Thứ Năm, 15/05/2025 19:19

Cầu nối cho những trang viết sinh động về người chiến sĩ CAND

Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội đã đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc.

Chiều 15/5/2025, tại Ninh Bình đã khai mạc trại sáng tác lần thứ ba trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ V, giai đoạn 2022 – 2025. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội đã đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: PV

Đây là hoạt động do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, là hoạt động ý nghĩa, hướng tới kỉ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (2005 – 2025), đồng thời tiếp nối thành công của hai trại sáng tác trước đó được tổ chức tại Hạ Long (năm 2023) và Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2024). Nhà xuất bản Công an nhân dân được lãnh đạo Bộ Công an giao là đơn vị thường trực cuộc thi.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc trại viết. Ảnh: PV

Hành trình tâm huyết và chân thực

Cuộc thi tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một hành trình sáng tạo giàu cảm hứng từ thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

Cuộc thi được phát động lần đầu tiên vào năm 1999, đến nay đã trải qua 4 kì tổ chức với hàng trăm tác phẩm chất lượng cao, phản ánh sinh động và sâu sắc hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Cuộc thi lần thứ V, kéo dài trong 4 năm (2022 - 2025), tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới văn học nghệ thuật cả nước, với số lượng bản thảo dự thi không ngừng gia tăng qua từng năm.

Đại tá Trần Cao Kiều, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, đơn vị thường trực cuộc thi. Ảnh: PV

Với tinh thần đó, trại sáng tác tại Ninh Bình không chỉ là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của cuộc thi, mà còn là không gian kết nối giữa những người cầm bút với hiện thực sinh động của lực lượng Công an nhân dân. Đây là nơi các nhà văn, nhà báo, các cây bút trẻ được tiếp cận trực tiếp với đời sống, công việc, chiến công và cả những hi sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ công an, từ đó hun đúc cảm xúc và cảm hứng sáng tạo, góp phần nâng cao chiều sâu tư tưởng và giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm dự thi.

Quy tụ 35 nhà văn trên cả nước

Trại viết lần thứ ba quy tụ 35 nhà văn, tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Các tác giả tham gia đều đã có đề cương chi tiết hoặc bản thảo đã hoàn thiện. Điểm đặc biệt của trại viết lần này là tính chuyên nghiệp cao, với sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ Ban Tổ chức nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cây bút tập trung sáng tác.

Song song với các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, Ban Tổ chức - với sự chủ trì của Nhà xuất bản Công an nhân dân - phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Ninh Bình tổ chức các chuyến đi thực tế tại địa phương và làm việc với các phòng chức năng tại Công an tỉnh. Tại đây, các nhà văn được tiếp xúc, trò chuyện với những cá nhân điển hình - những chiến sĩ đã lập nhiều chiến công, có cuộc đời đầy trải nghiệm, góp phần làm nên bức tranh đa chiều về lực lượng Công an nhân dân trong thời bình.

Các nhà văn tham dự lễ khai mạc. Ảnh: PV

Đây chính là cơ hội quý báu để các nhà văn tiếp cận những chất liệu chân thực, sống động nhất, từ đó khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an không chỉ bằng lí tưởng và phẩm chất cách mạng, mà còn bằng tâm hồn, nghị lực và sự nhân văn - những điều khiến độc giả có thể đồng cảm và thấu hiểu hơn.

Khơi dậy nguồn mạch đề tài, mở rộng chiều sâu thời đại

Bên cạnh việc phản ánh công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng, Ban Tổ chức cũng chủ trương mở rộng biên độ đề tài, khuyến khích các tác phẩm đề cập đến những thách thức mới nổi lên trong bối cảnh hiện đại như: an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh con người, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, khủng bố quốc tế… Những đề tài này không chỉ mang tính thời sự mà còn đòi hỏi sự dấn thân, nghiên cứu nghiêm túc và góc nhìn đổi mới trong tư duy nghệ thuật.

Trại sáng tác tại Ninh Bình là minh chứng cho tinh thần cầu thị, sáng tạo không ngừng của các nhà văn Việt Nam trong việc đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Chính từ những trang viết được thai nghén trong các trại sáng tác như thế này, một dòng chảy văn học chính luận, văn học hiện thực đương đại gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và vì sự bình yên của nhân dân đã và đang hình thành, phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa bền bỉ.

Kết nối văn chương - gìn giữ giá trị xã hội

Qua ba trại sáng tác có thể thấy rõ nỗ lực của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trong việc đưa văn học đến gần hơn với cuộc sống, lan tỏa những giá trị tích cực trong nhận thức của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về vai trò và cống hiến của lực lượng Công an nhân dân.

Các đại biểu lực lượng Công an nhân dân tham quan khu trưng bày các tác phẩm viết về người chiến sĩ Công an. Ảnh: PV

Hơn cả một cuộc thi, Cuộc thi tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã trở thành một diễn đàn văn học mang đậm dấu ấn chính trị - nhân văn, là nơi hội tụ của cảm xúc chân thực, lí tưởng sống cao đẹp và khát vọng phụng sự Tổ quốc. Những trang viết ra đời từ đây không chỉ góp phần tô đậm hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân, mà còn tiếp thêm động lực tinh thần cho những người đang ngày đêm lặng thầm bảo vệ sự bình yên của đất nước.

Việc tổ chức các trại viết cùng các chuyến thâm nhập thực tế, đến với các lực lượng, các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ thực sự là những chiếc cầu nối cho những trang viết sinh động về các chiến sĩ Công an nhân dân.

PV