Thứ Hai, 12/09/2022 10:01

Chỉ có một nhà văn Anh lọt vào chung khảo Booker 2022

Giám khảo "hoàn toàn tự do đưa ra tiêu chí của mình" nhưng họ đang tìm kiếm những tác giả "tạo ra một thế giới tưởng tượng mà chúng ta có thể cảm nhận được". 

Alan Garner mới đây đã trở thành tác giả lớn tuổi nhất lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker. Theo đó ông cũng là nhà văn Anh duy nhất góp mặt trong danh sách năm nay. Chủ tịch ban giám khảo Neil MacGregor cho rằng 6 cuốn sách đều “nói về những khía cạnh mạnh mẽ quan trọng”.

Danh sách bao gồm một nhà văn Ireland, hai nhà văn Mĩ, một nhà văn Zimbabwe và một nhà văn Sri Lanka. Nhà sử học MacGregor cho biết ban giám khảo năm nay tìm kiếm cuốn sách kể lại những câu chuyện quan trọng”, cũng như những cuốn tiểu thuyết “chứng minh cách viết tuyệt vời có thể mô tả tình trạng khó khăn của con người hiện nay”.

Ông cũng cho biết các giám khảo "hoàn toàn tự do đưa ra tiêu chí của mình" nhưng họ đang tìm kiếm những tác giả "tạo ra một thế giới tưởng tượng mà chúng ta có thể cảm nhận được".

Hãy cùng VNQĐ điểm qua những tác phẩm lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker năm nay:

Treacle Walker của Alan Garner

Tác phẩm kể về Joe Coppock - một thanh niên nhìn ngắm thế giới bằng con mắt lười biếng của mình. Một ngày nọ, khi Treacle Walker - một kẻ lang thang, một người chữa bệnh xuất hiện ngoài đồng hoang, thì một tình bạn đã được hun đúc. Joe đã được Walker giới thiệu đến một thế giới mà cậu không bao giờ có thể tưởng tượng được ra.

Treacle Walker của Alan Garner.

Trong câu chuyện ngụ ngôn vui tươi, cảm động và giàu sức gợi này, một lần nữa với bối cảnh vùng Cheshire thân yêu, Alan Garner bằng kĩ năng bậc thầy đã mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa thần thoại và văn hóa dân gian, cùng với đó là sự khám phá sâu sắc về “dòng chảy” thời gian.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Alan Garner đã tiết lộ ý tưởng của cuốn sách này bắt nguồn từ cuộc đi dạo qua Castle Hill, một pháo đài thời đồ sắt ở Huddersfield. Ở đó, một người bạn và cũng là nhà vật lí về hạt đã kể cho ông nghe về một nhân vật lịch sử, một kẻ lang thang ở địa phương tên là Walter Helliwell, và được biết đến nhiều hơn với cái tên Treacle Walker. Ông ta là một thầy lang, tự nhận mình có thể chữa khỏi mọi thứ trừ bệnh ghen tuông.

Các giám khảo gọi Garner là một “tài năng xuất chúng đã bền bỉ chiếu sáng tâm hồn trẻ thơ đầy nội tâm đang cố gắng hiểu thế giới xung quanh một cách xuất sắc”.

Glory của NoViolet Bulawayo

Nhà văn người Zimbabwe, Bulawayo, trước đó cũng từng lọt vào danh sách rút gọn với cuốn tiểu thuyết đầu tay We Need New Names vào năm 2013. Lấy cảm hứng từ Trại súc vật của George Orwell và dựa trên các yếu tố của những câu chuyện dân gian, tác phẩm này châm biếm mạnh mẽ tình trạng hỗn loạn chính trị ở Zimbabwe khi được “soi tỏ” qua lăng kính động vật.

Glory của NoViolet Bulawayo

Lấy bối cảnh cách đây rất lâu ở một vùng đất châu Phi hư cấu và trù phú Jidada, nơi các loài động vật sống khá hạnh phúc. Sau đó, những người khai hoang thuộc địa đến đây. Sau 100 năm, cuộc Chiến tranh Giải phóng đẫm máu đã mang lại hi vọng mới cho các loài động vật - cùng với một thủ lĩnh mới: một con ngựa già lôi cuốn - một người chỉ huy và cai trị độc tài…

Glory tiết lộ vô số thủ thuật cần thiết để duy trì ảo tưởng về quyền lực tuyệt đối và nhắc nhở chúng ta rằng vinh quang của chế độ chuyên chế chỉ tồn tại khi nào nạn nhân của nó vẫn sẵn sàng phục tùng. Ban giám khảo gọi đây là “một cuộc vượt biển qua lục địa châu Phi kì diệu, trong sự thái quá về chính trị và những nhân vật lập dị”.

Oh William! của Elizabeth Strout

Giống với Bulawayo, nữ tác gia người Mĩ Elizabeth Strout cũng từng lọt vào danh sách rút gọn vào năm 2016 với cuốn My name is Lucy Barton. Oh William! là phần tiếp theo của chuỗi tiểu thuyết nói về Lucy Barton, khi cô kết nối lại với người chồng đầu tiên của mình.

Oh William! của Elizabeth Strout.

Khác với các tiểu thuyết trước như Olive Kitteridge đoạt giải Pulitzer năm 2008 hay Olive, Again; chuỗi tiểu thuyết về Lucy Barton được viết theo một phong cách văn học bình thường hơn, đôi khi là không chứa đựng bất cứ dụng ý nghệ thuật rõ ràng nào. Nó chứa đầy các cuộc trò chuyện cũng như các mục nhật kí. Lucy lan man từ chủ đề này sang chủ đề khác; với các mô tả đơn giản, được giữ ở mức tối thiểu khiến cho người đọc cảm thấy mọi thứ vô cùng tự nhiên.

Các giám khảo mô tả đây là “một trong những cuốn sách lặng lẽ tỏa sáng, để tìm ra những bí ẩn sâu xa nhất trong những điều đơn giản nhất”.

The Seven Moons of Maali Almeida của Shehan Karunatilaka

Tác phẩm của nhà văn người Sri Lanka kể về một nhiếp ảnh gia bị cuốn vào nỗi kinh hoàng của cuộc nội chiến nơi đất nước này, và là cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông được xuất bản 10 năm sau cuốn đầu tiên. Ông là tác giả Sri Lanka thứ hai trong hai năm lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker, và được đánh giá có cách viết “đầy ma mị, hóm hỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc”.

The Seven Moons of Maali Almeida của Shehan Karunatilaka.

Tác phẩm của Shehan được nhiều nhà phê bình xếp vào chủ nghĩa hiện thực cùng với những bậc thầy khác như Gabriel García Márquez và Salman Rushdie. Thế nhưng cuốn tiểu thuyết này cũng gợi lại sự dí dỏm và chủ nghĩa siêu thực mang nhiều dáng dấp của Những linh hồn chết từ Nikolai Gogol hay Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov.

The Trees của Percival Everett

Tiểu thuyết của nhà văn Mĩ Percival Everett kể về một thám tử điều tra hàng loạt vụ giết người ghê rợn ở một thị trấn nhỏ có tên Money, Mississippi. Ban giám khảo nói rằng đây là cuốn sách "kinh hoàng và cũng nực cười dữ dội" và rằng nó đã "đặt ra câu hỏi về lịch sử và công lí. Nó không cho phép chúng ta có một câu trả lời dễ dàng nào".

The Trees của Percival Everett.

Điểm đặc sắc của cuốn sách này là tuy được viết trong thời đại của chủ nghĩa dân túy, thế nhưng nó vẫn cho thấy những cuộc tấn công dữ dội bằng cách sử dụng các hình thức phổ biến để giải quyết một vấn đề chính trị sâu sắc như khai thác thể loại kinh dị. Đó là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, cũng như hành động khôi phục vai trò của văn học. Điều thực sự đáng lo ngại là trong rất nhiều năm qua dường như chúng ta đi ngược lại về mặt ý thức, và cuốn sách này cho thấy điều đó.

Small Things Like These của Claire Keegan

Lấy bối cảnh những ngày nghỉ lễ Giáng sinh ở một thị trấn nhỏ của Ireland, Bill Furlong, một thương gia buôn bán gỗ và than, đang phải đối mặt với mùa bận rộn nhất trong năm của mình. Khi thực hiện các công việc thường ngày, bỗng nhiên định mệnh ùa đến và anh cảm thấy quá khứ như đang trỗi dậy để gặp lại mình, cùng đó là sự im lặng đồng lõa của một cộng đồng nhỏ do Giáo hội kiểm soát.

Small Things Like These của Claire Keegan.

Ban giám khảo cho rằng Keegan đã không khuất phục mà rất “nhẫn tâm khi mổ xẻ những sự xuống cấp thầm lặng của một thị trấn Ireland những năm 1980 cùng với sự đối xử tàn nhẫn của Giáo hội đối với những bà mẹ chưa kết hôn”. Họ cũng nói thêm, câu chuyện dịu dàng về hi vọng và chủ nghĩa anh hùng thầm lặng của Claire Keegan vừa là sự tôn vinh lòng trắc ẩn, và cũng vừa là lời quở trách nghiêm khắc đối với những tội lỗi nhân danh tôn giáo.

Người chiến thắng năm 2022 sẽ được công bố vào thứ Hai ngày 17 tháng 10 trong một lễ trao giải được tổ chức tại Roundhouse ở London. Sáu tác giả trong danh sách rút gọn mỗi người nhận được 2.500 bảng Anh và một ấn bản đặc biệt của cuốn sách của họ; người chiến thắng sẽ nhận được 50.000 bảng Anh.

Bea Carvalho, trưởng bộ phận tiểu thuyết tại Waterstones cho biết danh sách rút gọn cho thấy “các giám khảo năm nay đã có những lựa chọn mạnh mẽ về mặt văn chương và cân bằng về mặt mặt thương mại để các tác phẩm có khả năng tiếp cận rộng rãi với độc giả”.

THUẬN NGÔ