Nỗ lực đổi mới để tiếp cận khán giả

Trong lễ tổng kết, Chủ tịch HĐNT Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019, PGS, TS Trần Trí Trắc nhận định: “16 vở diễn của 11 đơn vị tham gia liên hoan, dù có những thành công cao-thấp, nhiều-ít khác nhau, nhưng tất cả đều được các nghệ sĩ thể hiện nghiêm túc, chân thành, hết mình để sáng tạo được minh bạch về chủ đề, rõ ràng câu chuyện, trong sáng hình thức, đậm tính nhân văn, hữu ích cho xã hội. Đặc biệt trong liên hoan lần này có nhiều nét đổi mới cách tân và có cách tân tới mức mấp mé vào biên độ “gieo vừng ra ngô”. Những nét mới này tuy chưa hoàn thiện, nhưng HĐNT và Ban chỉ đạo vẫn tôn trọng, đề cao, khuyến khích”.

10/16 vở diễn ở liên hoan thuộc đề tài lịch sử-"mảnh đất thuận" đối với hai loại hình sân khấu này. Tuy nhiên, HĐNT nhận định, liên hoan rất ít tác phẩm có câu chuyện hay, mới mẻ, độc đáo, làm người xem sửng sốt. Ở liên hoan, giới làm nghề đã dành nhiều tình cảm cho một số vở, như: “Chói rạng sơn hà”, “Trung thần”, “Nhân huệ vương Trần Khánh Dư”, “Quan khiêng võng”, “Điều còn lại”, “Cái mẻ kho”, khi nói chuyện xưa nhưng không hề cũ, nhàm chán mà vẫn làm khán giả đương thời xúc động, sâu thẳm ngẫm nghĩ về lẽ sống cao cả. Góp phần tạo nên thành công cho các tác phẩm phải kể tới bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn. Những tên tuổi đạo diễn được ghi nhận và xướng danh tại lễ tổng kết liên hoan thực sự mang lại cho đồng nghiệp sự yêu quý, trân trọng, đó là NSND Lê Tiến Thọ, NSND Lê Hùng, NSND Hoài Huệ, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Đặng Bá Tài, NSƯT Triệu Trung Kiên, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, NSƯT La Thanh Hùng…

Điều đáng mừng nhất tại liên hoan lần này là việc xuất hiện nhiều nghệ sĩ hội tụ đầy đủ các yếu tố "thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần" đạt độ chín trong nghề, như: Lộc Huyền, Mạnh Linh, Nguyễn Thị Quyên (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Hồng Chuyên (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Hồng Trang (Đoàn Ca kịch Quảng Nam), Hoài Tâm (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định)… Họ đã thực sự thăng hoa và thể hiện hết mình trong các hình tượng nghệ thuật trên sân khấu. Nỗi lo thiếu tài năng trẻ cho sân khấu tuồng, dân ca kịch luôn hiện diện đối với các đơn vị, nhưng thật đáng mừng là đã có một lực lượng nghệ sĩ còn rất trẻ và họ diễn rất nồng nàn, nhiệt huyết.

Cần một chiến lược phát triển cho tuồng và dân ca kịch
Vở tuồng “Nhân huệ vương Trần Khánh Dư” của Nhà hát Tuồng Việt Nam đoạt Huy chương Vàng.

Còn đó nhiều nỗi lo…

Có lẽ bản thân những người làm ra tác phẩm cũng cảm nhận được phần nào cái yếu và thiếu của đơn vị mình khi đến với liên hoan lần này. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, thành viên HĐNT liên hoan nhận định: “Chất lượng của các vở diễn tham gia liên hoan cho thấy sự bùng nhùng, không rạch ròi trong tư duy dàn dựng của các đơn vị. Họ đang không phân định được giữa bản cổ và thị trường, đổi mới không ra đổi mới. Cần báo động về tư duy của tác giả, của đạo diễn vì họ đã không theo kịp được hơi thở thời đại, của cuộc sống. Đặc biệt, nhiều tác phẩm không theo kịp được nhu cầu thưởng thức của khán giả”.

Thiếu những kịch bản văn học hay để tạo sự bứt phá cho tác phẩm; xử lý của một số đạo diễn đã thể hiện sự non kém thiếu chuyên nghiệp, không bắt kịp được nhịp sống hiện đại, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại; một vài vở rơi vào “kịch nói cắm tuồng”, “kịch nói cắm dân ca”… Câu hỏi lớn đặt ra là sau 30 năm đổi mới thì sân khấu tuồng, dân ca kịch có thực sự đã đổi mới hay chưa? Vì sao mà có những vở diễn mới dàn dựng tham dự liên hoan nhưng đồng nghiệp và khán giả lại có cảm giác nó được dựng cách đây vài ba thập niên? Có lẽ bản thân những người làm ra tác phẩm ấy cũng cảm nhận được phần nào cái yếu và thiếu của đơn vị mình khi đến với liên hoan lần này. Hơn lúc nào hết, nghệ thuật truyền thống nói chung, tuồng, dân ca kịch nói riêng đang đòi hỏi gay gắt sự đổi mới và bứt phá. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay của sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng, dân ca kịch đều thấy các loại hình sân khấu này đang ở vào một giai đoạn vô cùng khó khăn. Tình trạng khán giả ngày càng thờ ơ, lãnh đạm không đến rạp xem biểu diễn dẫu là được mời xem miễn phí. Các đơn vị nghệ thuật công lập trong đó có sân khấu truyền thống ở một số địa phương đã sáp nhập với trung tâm văn hóa thành một đơn vị tổng hợp. Hệ lụy là nhiều đơn vị nghệ thuật đã không còn giữ được bản sắc nghệ thuật khi nay dựng tuồng, mai lại dựng chèo, rồi ca múa nhạc tổng hợp...

Tháo gỡ những vướng mắc đó là câu chuyện không chỉ ngày một, ngày hai. Trước mắt, đối với các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan lần này, chắc hẳn khi nhìn vào những điểm sáng, những vở diễn được HĐNT và đồng nghiệp đánh giá cao, họ sẽ tự rút ra cho mình bài học để làm sao xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật không những bảo đảm đặc trưng của loại hình nghệ thuật truyền thống, mà còn có giá trị tư tưởng cao, đáp ứng thị hiếu của công chúng hôm nay.

Nguồn: QĐND (Hiền Lương)