Thứ Tư, 15/09/2021 15:00

Cầu thủ bóng đá viết tiểu thuyết kể chuyện chiến thắng nghịch cảnh

Ngôi sao bóng đá Ian Wright, với sự giúp đỡ từ nhà văn Musa Okwonga, đã biến những trải nghiệm chiến thắng nghịch cảnh của mình thành một cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ngôi sao bóng đá Ian Wright, với sự giúp đỡ từ nhà văn Musa Okwonga, đã biến những trải nghiệm chiến thắng nghịch cảnh của mình thành một cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Cuốn sách về kinh nghiệm chiến thắng nghịch cảnh

Tiểu thuyết Striking Out của Ian Wright và Musa Okwonga.

Đôi khi trải nghiệm đầy khổ đau của một cá nhân có thể trở thành một bài học cho rất nhiều người có chung cảnh ngộ, hoặc những người từng phải chịu những khó khăn trong cuộc sống. Đó là trường hợp của ngôi sao bóng đá Ian Wright. Năm ngoái, tôi đã nghe cuộc phỏng vấn của Lauren Laverne với Ian Wright qua radio, khi tôi đang trong thời gian cuối để chạy nước rút cho công việc của mình. Nhưng ngay khi được nghe Wright kể về thời thơ ấu, tôi đã tử bỏ hi vọng hoàn thành những điều mình đang viết, và chú tâm cho buổi phát sóng. Tôi cũng nhắn tin cho vợ và các con tôi dành thời gian để nghe cuộc trò chuyện đó. Những câu chuyện mà Ian Wright đã dũng cảm nói ra đã tạo ra sự đồng cảm, quan tâm này là gì? Có thể nói, có ba câu chuyện chính quan trọng trong trải nghiệm của anh.

Đầu tiên là câu chuyện của anh thời thơ ấu thiếu vắng người cha, thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc và bảo bọc của người cha. Cha của Wright đã rời bỏ gia đình từ khi anh còn là một đứa trẻ và chỉ gặp anh một vài lần sau đó. Năm anh 11 tuổi, có một lần Wright đã đến tìm gặp cha để xin ông một ít tiền mua một chiếc quần tây lành lặn đi chơi biển vào ngày hôm sau. Wright nhớ lại anh đã ngồi một mình với tâm trạng lo lắng trước lối vào căn hộ ở Brockley, phía nam London, nơi anh sống, từ 9 rưỡi sáng, cái giờ mà người cha hẹn, cho đến tận 5 rưỡi chiều, khi ông cuối cùng cũng xuất hiện với vài pound để anh mua chiếc quần dài. “Tôi không thể nói tôi đã trải qua những cảm xúc gì trong thời gian đó,” Wright nói, nhưng khán giả dường như có thể nghe được hàng ngàn cảm xúc khác nhau trong giọng nói của anh.

Sau đó là hồi ức về bạo lực gia đình mà anh đã chứng kiến. Mẹ anh đã phải chịu những đòn roi dưới bàn tay của cha dượng. Việc chứng kiến điều đó, giống như một nỗi đau được khơi dậy, như những thanh âm đầu tiên trong bài hát River Deep Mountain High của Ike và Tina Turner. Wright nói: “Cha dượng của tôi là một người đàn ông to lớn, hay lớn tiếng, cờ bạc, hút thuốc, tức giận và làm tôi sợ hãi.” Anh đã chứng kiến những gì cha dượng hành hạ mẹ mình, nhưng mỗi khi ông ta hành xử như vậy, anh trai anh lại bịt tai anh lại, vì vậy anh không thể tiếp tục nghe thấy câu chuyện.

Với một đứa trẻ phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm thật sự của người cha, và chứa đựng những vết thương của một gia đình không lành lặn, may mắn thay vẫn tồn tại một hồi ức đẹp đẽ, là cánh cửa đầu tiên của sự cứu chuộc. Đó là câu chuyện về ông Pigden, giáo viên tiểu học của Wright. Wright nhớ, khi đó anh còn là một đứa trẻ nghịch ngợm, không thể ngồi yên, đang phải đấu tranh với việc viết và đọc của mình. Ông Pigden, là một giáo viên rất nghiêm khắc, từng là phi công trong chiến tranh, tình cờ gặp Wright khi anh một lần nữa bị đuổi khỏi lớp học và đứng ngoài hành lang. Ông đã nói ba từ làm thay đổi cuộc đời của cậu bé bảy tuổi Wright: “Come with me.” – Hãy đi cùng tôi. Thay vì trách phạt Wright, ông Pidgen đã nói chuyện với anh về bóng đá và giao cho anh một số trách nhiệm trong trường, ngoài ra còn trợ giúp cho việc học của anh. Wright nói, ông ấy là người đầu tiên nhìn nhận thấy một số khả năng của mình.

Sau này, anh bị mất liên lạc với người thầy năm xưa, Wright nghĩ rằng giáo viên của mình đã mất, cho đến khi cả hai hội ngộ trong một bộ phim truyền hình. Đoạn video quay cảnh hội ngộ bất ngờ đó, khi Wright đã là một cầu thủ bóng đá và chuyên gia nổi tiếng, vẫn là cậu bé 7 tuổi khi đứng trước người thầy của mình, đã nhận được hàng triệu lượt xem trên internet. Ông Pigden từng là một trong những phi công kỳ cựu được chọn cho trận đánh Anh ở Cung điện Buckingham. “Nhưng ông ấy nói,” Wright nhớ lại, qua những tiếng nức nở, “rằng ông ấy tự hào vì tôi đã chơi cho đội tuyển Anh, hơn là khi ông ấy điều khiển máy bay bay qua Cung điện Buckingham.” Anh gửi lời xin lỗi đến khán giả của chương trình Desert Island Discs vì anh không kìm được sự xúc động, nhưng MC chương trình đã trấn an anh đừng lo lắng, bởi các khán giả đều xúc động khi nghe câu chuyện của anh.

Trong số những người đã xem chương trình phát sóng ấy, có các biên tập viên tại Scholastic, ngay sau đó đã liên hệ với Wright đề nghị anh viết sách cho lứa tuổi thiếu niên, những người đang lớn lên và đối mặt với các vấn đề tương tự. Lời đề nghị ấy đã trở thành cơ duyên để Wright làm quen với nhà thơ, nhà văn Musa Okwonga, và hai người đã cùng nhau làm nên cuốn tiểu thuyết dành cho các bạn trẻ.

Tiểu thuyết ấy tên là Striking Out. Okwonga muốn câu chuyện trở nên khách quan, nên nhân vật chính là Jerome Jackson, một cầu thủ bóng đá trẻ xuất thân từ một gia đình hỗn loạn ở phía Đông London, có những nét tương đồng với Wright. Cuộc sống của anh này đã thay đổi vào một ngày thứ bảy, khi anh chơi trên sân Hackney Marshes, một người qua đường tình cờ trông thấy một bàn thắng đẳng cấp mà anh ghi được. Người khán giả qua đường đó là Ian Wright, sau này đã trở thành cố vấn của cầu thủ trẻ đó.

Wright và Okwonga đã trở thành bộ đôi phối hợp ăn ý, dù xét trên một khía cạnh nào đó, như xuất thân của họ cực kì khác nhau. Wright không được học hành chính quy, bài bản. Còn Okwonga, sinh ra ở London với cha mẹ là người Uganda và hiện đang sống ở Đức, đến Eton năm 13 tuổi theo diện học bổng và sau đó được đào tạo thành luật sư tại Đại học Oxford trước khi trở thành một nhà văn và nhà báo toàn thời gian.

Tuy những cơ hội đầu đời khác nhau, nhưng họ đã cùng chia sẻ một số trải nghiệm quan trọng, nền tảng cho cuốn sách họ viết cùng nhau. Cả hai người đàn ông đều lớn lên mà thiếu vắng hình ảnh người cha. Bởi cha của Okwonga là bác sĩ phẫu thuật quân đội, đã mất trong một cuộc nội chiến những năm 1980. Họ cũng có chung trải nghiệm về sự phân biệt chủng tộc bình thường của những con người trong xã hội nước Anh khi đó. Và một điều nữa, cả hai đều gắn bó với bóng đá theo những cách của riêng mình.

Wright yêu thích vai trò mà anh trong cách kể chuyện của Okwonga: “Điều tuyệt vời về cuốn sách,” anh nói, “đó là cách tôi nói chuyện với chính bản thân mình khi còn trẻ. Và Jerome không phải lúc nào cũng đáp lại nhân vật của tôi, bất chấp mọi giúp đỡ mà tôi cố gắng đưa ra. Tôi thích điều đó. Bởi vì một phần của việc trở thành cố vấn không phải là gây áp lực cho người khác mà là tạo cho họ một chút không gian. Đó là loại lời khuyên mà tôi muốn.”

Trong cuộc đời của mình, Wright đã có nhiều cơ hội để trở thành người cố vấn, khi anh là cha của tám đứa trẻ từ hai cuộc hôn nhân và các mối quan hệ khác. Các con lớn của anh đều trở thành những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Wright chia sẻ, bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của mình, anh đều có gắng ở đó vì những đứa trẻ - “những đứa trẻ cần hai điều: tình yêu và sự giáo dục”. “Tôi luôn cố gắng nói: đây là con đường mà cha nghĩ các con có thể đi,” anh ấy nói, “mà không nói với chúng: hãy đi theo con đường này. Tôi không muốn chúng mắc phải những sai lầm mà tôi đã mắc phải”.

Okwonga kể, khi bắt đầu cuốn sách, Wright muốn nhân vật chính nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Anh ấy muốn đan xen các yếu tố có thể hỗ trợ một đứa trẻ như Jerome: từ những người cố vấn ở nhà thờ, một người đàn ông tốt bụng ở tiệm cắt tóc, những con người thân thiện trong khu phố… Nhưng có lời bài hát của rapper Dave như thế này “Điều quan trọng không phải là những ai đã đến quanh bạn, mà quan trọng là ai đã ở lại cạnh bạn.” Do vậy, sẽ có nhiều người đến và đi trong cuộc sống của Jerome, song người ở lại là ai mới là quan trọng. Liệu cầu thủ bóng đá nổi tiếng Ian Wright, anh ấy có ở lại không?”

Tôi cũng tự hỏi liệu khi xây dựng câu chuyện này, bộ đôi tác giả có nói về sự vắng mặt của những người cha của họ không?

Wright nói: “Sự vắng mặt đó thật kì lạ. Bởi dù ông ấy không bao giờ ở bên, tôi cũng không biết về ông nhưng tôi vẫn luôn nghĩ về ông ấy. Bởi cha dượng tôi là kẻ khá bạo lực nên tôi lại càng ngẫm nghĩ nhiều hơn. Tôi không so sánh giữa hai người. Tôi chỉ tự hỏi: “Vì sao cha tôi không ở đây để bảo vệ tôi? Vì sao ông ấy không thích tôi?”.

Còn cảm giác vắng mặt người cha của Okwonga, lại được thể hiện trong tiểu thuyết tự truyện gần đây của anh It Was All About Love, kể về hành trình đầy cảm xúc của người con tìm về ngôi làng của cha mình ở Uganda. Ở đó anh đã tìm thấy những mối liên hệ sâu sắc với người đàn ông mà trước đây anh không hề biết. Một số yếu tố của cuộc tìm kiếm đó cũng được thể hiện trong câu chuyện của cầu thủ Jerome (cha của cầu thủ này cũng đã qua đời). Sách cũng tái hiện cuộc sống khó khăn của những bà mẹ khi chồng mất, khi nuôi những đứa con, khi tái hôn, người phụ nữ chịu đựng bạo hành và bước qua bạo hành…

Nếu như tại nước Anh, Ian Wright là một ngôi sao bóng đá nổi tiếng, thì cuộc đời bóng đá của Jerome lại gần với câu chuyện của những cầu thủ hiện đại hơn như Raheem Sterling, Gareth Southgate. Các tác giả khai thác các cầu thủ như Raheem, Jadon Sancho, Mason Mount… từ chính câu chuyện cuộc sống của họ. Chẳng hạn Jadon Sancho từng rời nhà để đến học tại một trường nội trú với học bổng bóng đá. Còn Raheem lại kể về những người cố vấn có ảnh hưởng đến cuộc đời mình...

Hình mẫu cầu thủ chia sẻ cởi mở về cuộc đời và thời thơ ấu khó khăn có thể kể đến Marcus Rashford. Anh ấy là cầu thủ thi đấu ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ bóng đá Manchester United và Đội tuyển bóng đá quốc gia Anh. Ở tuổi 23 cầu thủ này dám đứng ra tranh cử. Giống như Ian Wright, Jerome, Rashford đã chứng minh bản thân có thể vượt qua nghịch cảnh, vượt qua bóng đen của thời thơ ấu để đạt được những thành tựu ở tuổi trưởng thành.

Còn có một số câu chuyện sinh động về các tấm gương bóng đá khác được đề cập ở cuốn sách này. Nhưng tất cả những câu chuyện đó, đều hướng đến mục đích cuối cùng mà Wright và Okwonga mong muốn, đó là trong thời đại của mạng xã hội, họ có thể tiếp cận, giúp đỡ được nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự, nhờ những thông điệp tích cực mà cuốn sách mang lại.

Cuộc đời Ian Wright là minh chứng hùng hồn nhất của hành trình vượt trở ngại đến thành công

Sau khi giã từ sân cỏ, Ian Wright hoạt động tích cực trong lĩnh vực truyền thông liên quan đến bóng đá.

Ian Edward Wright (sinh năm 1963, tại London), là cựu cầu thủ bóng đá người Anh đã giành được nhiều thành công với các câu lạc bộ của London như Crystal Palace và Arsenal. Trong 7 năm tại Arsenal, anh đã một lần vô địch Premier League, 2 cúp FA, 1 cúp liên đoàn và một lần nâng cao danh hiệu UEFA Cup Winners' Cup. Anh đã thi đấu tổng cộng 581 trận, ghi 387 bàn thắng cho 7 câu lạc bộ ở Anh và Scotland và 33 lần khoác áo đội tuyển quốc gia Anh. Sau khi giã từ sân cỏ, anh hoạt động tích cực trong lĩnh vực truyền thông, chủ yếu trong các chương trình truyền hình và radio liên quan đến bóng đá. Con trai của anh, Bradley và con nuôi Shaun đều là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Cuộc đời Ian Wright là minh chứng hùng hồn nhất của hành trình vượt trở ngại đến thành công. Từ một đứa trẻ có tuổi thơ thiếu vắng tình cảm của người cha, sống trong một gia đình hỗn loạn phải thường xuyên chứng kiến mẹ bị bạo hành, Ian Wright đã vượt qua những khó khăn của cuộc sống khi gặp được người thầy đầu tiên trong cuộc đời, người giúp đỡ anh học tập, phát hiện những khả năng trong anh, khiến một cánh cửa mới được mở ra đối với anh, đó là con đường của bóng đá.

Tuy vậy, Ian Wright cũng phải chịu đựng vấn nạn phân biệt chủng tộc diễn ra ở nước Anh, bởi anh là người da đen, khiến anh phải chịu nhiều bất công trong việc phát triển sự nghiệp. Nhưng nhờ sự kiên trì, nỗ lực và tài năng của mình, anh đã kí hợp đồng chuyên nghiệp với Crystal Palace khi anh gần 22 tuổi. Phải 6 năm sau, anh ấy mới chính thức có được thời gian thi đấu quan trọng. Trong bóng đá, một kết thúc đảo ngược trận đấu khi thời gian chỉ còn 20 phút là không bao giờ xảy ra. Vậy mà 20 phút đó diễn ra ở cuối trận chung kết FA Cup 1990, Palace bị đánh giá thấp hơn Manchester United, Wright đã bị gãy chân hai lần trong năm trước và dường như không đủ sức khỏe để thi đấu. Vậy mà cuối cùng, anh đã vào sân như một sự thay thế ngoạn mục với 20 phút thi đấu và ghi hai bàn thắng ấn định tỉ số trận đấu.

Ba mươi năm trôi qua, chắc rằng hàng triệu người hâm mộ bóng đá trên thế giới vẫn có thể nhớ chính xác tác động phi thường của Wright đối với trận đấu đó. Cứ như thể, anh đã chờ đợi khoảnh khắc của mình quá lâu, và không thể để cơ hội phải vụt qua trước mắt. Palace thua trận đá lại, nhưng với sức mạnh của màn trình diễn không thể xóa nhòa đó, Wright, 28 tuổi, đã ghi dấu đối với khán giả yêu bóng đá thế giới.

Ở mùa giải kế tiếp, anh đã đạt được cột mốc 100 bàn thắng cho Crystal Palacevà lập cú đúp giúp Palace đánh bại Everton để giành Zenith Data Systems Cup trên sân Wembley. Wright trở nên nổi tiếng với khả năng săn bàn nổi bật của mình khi anh lập một hat-trick chỉ trong 18 phút trong vòng đấu áp chót gặp câu lạc bộ Wimbledon trên sân khách ở mùa giải 1990–91. Wright trở thành cầu thủ ghi bàn nổi bật của Palace. Năm 2005, anh được cổ động viên Crystal Palace bầu chọn vào đội hình xuất sắc nhất (Centenary XI) nhân kỉ niệm 100 năm thành lập câu lạc bộ.

Wright chuyển đến Arsenal năm 1991 với mức giá chuyển nhượng là 2,5 triệu bảng, mức chuyển nhượng kỉ lục ở thời điểm đó và tiếp tục trở thành cầu thủ ghi bàn kỉ lục cho câu lạc bộ này trong 6 mùa giải liên tiếp, đóng góp cho thành công của Arsenal giành cú đúp FA và cúp liên đoàn năm 1993. Wright còn giúp Arsenal lọt đến trận chung kết UEFA Cup Winners' Cup 1994...

Nhớ lại trận chung kết đó, với Wright dường như mới chỉ là hôm qua. “Phải mất quá nhiều thời gian để tôi có thể bắt đầu,” anh nói. "Bảy mươi phút, bảy ba phút." Khi vào sân, anh nhặt bóng gần như ngay lập tức, đặt hai hậu vệ quốc tế của United về phía sau và học từ ông Pigden từ khi anh mới là cậu bé 7 tuổi “Khi em vượt qua khung thành, Ian," ông Pigden nói, "chậm lại, chuyền bóng vào lưới, ghi những bàn thắng đẹp.” Nếu xem lại những cú ghi bàn của Wright trên YouTube, bạn có thể thấy cảm giác bình tĩnh cao độ giữa một trận đấu náo nhiệt, gay gắt điên cuồng của trận chung kết cúp quốc gia. Và trong những khoảnh khắc đó, một lần nữa, Wright bỗng thấy cả thế giới như mở ra trước khung thành Wembley, và anh sút bóng vào đó, không dừng lại và không nhìn lại.

Câu nói cuối cùng mà Wright muốn gửi gắm đó là: “Một phần của việc trở thành một người cố vấn không phải là gây áp lực cho mọi người mà là cho họ không gian. Đó là loại lời khuyên mà tôi muốn.”

BÌNH NGUYÊN dịch