Ảnh minh họa (Theo Nhà hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San)

Báo cáo của các nhà hát cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quý I/2020, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động do các chương trình nghệ thuật đều bị hoãn, hủy. Nhiều nhà hát đã không có nguồn thu. Đơn cử như Rạp Xiếc Trung ương, nếu quý I năm 2019, doanh thu từ bán vé biểu diễn đạt trên 2,4 tỷ đồng thì trong quý I năm nay, nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ dịp Tết Canh Tý và biểu diễn tại Đồng Nai đã lỗ vài trăm triệu đồng do công vận chuyển dụng cụ biểu diễn, thuê bến bãi… Chế độ lương, thưởng cho các nghệ sĩ giảm đáng kể trong khi nhiều nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm việc như: duy trì việc chăm sóc thú, tập luyện với thú (đối với xiếc thú) và tập luyện để không bị xơ, cứng cơ thể… Hay như Nhà hát Cải lương Trung ương do phải hủy hết các hợp đồng biểu diễn mùa dịch nên Nhà hát đã mất đến 50% doanh thu của cả năm. Bình thường đời sống của các nghệ sĩ cải lương đã khó khăn giờ lại khó khăn gấp bội. Trong bối cảnh dịch như hiện nay, việc nhà hát mở cửa trở lại đón khách để tăng doanh thu là điều không thể.

Chính vì những khó khăn này, trong mùa dịch vừa qua các nghệ sĩ, diễn viên của hầu hết các nhà hát phải chấp nhận việc giảm lương như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30% lương.

Nhiều nhà hát, đặc biệt là nhà hát nghệ thuật truyền thống lo lắng, trong thời gian qua, việc giữ nghệ sĩ gắn bó với nghề đã khó khăn thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc giữ các nghệ sĩ gắn bó với nghề càng khó khăn hơn gấp bội. Vì vậy, cần phải có những giải pháp và cơ chế hỗ trợ cho các nhà hát trong thời gian tới là việc làm cấp bách.

Bàn về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà hát có phương thức hoạt động mới như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện. Theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật, Nguyễn Quang Vinh, các tác phẩm cần gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc…

Chia sẻ với những khó khăn của các nhà hát trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho rằng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm rất rõ những vấn đề mà các nhà hát và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có chủ trương hỗ trợ các nhà hát trong thời gian tới. Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống; chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao.

Thứ trưởng cũng cho rằng nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên xây dựng nhà hát sao cho hợp lý, hiệu quả là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên trước mắt, để gỡ khó cho các nhà hát trong giai đoạn hiện nay lại phụ thuộc phần lớn vào chính các nhà hát. Ngay bây giờ, các nhà hát cần chú trọng luyện tập, xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho rằng, hiện nghệ thuật biểu diễn đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là làm sao xây dựng được những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển dài hơi, đưa nghệ thuật phát triển xứng tầm, thực sự là món ăn tinh thần ý nghĩa, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội./.

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản (K.T)