Thứ Bảy, 11/09/2021 12:38

Bộ trưởng và Thủ trưởng

Ít ai biết rằng, vị tướng trận Khuất Duy Tiến cũng đồng thời là thủ trưởng cũ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, cũng là người chỉ huy trực tiếp Phùng Quang Thanh trong trận đánh ác liệt trên Đồi Không Tên.

Năm 2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 được phong Anh hùng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đến nhà riêng tặng hoa chúc mừng ông. Nắm bàn tay dày dặn, ấm áp của người Trung đoàn trưởng từng vào sinh ra tử, vị Bộ trưởng như thấy cay cay ở mắt mình. Ông như thấy những đồng đội đã khuất hiện về mỉm cười trước niềm vui hội ngộ.

Đại tướng Phùng Quang Thanh tặng hoa và chúc mừng Trung tướng Khuất Duy Tiến, người thủ trưởng cũ của ông. Ảnh: TL

Ít ai biết rằng, vị tướng trận Khuất Duy Tiến cũng đồng thời là thủ trưởng cũ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trực tiếp chỉ huy các trận đánh ác liệt trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cũng là người chỉ huy trực tiếp Phùng Quang Thanh trong trận đánh ác liệt trên Đồi Không Tên. Và cũng không có nhiều người biết, Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chính là người đề xuất làm thành tích phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Phùng Quang Thanh. Khi được tuyên dương anh hùng, Phùng Quang Thanh là Thượng sĩ - Trung đội trưởng tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

Năm 1968, Phùng Quang Thanh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, làm nhiệm vụ trinh sát, nhiều lần cùng tổ vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Tháng 2 và tháng 3 năm 1971, Phùng Quang Thanh tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chỉ huy trung đội đánh hai trận đều đạt hiệu quả cao, góp phần cùng tiểu đoàn 9 diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch, riêng Phùng Quang Thanh diệt 12 tên, bắt 1 tên, thu 1 súng. Ngày 10 tháng 2 năm 1971, Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ huy 1 tiểu đội chốt giữ Đồi Không Tên. Địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tiến công chốt. Phùng Quang Thanh bình tĩnh chỉ huy tổ chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau địch tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng đồng chí xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo lắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu đơn vị xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng trung đội do Phùng Quang Thanh chỉ huy đã diệt 37 tên, bắt sống 1 tên, thu 2 súng.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến sôi nổi nói về người Trung đội trưởng trẻ dũng cảm Phùng Quang Thanh. Ông khẳng định ngay nếu không có Trung đội của Phùng Quang Thanh chiến đấu bảo vệ khu vực chỉ huy Trung đoàn thì hoàn toàn có thể bị địch tập kích tiêu diệt và chính ông đã hi sinh. Những người lính ở chiến trường luôn coi tính mạng của đồng đội, của chỉ huy cao hơn sinh mạng của mình. Những tấm gương hi sinh vì đồng đội, vì Tổ quốc diễn ra hết sức tự nhiên và Phùng Quang Thanh chính là một trong những tấm gương tiêu biểu đó. Đơn vị anh đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Bản thân Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh khi bị thương vẫn chỉ huy bộ đội chiến đấu và giành chiến thắng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh năm 1971. Ảnh: TL

Vị tướng trận khi nhắc về những tháng ngày chỉ huy Trung đoàn 64 đánh địch trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nhiều lúc nước mắt như chực rơi ra. Chiến tranh vô cùng khốc liệt. Những người lính Trung đoàn 64 anh hùng thay nhau ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi để lại niềm tin và hi vọng cho những người còn sống. Khuất Duy Tiến từng nói trong buổi ông được phong tặng anh hùng rằng, danh hiệu đó trước hết thuộc về những liệt sĩ đã hi sinh. Dù cương nghị và vững vàng đến mấy, trước máu xương đồng đội, vị tướng trận cũng không khỏi buốt lòng tiếc xót những đồng đội đã không thấy được ngày toàn thắng. Ông càng tuyệt đối tin tưởng vào những người lính sẵn sàng lấy thân mình vì nước hi sinh. Khi Phùng Quang Thanh bị thương, băng quấn khắp người vẫn cầm súng dẫn đồng đội lao lên đánh địch đã gây xúc động mạnh với người Trung đoàn trưởng. Ngay sau trận đánh, ông đã cùng với Chính ủy Đặng Văn Trượng đề xuất phong tặng danh hiệu anh hùng cho người lính quả cảm Phùng Quang Thanh.

Mới đó mà đã hơn 50 năm, hơn một nửa thế kỉ trôi qua, người Trung đoàn trưởng hôm nay mái đầu phơ trắng vẫn còn nhớ như in về người lính của mình. Ông nói với chúng tôi: “Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mà Phùng Quang Thanh tham gia với cương vị Trung đội trưởng trong đội hình của Tiểu đoàn 9 là chiến dịch có vị trí quan trọng đặc biệt, bởi Đường 9 - Nam Lào là đường vận chuyển chiến lược bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam. Nếu địch chiếm được sẽ cắt đứt tuyến vận tải của ta, đồng thời, tạo điều kiện cho chúng tiếp tục thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Trung đội do Phùng Quang Thanh chỉ huy đã chiến đấu hết sức dũng cảm và tiêu diệt được phần lớn sinh lực địch. Quân ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn dù số 3, tiểu đoàn hỗn hợp, sở chỉ huy của địch; bắt sống toàn bộ sĩ quan chỉ huy, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ trưởng Lữ đoàn dù 3 của quân ngụy Sài Gòn. Chiến thắng đã góp phần quyết định bẻ gãy xương sống kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mĩ. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm mà tiêu biểu là Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngay sau khi kết thúc chiến dịch.

Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến tại Sở chỉ huy Trung đoàn 64 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tháng 2 năm 1971. Ảnh: TL

Người Trung đoàn trưởng của ông sau 42 năm mới vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng. Trong thâm tâm của Đại tướng Bộ trưởng cũng như biết bao cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 64, ông luôn coi Trung đoàn trưởng của mình thực sự xứng đáng là anh hùng ngay từ những ngày còn trong lửa đạn”.

Sau này, khi đảm đương các cương vị công tác khác nhau, Phùng Quang Thanh vẫn luôn giữ được phẩm chất và bản lĩnh của người lính từng vào sinh ra tử. Ở cương vị nào, vẫn nguyên vẹn một Phùng Quang Thanh kiên cường, luôn sẵn sàng hi sinh vì đồng đội, luôn hướng tới cái đích lớn Tổ quốc và Nhân dân. Công việc bộn bề, nhất là khi ông đảm đương cương vị Bộ trưởng thì vẫn luôn ở đó một tấm lòng trước sau như một với đồng chí đồng đội, với nhân dân. Với người thủ trưởng cũ Khuất Duy Tiến, Phùng Quang Thanh luôn như một người em gắn bó với thế hệ cha anh. Vị Bộ trưởng học được ở người thủ trưởng năm xưa đức tính khiêm nhường nhưng hết sức kiên cường của thế hệ đi trước đã từng trải qua mấy cuộc chiến tranh. Khuất Duy Tiến cùng thế hệ ông cũng tìm thấy ở lứa kế cận mình những phẩm chất tốt đẹp nhất mà người lính Cụ Hồ có được. Những người lính, không kể là binh nhất, binh nhì hay trung tướng, đại tướng đều luôn là tường đồng vách sắt của nhân dân Việt Nam.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến năm nay đã bước sang tuổi chín mươi mốt vẫn rất xúc động khi nhắc về vị Bộ trưởng với một sự đồng cảm sâu sắc. Những việc đã làm được, những việc đang làm và cả những dự định lớn truyền lại cho thế thệ kế cận thì cũng luôn ở đó một tấm lòng với dân với nước, một tấm lòng chân thành với những người đã hi sinh và cả với những người đang sống hôm nay.

Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: QĐND

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ trần sau một thời gian lâm bệnh. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 3 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021 tại Hà Nội.

Đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2/2/1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII. Đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng tháng 7/2007.

Đại tướng Phùng Quang Thanh là vị tướng trưởng thành qua chiến đấu, phát triển từ chiến sĩ lên đến Bộ trưởng, từ binh nhì lên đại tướng. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.

Ông là con liệt sĩ, nhập ngũ năm 1967, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mĩ, và tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 1968, sau trận đánh tại đồi Không Tên ông được kết nạp Đảng. Năm 1971, ông được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND khi đang là Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI