Thứ Sáu, 22/10/2021 12:08

Cảm nhận “đặc sản” Sư đoàn 5

Một trong những sáng kiến đã trở thành đặc sản, đó là thành lập đội xe ngựa để đón người thân bộ đội đi tham quan đơn vị... (PHÙNG VĂN KHAI)

. PHÙNG VĂN KHAI
 

Đã hơn chục năm tôi mới có dịp trở lại Sư đoàn 5 - Quân khu 7. Không thể ngờ được quang cảnh đơn vị lại khang trang, nền nếp và đẹp đến vậy. Đường sá phong quang, hoa tươi chim hót. Thật bất ngờ, tiếng vó ngựa lóc cóc từ xa đến đón khách. Mấy cô gái chừng như là người yêu của lính tươi tắn, thích thú ngồi trên xe mà điều khiển là một nài ngựa đeo quân hàm binh nhất. Chàng lính trẻ thành thạo biểu diễn ở những khúc quanh rất diệu thủ. Thượng tá Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn mau mắn mời cánh nhà văn thưởng thức đặc sản xe ngựa một vòng khắp đơn vị. Chao ôi! Có mấy ai ngờ đời người chiến sĩ lại phong lưu lãng mạn tới dường này. Xe ngựa tinh tươm, người đẹp xúng xính cùng lượn vòng lốc cốc, lốc cốc… Bảo rằng đời người chiến sĩ có lúc an nhàn sung sướng có lẽ chính là lúc này đây. Những cung đường thẳng thớm mở ra bát ngát càng sáng rõ hơn đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ta đã tiến những bước dài, bền vững và văn minh lắm.

Khẩu đội pháo Sư đoàn 5 diễn tập bắn đạn thật

Một trong những sáng kiến đã trở thành đặc sản, đó là thành lập đội xe ngựa để đón người thân bộ đội đi tham quan đơn vị. Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Phùng Đắc Tấn sinh năm 1990 quê ở xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, học khóa 59 trường Sĩ quan Lục quân 2, hiện đang quản lí Đại đội trinh sát 20, nơi được giao quản lí, huấn luyện, chăm sóc và hoạt động đội xe ngựa phục vụ mọi nhiệm vụ của Sư đoàn. Tấn bề ngoài rắn chắc như một thỏi thép nhưng bên trong có phần rụt rè, mềm mại, nhưng chỉ một lát sau đã rất cởi mở trước các câu hỏi của cánh nhà văn. Cuộc đời lính trinh sát vô cùng vất vả. Nhiệm vụ nhiều. Toàn là động đến tay chân. Kể ra có một ông chồng thi thoảng vẫn còn vương mùi ngựa về bên cô vợ trẻ xinh đẹp nếu không thông cảm cho nhau cũng thành vấn đề chứ chẳng chơi. Quản lí con người phải rất sâu sát thì việc kiêm nhiệm quản lí đội xe ngựa càng phải sâu sát hơn. Ngựa ăn ra sao? Ngựa ngủ ra sao? Ngựa ốm làm thế nào? Và đặc biệt là khi ngựa đẻ thì đại trưởng càng phải nắm bắt tường tận. Cũng may có thêm Chính trị viên Nguyễn Văn Chờ và Phó chính trị viên Lê Hữu Nhớ cũng đều con nhà nông khá am tường trâu, ngựa nên đại trưởng cũng đỡ. Đại đội trinh sát yêu đội ngựa của mình lắm. Đang trò chuyện, đại trưởng Tấn bảo em phải đi ngay lên gặp lãnh đạo Sư đoàn nhận nhiệm vụ, các nhà văn hãy trò chuyện với hai nài ngựa chính cống của đơn vị.

Nài ngựa Trần Tấn Tài tươi rói quân hàm binh nhất quê xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An sinh năm 2000 có cặp mắt rất sáng và vầng trán cương nghị trầm tĩnh đúng theo tính cách con nhà võ. Trần Tấn Tài làm nài ngựa đã gần hai năm, làm từ những ngày đầu nhập ngũ, được người truyền nghề là nài Ngô Quốc Khánh, một nài ngựa thuộc hàng thượng thặng của Sư đoàn. Trên thực tế, ngựa rất thích được người cưỡi lên và phi nhưng để phi được ngựa quả thực không dễ gì. Nếu không có bản lĩnh ngã ngựa là chuyện thường. Thậm chí có con rất hung dữ, chỉ những nài mà chúng thần phục mới cưỡi được. Hóa ra ngựa cũng là loài mắn đẻ và nài Trần Tấn Tài mới tuổi đôi mươi đã nhận thấy việc cận huyết khiến chúng thoái hóa và đang đề xuất cấp trên phải tìm giống nơi khác để phối. Thấy chàng trai lo lắng những chuyện kì kì, tôi càng khâm phục người chiến sĩ của ta dù đang là trai tân cũng sẵn lòng lo chuyện khó cho đơn vị. Trần Tấn Tài có người yêu tên là Thanh Thúy đang làm công nhân công ty ở Thủ Thừa và chàng nài ngựa dự kiến cuối năm ra quân sẽ xin vào công ti của người yêu để làm việc. Nhìn sâu vào mắt Tài, tôi bỗng thấy như cậu chàng đang long lanh giọt nước, mà là giọt nước buồn thương của hờn giận thì phải nên Tài chỉ nói về ngựa, ít nhắc đến chuyện riêng. Trần Tấn Tài cũng là người nhiều lần đón đỡ các cô cậu ngựa con chào đời. Đã có những đêm trắng để cứu những cú ra ngược khốn khó của mẹ con nhà ngựa. Thế đấy! Đời người chiến sĩ đã có những trải nghiệm khác biệt mà cũng rất nhân văn.

Khác với Trần Tấn Tài, nài ngựa Trần Thanh Lộc vốn là đệ tử chân truyền của Trần Tấn Tài lại rất mau miệng. Nghề nài ngựa tưởng dễ mà cũng công phu lắm. Không thần phục được chúng là dễ ăn đá hậu vỡ mặt như chơi. Ngựa cũng tính khí như người và đặc biệt rất giống tính chủ. Khi có biểu hiện bất kham, nếu đúng là chủ mà chúng thần phục, chỉ một cái lừ mắt ngựa sẽ ngoan ngay. Đó chính là đai đẳng nghề nghiệp mà sư đệ Trần Thanh Lộc học được từ sư huynh Trần Tấn Tài. Khác biệt với sư huynh, Trần Thanh Lộc mau mắn kể về người yêu cũng ở một thể loại buồn nhưng Lộc lại tỏ ra thanh thản bảo. Người yêu con tên là Ngọc Ánh đã bỏ con vì cô ấy bảo không chờ lâu được sốt ruột chia tay. Lộc còn bảo thế cũng tốt chứ con suốt ngày chăm bẵm ngựa mùi ngựa ngấm vào mà về chẳng may cô ấy tra hỏi biết trả lời ra sao? Tây Ninh thiếu gì con gái. Con quê ở thành phố Tây Ninh mai mốt ra quân đi học nghề đàng hoàng rồi biết đâu làm doanh nghiệp phát đạt khi ấy cũng sẽ tìm cách giúp lại người yêu cũ chứ trách móc thì ích gì. Ngựa tuy luôn có mồ hôi và mồ hôi ngựa ngấm vào người rất ám nhưng chiều chiều con đều tập cưỡi ngựa rất khoái, nghĩ mình chẳng khác gì vương tướng ngày xưa. Mai kia ra quân chắc là sẽ vô cùng nhớ các cô cậu ngựa. Mà bọn nó cũng quấn túm con lắm chẳng muốn rời.

Hai chàng nài ngựa trẻ một sôi nổi ồn ào một trầm tĩnh cẩn trọng cứ thế lần lượt kể hết chuyện này sang chuyện khác với cánh nhà văn quân đội. Chao ôi! Cánh lính tráng ở Sư đoàn 5, từ vị Sư trưởng trẻ trung tới Chính ủy sôi nổi đến cán bộ Trung đoàn, Đại đội, Trung đội, Tiểu đội lúc nào cũng nghiêm trang nền nếp và tươi tắn yêu đơn vị còn hơn ở nhà mình, ngay cả đối với những con ngựa sao cũng trung dũng, ân tình, ấm áp đến tận cùng như thế. Đời sống cán bộ chiến sĩ của toàn quân ta hôm nay quả đã sang trang mới, như mùa xuân ngoài kia đang nảy lộc, đâm chồi.

P.V.K