Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục khẳng định: Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển ĐNCB quản lý và nghệ sĩ đạt những thành tích đáng kể. Các quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn về quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm… cán bộ được xây dựng bài bản, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong quá khứ. ĐNCB ngành được quy hoạch bài bản, điều chỉnh cơ cấu độ tuổi, trình độ hợp lý… Hiện nay, tính riêng ĐNCB công chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có 880 người, nữ chiếm 42,1% (371 người), độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 41 đến 50 tuổi (35,68%). Đây là tỷ lệ tương đối phù hợp.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật
Chương trình nghệ thuật "Vang mãi giai điệu Tổ quốc" hội tụ nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: NAM NGUYỄN.

Để phát triển hơn nữa ĐNCB văn hóa-nghệ thuật (VHNT), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTT&DL đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Đề án “Đào tạo tài năng VHNT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực VHNT ở nước ngoài đến năm 2030”… Thông qua việc thực hiện các đề án, dự án, công tác đào tạo nhân lực VHNT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô tuyển sinh hằng năm đạt khoảng hơn 7.000 học sinh, sinh viên. Phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đúng ngành, nghề được đào tạo. Nhiều học sinh, sinh viên đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường. Mỗi năm có khoảng gần 1.000 công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp và trung cấp; kiến thức quản lý Nhà nước, tin học và ngoại ngữ trong và ngoài nước. Thông qua các hội thảo, tập huấn, trại sáng tác, nhân lực VHNT được bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành. Các cơ sở đào tạo VHNT đã liên kết với các nhà hát, đoàn nghệ thuật, cơ quan, tổ chức để đào tạo theo địa chỉ.

Bộ VHTT&DL đã lựa chọn và cử cán bộ giảng viên VHNT đi học đại học và sau đại học tại Trung Quốc, Nga, Pháp, Nhật, Australia, Hungary…; ký kết hợp tác với Australia, Đức, Nhật Bản, Nga, Mỹ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực VHNT; tổ chức lớp tập huấn kiến thức cho giảng viên, giáo viên các cơ sở đào tạo VHNT tại nước ngoài; tuyển chọn và phối hợp với các cơ quan liên quan cử sinh viên đi học đại học và thạc sĩ tại Mỹ, Australia, Nga bằng ngân sách Nhà nước (lĩnh vực âm nhạc và lĩnh vực điện ảnh). Hệ thống các cơ sở đào tạo tăng cả về số lượng và quy mô; các cấp bậc đào tạo và hình thức tổ chức đào tạo được đa dạng hóa. Hiện nay, cả nước có 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo VHNT (33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp). Cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa đã phủ kín hầu hết các tỉnh/thành phố, phần lớn tập trung ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học, gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Công tác đào tạo VHNT đã được chú trọng, có bước phát triển cả về quy mô, mạng lưới, loại hình, số lượng và trình độ, đã bao quát được hầu hết các ngành nghề cần thiết cho hoạt động văn hóa, sáng tạo, biểu diễn, lý luận và phê bình văn nghệ. Việc đào tạo sau đại học để tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong những năm gần đây được triển khai, bước đầu có kết quả khả quan. Nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải cao tại các cuộc thi và liên hoan quốc tế và khu vực. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNCB quản lý và nghệ sĩ ngày càng được chú trọng. ĐNCB có trình độ cao, có học hàm, học vị, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tăng đáng kể trong 10 năm qua. Nhiều cán bộ có trình độ, năng lực, nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng của các cơ quan ngành VHNT khi tuổi đời còn khá trẻ.

Tuy nhiên, so với các ngành khác, như: Y tế, giáo dục… về cơ bản lực lượng cán bộ VHNT của ngành vẫn còn yếu và thiếu. Chế độ lương, thưởng, chính sách đánh giá, đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước cho ngành văn hóa, so với các ngành khác còn khiêm tốn, việc huy động các nguồn lực thông qua xã hội hóa còn nhiều hạn chế.

Quan điểm phát triển nhân lực VHNT trong tình hình mới như sau: Bảo đảm chất lượng cao, toàn diện cả về trí lực, năng lực chuyên môn, thể lực và đạo đức, nhanh chóng thích ứng với nhu cầu phát triển VHNT và tình hình thế giới không ngừng thay đổi, gắn với chiến lược phát triển văn hóa và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu và toàn diện. Có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đặc thù của lĩnh vực hoạt động và đặc trưng vùng miền. Tập trung ưu tiên phát triển nhân lực đặc thù (nhân tài, khoa học-công nghệ; lãnh đạo, quản lý Nhà nước; nhân lực trình độ cao; nhân lực các vùng lạc hậu, kém phát triển, dân tộc thiểu số) trên nền tảng năng khiếu, tài năng đi liền với phát triển nhân lực làm công tác phong trào. Coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Thực hiện thường xuyên và nhất quán việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài; trọng đãi về vật chất và tinh thần phải xứng đáng với cống hiến thực tế của người lao động. Tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi và khuyến khích mọi năng lực sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở định hướng của Nhà nước và nhu cầu xã hội, đổi mới triệt để các chủ trương, chính sách, phương pháp và phương thức phát triển nhân lực VHNT phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đặc điểm của dân cư và tiếp cận các quan niệm, trình độ, cơ cấu nhân lực quốc tế và khu vực; sử dụng hài hòa cơ chế ưu tiên của Nhà nước.

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của VHNT trong đời sống xã hội, góp phần thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đầu tư của tất cả tầng lớp trong xã hội, các tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về VHNT trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sách báo, các cuộc thi…

Đổi mới cơ chế, chính sách, luật pháp về phát triển nhân lực là khâu đột phá trong phát triển nhân lực, dần hình thành một hệ thống cơ chế, chính sách chính phát triển nhân lực được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ.

Tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xã hội vào việc nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương, từ đó thu hút nguồn nhân lực VHNT cho ngành VHTT&DL. Kêu gọi sự ủng hộ, đầu tư, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Tăng cường công tác đào tạo mới và đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực hiện có để cập nhật kiến thức mới cho ĐNCB quản lý và nghệ sĩ. Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, của công chúng trong việc đánh giá cán bộ của ngành.

Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực phát triển ĐNCB. Đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển năng lực cho ĐNCB quản lý và nghệ sĩ phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nguồn nhân lực cán bộ luôn được xem là hoạt động trọng yếu trong công tác quản lý Nhà nước của ngành VHTT&DL. Trong nhiều năm vừa qua, ngành đã có nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác quan trọng này, hướng tới việc bảo đảm có một ĐNCB có chất lượng, đáp ứng tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó.

TS NGUYỄN NGỌC THIỆN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch