Thứ Sáu, 28/08/2020 19:34

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi đã may mắn được âm nhạc chọn

Với âm nhạc, nghề chọn người chứ mình không chọn được nghề. Và tôi đã may mắn đã được âm nhạc chọn.

Dù môi trường hoạt động nghệ thuật hào nhoáng nhưng Vũ Thắng Lợi luôn giữ cho mình một cuộc sống giản dị, không phô trương màu mè, anh luôn đề cao sự chân mộc của người lính. Kiên trì theo đuổi dòng nhạc cách mạng, đến nay, sau mười năm ca hát, Vũ Thắng Lợi đã có những thành công trên con đường đã lựa chọn, tên của anh luôn hiện diện trong các sự kiện âm nhạc lớn của đất nước. Từ những nỗ lực trong sự nghiệp âm nhạc, vượt qua những khó khăn thuở thiếu thời để dành mọi ưu tiên cho đam mê cháy bỏng, cuộc đời đang dần trả cho anh những thành quả ngọt ngào.

Nhân dịp Vũ Thắng Lợi ra mắt album “Khát vọng”, VNQĐ Online đã có cuộc trò chuyện với anh.

- Chào Vũ Thắng Lợi! Chúc mừng anh với album “Khát vọng” vừa ra mắt. Theo anh thế mạnh của album là gì?

+ Thế mạnh là chính những bài hát tôi đã chọn trong album, bởi vì nó đã được khẳng định, được ghi dấu, được đặt nền móng và đã được khán giả bao thế hệ yêu mến, trân trọng bởi những giá trị để lại cho thế hệ sau. Tôi nghĩ, kho tàng âm nhạc quý giá ấy được khai thác và đưa vào album đã là một thành công lớn và là thế mạnh của album rồi.

- Anh nhìn nhận thế nào về vị trí của dòng nhạc cách mạng? Nhất là khi nhu cầu nghe ngày nay nơi công chúng đã vô cùng đa dạng, phân khúc nhiều đối tượng và có vẻ khó chiều hơn xưa, bởi họ có rất nhiều thực đơn để lựa chọn?

+ Tôi nghĩ thời kì nào dòng nhạc cách mạng vấn có chỗ đứng của nó. Ở thời điểm hiện tại, khán giả có thể chọn cho mình bất cứ món gì, nhưng giống như trong một gia đình, bạn có thể yêu người này, yêu người khác hơn, nhưng với cha mẹ thì mình vẫn luôn dành cho họ những điều thiêng liêng, đẹp đẽ nhất. Trong âm nhạc cũng vậy, khán giả cho dù cuộc sống có thay đổi họ vẫn nghĩ về nguồn cội, về Tổ quốc, về đất nước. Đấy là những điều chúng ta phải trân trọng, phải biết ơn. Dòng nhạc cách mạng là dòng nhạc giữ lửa, giữ truyền thống. Tôi tin rằng nó sẽ không bao giờ mai một.

- Toàn bộ album của anh đều do nhạc sĩ Hồng Kiên phối khí, có một cơ duyên nào đằng sau đó chăng?

+ Tôi và nhạc sĩ Hồng Kiên có sự kết hợp rất hài hòa, có thể nói là có sự thấu hiểu giữa nhạc sĩ và ca sĩ. Nhạc sĩ Hồng Kiên có những bản phối làm cho tôi phải tự thay đổi trong cách hát bởi những bản phối đấy. Cách phối ấy làm làm cho tôi thấy mới mẻ hơn trong âm nhạc, đặc biệt là những bài hát cũ của dòng nhạc cách mạng này, được phối lên những bản phối rất mới, tạo cảm hứng cho chính người nghệ sĩ, mang đến làn gió mới cho người nghe, khiến họ đón nhận những bài hát cách mạng với tâm thế khác hơn. Đó là cái duyên, sự kết hợp mang đến sự lan tỏa tốt hơn tới công chúng.

- Nghe những tên album của anh, từ “Tình ca” ra mắt năm 2014 đến “Khát vọng” lần này khiến tôi liên tưởng đến thế hệ những giọng ca vàng của dòng nhạc cách mạng, những giọng ca mà tên tuổi của họ đã gắn liền với dòng nhạc này từ Kiều Hưng, Trần Hiếu, Trung Kiên, Doãn Tần, Quang Thọ... đến Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn sau này... Sự tiếp nối của anh thật đáng quý, nhưng điểm mới mà Vũ Thắng Lợi sẽ mang đến cho công chúng là gì?

+ Mỗi thời kì, mỗi giai đoạn, người nhạc sĩ, người ca sĩ sẽ làm tròn trách nhiệm với thời họ đang sống. Những bài hát cách mạng được để lại đến hôm nay là tài sản tinh thần lớn. Bản thân tôi là một chiến sĩ, một nghệ sĩ được đào tạo trong môi trường nghệ thuật Quân đội, sống và làm việc trong môi trường Quân đội mình phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy cũng như truyền lại những bài hát ấy; mình xem mình như cầu nối ở thời điểm này với thời điểm trước và duy trì, giữ lại cho những thế hệ sau. Ai cũng chạy theo cuộc sống, chạy theo thị trường, ai cũng chạy theo những dòng nhạc theo nhu cầu khán giả, chiều theo khán giả, sao mình không làm cái của mình? Mình phải hướng khán giả theo mình, mình biết trách nhiệm của mình là như thế thì mình phải duy trì, phải giữ lửa để làm sao những giá trị cốt lõi trong âm nhạc mà thế hệ cha anh đã đặt nền móng được duy trì và không bị mai một. Khi mình hát vì cái tình thì khán giả sẽ yêu quý mình thôi.

Những bài hát ca ngợi đất nước đã là lựa chọn cho hướng đi trong sự nghiệp âm nhạc của Vũ Thắng Lợi.

- Anh có cảm nhận gì về hình ảnh người lính trong ca khúc cách mạng? Điều gì đã tạo cho anh năng lượng và cảm hứng khi thể hiện những ca khúc về họ?

+ Tôi thấy rằng, những bài hát cách mạng nguồn gốc ra đời đều từ người lính, vì đất nước ta đã trải qua biết bao cuộc chinh chiến, và chính những cuộc chinh chiến ấy đã tạo cảm xúc để cho người nhạc sĩ chắp bút nên những ca khúc bất hủ. Đa phần những bài hát cách mạng đều ra đời từ trong Quân đội, đều xuất phát từ người lính. Năng lượng để tôi thể hiện những bài hát này chính là vì tôi cũng là một người lính, có sự đồng cảm, có sự sẻ chia, khiến tôi càng có lí do để hát những ca khúc ấy.

- Là một ca sĩ, cũng là một người lính, chắc hẳn anh có nhiều kỉ niệm với đối tượng khán giả là các chiến sĩ? Với dòng nhạc thính phòng anh theo đuổi và chuyên hát các ca khúc cách mạng, anh đã làm gì để giọng hát của mình gần hơn với công chúng, nhất là những người trẻ?

+ Những chuyến lưu diễn theo nhiệm vụ khiến tôi biết ơn cuộc đời người lính đã cho tôi những trải nghiệm quý, những chuyến đi nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa, nhưng chuyến đi đến nơi địa đầu Tổ quốc thực sự là chất xúc tác, cho tôi cảm hứng, sự rung động, khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống này, để từ đó khi mình hát mình có thể mường tượng ra cuộc sống, đưa những gì mình cảm nhận được vào câu hát, để gần hơn với những người lính.

Muốn bài hát đến gần công chúng trước hết mình phải hát bằng trái tim của mình, bằng cảm xúc thật của mình, đấy là những gì dung dị nhất, đời thường nhất, đấy cũng là cái khán giả cần nhất, bởi vì âm nhạc là cuộc sống, là sự hưởng thụ. Khi khán giả người ta hưởng thụ người ta sẽ hướng tới những gì gần gũi nhất, thân thương nhất, hướng đến những cái người ta nghe người ta thấy có mình ở trong đấy. Chính vì thế, khi mình hát mình phải đặt mình vào khán giả, phải biết họ cần gì. Muốn thế, người nghệ sĩ phải luôn luôn chân thành trong bài hát, chân thành trong cảm xúc, đó chính là cách tiếp cận gần nhất, nhanh nhất với công chúng.

- Vũ Thắng Lợi sinh năm 1985, tại Nghệ An.
- Tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
- Giải Nhất Liên hoan Giọng hát hay Hà Nội 2008.
- Giải Nhì Sao Mai 2011 dòng Thính phòng.
- Anh vừa tốt nghiệp cao học ngành biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Ngoài là ca sĩ thuộc biên chế Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 anh còn tham gia giảng dạy tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

- Vừa thực hiện nhiệm vụ của một ca sĩ trong Quân đội, vừa phải nỗ lực cố gắng để hòa nhịp với đời sống âm nhạc, để có chỗ đứng trong dòng nhạc mình theo đuổi, anh đã giải quyết những khó khăn trong việc dung hòa giữa những phần công việc đó thế nào?

+ Tôi luôn luôn ưu tiên nhiệm vụ, nhiệm vụ với tôi bao giờ cũng là số một, vì đó là phẩm chất cần có của người lính. Nhưng ngược lại, tôi cũng rất may mắn khi sống trong tập thể Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, các lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu cũng rất tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức để tôi được hoạt động nghề nghiệp, dung hòa giữa làm nghề và nhiệm vụ. Tôi được tạo điều kiện để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa có những sản phẩm âm nhạc tốt phục vụ công chúng, và tôi nghĩ đó cũng là tiếng nói của Quân đội. Người lính làm nghệ thuật được thỏa sức ra biển lớn phục vụ đông đảo nhân dân là một hạnh phúc không chỉ của riêng tôi, mang được tiếng hát người lính đến với nhân dân, tôi nghĩ đấy là điều tốt.

- Trong liveshow năm 2018, anh đã khóc khi nói về bố mẹ của mình. Anh có thể chia sẻ một chút về cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn từ những ngày thơ bé?

+ Tôi sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Nhưng ba tôi là người có tâm hồn nghệ sĩ, chính ông là người nuôi dưỡng niềm đam mê trong tôi, dẫn dắt tôi, để tôi theo đuổi được niềm đam mê đến hôm nay. Tôi luôn đau đáu, chính cuộc sống của mình, tuổi thơ của mình đã cho mình xúc cảm. Tôi lớn lên với những kỉ niệm đã đi vào tâm trí, những hình ảnh về gia đình, về cuộc sống luôn hiện diện trong tôi, luôn hiện về khi tôi cất cao lời hát. Trước đây có thể những khó khăn tuổi thơ là những thiệt thòi, nhưng bây giờ tôi nghĩ lại, đó là sự may mắn khi tôi có được những trải nghiệm mà chính cuộc đời tôi đã mang lại cho tôi.

- Điều gì đã dẫn anh đến với âm nhạc?

+ Đó là sự đam mê. Chỉ là đam mê thôi. Với âm nhạc, nghề chọn người chứ mình không chọn được nghề. Và tôi đã may mắn đã được âm nhạc chọn.

- Giữa Vũ Thắng Lợi thuở mới vào nghề và Vũ Thắng Lợi hôm nay là những thành công và 2 album gửi tới công chúng yêu nhạc. Anh tự nhận thấy đã có điều gì khác đi ở mình? Anh đã làm gì để giữ được cảm xúc trước mỗi bài hát mình thể hiện?

+ Với tôi, tôi thấy mình cũng không có gì khác biệt. Tôi cũng không cảm nhận mình nổi tiếng hơn, tôi cũng không bao giờ tự coi mình là người nổi tiếng, tôi chỉ thấy mình mỗi ngày một chín chắn hơn. Nhưng tôi cảm nhận thấy sự yêu quý của khán giả dành cho mình, đó là điều đáng quý nhất, là lẽ sống của người nghệ sĩ. Tôi nghĩ một cuộc sống đơn giản, không màu mè, không phô trương, cuộc sống của người lính, đã cho tôi trải nghiệm để tôi đưa vào trong mỗi bài hát của mình.

"Từ ngày bé, tôi đã thích ca hát. Đến năm học lớp 11, tôi nhất quyết xin đi làm thêm công việc bưng bê ở một quán cà phê ở quê nhà chỉ vì quán đó có dịch vụ hát cho khách nghe. Thi thoảng, tôi lại xin chủ quán được hát. Tôi không bao giờ quên quãng thời gian đầu tiên đó của mình".

- Kí ức tuổi thơ đã ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sự nghiệp âm nhạc của anh sau này thế nào?

+ Kí ức tuổi thơ là nguồn sống, cũng đem lại vốn sống trong âm nhạc của tôi.

- Thế còn âm nhạc, nó có vị trí như thế nào trong cuộc sống hiện tại của anh?

+ Tôi vẫn thường nghe nhạc vào mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà và buổi tối trước khi đi ngủ. Và sẵn sàng hát bất cứ khi nào, sẵn sàng hát bất cứ lúc nào có khán giả, trên mọi sân khấu. Đặc biệt là trước người lính.

- Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ Online!

Album "Khát vọng" của Vũ Thắng Lợi gồm 9 ca khúc: "Bài ca không quên", "Khát vọng" (Phạm Minh Tuấn); "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" (Nguyễn Văn Tý); "Một đời người một rừng cây" (Trần Long Ẩn); "Hãy yên lòng mẹ ơi" (nhạc Lư Nhất Vũ, thơ Lê Giang); "Chiếc vòng cầu hôn", "Điệp khúc tình yêu" (Trần Tiến); "Tự nguyện" (Trương Quốc Khánh); "Mùa xuân bên cửa sổ" (nhạc Xuân Hồng, thơ Song Hảo).

HOÀNH SƠN thực hiện