Thứ Năm, 13/08/2020 17:03

Cái nhìn đa chiều về logic kinh tế - chính trị và văn hóa - văn học Việt Nam thời thuộc địa

Tọa đàm Logic kinh tế và chính trị trong trường văn học Việt Nam thời thuộc địa được tiến hành như là một phần trong dự án nghiên cứu xã hội học văn học về sự hình thành và phát triển của trường văn học.

 

Sáng ngày 13/8/2020 tại Viện văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra tọa đàm Logic kinh tế và chính trị trong trường văn học Việt Nam thời thuộc địa. Đây là một cuộc tọa đàm chuyên sâu xoay quanh mối liên hệ giữa kinh tế - chính trị và văn học – văn hóa của Việt Nam thời thuộc địa, với các diễn giả đến từ Viện Văn học, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tọa đàm Logic kinh tế và chính trị trong trường văn học Việt Nam thời thuộc địa được tiến hành như là một phần trong dự án nghiên cứu xã hội học văn học về sự hình thành và phát triển của trường văn học. Những giả thuyết được các diễn giả - nhà nghiên cứu đặt ra trong quá trình xúc tiến một cái nhìn đa chiều hơn đối với thực tại văn hóa - văn học, chính trị, kinh tế Việt Nam giai đoạn này đó là: Điều gì đã thúc đẩy sự ra đời của trường văn học, chuỗi cung ứng (sản xuất) – phân phối – tiêu thụ và phản hồi trong hoạt động văn chương như là dấu hiệu của một nền “kinh tế thị trường” phải chăng đã được hình thành từ khi nhà văn “Mướn cửa hàng người, bán phương phố”? Bên cạnh đó, những giả thuyết về quá trình thiết lập trạng thái chủ động về kinh tế đến độc lập về văn học, văn hóa đã diễn ra một cách khá mạnh mẽ với hoạt động của nhóm Tự Lực văn đoàn, An Nam xuất bản cục, nhà xuất bản Đời Nay, nhóm Tân Dân, Hàn Thuyên cùng vai trò canh tân của các yếu nhân trong nhóm.

Buổi tọa đàm diễn ra sáng 13/8 tại Viện Văn học.

Tại buổi tọa đàm, trình bày về con đường đưa Tản Đà đến với nghiệp viết như là một nghề nghiệp mưu sinh, TS. Trần Hải Yến (Viện Văn học) nêu rõ: đó là một con đường gắn với yêu cầu mưu sinh, thể hiện những áp lực về kinh tế đối với người viết như Tản Đà. Vấn đề thú vị nằm ở chỗ, Tản Đà là một nhà nho cuối mùa, vốn mang trong mình những “giấc mộng” Thiên lương, Hào kiệt, xem văn chương như là một lợi khí để chuyển chở giấc mộng của kẻ sĩ mang ý chí – tinh thần “vị đời”. Tuy nhiên, vì những lí do thuộc về kinh tế, mưu sinh, Tản Đà đã buộc phải thỏa hiệp để bước xuống lòng đường, “mướn cửa hàng người, bán phường phố”. Đó là điểm khởi đầu cho quá trình hình thành trường văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX trong đó hiện diện rất rõ rệt logic kinh tế - chính trị và văn hóa – văn học.

Vấn đề ngày càng trở nên rõ rệt hơn và gây được hứng thú đối với cử tọa khi TS. Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) đặt ra vấn đề Tự Lực văn đoàn, An Nam xuất bản cục, Nhà xuất bản Đời nay, tủ sách Lá Mạ… đã được hình thành như thế nào? Câu chuyện ở đây chính là nhóm Tự Lực văn đoàn đã ứng xử như thế nào với huyền thoại “cơm áo không đùa với khách thơ”, đồng thời, từ câu chuyện đổi mới văn chương, đổi mới văn hóa để thấy được những hoài bão canh tân đất nước. Tại đó, Tự Lực văn đoàn đã cho thấy sự hiện diện rõ ràng, sắc nét và thậm chí khá nghiệt ngã (đúng tinh thần kinh tế thị trường) của kinh tế - chính trị đối với những hiện diện văn học – văn hóa. Một kinh nghiệm được nêu lên từ trường hợp của Tự Lực văn đoàn đó là sự tự chủ về kinh tế là tiền đề cho những tự chủ về văn hóa.

Tại cuộc tọa đàm, các diễn giả và cử tọa cũng bàn thêm nhiều vấn đề xoay quanh môi trường báo chí, văn học, văn hóa, chính trị Việt Nam trong giai đoạn thuộc địa. Những phân tích về trường văn học trong tầm nhìn của Pierre Bourdieu do PGS. Trần Văn Toàn (Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày, chỉ ra những liên quan thuộc về xuất phát điểm của nhà văn và tiến trình cải thiện vị thế của họ trong hệ giá trị của trường văn học (vị thế văn hóa thấp, vị thế văn hóa cao, đặc tuyển, nền và ngoại biên). Trong lập luận của mình PGS. Trần Văn Toàn một lần nữa khẳng định Tản Đà như một hình mẫu đầu tiên của quá trình biến đổi một nhà nho trở thành một nhà văn thời kinh tế thị trường. Những ước thúc về kinh tế, mưu sinh đã đặt Tản Đà vào tình thế không thể không lựa chọn con đường viết lách gắn với buôn phường, bán phố - điều mà kẻ sĩ Bắc Hà vốn trước đó không bao giờ nghĩ tới. Ở một chiều kích khác của mối quan tâm về logic kinh tế và chính trị đối với sự hình thành và phát triển của trường văn học, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch (Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội) nêu lên những tranh luận về tư tưởng của những người Marxist gắn với hoạt động của một số nhân vật thời bấy giờ như Trường Chinh, Trương Tửu, Đặng Thai Mai… Câu chuyện được trình bày xoay quanh vấn đề hình thành một trường quyền lực chi phối trật tự của diễn ngôn văn học, văn hóa, chính trị, tri thức. Rõ ràng, quan sát kĩ những hoạt động của các cá nhân, các nhóm văn học giai đoạn này, chúng ta sẽ nhận ra quá trình đi từ văn học, báo chí, tri thức đến kinh tế, chính trị, quyền lực. Đó là những biểu hiện được nhìn một cách khá cụ thể thông qua việc nắm bắt các động thái của trường văn học giai đoạn thuộc địa. Từ phân tích của Phạm Xuân Thạch, cử tọa có thể hình dung về quá trình sử dụng văn học, báo chí, xuất bản, kết hợp với các hoạt động tranh luận tư tưởng nhằm tiến tới việc định hình các trung tâm quyền lực, các thiết chế văn hóa, tư tưởng trong bối cảnh Việt Nam thời kì thuộc địa.

Tại cuộc tọa đàm, còn có nhiều ý kiến xoay quanh các nhóm phái, tổ chức văn chương, các nhân vật có liên quan đến văn học, văn hóa, chính trị giai đoạn trước 1945 ở Việt Nam.

Tọa đàm Logic kinh tế và chính trị trong trường văn học Việt Nam thời thuộc địa nằm trong chương trình nghiên cứu Xã hội học văn học do PGS.TS. Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học) chủ trì. Một phần của dự án này đã được công bố dưới dạng khảo luận Phong Hóa thời hiện đại do Nxb Hội Nhà văn và công ti Tao đàn in và phát hành tháng 8/2020.

Từ công trình này đến cuộc tọa đàm cũng như hướng nghiên cứu xã hội học văn học do nhóm chủ trương, người đọc có thể từng bước hình dung rằng, bằng cách thức, con đường nào, các sự kiện văn học đã được cấp phép, được hợp thức hóa để trở thành các sự kiện văn hóa gắn bó mật thiết với kinh tế, chính trị ở Việt Nam thời thuộc địa. Đó là hướng đi cho thấy tiềm năng của nghiên cứu xã hội học văn học trong bối cảnh liên ngành hiện nay.


LÊ PHONG