Thứ Sáu, 31/08/2018 00:15

Chị Hân

Tôi đi tìm chị trong cơn gió u buồn. Thỉnh thoảng thành phố rung lên như động đất khi có một đoàn tăng M-48 Patton chạy ngang qua con đường lá me xanh. (Truyện ngắn dự thi của LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG)
pham ha hai 898 2

Truyện ngắn dự thi. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
 
Tôi đi tìm chị trong cơn gió u buồn. Thỉnh thoảng thành phố rung lên như động đất khi có một đoàn tăng M-48 Patton chạy ngang qua con đường lá me xanh. Những gã tóc vàng ngồi trên nắp xe hành quân ra chi viện cho tuyến lửa Quảng Trị giơ tay chào. Thời điểm ấy, tôi đương mê diễn xuất Marilyn Monroe, mê giọng ca Evis Presley và ghét cay đắng những lính tráng được cho là có nhiệm vụ bảo vệ thành Huế, giữ gìn nền hòa bình mong manh của Nam phần đất nước này. Cuộc đụng độ đẫm máu với lính sư đoàn dù 101 của họ trong mùa xuân thoát li thành phố đã mở cho tôi một cách nhìn không giống phim Hollywood chiếu trong rạp Lửa Hồng.

Đến bến sông, trời đổ chạng vạng, tôi nhờ người nhắn chị rồi đứng đợi. Những ngọn cỏ xát vào bắp chân tôi ngứa xót, những con muỗi vo ve tìm chỗ đáp không làm tôi chùn cái ý nghĩ gặp chị dù đợi bao lâu đi nữa. Mới đó, một năm trôi qua đầy nước mắt. Giờ tôi không còn khóc được. Nhớ mùa thu năm ngoái trời hanh nhẹ, người muốn trôi đi trong dòng sông ấm nắng. Bầu trời suốt ngày chở đầy những đám mây lớn, nặng trịch nhưng chẳng chịu nhỏ hạt mưa nào xuống đất khô. Tôi và Dúy hẹn nhau ra bờ sông uống rượu làng Chuồn, nghe tiếng đàn cậu chàng đệm khúc “Biệt li” của Dzoãn Mẫn đưa buồn thấm vào hơi thở. Tôi chỉ biết mỗi một Dúy mê triết, mê văn chương và đặc biệt thuộc làu Tân nhạc xếp ngoại hạng trường Quốc học. Biệt li, tôi nhớ tiếng còi tàu xa vắng trên ga Huế, mỗi năm đợi mạ đi Nam buôn hàng ra. Tôi đã thi xong tú tài bán phần, điểm vừa đủ, chị Hân vui. Qua tết này, tôi học xong chương trình lớp đệ nhất, sẽ thi tú tài toàn phần, đời thằng mạt như tôi sẽ đổi khác, gia đình tôi sẽ đổi khác, chị Hân cũng sẽ đổi khác.

Tôi bắt đầu biết châm thuốc khi phải suy nghĩ nhiều, mỗi lần rít, tương lai xanh thắm với mái trường Luật khoa hiện lên trong đầu, xô lệch hiện tại cay đắng xứ sở gắng sống này. Tôi gắng sống, gượng sống để ba vui. Mạ đã chết trong chuyến tàu bị gài mìn trật đường ray trong Núi Thành. Cha đau khổ dặt dẹo. Những đêm cha ho chừng nổ phổi, không át đi tiếng đại bác dội trong đêm, tan tác từng con chữ tôi cố nhét vào đầu. Chị một mình chạy đôn chạy đáo ngoài chợ với gánh chè đậu xanh đậu đỏ. Mỗi tối khuya chị về thấy tôi vào bàn chong đèn là chị cười ấm áp. Hồi đó, tôi không mấy để ý đến làn phấn nụ mỗi lúc mỗi dày trên mặt chị. Tôi chỉ biết gắng học, học để đổi đời. Tiếng đại bác mỗi đêm khuya vắng hỏi lại tôi, đổi đời gì, tôi không rõ.

Chị Hân vừa về tới nhà, thấy tôi đứng trong bóng tối, lưng dựa vào cây khế, nhìn mưa phùn lất phất, rít thuốc ưu tư. Chị không kịp cởi áo mưa, bỏ quang gánh xuống, chạy tới giựt điếu thuốc cháy dở: “Mi bỏ tật xấu nghe chưa. Đừng có mà làm tàng. Học không lo học cứ làm chi chi”. Tôi chết dí. Chị gườm tôi một phát, định mách cha cho ra nhẽ nhưng cha đã ngủ từ hồi nào rồi. Lúc chị đi qua bóng đèn, vô tình tôi thấy một vết đỏ to bằng bàn tay trên má chị. “Ai, ai tát chị vậy? Nói để em xử cho?”, tôi nói vừa để xoa dịu chị vừa bày tỏ sự tức giận của mình. Chị Hân chững lại, nét mặt thoáng buồn. “Không phải đâu em. Chị bị ngã. Đi học bài đi”. Lúc đó tôi thật ngu ngốc không hỏi chị cho ra sự việc, rõ ràng là năm ngón tay còn in trên má hồng lằn tím, sao tôi lại không ngăn chị dấn vào mãi con đường đó, để rồi sau này không cản được những cái tát, cú đá của đủ loại khách làng chơi. Sáng hôm sau thức dậy, vừa bước xuống nhà dưới đã nghe chị từ trong buồng nói ra: “Sắp tết rồi, chị sắm cho em bộ quần xanh áo trắng, đôi giày da. Mi gắng học, vào được đại học còn nở mặt cho cả nhà”. Tôi nhìn ra đường, mấy sào hoa giấy Thanh Tiên đi ngang kéo theo rực rỡ, không khí đã tết về gần lắm. Không hiểu sao, mũi tôi ngửi thấy mùi thuốc súng thoảng nhẹ trong không khí, mơ hồ. Cha đang uống trà, nói một mình: “Năm nay ngó bộ yên. Các ông đừng đánh nhau nữa cho dân được ăn tết”.
*
*    *
Chiều Ba mươi năm đó, tôi chộn rộn chở Lam Tuyền qua cầu Trường Tiền ngắm sông Hương, ngắm muôn người đi chúc tết. Hàng trăm chậu hoa được bày bán hai đầu cầu, bên chợ Đông Ba. Lam Tuyền nâng niu những bông cúc vàng trong tay, hôn nhẹ lên nụ hoàng mai chúm chím. Trời cuối năm hãy còn giá lạnh, gió sông thổi buốt. Một màu nắng hiếm hoi buông nhẹ phía đầu nguồn. Em từng bảo đứng trên bao lơn, nhìn về phía Kim Phụng sẽ thấy được màu tím Huế. Điều này có thật không? Em thấy hàng trăm lần rồi, những chiều nắng nhạt, sương mờ giăng xa, tím Huế hiện lên rìn rịn. A ha, anh thấy rồi. Màu tím ảo diệu ấy nhuốm tràn qua mây, núi, sông và cả cánh chim về tổ đón xuân. Chị Hân có bao giờ thấy cảnh này không nhỉ?

Bất chợt em hỏi tôi: “Cha em nói hai bên thỏa hiệp đình chiến ba ngày như mọi năm, phải không anh?”. “Giá mà đình chiến mãi luôn, hay biết mấy!”, em nói, mắt không ngớt nhìn phương trời tím xa kia. “Đã vậy, dừng chiến tranh luôn, dừng hẳn!”, tôi đệm vào. “Mà tết này mình làm chi đây?”. “Tết năm này anh và Dúy kiếm chiếc đò, đám mình sẽ du xuân từ Kim Long, qua Nguyệt Biều, về Vỹ Dạ, Gia Hội, Bãi Dâu, làng Sình, dạo chơi khắp Huế cho... đã đời”. Vẻ hớn hở hiện lên trong đôi mắt đáng yêu của em.
Lam Tuyền.
Anh gọi em à!

Anh muốn gọi em, sao lại có tên hay như thế trên đời.
Rồi bóng tối lạnh lùng tràn đến, bọc lấy chiếc cầu. Tôi bất ngờ ôm siết lấy em. Chúng tôi hôn nhau, vị ấm đôi môi đẩy lùi giá lạnh. Tôi cảm giác màu tím của chân trời vẫn chưa tắt trong mắt tôi, mắt em lúc đó. Nụ hôn màu tím, nụ hôn cuối cùng, vĩnh biệt Lam Tuyền của tôi.
*
*    *
Khuya mồng Một, pháo kích dữ dội khắp thành phố. Cha bật đèn trở dậy. Tôi đạp chăn chạy ra cổng. Chị Hân đi chơi chưa về. Pháo dồn dập bắn tới. Những tiếng nổ vang lên trong sân bay Thành Nội. Những cột lửa bắt đầu bốc lên. Đánh nhau rồi! Không phải đình chiến ăn tết đó sao. Con Hân đâu? Đi tìm chị mi về.

Tôi xốc áo chạy băng ra đêm tối. Sau lưng, tiếng cha ho rách phổi. Tôi chạy lạc vào trong phố, từng tốp quân Hắc Báo cầm súng chạy về phía bờ thành, phía sân bay. Tôi chạy qua cống Vĩnh Lợi, nhiều bóng người lúp xúp, cành lá ngụy trang vừa chạy vừa bắn vào các điểm phòng ngự của quân đội. Chị Hân ơi, chị ở đâu? Hình như chị sang nhà o Bé chơi bài kẻ. Trận này đánh to rồi. Một người chạy sau lưng tôi lo lắng. Mày đi đâu, về nhà kẻo đạn lạc. Súng nổ khắp nơi. Nhiều người nằm bất động trên đường. Vừa sợ vừa mệt, tôi chạy núp sau bức tường tiệm may Nhất Đệ. Có tiếng người la hét. Pháo kích ầm ầm thành phố. Nhiều người bắt đầu chạy khỏi nhà. Tết năm nay bắt đầu bi thảm quá. Chuyến đò du xuân tan rồi Lam Tuyền ơi!
Tôi không thể đứng mãi đây. Tôi phải về nhà đưa cha, đưa chị Hân ra khỏi thành phố, ra khỏi khu vực chiến sự. Tôi lao đầu chạy, nhiều lần vấp phải những xác chết ngày mỗi dày đặc hơn trên đường, gốc cây, vỉa hè. Sợ quá. Đến đầu xóm tôi ngã thêm lần nữa vì xác người, mặt chà lên đường rớm máu.

“Cứu tôi với!”.
Một bàn tay bất ngờ bấu lấy gấu quần tôi khi tôi loạng choạng đứng dậy. Tôi nhìn xuống, lờ mờ thấy một người nửa ngồi nửa nằm, một chân dường như không cử động được, máu thấm đen mặt đường. Một tay người đó đang cầm khẩu súng ngắn.
*
*    *
Chị Hân ơi, về nhà đi thôi. Nhà còn đâu mà về hả em? Sao chị lừa em chị đi bán chè? Bán chè trên thuyền của con mụ Ngọc ư? Chị làm đĩ! Chị làm đĩ đẹp mặt cha mạ chưa? Cha mạ chết rồi, em đừng gọi, tội. Vì chị cha mới chết. Sao vì chị? Nếu em không đi tìm chị đêm đó, cha đã thoát được ra ngoài rồi. Em! Chị nắm lấy tay tôi, dúi tôi nắm bạc. Chị làm đĩ nuôi cả nhà, nuôi em ăn học. Tôi không cần đồng tiền dơ bẩn của chị! Giờ tôi cần tiền làm chi nữa? Tôi tức, tay nắm đấm lại. Em đi mô lâu nay? Em lên rừng. Em sẽ trở về nay mai thôi. Đông Hà thất thủ rồi, quân ta vượt sông Thạch Hãn, Thành Cổ sẽ bị chiếm, Huế sẽ được giải phóng. Quân ta nào? Em theo quân giải phóng rồi à? Em cứu người ta rồi được điều lên rừng. Mi điên rồi.
 
pham ha hai 898
Minh họa: Phạm Hà Hải

Đêm giao thừa đó, chị cũng muốn về nhà sớm. Như mọi khi gánh chè giả mạo vứt vào một xó trên đò được lấy ra, rồi chị mua vài li chè thật của mấy ghe mành chèo tới, đổ vào nồi như kiểu chè không bán hết. Chưa kịp mua thì bốn ông cảnh sát dã chiến bước cao bước thấp đi tới, kêu tên mụ Ngọc choe chóe. Bố trí đò với mấy em xinh đẹp nhất của mụ nhé. Đêm nay chắc chắn hòa bình, súng không nổ đâu, cứ chơi, đừng sợ gì cả. Sợ gì, mai chết cũng sướng. Họ lên đò, có mấy cậu cảnh sát trẻ măng, hình như mới ra trường. Ai lại đi chơi đêm ba mươi, tội trời chết. Biết còn sống bao lâu nữa mà sợ. Mụ Ngọc cho đò ra xa, neo một chỗ nhưng vẫn lắc lí dìu dặt và chòng chành nhẹ nhàng theo con sóng. Chị bối rối, chỉ muốn về. Âm thanh của nước vỗ vào mạn thuyền, vào chân cầu, vào bờ thúc giục hối hả. Lúc đó chỉ lo không biết em và cha đã dọn đồ cúng tất niên xong chưa. Buổi chiều đi, chị đã nấu để sẵn trên bàn, đến giờ mang ra cúng. Buồng bên kia đã nghe tiếng cười lả lướt, tiếng rên rỉ tê mê. Một gã cảnh sát mở cửa buồng, nhìn chị. Lòng chị rối bời. Đêm Ba mươi này sao ngột ngạt quá. Chị muốn về nhà, chị chỉ muốn về nhà thôi. Gã cảnh sát nói, ở với anh đêm nay, anh đưa hết nửa tháng lương cho. Mụ Ngọc đi ghe nan chạy nói với bên mạn đò, đêm nay ở đò đi, mai mừng tuổi cho bây đủ đầy. Nhưng chị bất chấp, chị phải về. Gã kéo chị lại, chị vùng vằng muốn rách áo. Cho tôi về, tôi phải về nhà. Nhưng gã bỗng rút súng ra. Đi là chết. Chị đứng yên, rồi nằm im mặc hắn. Hắn dữ dội chừng nào, chị khóc chừng đó. Xong giấc ngủ đến lúc nào không hay, trong giá rét, tủi hờn. Nước mắt ướt cái mền dày cộm. Giao thừa nghe pháo nổ đì đùng trên bờ, lòng dạ xốn xang, chị ra ngồi mũi đò, nhìn màu đêm buồn bã. Hơn hai tiếng sau, tiếng đại bác vang lên đinh tai, nứt óc. Gã cảnh sát choàng dậy hỏi giật có chuyện gì vậy. Tiếng súng bắn nhau chí chóe trong thành, bên kia sông, nghe từ Kim Long, phía kia An Cựu… Đưa đò vô bờ mau. Hắn ra lệnh. Đò gần bờ, thấy người trên đường chạy từng đoàn, từng đoàn. Súng nổ gần hơn, thấy nhiều người bổ sấp mặt đường. Chị sợ quá
*
*    *
Chị Hân ơi, đừng làm việc ấy nữa. Em lạy chị! Tôi những muốn khóc. Chị Hân khóc, nước mắt nước mũi nhỏ lên nắm giấy bạc lem luốc trên tay. Mi xuống đò tiếp khách đi Hân ơi! Con mụ Ngọc réo lên dưới đò. Ba gã lính mang quân hiệu sư đoàn I của Quân lực lò dò đi xuống. Hân ơi, ngủ với anh đêm nay nhé! Thằng nhãi này, mày ki bo chi cho người đẹp khóc. Một gã choàng tay qua eo chị lôi xuống đò. Chị Hân! Chị ơi! Tôi mím môi, ước có một khẩu súng trong tay lúc ấy… Pằng… Pằng… Tôi bước đi, dưới đò bày tiệc rượu, tiếng cười vỡ sông. Cứ vui đi, rồi chúng ta cũng sẽ không sống lâu trong cuộc chiến này.
Tôi không biết mình nên khóc hay nên cười.

Tôi thất thểu bước qua công viên, mua bao thuốc ruby queen màu hồng vốn chỉ bán cho dân thường. Châm lửa. Khói căng lồng ngực. Sông Hương mờ đi trong thoáng chốc. Thành Huế bắt đầu bốc hơi. Ở đây chẳng còn gì thuộc về tôi nữa.
*
*    *
Chị lại kể.
Dưới ánh mặt trời tháng năm chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Hàng ngàn người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc vật lên. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi, rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao. Cha ơi! Em ơi! Chị nấc lên. Nước mắt chảy tràn gò má. Chị những muốn lăn mình xuống đất, khóc cho bay đi đám mây đen nặng trĩu đè trên đầu mấy tháng qua. Cha ơi! Em ơi! Hình ảnh cha uống trà mỗi sớm. Thằng em hay tự lự cứ nhờ chị ủi đồ cho thật phẳng để đi gặp người yêu. Giờ chỉ còn xương cốt mùn tro thôi. Cha ơi! Em ơi! Chị vùng tay khỏi mấy chị bạn cùng ở đò, chạy đến đống xương khóc la dữ dội. Chị lăn lóc giữa đất cát, không ngớt kêu cha, kêu em, khóc và khóc. Chị nào biết trách ai đây, rủa ai đây. Đêm đó giá như chị liều mạng chạy về với cha, với em. Ai đó lấy vạt áo xô lau nước mắt nước mũi cho cái cơ thể bất động bi đát của chị. Những thi hài chết cháy, chết đạn bọc trong tấm nilon không còn nguyên vẹn. Có phải cha không? Có phải em không? Dăm người tìm thấy người thân, khóc bù lu bù loa. Những thi hài lần lượt được người nhà nhận mang qua trước mặt chị. Mấy người bên Hồng thập tự chạy tới chạy lui giúp đỡ, thấy chị khóc mãi hỏi xác người nhà đâu. Lúc đó, chị nhìn thấy một thi hài cháy xám, không còn nhận dạng được nữa nhưng vẻ co quắp, khổ sở như đang ngủ đó thôi thúc chị lại gần. Một nửa chiếc áo nâu đất nằm dưới xác không bị cháy, lỗ rỗ như bị tàn thuốc lâu ngày, hàm răng thiếu đúng một răng cửa, và chiếc đồng hồ hiệu Orient của Nhật y chang cái ông đại úy người Phan Rang tặng cho chị đã chết máy. Cha đây rồi! Cha đây rồi! Chị ngất đi, chẳng còn biết gì đến cái nắng chói chang hôm đó, đống xương người, hoa phượng đỏ.

Mộ cha bây giờ ở đâu hả chị? Chị cho em đi thăm mộ cha. Mặt chị buồn so, đôi mắt ầng ậc nước. Chị khóc hu hu trên bến sông. Lòng tôi quặn thắt. Dưới chân núi Ngự Bình đó em ơi. Tôi muốn ôm chị vào lòng. Đã bao lâu rồi chị em tôi không cùng ăn chung mâm cơm, không nói chuyện với nhau.
Rồi tôi qua cửa Thượng Tứ. Một thanh niên đi bộ qua trước mặt tôi nói rất nhỏ.
“Nhận tài liệu ở X. Rút”.
Tôi quay lại thực tại. Người vẫn đầy vết thương.
*
*    *
Đến mùa thu năm 1974, tôi về Huế, thu thập tình hình trước khi có lệnh tổng tiến công. Tôi lại đến đò mụ Ngọc. Bến xưa tiêu điều, chẳng thấy đò, cũng chẳng thấy chị Hân. Mới chỉ mấy năm sao đổi thay nhiều thế. Những bóng người chạng vạng đổ về trên đường như những hồn ma sống. Mùi thuốc súng ám lên con đường, bức tường, cửa hiệu, mặt người và cả trí não khô khan của tôi. May thay, tôi gặp lại Dúy trong sắc phục cảnh sát cùng với hai cấp dưới đi tuần trên đường. Dúy nhìn tôi gườm gườm.

Mày đã đi đâu?
Cha tau chết rồi. Chị tau mất tích mi ơi!
Thằng Dúy lãng tử bạn học tôi ngày nào giờ không còn nữa. Dúy đổi khác và tôi cũng đổi khác. Nó nói một câu sau này tôi mới hiểu. “Cha mi chết tau biết. Chị Hân mi chết tau biết. Mi tau biết”. Rồi nó chỉ cho tôi muốn biết cái chết của chị phải đi đâu để tìm, rồi đi thẳng. Chị Hân chết rồi ư? Chị ơi, sao có nhiều cái chết trong cuộc đời tôi thế này.

Tôi nghe giọng chị kể về hai sáu ngày kinh hoàng trong Mậu Thân mà chị không chết. Em ơi, đêm đó súng nổ, đò liền chèo vào bờ. Mấy ông biệt động quân áo gài chưa hết nút đã vội chạy về đồn. Súng nổ chát chúa. Đại bác bắn ầm ầm. Chị thất kinh chạy vào thành. Chạy vào thành một đoạn thấy nhà cháy, nhà sập, tiếng kêu khóc thảm trời. Ai đó giựt cánh tay chị kéo vào nhà. Con Lan, bạn trên đò với chị. Hai đứa ngồi trong nhà nó, nghe đạn bắn cả đêm, không nhắm được mắt. Mới tờ mờ sáng, bà con í ới nhau chạy giặc. Chị nói muốn về nhà nhưng hay tin đêm qua, xóm đó thành tro rồi. Em ơi, chị không muốn chạy nữa, chị phải về nhà. Rồi người ta kéo chị, từng đoàn người gánh gồng, tất tả qua cầu Trường Tiền. Trên đường, chị thấy ông Thập chủ tiệm thuốc bắc hay xuống đò mụ Ngọc chở cả một bao tiền định qua bờ Nam. Xui làm sao, bao cột không chặt, tiền xòa ra trên đường. Bà con lo chạy, chẳng ai còn tâm trí nhặt tiền. Súng nổ dữ quá. Máy bay chi viện gầm rú trên trời. Không phút nào súng không nổ em ơi. Qua được bờ Nam, tình hình đỡ hơn nhưng rồi quân Giải phóng bắt đầu công chiếm. Về Vỹ Dạ rồi chạy lên An Cựu, được ít hôm lại kéo nhau chạy. Chị cứ theo đoàn người mà chạy. Chạy. Chạy. Chạy. Chạy đêm, chạy ngày, chạy trên xác, trên máu, chạy dưới bom rơi, chạy dưới đạn lạc, chạy đến khi bàn tay con Lan buông rời chị. Nó bị bắn chết vì đạn lạc trong cuộc giao tranh trên cầu An Cựu. Hấp hối, nó vẫn kêu chị chạy đi. Chạy! Dân Huế mình chạy giặc bao lần nhà tan cửa nát. Dân nước mình chạy loạn li bao lần nước mắt thành sông.

Chị ơi, cả đời chị chạy gánh gồng nuôi cha, nuôi em, chạy nhục đi tìm miếng ăn cho cả nhà, cho em ăn học, chạy, chạy mãi sao chị?
Tôi buồn rầu đứng trước hiệu ảnh Tôn Thất Dung châm thuốc hút một hồi mới có người mở cửa. Bức ảnh người ta chụp xác một cô gái nằm chết dưới gốc cây sứ phía sau Phu Văn Lâu. Hàng ngàn cánh hoa rơi rụng từ đêm qua bao bọc lấy cô, ướp cô trong mùi hương sơ ngộ đất trời. Cô mặc áo dài trắng, nụ cười hoa sứ cũng trắng trên môi. Có phải chị Hân của tôi luôn ước ao một ngày được mặc áo nữ sinh đi học như chúng bạn, được chở giỏ xe hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím. Ông chủ hiệu ảnh kể rằng hôm đó hàng trăm người hiếu kì vây quanh trầm trồ trước cảnh tượng đó. Chưa thấy ai chết đẹp như vậy trong cuộc chiến này. Cô không phải chết đâu. Cô đang ngủ, giấc ngủ của một đóa hoa vĩnh hằng, đẹp nguyên sơ trong lòng thành Huế.
*
*    *
Một buổi chiều đầy sau ngày giải phóng, tôi tập tễnh đi qua những hè phố đìu hiu. Thành Nội hoang tàn. Một cổng thành sập, cây cối cỏ dại mọc lổm nhổm như bãi tha ma. Khung trời mộng ngày nào của chúng tôi đã thành sương khói. Tôi tìm đến những con đường vắng rải đầy lá mục. Tôi cố nhớ. Nhà tôi chỉ còn cái xác rỗng để người ta chất than củi. Xóm tôi cỏ dại um tùm cho người ta đi phóng uế. Nhặt một nhúm rác lá muối đã hoai, tôi đưa lên mũi ngửi. Tôi nghe tiếng thầm thì của những kỉ niệm trên bàn tay qua ánh nắng thanh khiết như thủy tinh rọi từng gân lá. Mộ cha lạc mất bia giữa bạt ngàn mộ. Chị Hân mất tích. Lam Tuyền đã theo cha qua Mĩ lấy chồng sinh con.

Mấy đứa bạn cùng lớp nghe tôi từ rừng về, lại có chức trong ban quân quản thì mừng lắm. Tôi hỏi Dúy, mới hay rằng, ngày 26/3 Dúy vẫn ở lại, chiến đấu đến cùng, bị bắt và đang còn bị giam trong tù. Tôi xin giấy qua gặp Dúy. Nó nhìn tôi không lộ vẻ thù hằn như tôi tưởng tượng. Tau biết mi là Việt Cộng nhưng tau không bắt. Mi có lí tưởng của mi, tau có lí tưởng của tau. Tôi an ủi Dúy, ít bữa rồi chính quyền lại cho về, mi phải về lo cho cha, cho mạ mi. Nhà Dúy có ba anh em, hai ông anh một đi biệt cách dù, một đi thủy quân lục chiến đều chết cả. Dúy im lặng. Tôi lại kể chuyện gia đình tôi. Dúy cắt lời. Chị Hân mi không phải chết như vậy đâu. Chị mi chết oanh liệt dữ.

Một tiếng chuông đâu đó va vào buổi chiều mục, ngân vỡ giữa những tường gạch loang màu rêu. Tôi đi miết ra bờ sông xanh phẳng lặng. Tôi thấy sợ con sông không đáng sợ. Cầu Trường Tiền bị giật sập, như chữ V xấc ngược rớt lạc trên sông. Trên dòng sông này có máu chị tôi. Ngày con đò mụ Ngọc đón đoàn khách lạ, có tóc đen lẫn tóc vàng. Mấy ông tóc đen dẫn tóc vàng đi chơi cho biết ngủ đò. Hôm đó, chị đuổi hết chị em trên đò xuống, một mình tiếp khách. Đò ra giữa dòng êm đềm, người ta nghe tiếng cười đùa vui vẻ. Rồi một tiếng nổ long trời. Mấy ông Mĩ chết. Mụ Ngọc sau đó bị quy tội. Xác chị Hân được những chị em cùng hoàn cảnh đem về, mặc áo dài trắng nữ sinh Đồng Khánh một lần như ước nguyện...

Tôi hét lên tan đi những đeo mang đau khổ. Tôi gọi tên ai. Đêm rớt xuống như một lời tỉ tê tội lỗi. Khoảng lặng rơi trên sông. Xa xa tiếng hò trên một chiếc đò tê buốt, thấm theo từng con sóng gợn. Tôi nhúng một chân xuống sông. Nước lạnh tanh. Những ngày dài màu xanh chờ đợi mỏi mòn trong lòng bàn tay. Ngực tôi bốc lửa giữa hơi thở giao thoa. Ngọn lửa rất đỏ và lạnh. Kia, cánh cửa nhà tôi còn mở. A, chị Hân gánh chè về rồi, chị mua áo quần mới cho tôi, mua cân trà ngon cho ba, mua vải áo dài cho mạ. Cả nhà thấy chị về vui như mở hội. Tết năm nay sẽ vui. Chị cười, nụ cười của một tôn nữ, đẹp như hoa sứ đêm trăng. Tôi nhào ra đón chị. Chị ơi, giá mà mọi thứ đừng bị xóa nhòa, chị nhỉ. Chị cười hiền:
Chị làm tất cả, chỉ muốn em vui!
 
Trại sáng tác Đà Nẵng, tháng 5/ 2018
L.V.T.G