Thứ Năm, 20/06/2019 09:08

Chạy trốn thanh xuân hay tìm về thanh xuân?

Chọn tựa đề Chạy trốn thanh xuân, nhưng trong bộ phim của đạo diễn Vũ Minh Trí và Nguyễn Đức Hiếu, các nhân vật chính dường như đều đang say sưa cháy hết mình cho tuổi trẻ của chính họ.

.SƠN KHÊ

Chọn tựa đề Chạy trốn thanh xuân, nhưng trong bộ phim của đạo diễn Vũ Minh Trí và Nguyễn Đức Hiếu, các nhân vật chính dường như đều đang say sưa cháy hết mình cho tuổi trẻ của chính họ. Họ khao khát yêu thương và đón nhận yêu thương ấy bằng sự đam mê của những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp. Có những cuộc trốn chạy diễn ra đằng sau đó, nhưng không chỉ của người trẻ tuổi mà của cả những người đã đi qua tuổi thanh xuân từ lâu. Họ chạy trốn sự truy đuổi, chạy trốn áp lực, chạy trốn nỗi đau, chạy trốn sự đổ vỡ và đôi khi chạy trốn cả chính mình. Nhưng rồi cuối cuộc hành trình, mỗi người đều quay trở lại bản ngã của họ, đối diện với số phận, thậm chí thách thức để vượt lên số phận, dù rằng không phải ai cũng hái được trái ngọt.
Thanh xuân, tuổi trẻ hẳn là đề tài khơi gợi nhiều hứng khởi cho đạo diễn Vũ Minh Trí. Hai bộ phim truyền hình gần nhất của anh, Chỉ có thể là yêu và Chạy trốn thanh xuân, đều nằm trong mạch đề tài này. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến ba khía cạnh của đời sống đương đại được Vũ Minh Trí và Nguyễn Đức Hiếu lựa chọn thể hiện trong bộ phim truyền hình đang được quan tâm - Chạy trốn thanh xuân.
Thứ nhất, không gian thị thành. Thành thị là bối cảnh của rất nhiều phim điện ảnh và truyền hình đương đại Việt Nam. Đây không đơn thuần là một kiểu không gian sinh tồn, mà là bối cảnh cho các câu chuyện, và cũng là nơi khởi nguồn, diễn biến các cuộc va chạm, xung đột văn hóa, âm thầm có, dữ dội có.
Các bối cảnh hẹp của Chạy trốn thanh xuân chủ yếu gồm: xóm trọ của An và căn nhà của gia đình Nam được xây dựng từ quan điểm đối lập. Đó không chỉ là sự khác biệt về không gian sống mà chính là sự khác biệt về lối sống, suy nghĩ, ứng xử. Trong ngôi nhà bề thế, sang trọng, được bày biện tỉ mỉ, gia đình nhỏ ba người của Nam là ba thế giới mà mỗi người dường như chỉ hé lộ một phần con người thật của mình cho những người xung quanh. Họ gắn kết với nhau bởi sợi dây huyết thống và cái gọi là ân nghĩa vợ chồng, nhưng họ lại cách xa nhau bởi sự ích kỉ và tham vọng trong mỗi người. Bố Nam cơ mưu, thủ đoạn, đạo đức giả. Mẹ Nam khắc kỉ, khó đoán. Họ sống cuộc sống hôn nhân nhạt nhẽo nhưng được che đậy bằng những biểu cảm đẹp đẽ đầy tình nghĩa. Khi tấm mặt nạ của bố và mẹ Nam lần lượt rơi xuống, Nam chua xót nhận ra mình vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của cuộc sống đó. Bị kẹt giữa hai người lớn, Nam phải rất khó khăn để tìm ra lối thoát cho mình.
Ngược lại, ở xóm trọ nghèo của An, nơi có bảy con người trẻ tuổi cùng chung sống lại vô cùng sinh động bởi những cung bậc đa dạng của cuộc đời sinh viên. Họ từ chỗ hoài nghi nhau đã trở thành gần gũi thân thiết và thậm chí là một phần của nhau, một phần của kí ức thanh xuân không thể nào phai nhạt.
Thành thị trong phim Chạy trốn thanh xuân có những mảng màu tươi sáng, phản ánh sự phát triển của thời đại; có những mảng hào nhoáng, nơi dễ khiến người ta sa vào cạm bẫy (như quán rượu mà Châu hay lui tới); có những mảng màu tối, chật hẹp: nơi cư trú của những người nghèo (xóm trọ); có những khoảng không gian thanh bình để nhân vật được suy tư, được sống chậm (quán cà phê, quán trà, thư viện, góc vườn, gác thượng phòng trọ); và nhà làm phim cũng không quên xếp đặt vào tác phẩm của mình những không gian tự nhiên ở chốn ngoại thành (bãi ven sông) hoặc vượt ra giới hạn thị thành (vùng biển, Tràng An)... Nếu để ý có thể nhận thấy dường như nhà làm phim có dụng ý đặc biệt khi chọn những không gian tự nhiên luôn gắn với nước (sông, biển). Từ xa xưa, trong nền văn minh nhân loại, ý nghĩa tượng trưng của nước gắn với: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Gần hơn nữa, trong quan niệm truyền thống của người Á Đông, nước được coi là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính thanh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. Sau những cuộc trốn chạy mệt mỏi, các nhân vật của Chạy trốn thanh xuân (An, Phi) thường tìm về thiên nhiên - như một thói quen, như một nhu cầu tâm lí. Những làn nước hồ, sông, biển lúc này mang lại cảm giác thanh bình, yên ả, giúp gột rửa những căng thẳng, mệt nhọc của thực tại. Rõ ràng, vai trò thanh lọc, giải tỏa của nước ở đây được đặc biệt nhấn mạnh.
Thứ hai, những nhân vật thanh xuân. Một trong những điểm hấp dẫn nhất của phim Chạy trốn thanh xuân là sự xuất hiện của một thế hệ những người trẻ tuổi. Họ mang lại những sắc màu rực rỡ, thú vị và một bầu không khí cởi mở, tươi mới.
An - cô đơn nhưng cá tính mạnh mẽ, độc lập. Phi - phóng khoáng, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm. Nam - vừa dịu dàng vừa nam tính. Thùy - trong trẻo, thánh thiện. Duy - khéo léo, cầu thị. Vy - chua ngoa nhưng tốt bụng... Mỗi người một tính cách, đại diện cho những khía cạnh đa dạng muôn màu của cuộc sống, là sự bù đắp cho những thiếu hụt của nhau để cùng làm đầy đặn bức tranh tuổi thanh xuân nơi xóm trọ bình dân.
Bên cạnh những khoảnh khắc hồn nhiên, tươi đẹp của nhóm bạn sinh viên, các nhà làm phim cũng khai thác cả những góc khuất của cuộc sống người trẻ nơi thành thị. Họ có những giây phút yếu lòng để rồi rơi vào cảnh huống khó xử (Duy), thậm chí tự đẩy mình vào chỗ lầm lạc, đánh mất chính mình (Châu). Đó cũng là điều dễ lí giải, bởi bản chất của đời sống vốn dĩ không phải một màu, nó chứa đựng nhiều cạm bẫy mà những người trẻ, vì chưa đủ bản lĩnh và trải nghiệm, thường dễ vấp ngã. Bộ phim thông qua đó, hẳn cũng muốn gửi gắm thông điệp: giới trẻ luôn phải trang bị cho mình những kĩ năng sống cần thiết để bước vào đời. Đôi khi, sai lầm giúp họ lớn lên.
Các nhân vật trẻ tuổi của Chạy trốn thanh xuân thuyết phục người xem không chỉ ở ngoại hình, tính cách, mà quan trọng, ở cách họ ứng xử với thế giới quanh họ. An lớn lên trong hoàn cảnh bi đát: không biết mặt bố; mẹ đề đóm cờ bạc, tù tội, luôn tìm cách khủng bố cô về mặt vật chất lẫn tinh thần. Lẽ ra An sẽ có một lối sống tương ứng với hoàn cảnh đó. Nhưng điều đáng nói, cô gái ấy đã vượt lên chính mình, lựa chọn một thái độ sống tích cực. Ấn tượng ban đầu về An là một kẻ lạnh lùng, lập dị, thường “xù lông” để tự bảo vệ mình. Nhưng những diễn biến truyện phim đã thể hiện một nhân vật An vô cùng sâu sắc, hiểu chuyện, luôn lặng lẽ che chở cho những người khác. An cũng dám hi sinh cả tự do để đổi lấy sự bình yên cho người mình yêu. Sự xuất hiện của An nơi xóm trọ sinh viên kéo theo nhiều rắc rối, nhưng cũng qua đó, bảy nhân vật xích lại gần nhau, chia sẻ với nhau những nụ cười và giọt nước mắt. Bên cạnh An, Phi xuất hiện như một chiếc bùa hộ mệnh. Vẻ ngoài tưng tửng, phóng khoáng, đậm chất “soái ca” của Phi khiến người xem thích thú. Phi sở hữu một tính cách ga lăng, có chiều sâu. Phi theo đuổi tình yêu đến cùng, song lại đủ tự trọng để nhường lối cho người mình yêu đến với hạnh phúc mà cô chọn lựa. Nam dù bị giằng co giữa các mối quan hệ với cha mẹ, với Châu, với An, vẫn luôn tìm cách để xoa dịu nỗi đau của những người mà anh yêu thương. Thùy, một cô gái mong manh, yếu đuối, mau nước mắt, đã tự thay đổi mình để trở nên mạnh mẽ, độc lập. Tất cả họ đều đang sống đúng lứa tuổi, sống hết mình cho tuổi trẻ. Họ cho đi tình yêu mà không hối hận, cũng như dám nhận về mình nỗi đau để bước tiếp mà không oán trách. Những câu chuyện tình yêu, tình bạn của họ, dù có thể không có được cái kết như kì vọng, vẫn đem lại cho khán giả cảm giác lành mạnh và tươi tắn.

Bộ phim Chạy trốn thanh xuân được VTV giới thiệu - Ảnh: TL

Thứ ba, cuộc sống gia đình thời hiện đại. Cũng như câu chuyện về những người trẻ tuổi, đề tài cuộc sống gia đình hiện đại vốn không mới, nếu không nói là đã được cày xới khá kĩ lưỡng. Sự trở lại của hai đề tài quen thuộc này trong bộ phim Chạy trốn thanh xuân cho thấy đó là những vấn đề quan trọng của xã hội đương đại, đồng thời cũng thể hiện được quan điểm, cách nhìn của các nhà làm phim đối với xã hội mà họ đang là một phần trong đó.
Gia đình ông Hoài bà Phương bề ngoài là một gia đình hoàn hảo: giàu có, yên ấm. Họ luôn cố gắng tỏ ra hạnh phúc và duy trì cái hạnh phúc hư ảo đó. Mỗi lần trở về nhà, ông Hoài ra sức bù đắp và lấy lại cảm tình từ vợ bằng những đóa hoa và cử chỉ ân cần, âu yếm; đáp lại bà Phương càng thêm cần mẫn chăm chút cho từng không gian sinh hoạt, từng bữa cơm gia đình. Chỉ khi việc ông Hoài ngoại tình bị vỡ lở, cả ông và bà Phương đều phải cùng nhau hạ màn, trả lại vai diễn để trở về con người thật của mình. Ông Hoài lộ rõ là kẻ tráo trở, nhẫn tâm và đầy toan tính. Bà Phương đằng sau vẻ điềm đạm và nhẫn nhịn đến đáng thương là lối sống khắt khe, ích kỉ... Họ từ bỏ sĩ diện để quay ra chì chiết nhau, luận tội nhau, vạch trần mọi thói hư tật xấu của nhau. Người con trai duy nhất, Nam, được bố mẹ che chở từ bé, lớn lên an phận với sự sắp đặt âm thầm của bố mẹ, vì lẽ đó, luôn bị chênh vênh trong các tình huống lựa chọn. Sự nổi loạn bất ngờ của Nam trong tình yêu với An có lẽ một phần được bắt nguồn từ nỗi ám ảnh và thất vọng về những ứng xử tàn nhẫn của bố mẹ anh trong quá khứ với An.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, sự xuất hiện của nhân vật bà Mỹ – mẹ An có thể coi là một kiểu nhân vật khắc tinh của vợ chồng ông Hoài. Bố Nam cơ mưu, đê tiện bao nhiêu thì mẹ An trơ trẽn, côn đồ bấy nhiêu. Việc xây dựng cặp nhân vật “oan gia ngõ hẹp” này hẳn có dụng ý nhất định. Một mặt những cuộc “đối đầu” giữa ông Hoài - bà Mỹ luôn tạo kịch tính cho phim, mặt khác, đây là hai nhân vật phù hợp nhất được lựa chọn để loại trừ nhau.
Bộ phim của đạo diễn Vũ Minh Trí và Nguyễn Đức Hiếu dường như được triển khai theo mạch ngầm nhân quả khi lối sống và hành vi ứng xử trong quá khứ của người lớn để lại hậu quả nơi thế hệ con cái. An không có cuộc sống bình thường khi luôn phải trốn chạy người mẹ bất hảo. Nam chật vật với những quyết định của mình khi luôn bị ràng buộc bởi quá khứ, tình thương, nghĩa vụ. Tương tự, Thùy phải đứng ra nhận trách nhiệm về việc làm sai trái vì dại dột của mẹ mình (trộm tiền của chủ nhà khi đi làm giúp việc).
Kiểu gia đình như gia đình Nam chưa thể coi là bi kịch điển hình của xã hội hiện đại, nhưng là bi kịch đáng báo động, nó cũng là một phần của bức tranh thành thị đương đại. Sẽ có người băn khoăn, liệu rằng việc xây dựng những nhân vật tiền bối “có vấn đề” như vậy có gây ấn tượng tiêu cực? Về điểm này, chúng tôi cho rằng, ẩn ý giáo dục được gửi gắm khá rõ nét qua những nhân vật người lớn này. Bộ phim với cái nhìn nghiêm khắc, đã nhắc nhở người lớn sống và hành xử đúng đắn.
Chạy trốn thanh xuân, ban đầu thu hút người xem ở tựa đề đầy tính đối nghịch, bởi lẽ thường, thanh xuân là những tháng năm đẹp nhất, rực rỡ nhất mà mỗi người đều muốn lưu giữ. Nhưng càng về sau, vượt qua sự tò mò về cách đặt vấn đề của các nhà làm phim, sức hấp dẫn của bộ phim lại đến từ câu chuyện của những người trẻ tuổi. Thanh xuân của họ, cũng có thể là một phần thanh xuân của ai đó trong chúng ta, với những hồn nhiên, tươi vui, đam mê nhưng cũng không thiếu những dại dột, lầm lỡ, để lại nhiều tiếc nuối. Khoan hãy bàn đến những khen chê, trên thực tế, Chạy trốn thanh xuân có thể xem là một nỗ lực của Vũ Minh Trí và Nguyễn Đức Hiếu trong việc thể hiện các vấn đề căn cốt của đời sống đương đại một cách mới mẻ, thuyết phục.
Sự phát triển của dòng phim thanh xuân ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy bước chuyển dịch tích cực trong tầm đón đợi và tư duy thẩm mĩ của khán giả trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi. Chạy trốn thanh xuân một lần nữa cho khán giả được sống trong không khí thanh xuân của chính người Việt trong không gian Việt. Vì lẽ đó, trái với tựa đề Chạy trốn thanh xuân, bộ phim của Vũ Minh Trí và Nguyễn Đức Hiếu lại khơi gợi khao khát được tìm về tuổi thanh xuân trong mỗi con người, bởi thanh xuân ở đây không chỉ là thời gian, thanh xuân còn là cảm xúc!
Hà Nội, tháng 3/2019
S.K