cao nhất. Hiện chúng tôi đang tập trung nhân lực, thiết bị, nỗ lực tăng ca, tăng kíp, thi công xuyên ngày đêm nhằm rút ngắn thời gian, đáp ứng hoàn thành dự án đúng tiến độ để bà con Tây Nguyên sớm có nguồn nước ổn định vào mùa khô hạn.

Đó là những dự án khép lại năm 2019 thành công cũng là mở ra cơ hội phát triển cho Binh đoàn trong năm 2020 và những năm tiếp theo với ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhất các kế hoạch, giữ vững cách thức làm việc chuyên nghiệp, kỉ luật của người lính trên mặt trận kinh tế.

Tên tuổi của Binh đoàn gắn liền với nhiều công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ở khắp đất nước như: công trình thủy điện Sơn La, công trình thủy điện Srêpôk 3 ở Đắk Lắk, công trình thủy điện buôn Tua Srah ở Đắk Lắk, dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi - Hà Tĩnh, dự án hồ Tả Trạch - Thừa Thiên Huế…

Được tin tưởng thực hiện những dự án lớn liên quan chặt chẽ tới thế trận quốc phòng - an ninh của đất nước đã đặt lên đôi vai người chiến sĩ Binh đoàn không chỉ trọng trách mà còn là thời cơ để người lính trưởng thành. Sự trưởng thành ở những giai đoạn mới mẻ, sôi động như hiện nay chắc chắn sẽ là những dấu mốc quan trọng góp vào truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn.

VNQĐ: Trong cơ chế thị trường “thương trường như chiến trường” cạnh tranh quyết liệt, vấn đề sống còn là phải xây dựng thương hiệu bằng chính uy tín và chất lượng từng công trình, mỗi dự án, hệ thống công trình trong chặng đường dài. Điều này Binh đoàn có gặp khó khăn gì không? Những vấn đề nguồn vốn, tác động chủ quan, khách quan của nền kinh tế; vấn đề thiên tai khó lường; những tác động môi trường phức tạp đã thách thức như thế nào với hoạt động sản xuất kinh doanh? Những giải pháp trước mắt và lâu dài để người lính Binh đoàn vững vàng bước tiếp?

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Phải thấy thế này, một trong những yếu tố để Binh đoàn được lựa chọn tham gia các dự án trọng điểm cấp quốc gia chính là uy tín, thương hiệu đặc trưng của Bộ đội Trường Sơn. Điều này không thể ngày một ngày hai có được. Nó phải được hình thành và xây dựng hết sức kiên trì, công phu, bền bỉ và sáng tạo.

Trong thi công, yêu cầu lớn nhất là phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, thẩm mĩ, đặc biệt là phải đảm bảo chuẩn chỉ các tiêu chuẩn kĩ thuật. Điều này phải có tính nguyên tắc, tính kỉ luật cao và đây cũng chính là thế mạnh của Binh đoàn. Anh không thể đổ lỗi cho thời tiết, máy móc, thậm chí là nguồn vốn để không đảm bảo chất lượng công trình. Điều này đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm, sự sáng tạo mà còn là lương tâm, đạo đức khi thực hiện các công trình lớn nhỏ.

Muốn phát triển bền vững, trước tiên công trình, sản phẩm làm ra phải vững bền theo đúng những gì cam kết, thậm chí phải vượt trên những tiêu chí kĩ thuật định sẵn mới tạo dựng được thương hiệu Trường Sơn. Vấn đề nguồn vốn luôn là vấn đề lớn của mỗi doanh nghiệp. Chính nhờ niềm tin, thời gian qua, Binh đoàn tham gia nhiều dự án đa dạng về nguồn vốn, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách địa phương và nguồn lực từ các chủ đầu tư.

Binh đoàn vừa trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn như hồ thủy điện Ea H’leo (Đắk Lắk), đập ngăn mặn sông Hiếu (Quảng Trị), hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình). Đặc biệt, Binh đoàn được lựa chọn là nhà thầu tham gia thi công đường cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Huế), dự án thành phần đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Đối với Binh đoàn, tiến độ, chất lượng, thẩm mĩ và tính nguyên tắc trong đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật không chỉ luôn được đặt lên hàng đầu, mà trong thi công cũng là lúc khơi dậy động lực, phát huy các phẩm chất sáng tạo của mỗi cán bộ, chiến sĩ, người lao động. Tính tiền phong gương mẫu của cán bộ phải được thể hiện trực tiếp trên công trường. Công trường là thước đo cán bộ.

Sự đoàn kết, thống nhất, đơn vị có vững mạnh hay không đều được chứng minh từ thực tiễn hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chỉ khi thuần thục từ những mắt xích nhỏ nhất mới có thể dễ dàng vượt qua những thử thách lớn, mới có thể bình tĩnh vượt qua những thách thức đến từ chủ quan, khách quan, sự bất thường của thiên nhiên, những tác động bất lợi khác để hoàn thành nhiệm vụ.

VNQĐ: Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Binh đoàn còn luôn chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; tổ chức xây dựng, huấn luyện các lữ đoàn công binh dự bị chiến lược, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ khi có tình huống. Binh đoàn đã tích cực đầu tư nguồn lực, luôn gắn hiệu quả sản xuất kinh doanh với hiệu quả thực hiện công tác chính sách xã hội, hậu phương quân đội và công tác dân vận, tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị địa phương trên các địa bàn công tác, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo…

Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc: Đối với Binh đoàn, không chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh luôn đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng bền vững, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, nâng cao thu nhập cho cán bộ chiến sĩ và người lao động mà còn thực hiện rất tốt nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh.

Chính các hoạt động quân sự - quốc phòng đã góp phần rèn luyện để cán bộ chiến sĩ Binh đoàn trưởng thành toàn diện hơn, giàu tri thức quân sự, dày dạn kinh nghiệm chỉ huy, quản lí bộ đội cũng là nâng cao tầm vóc người chiến sĩ Trường Sơn trong giai đoạn mới. Thế hệ Bộ đội Trường Sơn ngày trước từng làm nên rất nhiều huyền thoại thì thế hệ hôm nay nguyện noi gương sáng cha anh. Đó vừa là đạo lí vừa là niềm tin sâu sắc của chúng tôi trên chặng đường mới.

Thực hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, Binh đoàn đã đẩy mạnh các hoạt động tri ân, “đền ơn, đáp nghĩa”, xây tặng hàng chục nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; thăm hỏi, tặng quà các đồng chí thương, bệnh binh thuộc Bộ đội Trường Sơn đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng, người có công tại Duy Tiên, Kim Bảng, Liêm Cần tỉnh Hà Nam và Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh; thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với số tiền hàng tỉ đồng.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn Binh đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm trên địa bàn đóng quân và thi công các dịp 27/7. Đặc biệt dịp Kỉ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn năm 2019, Binh đoàn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các các đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và Binh đoàn 12 các thời kì, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đối tượng chính sách, người có công rất chu đáo. Cùng với đó, Binh đoàn đã quan tâm, tham gia làm tốt việc giải quyết chính sách còn tồn đọng cho các đối tượng thuộc Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành, Binh đoàn 12 - Tổng công ti Xây dựng Trường Sơn luôn giữ vững và phát huy cao độ truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Ở bất cứ nơi đâu, từ Trường Sơn, Tây Nguyên, Tây Nam, Tây Bắc trên các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Binh đoàn đều vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vững vàng hội nhập, phát triển, tạo dựng nhiều dấu mốc lớn. Từ những công trình trọng điểm cấp quốc gia trong thời chiến cũng như thời bình đã góp phần khẳng định uy tín, ý thức, trách nhiệm chính trị cao của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

VNQĐ: Xin cảm ơn đồng chí Tư lệnh!

VNQĐ