Thứ Tư, 11/03/2020 09:14

Bông điên điển hồng

Chú Ba ngồi giữa nhà nhòm ra đàn gà đang mổ nhau chí chóe ngoài sân, nói với tôi mà như bâng quơ: “Người ta bảo, gà một mẹ chớ đánh nhau, chứ có phải đâu bây.

.Truyện ngắn dự thi. BẢO THƯƠNG

Chú Ba ngồi giữa nhà nhòm ra đàn gà đang mổ nhau chí chóe ngoài sân, nói với tôi mà như bâng quơ: “Người ta bảo, gà một mẹ chớ đánh nhau, chứ có phải đâu bây. Hồi trước giải phóng, có những tên lính phía bên kia cũng ác với bà con thấy mồ. Nhưng có đứa hiền khô, bồng súng ra chợ bị gái ghẹo cứ đỏ cả mặt”.

Thím Ba đang kho nồi cá bống trứng nghe chồng nói vậy thì nhìn tôi giải thích: “Là ổng nói mình đấy. Ổng bị bắt lính, nhưng sau đó bỏ trốn, bị bắt lại, tòa án binh xử tù đó con”. Chú Ba cười to: “Đó lại là niềm may, vì thế mà sau giải phóng tui không phải đi cải tạo. May, khôn, thế, thời, được hay còn, chỉ gió trên trời là biết thôi”. Câu triết lí của chú Ba nhắc tôi về mục đích của mình: “Vùng này có loài điên điển hồng phải không chú Ba?”. “Thế gian vô cùng. Cái gì chả có”. Nói rồi ông già Nam Bộ lại trả lời như bâng quơ rồi vuốt chỏm râu lơ thơ trắng nhìn tôi thật hiền.

 

*

* *

Ông già lái con thuyền nhỏ đánh cá trên dòng Hàm Luông, cặp mắt nhỏ hí mà biết cười, hàm răng khấp khểnh đen đặc khói thuốc, sau khi nghe tôi hỏi về bông điên điển hồng thì đáp:

“Tau chở thuyền trên sông này từ thời để chỏm, có thấy đâu bây?”.

“Bác Hai sống ở vùng đất này lâu dữ vậy?”.

“Chứ sao bây. Nhỏ thì học dưới chế độ cũ, có bận còn được mặc quần xà lỏn, áo sơ mi trắng, cầm cờ đón tổng thống mà. Lớn lên thì về Sài Gòn học điện tử. Cũng học hết thứ nọ đến thứ kia chứ bộ. Ngày đó, bên này sông là vùng quốc gia, bên kia sông là vùng giải phóng. Bà con bên này sang bên kia đi chợ mà cực, một cô mặc áo hồng không sao, ba cô giống nhau là bị bắt liền vì nghi là ám hiệu của cộng sản đó”.

“Thế hồi ấy bác Hai theo phe nào?”.

Mắt ông già trĩu xuống, nhìn sâu xuống dòng sông, mùa nước lên sóng nghịch làm những đám lục bình chìm nổi lênh bênh. Thi thoảng những bè rau muống dập dềnh bị nước cuốn sâu rồi lại lộ ra.

“Bây có biết vì sao người ta gọi là gió chướng, nước ương không? Nó chẳng theo một quy luật nào hết. Sự giao mùa giữa gió Đông Bắc và Tây Nam là những con gió đông nghịch ngợm không theo một đường hướng. Nước lập lờ, không ra nổi cũng chẳng ra chìm, được gọi là nước ương”. Nói rồi, ông nhìn xa xa, sang bên kia bờ, những đám cây mái dầm mọc dọc bờ sông, rễ cắm sâu vào bùn…

“Những năm đói sau giải phóng người ta phải lấy thứ lá ấy muối lên ăn, nó ngứa lắm bây à, ngứa hơn cả lá khoai môn”.

Ông già cúi xuống nhìn con nước. Rồi ông đưa mắt nhìn những rặng bần.

“Xưa vua Gia Long qua đây, ăn thứ quả ngon lành, hỏi người dân là gì, họ nói trái bần. Quả ngon không thể đặt một cái tên nghe tội nghiệp đến vậy, vua hạ lệnh đổi tên thành thủy liễu, cây liễu thướt tha bên dòng nước”.

Tôi nhìn lên, những mắt lá thưa đung đưa, yểu điệu, soi mình xuống dòng sông, thân bám sâu vào bờ, rễ tỏa sâu vào nước, mắt ông già Nam Bộ lại trông xa về phía những hàng dừa sâu trong những con ngõ của những ngôi nhà bé nhỏ trên cù lao. “Thủy liễu hay là bần thì thân phận vẫn thế mà thôi con. Thân em như trái bần trôi. Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”.

Con thuyền bé nhỏ của ông già chòng chành vươn ra giữa dòng, nước đục ngầu, mưa trắng xóa. Ông rũ chiếc áo mưa che đủ nửa thân người, choãi mình trên con thuyền, bắt đầu buộc, kéo những sợi dây.

“Bác đâu có nghèo để phải đi đánh cá?”. Tôi hỏi. Ông già trầm tư nhìn vào làn mưa. “Tiếng đàn có hay nhưng chẳng làm bớt thèm sông nước, giọng đờn ca có ngọt, nhưng sao thiếu được khí trời. Ba Tri là gì con biết không? Sóng tơ lụa đó. Mỗi con nước nơi đây đều là những tơ lụa, mảnh, mượt, mềm, như tiếng đàn vậy”.

Tôi đã vào thăm xưởng đàn của ông. Hơn trăm cây đàn như đàn thú con nằm kề bên nhau. Không ngờ những thân dừa xù xì, cứng ngắc tưởng chỉ mang bắc cầu và làm chuồng trại qua bàn tay ông lại thành những cây đàn phát ra muôn vàn cung tơ lảnh lót.

 

*

* *

Tôi gặp bà già tên Năm trong ngôi nhà bên con sông Mỹ Lồng vào một trưa. Con trai bà đang loay hoay rửa mấy chiếc xe máy cho khách, dưới những bóng cây sa kê lá răng cưa bám rễ sâu vào con lạch. Bà Năm nhìn tôi và nói: “Con hỏi toàn những thứ khó lắm. Có mối tình nào không à? Ai chẳng có con ơi. Tuổi trẻ mà. Hồi đó má chỉ mười tám, mười chín, má đầy và đỏ lắm chứ đâu đen đủi và tóp teo như giờ”. Bà cười móm mém, hai tay sắp xếp lại những chai đậu nành, thêm đá vào một cốc cà phê, bê ra cho khách, rồi ngồi lún sâu vào chiếc ghế bành.

“Hồi đó, má là giao liên đó. Giao liên ngầm hoạt động phía bên này”.

“Má không sợ bị bắt sao?”.

“Ai chẳng sợ con. Cha má đã bị bắt, bị chúng đánh gần chết rồi đưa ra Côn Đảo, má má bị chúng cắt hết gân chân à”.

“Sao má không bị phát hiện?”.

“Hồi đó đâu có hộ khẩu như giờ, tự do đi lại à con. Chúng đâu biết mình là ai, quản lí giỏi như chính quyền giờ, chắc má tiêu rồi”.

Bà nói rồi cười lớn, hai má càng hõm sâu, bộ ngực lớn so với tuổi rung rung trong làn áo mỏng. Tôi nói: “Ngày xưa, chắc má đẹp lắm”. Bà cười ỏn ẻn, hai má như đỏ lên: “Vì đẹp mà khổ đó con”…

Hai bờ sông nắng đã chói chang, người con trai sau khi rửa xong xe cho bà con đi chợ thì nhảy xuống thuyền du lịch chuẩn bị đón một đoàn khách nước ngoài. Bờ sông đã có những cây cầu bắc ngang, người bên này qua bên kia không còn phải lội như trước. Bà Ba bùi ngùi: “Nghĩ cực khổ, ngày xưa toàn núp bờ núp bụi, đào hầm trốn sâu vào lòng đất mà bom vẫn cày nát cả thân người. Có mấy nhà không có người chết đâu con”. Tôi muốn trở lại câu chuyện bà đẹp ngày đó ra sao, nhưng bà đã dừng lại, mắt nhìn sâu vào làn nước đục ngầu, sôi sục mùa nước lớn. Lúc lâu bà đưa mắt nhìn những quả sa kê lúc lỉu trên những tán lá răng cưa, những đống vỏ dừa vất ngổn ngang từ ngoài ngõ vào, vài khóm sen cảnh lá xanh như màu bánh da lợn, hoa hồng rực tựa cánh đào Bắc ngày đông, và búi trang cũng bắt đầu cho nụ.

Tôi tạm biệt bà lão để đi về phía đông thành phố.

 

*

* *

Nam chat với tôi: “Anh chưa một lần về quê cũ. Mẹ anh sợ bóng dáng của quá khứ. Ở đó giờ còn phải ăn bo bo không em?”. Tôi reply: “Nếu có thể hãy về bên con sông Mỹ Lồng một lần, nhìn bàn tay con gái tráng những tấm bánh mỏng trên lò, để nghe vị giòn rụm của nó trôi đi cùng miếng thịt mỡ, lát ớt hiểm, bông chuối tươi vẫn còn nhựa mùa nước lên”. Nam lặng chững đi, mãi sau mới thấy trả lời: “Anh sẽ nghĩ”...

Tôi đi dọc bờ sông, nhìn những đám lục bình trôi, nghe xào xạc con gió bay qua, nghĩ về câu chuyện chú Ba kể. Nguyễn Ánh chạy về vùng đất này lánh quân Tây Sơn. Đêm, cơn gió to chuyển ngược hướng nam sang bắc, làm thuyền lật úp. Một con rồng ngoi lên mặt sóng nói với vua, chỗ khúc đoạn kia có hai người chính trực đã đợi sẵn để cứu giúp ngươi. Nếu ngươi không phải là người chính trực thì những ngọn gió nam sẽ chuyển hướng đông, quật ngã ngươi. Nguyễn Ánh đã xin được cứu mạng và hứa đem hết tài này tô điểm cho mảnh đất của ân nhân. Về sau, cha con Trương Tấn Khương được trọng dụng. Trương Tấn Bửu được làm đến chức phó tướng. Vùng đất này hàng trăm năm soi bóng bình yên, trù phú bên những con sông.

Và mặt nước Hàm Luông mùa nào hình như cũng đỏ. Mặt trời lên từ phía con thuyền. Chiếc bùng binh giữa dòng có lúc nghiêng hẳn về một phía, nhưng chưa khi nào bị đổ. Sự thăng bằng giữa sóng gió đâu chỉ chuyện của những rặng bần. Bác Hai còn kể, Phan Thanh Giản vì rơi vào tình thế nguy nan, thương dân máu chọi cùng đạn pháo, đầu trần che chắn súng Tây mà cụ đành dâng thành cho giặc, sau tuẫn tiết để bảo toàn sinh mạng cho dân.

Tôi đã về đền thờ Phan Thanh Giản một chiều mưa. Chiếc cột chỉ đường xiêu vẹo, ngôi đền nhỏ nằm im giữa đám cỏ hoang, rặng trâm bầu kể câu chuyện hiền lành rì rào muôn thuở, vòm hoa giấy khuôn mình ôm lấy những chứng nhân. Tiếp tôi là người đàn ông nhỏ thó, khắc khổ, hậu duệ đời thứ năm của cụ. Chỉ cho tôi nếp đền cũ kĩ, người đàn ông nói: “Người theo đạo của đất, đất theo đạo của trời, trời theo đạo của đạo, đạo theo con đường của chính nó”. Là cụ Giản hay hậu duệ của cụ Giản nói, tôi chẳng biết, cũng không muốn biết.

Tôi lạc sang một vùng nhớ khác. Hôm trước, nghe bác Hai hát nhạc Cao Văn Lầu, đến đoạn cao trào ông đã khóc: “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng...”.

Giờ nhìn dòng nước lênh bênh ngày gió chướng, nghe xào xạc cơn gió bay qua vòm cây bần, bóng ông trên con thuyền đánh cá vẫn chấp chới trên mặt sông. “Bác Hai”, tôi hét to. Tiếng sóng sông đã cuốn lấy tiếng tôi, những ngọn gió đã thổi bạt nó đi. Làn mưa giăng kín con thuyền, bóng ông lòe nhòe phía cây cầu rồi biến mất. “Bác đâu cần tiền. Nhưng sống ở miền này, không ra trôi sông đâu phải con người”. Tiếng nước rơi bán âm nghe như tiếng đàn cất nửa cung thanh làm bằng những thân dừa cổ thụ mà ông đã khắc tạc vào đó tình yêu thẳm sâu.

Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Đêm luống trông tin bạn/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu...”.

Lời ca cất lên, tiếng lòng ai ở lại, người nghệ sĩ nào đã thấy tình yêu chồng vợ thành tình nước non cắt chia thăm thẳm ngàn trùng. Tiếng mưa rơi làm trầm buồn cả giọt nhớ, nó kéo trĩu tiếng lòng tôi xuống, để cùng một điệu với tiếng lòng bác Hai.

 

*

* *

Chú Ba nấu cho tôi nồi canh cá chốt, bông so đũa nở. Chú bảo chua cay mặn ngọt phải hài hòa, nó như khí trời, mọi thứ phải đăng đối, cân bằng. Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái thì bát canh này cũng thế, tụ cả khí âm dương trời đất. Nhà Nguyễn cũng tài dạy con người Nam Bộ cái nết ngoan hiền ăn ở, để họ sống, lấy thiên nhiên làm bầu bạn, mọi sự minh triết cũng từ thiên nhiên mà ra.

Vừa nghe chú nói tôi vừa nhìn mảnh vườn sâu hút phía con sông. Từng hàng dừa quả xanh xếp chồng nhau lúc nhúc, thân choãi ra phía con lạch, đàn gà te te chạy giữa doi đất, con lợn tạ trong chuồng thò mõm ra ngoài kêu ộc ộc. Tôi cố nhìn thật xa, xem đâu là bến bờ của vùng đất. Có lần tôi đã ngông nghênh muốn đến tận cùng con nước. Tôi cứ men theo hàng dừa, càng đi càng mất hút, lạc vào sự thẳm sâu của bưng biền, kênh rạch, lùm cây.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Trong đầu tôi lúc ấy cũng mong bất chợt tìm được bông điên điển như Nam cần thì tốt biết mấy. Tôi sẽ không phải tả lại cho anh nghe tiếng cười lớn của bác Hai: “Tau sống ở đây gần thế kỉ, mà có thấy bông điên điển màu hồng đâu bây. Chúng bây giờ lãng mạn quá chừng”. Bác nói xong, xếp gọn những mớ bạc hà vào một bên thuyền, mớ cá chày bác để gọn vào chiếc thau, vài trái ớt hiểm để trong một chiếc túi, nắm ngò gai xanh mướt kế bên. “Bà Năm cho đó, cái bả thật kì”. Bác nói, sự mừng vui lấp ló lan trong mắt - chỉ tích tắc thôi nhưng tôi đã kịp nhìn thấy. “Ngày đó bác Hai cũng đi lính ngụy hả?”. “Ai công hầu, ai khanh tướng/ Ai trần ai, ai dễ biết ai/ Thế Chiến quốc, thế Xuân thu/ Gặp thời thế, thế thời phải thế”

 

*

* *

Ở trường, Nam đã hỏi: “Đề tài của em khi về miền đất này anh có giúp gì được không?”. Nam hỏi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ mà đủ nghe. Tôi thích anh nói tiếng Việt. Anh bảo, mẹ anh cũng thế, có lần bà còn bắt học cả tiếng Hà Nội, mà tiếng Hà Nội bản thân nó thế nào bà cũng đâu có rõ. Anh nói rồi cười như thể những yêu cầu của mẹ đều xa xôi, lạ kì quá. Bà đến với thế giới này như để đem những chuyện lạ kì hành hạ anh. Để rồi anh hành hạ em. Một bông điên điển hồng, thật phi thực tế, nhưng anh nghĩ biết đâu, người ta đã tìm ra giống mới hoặc lai tạo được thì sao. Anh vẫn hi vọng.

Chiều nay tôi gọi điện cho Nam để hỏi thăm bà. Nam bảo, bà tỉnh táo đầu óc, nhưng lưng thì đau đớn lắm. Tôi nhớ hôm người đàn bà có làn da trắng, nói giọng miền Tây ngọt ngào, đôi bàn tay thon dài nắm tay tôi nói: “Con về bển hả, mang hồn bác cùng về nghe con”. Tôi không biết chở hồn bà bằng cách nào, chỉ biết hứa sẽ làm tất cả những gì bà mong muốn, mà đâu biết, có những thứ lớn quá, như bông điên điển hồng. Để cả thím Ba còn phải bảo, chắc tau thèm muốn chết, bông điên điển vàng đã là món cực ngon, có điên điển hồng chắc đã quá. Đời tau, gì chứ, điên điển, đệ nhất các loài hoa.

Dù ai đó đã mách nước, bây trẻ mà dại khờ, mang nó sấy khô, rồi nhuộm hồng là có ngay. Nhưng tôi không muốn lừa dối. Tôi tin mình sẽ tìm thấy. Bông điên điển nhuộm hồng sẽ cứu sống được mẹ Nam ra khỏi ám ảnh quá khứ khi chứng kiến những xác Việt cộng nằm la liệt trong cuộc công đồn bất thành; bà lật từng cái xác để dòm; nhưng bà không thấy cái xác nào có chiếc mũi cao, vầng trán rộng, khuôn mặt vuông và bành ra phía dưới, đôi mắt rợp hàng mi lớn và buồn, và bông điên điển hồng trên vai...

 

*

* *

Bà Năm bên sông Mỹ Lồng vui mừng thấy tôi trở lại. “Tưởng bây đi biệt tăm rồi chớ, đã thấy được thứ bây cần chưa?”. Tôi lắc đầu thất vọng, bà bảo: “Có thứ tau muốn mà tìm cả đời cũng có thấy đâu bây”. “Má tìm gì?”. Tôi hỏi. Người con trai bà Năm đáp thay: “Má tui tìm một người Mĩ đó cô”.

Trước khi trở lại Việt Nam thực hiện đề tài, giáo sư người Mĩ đã đặt tay lên vai, nhìn vào mắt tôi như để truyền sức mạnh. “Tôi tin bạn… từng tham chiến ở đó… nên tôi rất hiểu”. Mắt bà Năm sáng lên khi nghe tôi kể câu chuyện đó. “Ông ấy có chiếc nốt ruồi ở cổ không con? Là mụn ruồi thịt to tướng”. Tôi bảo, ông ấy mặc áo kín cổ gần như quanh năm vì viêm họng mãn, nên tôi không biết. Bà thở dài, dừng tay sắp xếp lại hàng hóa trên sạp đồ để đón những người khách ít ỏi ghé bến sông này, bảo: “Về bển lần này, con nhìn xem hộ má…”.

Mưa trải dài bến sông, phía bờ bên kia những hàng dừa vẫn xanh tít tắp. Tôi không thể hình dung nổi, con sông nhỏ bé này mà ngày xưa, có khi chứa đầy xác chết, hàng năm trời không ai dám múc nước ăn. “Vào năm sáu tám, đặc biệt bảy nhăm, hai phía chết nhiều quá con ạ, xác người nổi trắng sông, mùi tử khí váng vất bay hàng chục cây số”. Chiếc cằm có vết sẹo của bà giật giật mỗi lần kể chuyện ngày xưa. Bà chỉ vào cằm mình bảo: “Là thằng trung sĩ cộng hòa bắn má”. “Vì má làm cộng sản ư?”. “Không, vì má đẹp. Nó ghẹo má không được, nó kiếm cớ gây sự rồi bắn. Thằng em má dính đạn lòi ruột, còn má bị miểng đạn văng trúng cằm, phải nằm nhà thương bốn tháng. Chính ổng đã giúp đỡ má…”.

Bà dừng lại giữa câu. “Có phải mối tình con đã hỏi má bữa trước?”. “Mối tình khỉ gì con, má đã có chồng là Việt cộng, hoạt động trực tiếp phía bờ kia, má hoạt động ngầm bên này. Nhưng chính ổng đã cứu mạng má. Ổng đưa má đi nhà thương, bảo lãnh cho má, để không đứa nào dám chọc ghẹo má nữa. Ổng bỏ tiền nuôi lũ con má”. Tiếng “ổng”, bà nói nhỏ dần nhỏ dần như ngọn gió lùa trên tán dừa, bị tản ra xa rồi mất hút.

 

*

* *

Bữa nay bác Hai mang theo con chó mực, nó vẫy đuôi ngoe ngoảy trên thuyền. “Im nào”, ông dậm giọng dọa nó. Dường như đã quá hiểu chủ, mặt nó cúp xuống, chiếc đuôi ve vẩy như tạ lỗi.

“Chiều nay bác lại sang bên kia sông chứ?”. Ông cười: “Không sang đó lấy đâu cá mà ăn con”. “Bà già luôn phần cá cho bác sao?”. “Bả ăn hương ăn hoa chớ ăn gì cá”. Ông càng cười lớn, phô hàm răng lốc nhốc không đều mà rất duyên của người già. Sống kinh qua gần thế kỉ, những buồn vui đã trải lặn sâu vào đôi mắt nhỏ lim dim, nụ cười khấp khểnh và dáng người to cao như người ngoại quốc. “Bả thương bác Hai ghê”. “Thương chớ, không thương sao sống được đến giờ”. Ông nói rồi đẩy mạnh mái chèo, nó lướt trên dòng sông lênh bênh thẳng sang phía bờ nam…

 

*

* *

Nam gọi điện cho tôi hỏi, đề tài làm đến đâu rồi. Tôi bảo vẫn đang tìm hiểu để hoàn thiện. Nam không muốn nhắc tôi về bông điên điển. Nhưng tôi biết mẹ anh thì có.

Mẹ Nam đã kể tôi nghe câu chuyện ám ảnh: Đêm đó người ấy đứng tựa người vào bờ tường, trái nổ cầm trên tay. Chồng bác lúc đó đang cúi xuống trang viết ở phòng ngoài. Bác bồng thằng Nam ở phòng trong. Nhìn qua ánh đèn, bác thấy trên vai người ấy có một bông điên điển màu hồng. Người ấy đã cầm trái nổ giơ lên. Tiếng chim vịt phía bờ sông dội đến, vài con tu hú cất lên ở rặng cà na. Chả hiểu sao bác lại cất tiếng ru, dù khi đó bác đã muốn xỉu. Có lẽ do bác sợ nếu dừng lại, mọi thứ sẽ an bài. Tiếng ru của bác bị đứt đoạn vì hơi thở hoảng loạn. Nhưng mắt bác vẫn không rời người ấy. Thằng Nam lại khóc ọ ẹ. Chồng bác vội đứng lên... Bác sợ đến đứng tim khi nhìn thấy người ấy vung tay ra sau, tư thế chuẩn bị liệng trái nổ vô nhà. Hàm bác cứng ngắc. Bác nhắm mắt chờ chết... Nhưng bác không nghe thấy tiếng nổ. Bác nghe tiếng chồng bác hôn nựng vỗ về thằng Nam. Bác vội mở mắt, nhìn qua vai ba thằng Nam, thấy người ấy vẫn đứng đó. Bác thấy rõ chiếc mũi của người ấy thẳng, vầng trán cao, cằm vuông, đôi mắt rợp mi. Và khi người ấy lặng lẽ rời đi, được một quãng xa mà bác vẫn thấy bông điên điển trên vai người ấy hồng lên...

Nam bảo, có những thứ kì lạ, ta không hiểu nổi, phải không Phương. Bao năm ở cùng ba, má chưa bao giờ mắt lấp lánh thế. Lòng người có những điều lạ kì không lí giải được. Có thể vì thế mà Nam chọn khoa tâm lí con người để học, còn tôi lại chọn bộ môn dân tộc học để đi sâu.

 

*

* *

Tôi lại tìm tới bà Năm. Bà chặt buồng dừa xiêm, hái thêm trái bưởi da xanh cùng vài quả cóc mang vô nhà làm đồ nhậu. “Hôm nay con uống cùng má nha”. Bà rót ra một chén rượu ngâm trái chùm ruột đã lên màu hồng nhạt. “Vị rượu này thơm nồng chứ không gắt, con thử đi”. Tôi không biết uống rượu nên chẳng thể phân biệt được rượu ngon hay không. Bố tôi từng bảo, con ngoan quá ra ngoài đời khó sống lắm, hư người chút sẽ dễ sống hơn. Tôi thì nghĩ, không cần phải thế. Bố bảo nếu ông không từng trải đã không đi qua được bốn tháng băng Trường Sơn, năm năm chiến đấu ở vùng đất ngập mặn, bốn lần bị thương, ba lần cả đại đội chết hết chỉ còn mình. Nhờ kĩ thuật đào hầm và ngụy trang đó con, kinh nghiệm được rút từ những trận đánh trước. Bọn lính cựu chẳng có mấy đứa chết, chỉ lính mới le te vào chiến trường là bỏ xác thôi. Tôi rùng mình khi nhớ lời bà Năm, dòng sông này năm bảy lăm, cả năm trời, dân không dám múc nước ăn.

Bà Năm nhấp li rượu, mặt chuyển từ tái sang hồng. “Ổng đã cứu sống, cưu mang má, cho nhu yếu phẩm nuôi hai đứa con, trong khi má còn chẳng biết lấy gì nuôi thân. Mà ngốc, má bảo ổng giúp em bồng bọn nhỏ, em sang bên kia sông lấy thêm chút hàng về bỏ mối. Tức là đi giao tài liệu mật đó con. Ổng đâu biết những thứ đó có thể hại cả ổng. Nhờ sự bảo lãnh đó mà má đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên, khi bạn bè má bị lộ và chết cả”. “Vậy khi nào thì ông nhà về, má?”. “Có về chi đâu con, ổng chết mất xác ở đâu đâu rồi”. Vài con kiến li ti bò trên mặt chiếu, con ruồi đậu lơ thơ bên chén rượu chùm ruột, rặng ô môi ngoài cửa sông cồn lên vài đợt gió rồi đứng im. “Ổng chết mất tiêu xác rồi con”. Bà nói lại lần nữa, khi con ruồi đang tìm mọi cách bay lên từ chiếc bẫy dính.

“Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mĩ nuôi con / Khi nào xong việc nước non/ Anh về anh có Mĩ con anh bồng. Thơ ca là thế, chứ đâu có chuyện ai lấy ai đâu con. Ổng vì nhiệm vụ về nước, má vì nhiệm vụ phải lợi dụng ổng. Người đâu mà ngốc”.

Bà cười lớn, hai mắt lấp dấp nước.

 

*

* *

Thím Ba hẹn tôi qua nấu bông so đũa, sợ qua mùa nước ương hoa sẽ khép cánh. Chú Ba đã ngồi uống một mình từ khi nào, vừa thấy tôi bước vào ngõ thì dằn mạnh chiếc li xuống bàn hỏi như đố: “Bay học dân tộc học, bay có biết, khi quân Pháp đánh vào Bến Tre, anh em nhà Phan Tôn, Phan Ngữ đã làm gì không?”. Tôi không biết nhiều về lịch sử, nhưng cũng đủ trò chuyện với ông. Khi Pháp đem quân đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, cuộc khởi nghĩa của hai anh em nhà họ Phan diễn ra được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Pháp sai Tôn Thọ Tường và tổng đốc Phương tìm cách chiêu dụ, song bất thành. Trong một trận huyết chiến ở Giồng Gạch hai anh em họ đã anh dũng hi sinh. Chú cười khà khà bảo “Thế là khá, không khác gì ông Hai đàn dừa đánh cá, tưởng chẳng biết gì mà cái chi cũng rành”.

Tôi tranh thủ hỏi chú về bà Năm bên sông.

“Là chị họ tau chứ ai. Bả và ổng yêu nhau từ thuở còn đi học. Thời thế chiến tranh, bả sang bên sông làm Việt cộng. Ổng bận mẹ già bên này đành đi lính quốc gia. Sau giải phóng, học cải tạo rồi về, bả thì công tác ở hội phụ nữ hết phường rồi tỉnh, có lấy chồng đâu, đợi ổng bao năm. Ổng vì giữ kẽ, sợ bả liên lụy nên chỉ dám nhận cá ăn, chứ đâu dám mở lời”.

 

*

* *

Nam mail cho tôi: “Mẹ anh đã đỡ hơn, bác sĩ tiên lượng, lấy lại được ít phần trăm sức khỏe so với tháng trước. Thế cũng là tín hiệu mừng”.

Ông giáo sư người Mĩ mail hỏi tôi: “Bạn đã hiểu gì hơn về dân tộc qua đề tài nghiên cứu chưa?”.

Tôi mail kể cho ông những câu chuyện đời thường về vợ chồng chú Ba, bà Năm, bác Hai... Ông reply: “Thì ở đó chứ đâu”. Tôi hình dung, nếu gặp trực tiếp ông sẽ nói câu này cùng cái nhún vai, xòe hai bàn tay ra và cười vui vẻ. Kiểu báo cáo bằng cách kể lể như một sự lấp liếm cho thói sa đà không đi vào trọng tâm công việc không ngờ lại gây được sự thích thú cho người thầy hướng dẫn. Tôi mở facebook chat với Nam, kể về việc này và gõ: “Người Mĩ thật kì lạ!”. Nam gõ lại: “Đâu chỉ người Mĩ lạ kì, mà cả Việt Nam, như mẹ anh chẳng hạn. Không hiểu sao cái vùng bé nhỏ kí ức lại lấp lánh phía bà lâu đến vậy; không phải kí ức dài dặc về người chồng sĩ quan hào hoa được học hành tử tế, có bằng kĩ sư máy móc; mà là màu hồng của bông điên điển trên vai người lính Bắc Việt”.

Thấy tôi lặn lội miết ở vùng này mà vẫn chưa tìm ra cái cần tìm, bác Hai tỏ vẻ thương: “Tau sống ở đây gần hết đời rồi, làm gì có bông điên điển nào lạ kì như thế”. Tôi đáp: “Con cũng thấy lạ kì, lạ kì như có những người chờ nhau nửa thế kỉ vẫn không chịu hẹn ước”. Bác Hai cười lớn: “Có những thứ không cần ràng buộc, lòng người có ai buộc nổi đâu mà nó bền chặt vậy”.

Người giáo sư già vẫn lắng nghe những câu chuyện trên từng trang giấy mà tôi vẫn cần mẫn gửi về cho ông. Ông mail mà như thể thốt lên: “Tốt, cứ thế, bạn sẽ hoàn thành xuất sắc đề tài!”.

Chiều nay, bác Hai lại sang bên kia bến, sau khi đã hoàn thành một cây đàn kìm có vỏ làm bằng thân dừa, mặt làm bằng gỗ thông, cất lên được đủ cung thanh và trầm, trong và đục nhất. Từ xa, bác sẽ thấy bà Năm ngồi nhìn xuống bến Mỹ Lồng, trông những giọt nắng xuyên cành sa kê nhảy nhót trên nền đất. Người đàn ông nào da trắng, cao to, trong hàng trăm người đi qua bà xuống bến trong một cuộc trở về hay ngao du sông nước sẽ dừng lại ở sạp nước của bà.

Cũng chiều nay, Nam báo, mẹ anh đã nhận được bông điên điển tôi gửi, bà cười rất tươi trước khi khép mắt. Và tôi biết, anh đã dùng công nghệ để tô hồng nó lên…

 

Trại sáng tác Bến Tre, tháng 9/2019

B.T