Thứ Hai, 17/06/2019 10:20

Cầu sông Kwai: Từ trang sách đến màn ảnh

Câu chuyện lấy bối cảnh là chuỗi sự kiện có thật xảy ra trong trại tù của phát xít Nhật trên bờ sông Kwai trong Chiến tranh thế giới thứ hai

 Buổi chiếu phim và tọa đàm về cuốn tiểu thuyết Cầu sông Kwai của nhà văn người Pháp Pierre Boulle nằm trong chương trình Từ trang sách đến màn ảnh đã diễn ra chiều ngày 16/6 tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hà Nội). Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn là diễn giả buổi tọa đàm.

Tiểu thuyết Cầu sông Kwai

Câu chuyện lịch sử có thật

Cầu sông Kwai (The Bridge on the River Kwai) được ấn hành năm 1952, cho đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết làm nên tên tuổi của tác giả người Pháp Pierre Boulle (1912-1994). Năm năm sau khi phát hành tại Pháp, cuốn tiểu thuyết được đạo diễn David Lean chuyển thể thành phim điện ảnh và trở thành bộ phim chiến tranh hay nhất mọi thời đại, nhận 7 giải thưởng Oscar năm 1958, trong đó có giải phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc, diễn viên nam chính xuất sắc (cho Alec Guinness), kịch bản chuyển thể hay nhất, và 3 giải thưởng Quả cầu vàng năm 1958.

Câu chuyện lấy bối cảnh là chuỗi sự kiện có thật xảy ra trong trại tù của phát xít Nhật trên bờ sông Kwai trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Những người lính tù binh Anh bị quân Nhật bắt giữ đã buộc phải xây một chiếc cầu bắc qua con sông Kwai, nằm trên con đường nối liền hai thành phố Bangkok (Thái Lan) và Rangoon (Myanmar) vào năm 1942 - 1943. Đây được xem là sự kiện lịch sử trong hàng ngàn câu chuyện về “Tuyến đường sắt tử thần” dài 450km.

Hình ảnh cây cầu lịch sử trong bộ phim Cầu sông Kwai

Quân Anh ở Myanmar - dưới sự chỉ huy của đại tá người Anh Nicholson đã đầu hàng quân Nhật. Lúc này, quân Nhật buộc đạo quân Anh phải xây dựng cầu Kwai, cả lính thường lẫn sĩ quan, không trừ ai cả. Nicholson dám chống lệnh quân Nhật, yêu cầu Saito, viên chỉ huy đạo quân chiến thắng, tôn trọng quy chế tù binh đã được ấn định trong Công ước Geneve, theo đó, sĩ quan được miễn. Ông được quân lính ủng hộ. Saito không thể hãm hại ông, đành “thương lượng” và giao cho đội quân của Nicholson xây dựng cây cầu Kwai. Nicholson đã huy động mọi chiến sĩ dưới quyền, kể cả người ốm đau bệnh tật dốc sức thực hiện thật tốt và đúng hạn “nhiệm vụ mới”. Nicholson đồng ý làm điều này cũng là vì danh dự quân nhân và danh dự con người và còn để chứng minh người da trắng tài giỏi hơn người da vàng. Biết tin, quân Anh vẫn đang chiến đấu chống Nhật ở Calcutta, Ấn Độ, tìm cách đưa một nhóm 4 chiến sĩ tới phá hoại cây cầu trên sông Kwai.

Pierre Boulle, tác giả cuốn tiểu thuyết đã có thời gian dài sống ở châu Á trong vai trò kỹ sự nông nghiệp và ông cũng từng là tù binh chiến tranh. Chính những trải nghiệm về vùng đất nhiệt đới châu Á đã giúp ông viết lên những trang sách vừa bi hùng vừa chân thực này.

David Lean chắp cánh cho Cầu sông Kwai

Đạo diễn người Anh David Lean đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết trở thành bộ phim điện ảnh giàu ý nghĩa thời sự bậc nhất thời đại, giúp ông trở thành nhà điện ảnh hàng đầu nhân loại.

Khi đưa lên màn ảnh, đạo diễn không miêu tả tù binh như một kẻ bại trận, kẻ thất thế, mà ngược lại, các tù binh Anh dưới bàn tay của phát xít Nhật như những người thắng thế. Họ thắng thế không phải vì dùng sức mạnh, dùng bạo lực, mà họ chiến thắng bởi những điều luật định dành cho tù binh, tính tổ chức, kỷ luật cao, đặc biệt là khát vọng tạo dựng một công trình ý nghĩa.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng có nhiều điểm được đạo diễn David Lean xử lý một cách tinh tế và khéo léo. Trong cuốn tiểu thuyết, mạch chuyện xây dựng cây cầu và nhiệm vụ phá cây cầu diễn ra song song, dường như không được tô đậm như trong phim. Trong phim, đạo diễn dành nhiều thời gian và thước quay cho hành trình của nhóm sĩ quan đi phá cây cầu. Bên cạnh đó còn có những cảnh quay hài hước và trữ tình giúp bộ phim trở nên hấp dẫn.

Diễn giả Mai Anh Tuấn chia sẻ trong buổi tọa đàm

Trong cuốn tiểu thuyết, dưới góc nhìn của Nicholson và tù binh người Anh, họ xem thường kỹ thuật xây cầu cổ xưa của người Nhật Bản. Họ cho rằng người Nhật chỉ làm những cây cầu tạm bợ, qua loa để giải quyết nhiệm vụ, bất chấp sau đó nó bị phá hủy. Nhưng trên phim, đạo diễn không đào sâu vào quá trình làm cây cầu.

Ở trường đoạn cuối cùng của cuốn tiểu thuyết không được đẩy lên gay cấn, hồi hộp như trong phim. Câu chuyện chỉ dừng lại ở những lời kể của viên đại tá còn sống về cái chết của Nicholson, nhưng đạo diễn David Lean đã xử lý kết thúc một cách quyết liệt hơn đó là làm cho cây cầu sập hoàn toàn và chuyến tàu rơi xuống sông. Nicholson là hình ảnh của người lính, là minh chứng cho những phẩm giá cao nhất về tính kỷ luật và tinh thần Anh quốc. Cái chết của ông và sự sụp đổ của cây cầu như một bi kịch của cái đẹp. Bất kỳ cái đẹp nào mất đi hay những người chết vì cái đẹp đều mang lại cho chúng ta cảm giác chua xót nhưng sẽ đẩy âm hưởng của bản anh hùng ca vang xa hơn, ghi đậm chiến tích của người anh hùng lớn. Chất bi này sẽ làm đẹp hơn giá trị của người lính Anh quốc mà đạo diễn muốn phô diễn.

Ngoài ra, bộ phim còn thành công hơn rất nhiều so với cuốn tiểu thuyết đó là phong cách làm phim sử thi của thập niên 50. Phim sử dụng nhiều đại cảnh như rừng nhiệt đới đại ngàn, thiên nhiên, động vật hoang dã, âm nhạc, cách xử lý trường đoạn rộng được David Lean tái hiện chân thực, hấp dẫn.

David Lean làm phim về chiến tranh, về sử thi nhưng không khắc họa sự ác liệt của chiến trường, của những trận đánh lớn nhưng đã tái hiện được vị thế của người tù nhân, những chiến thắng, giá trị mà họ cho là lý tưởng cao quý.

Sau hơn 60 năm, hình ảnh cây cầu gỗ bé nhỏ, điệu huýt xáo réo rắt ở đầu và cuối phim trở thành khúc nhạc quân hành, bản thiên anh hùng ca bất hủ của người lính Anh quốc và những người cầm súng chống lại cái ác.

NGUYỄN LINH