Thứ Năm, 30/05/2019 10:20

CHU VĂN SƠN minh triết của cái sống

.NGUYỄN THANH TÂM

Với nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, cái sống là cái đẹp. Tôi tin đó là tín niệm suốt đời của con người sắc sảo, tài hoa ấy. Cho đến trước khi những ảnh hình trước

mặt trở nên nhạt nhòa, kí ức trở nên mông lung, thầy vẫn cầm tay tôi và nhắn nhủ: phải sống động. Điều gì đã không thể phai đi trong ý nghĩ, dịu xuống trong đôi mắt, để rồi chợt cất lên rành mạch giữa chuỗi vô định của lời? Đó chỉ có thể là một tín niệm về giá trị đã được nhận ra, được suy tư lâu dài, triệt để, bám chặt vào tâm trí, ăn sâu vào máu thịt, trở thành thước đo, thành thang bậc giá trị làm nên cốt cách con người Chu Văn Sơn như chúng ta đã gặp, đã biết.
Đời sống và văn chương nói lên tất cả tín niệm về cái đẹp của thầy Chu Văn Sơn. Sự sống, cuộc sống là đẹp, nhưng, với một người duy mĩ như thầy Sơn, đẹp phải là cái sống. Sống động, lay động gây được xúc động ấy là đẹp. Phải đẩy sự vật tới tận cùng giới hạn của nó để nhận ra chân tướng phía sau hình tướng, để nhận ra căn cốt duy trì cái đẹp chính là cái sống. Bản thân sống là diệu kì. Do vậy, cảm nhận được cái sống động ở trong lòng sự sống chính là năng lực đặc biệt làm nên sự tinh tế, tài hoa, lịch duyệt của Chu Văn Sơn.
Ba đỉnh cao Thơ mới là một chứng lí điển hình cho minh triết cái sống của Chu Văn Sơn. Phải lên cao mới nhìn rõ và bao quát, phải tổng kết các đỉnh cao mới có thể đánh giá một cách xác đáng về thành tựu của một giai đoạn, một trào lưu, khuynh hướng hay thể loại văn học. Chú ý đến Xuân Diệu, Chu Văn Sơn nhận ra bản mệnh của thi sĩ này là: Tù nhân của chữ Tình. Với Nguyễn Bính, Chu Văn Sơn cảm nhận đầy đủ cái sống thê thiết của Kiếp con chim lìa đàn (gần đây, ông viết tiểu luận Nguyễn Bính - hoài niệm cội nguồn tiếp tục làm tròn đầy ưu tư về Nguyễn Bính: “Nguyễn Bính là đứa con được sinh ra từ cuộc dan díu định mệnh giữa giọt mưa quê và hạt bụi phố khi trời đất dậy lên những cơn gió chuyển thời”). Còn với Hàn Mặc Tử - nhân vật có lẽ tốn nhiều tâm sức, trí lực nhất của Chu Văn Sơn, cái sống chính là mĩ cảm ở phía tột cùng (sau này ông viết thêm tiểu luận Hàn Mặc Tử - một định nghĩa bằng máu về thơ càng minh chứng cho xác tín về cái đẹp sống động/ lay động - dẫu đau thương, càng đau thương càng lay động, của Chu Văn Sơn). Ba đỉnh cao Thơ mới thực sự là một đỉnh cao trong nghiên cứu, phê bình Thơ mới nói riêng và phê bình văn học nói chung ở Việt Nam. Từ Thơ mới, những trường hợp khác của văn học Việt Nam cũng được soi rọi bằng cái nhìn thống suốt và quan điểm kiệt cùng ấy: Hoàng Cầm - gã phù du Kinh Bắc; Nguyễn Duy - thi sĩ thảo dân; Thanh Thảo- nghĩa khí và cách tân; Xuân Quỳnh -cánh chuồn trong giông bão; Trúc Thông - ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ; Vi Thùy Linh - thi sĩ ái quyền; Văn Thùy - cược mình vào lục bát; Sức sống mãnh liệt của lục bát; Vũ điệu của sắc màu, âm nhạc của đôi mắt… Càng đọc những bài viết, những chân dung nghệ thuật qua lăng kính của Chu Văn Sơn, chúng ta càng nhận ra chân tướng của các hiện tượng, giá trị và diện mạo của họ. Viết chân dung nghệ thuật và cả chân dung học thuật, như Chu Văn Sơn đã nói, phải toát lên tâm tính, khí cốt, thần thái, diện mạo của đối tượng. Hoàng Cầm, trong cái nhìn tinh anh của Chu Văn Sơn, mang thiên mệnh là gã phù du Kinh Bắc, một “Liêu trai trầm cảm”, một kết tinh uất nghẹn của đời, của tình, của chữ. Cũng bằng cái nhìn và quan niệm ấy, Chu Văn Sơn đã thâu tóm và chắt ra cốt tủy của lục bát Nguyễn Duy chính là một cây đàn hương hỏa, thứ rượu của chúng sinh ẩn chứa minh triết dân gian ngàn năm… Với những người thầy, những nhà giáo, nhà khoa học mà Chu Văn Sơn yêu kính, gắn bó và thông hiểu, ông đều lẩy ra được những nét, những hình, những cốt cách đặc tả chân dung, tâm tính, khí chất của mỗi người. Đó là Nguyễn Đăng Mạnh: Sắc và Sáng; Hoàng Ngọc Hiến với Triết học ẩn dật trong văn học; Trần Đình Sử với lối văn kiêu hùng, văn của Lí - Trí (lời thì sắc - ý thì chắc - mạch thì chặt - hơi thì nóng); Nguyễn Đình Chú với sức mạnh của Tâm quyền và Trí quyền; Lưu Đức Trung lặng lẽ “Góc khuất hoa thầm”, trăng soi đáy nước (Thủy Nguyệt)… Sự thực, Chu Văn Sơn viết không nhiều, sách riêng chỉ đôi cuốn: Ba đỉnh cao Thơ mới, Thơ - điệu hồn và cấu trúc. Thế nhưng, mỗi bài viết trong từng cuốn sách đều khiến người khác phải thán phục vì sự tinh tế mà đủ đầy, diệu hoạt mà khúc chiết, bay bổng mà đằm thắm, nhu nhuyễn mà kiêu sa, tung tẩy nhưng đầy sắc sảo. Chu Văn Sơn là thế, đã nghĩ, đã viết là truy đuổi đến tận cùng của cái đẹp sống động, cái đẹp làm lay động lòng người.
Để rõ hơn ý niệm cái đẹp là cái sống có lẽ tản văn, tùy bút của Chu Văn Sơn sẽ là những bảo chứng (quan niệm cái đẹp sống động của Chu Văn Sơn cũng thể hiện rõ trong một số địa hạt khác như hội họa, âm nhạc, ẩm thực hay kiến trúc không gian sống…). Chu Văn Sơn nhận ra, cái sống của Trịnh Công Sơn chính là trở thành một giá trị văn hóa - văn hóa Trịnh, một thứ văn hóa mang đầy sức quyến rũ và lan tỏa. Cảm mến một loài hoa của xứ sở Tây Bắc - hoa ban, Chu Văn Sơn quả quyết rằng: “Ban thì phải là Tây Bắc, phải rừng suối núi ngàn mới là không gian của hoa ban. Chỉ trong xứ sở của nương đồi, trong miền văn hoá Thái, thì ban mới thực sự là ban, thực sự toả sáng cái vẻ đẹp lặng thầm thanh khiết của nó thôi. Ban là nhan sắc của thiên nhiên miền Tây. Ban là sự trinh bạch của độ xuân thì miền Tây. Ban là sự hiến tặng thầm kín và mong manh của đồi núi thung khe Tây Bắc. Ban là tấm danh thiếp của nền văn hoá Thái” (Lỡ hẹn với hoa ban). Khác với vẻ đẹp đầy ánh sáng của hoa ban, một loài hoa khác mang vẻ đẹp khiêm nhường, lặng lẽ mà cao cả - hoa lau: “Là thứ hoa đạm bạc vào bậc nhất, lau mang trong mình một chút thiền ý. Thiền ý về cái lẽ sắc không của tồn sinh. Không màu mè, không hình nét. Có sắc mà vô sắc. Là hoa mà như không phải hoa. Có mà như không có. Hoa lau nhắc ta nhiều nhất về sự chập chờn mong manh của phận người. Cũng là nhắc về cái bạc lí bạc nghĩa của sự tồn sinh. Có lẽ vì thế mà thiền nhân bao đời thường thấy nhân gian trong một thoáng hoa lau” (Phận hoa bên lề). Với Đà Lạt, cái sống của xứ sở này được cảm nhận thật sâu, thật tinh và ăm ắp nồng nàn. Đà Lạt: Ôn đới gần - xứ tình yêu - xứ Trịnh ca - xứ Thiền - chốn bình yên sâu khuất (Đà Lạt và tôi). Với Sơn Đoòng, đôi mắt luôn biết nhìn ra vẻ đẹp của cái sống đã xác quyết đó là một kì quan được hoài thai từ mối kì duyên của đá và nước. Đẹp, nhưng đầy thử thách, Sơn Đoòng cũng là “lò phân kim chất người” khi tại đó, nhân cách, bản lĩnh, giá trị của con người bỗng hiện ra một cách rõ rệt. Với Angkor, vẻ đẹp ấy chỉ có thể là sự hài hòa của những đối cực: con người và thần linh, kì vĩ và tinh xảo, giáo gươm và điệu múa, đá và cây, khoảnh khắc và vĩnh cửu. Những đối cực sống động làm nên “cái đẹp Angkor”. Có một Angkor đẹp, từ đó, qua những suy cảm của Chu Văn Sơn, chúng ta hình dung một Angkor sống với tất cả “tài hoa, tâm huyết” của con người xứ sở chùa tháp.
Cái sống làm hiện hình cái đẹp. Cái sống trong xác tín của Chu Văn Sơn ẩn chứa những điều kín nhiệm mà đời sống nhiều khi thờ ơ, vô cảm lướt qua: “Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa… Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: tổn thương là rỉ máu” (Nên bị gai đâm). Chu Văn Sơn đã dừng lại thật lâu, lắng nghe thật tinh, nhìn ngắm thật kĩ, cảm nhận thật sâu những hình thái của cái sống. Có như vậy ông mới nhận ra những lay động của vạn vật, dù là bé bỏng út ít, dù là mong manh tội nghiệp, dù là thinh lặng khiêm nhường hay đơn sơ thanh đạm. Phải có một cõi lòng Thanh An, một khao khát Thanh An mới đủ sự ân cần, nâng niu đến thế đối với cõi sống, cái sống.
Cái sống diễn tả khía cạnh linh động, lay động của cái đẹp. Điều này Chu Văn Sơn luôn ý thức một cách riết róng và thường trực. Một lần thầy ví von hình tượng với tôi, cái ghế - sự vật này, là tồn tại. Nó tồn tại trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, họa sĩ vẽ cái ghế là truyền cho nó vẻ đẹp, làm cho nó trở thành cái sống, sinh động trên bức tranh. Quả thực, núi thiêng vì có tiên đến ở, cũng như hoa mang vầng sáng diệu kì từ nhựa sống hân hoan trong thân thể nối vào lòng đất mẹ. Lòng có đẹp thì lời mới đẹp, cốt cách có cao khiết thì văn chương mới thanh nhã. Với Chu Văn Sơn, quan niệm không phải là cái có trước, mà cuộc đời, tài năng, thực tại sống là cái có trước, cái đẻ ra quan niệm. Bởi vậy, thực hành văn chương nghệ thuật có thể xem như là sự phóng chiếu thực tại sống của ông. Nếu để ý những bài viết của Chu Văn Sơn, chúng ta sẽ thấy những khoảng thời gian, không gian bắt đầu và hoàn thiện rất xa nhau, có khi đến mươi mười lăm năm, từ Nam ra Bắc, từ Đông lên Đoài. Mọi lúc, mọi nơi, những ý nghĩ theo đuổi, bám riết ông, đòi được hiện hình một cách tinh túy nhất, kĩ càng nhất, trong dạng thái sống động nhất. Xem ra như thế Chu Văn Sơn là người cầu toàn, nhưng đó là sự cầu toàn hướng đến hoàn mĩ vốn là yêu cầu hàng đầu của nghệ thuật. Ở một tầm mức khác, hành trình và phương thức ấy nói lên cơ chế sáng tạo cái đẹp mà bất kì nghệ sĩ nào cũng luôn cần phải ý thức. Đúc rút lại những thực hành nghệ thuật của mình, Chu Văn Sơn gọi tên nó bằng một cấu trúc với bốn trụ cột: Ý- Tình -Giọng - Chữ.
Ý - Tình là cốt lõi của tứ. Viết mà không có tứ đồng nghĩa với việc anh chưa biết viết cái gì, chưa thật rõ điều mà mình muốn viết. Tứ nói lên trạng thái sơ khởi của nội giới thi sĩ. Tứ rõ và sáng là khi ý đã đủ và tình đã đầy. Ý là tư duy để đi về phía sáng (hình thái Apollo), tình đi về phía xúc cảm (hình thái Dionysos) nhưng cuối cùng phải gặp nhau ở chót đỉnh đầy sống động, làm bật lên tứ. Dĩ nhiên, cơ chế sáng tạo chẳng bao giờ máy móc như thế, nó nhu nhuyễn một cách tự nhiên như máu trong huyết quản, như nhựa sống trong cây, như hương thơm không bao giờ phải cân nhắc, đắn đo hay ngập ngừng toan tính. Văn chương của Chu Văn Sơn là thế. Để gọi tên đích đáng Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Trúc Thông… là ai, Chu Văn Sơn đã hun đúc, nung chảy mọi quặng vỉa, chắt ra thứ vàng ròng óng ánh của phận người, phận chữ - phần làm nên giá trị cũng là phần làm nên cái sống của mỗi cá nhân. Ai cũng có thể nói Nguyễn Bính mang cốt cách dân gian. Nhưng thử hỏi, vậy chất dân gian của Nguyễn Bính ở đâu thì ít người trả lời rõ ràng, mạch lạc mà lại thuyết phục như Chu Văn Sơn. Cái dễ thấy và cũng là dễ làm nhất là người ta sẽ thống kê những chất liệu mang dấu quê trong thơ Nguyễn Bính. Rồi thì thể thơ lục bát, rồi thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hình ảnh, biểu tượng thấm đẫm không khí quê kiểng sẽ được dẫn ra một cách hùng hồn, tha thiết. Đó là một sự hời hợt mà Chu Văn Sơn không cho phép mình chấp nhận. Đào sâu hơn vào vỉa mạch của lời, ông nhận ra hồn quê nơi Nguyễn Bính chính là “điệu tâm hồn” của làng quê, của đời sống dân gian. Xác định được điều này cũng là khi Chu Văn Sơn bước chân vào địa hạt vô cùng mông lung, vi tế của tinh thần, tình cảm. Điệu tâm hồn là kết tinh của “điệu cảm xúc” biểu đạt bằng giọng, lời. Giải phẫu thế giới này đòi hỏi người viết phải có một tư duy vừa sâu, vừa sắc, vừa sáng lại vừa nhạy. Cái sống linh động vi diệu hiện ra khi Chu Văn Sơn phăn lần một cách tường tận điệu ghẹo và điệu than trong thơ ca dân gian mà Nguyễn Bính thụ hưởng. Vẫn chưa dừng lại, điệu than nghiêng về xót xa, hờn oán, trách người, trách mình, trách đời. Điệu ghẹo nghiêng về vui đùa, bông phèng. Nếu than nghiêng về thán, thì ghẹo nghiêng về tán. Nếu than thiên về vãn thì ghẹo thiên về cợt nhả, ỡm ờ… Giọng ấy, điệu ấy, lề lối ấy chính là hồn quê, cũng là thứ hương hỏa mà Nguyễn Bính đã thừa kế từ dân gian mang đậm hồn Việt. Nguyễn Bính sống là sống ở giá trị ấy, bởi lẽ, nếu chỉ dựa vào thể loại lục bát, các hình ảnh, biểu tượng, thành ngữ, tục ngữ, ca dao… thì, như Chu Văn Sơn đã phê phán, “… trong thơ của các thi sĩ khác thuộc dòng thơ quê đương thời và cả sau này nữa đều nhan nhản, nhưng sao ta không thấy đậm đà hồn quê” (Ba đỉnh cao Thơ mới).
Ý tình làm sống dậy cái đẹp, cái lay động, bám riết bền bỉ, đằng đẵng trong lòng nghệ sĩ. Tuy nhiên, có được ý tình, nhưng nếu không có giọng, anh sẽ lẫn vào muôn vàn những thanh âm khác của đời sống. Có giọng rồi mà không tổ chức nên điệu thì giọng vẫn nằm ở dạng thô mộc, rời rạc, chưa thành chỉnh thể nghệ thuật. Hiểu rõ điều này, lao động văn chương của Chu Văn Sơn lấy giọng điệu như là một tiêu chí xác lập hình thái sống. Giọng điệu làm hiện lên thái độ của tác giả đối với vấn đề, đối tượng được trình bày từ đó mà hình thành phong cách, cá tính nghệ thuật. Có giọng hùng tráng, hào sảng, bi thiết, mai mỉa, khiêu khích, kiêu bạc, khinh ghét, tự trào, chua chát, vỗ về, đay đả, chì chiết, rên rỉ xót xa, hân hoan mừng rỡ; có giọng lí sự, giọng lí luận, giọng rao giảng, lại có giọng trầm mà sâu, sắc mà lạnh, giọng tử tế hay hỗn hào, giọng quê hay giọng phố, giọng sang hay giọng hèn, giọng cửa quyền bề trên hay giọng khiêm nhường kẻ dưới, giọng hách dịch, giọng dọa nạt, giọng mơn trớn, giọng ve vuốt, giọng ngọt ngào, giọng chanh chua đanh đá…, mỗi giọng là một thái độ, một tâm trạng, thể hiện mục đích mà chủ thể hướng tới cho chuỗi phát ngôn của mình. Giọng làm nên khác biệt, là cơ sở của cái sống trong cốt cách nghệ thuật của nghệ sĩ. Với Chu Văn Sơn, dù trong nghiên cứu, phê bình, trong giảng dạy hay trong sáng tác ta đều thấy ở ông một giọng luận giải đằm thắm, thiết tha mà ân cần. Chu Văn Sơn bày tỏ một thái độ “ân iu” trước cuộc đời và thơ ca của Xuân Quỳnh- cánh chuồn trong giông bão. Luận về hệ mĩ học của thơ ca thời chiến, Chu Văn Sơn cũng thể hiện một giọng điệu rất ân cần, không phê phán hay phủ nhận kịch liệt. Từng lời của ông toát lên vẻ đằm thắm của người đã thấu hiểu thực sự tâm tính, cốt cách của một thời đại thi ca: “… khi Tố Hữu tuyên bố: “Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy”, thì gần như một mĩ học của thơ Việt thời chiến đã được xác lập. Đó là thời lên ngôi của những “câu thơ lửa cháy”. Trong “thơ lửa cháy”, loại tình cảm cháy bỏng của con người công dân được ưu tiên (đặc biệt là yêu với căm); dạng tư tưởng sắt đá được nhấn mạnh (minh họa cho ý thức hệ); vẻ đẹp của cái hùng soán ngôi (cái phi thường trở thành phổ biến); loại hình tượng dồi dào và sắc nét được đề cao (chi tiết ngồn ngộn, đường nét khúc chiết, hình khối góc cạnh, sắc màu chói gắt - gam nóng của máu lửa bao trùm, thực lấn át ảo); giọng điệu có thể bi (ca) nhưng lĩnh xướng, hợp xướng vẫn là tráng (ca); ngôn ngữ có thể mềm, nhưng hệ lời chủ vẫn là rắn rỏi, khắc tạc, hô hào... Đó là những bình diện mĩ học cơ bản của thơ thời chiến. Tạm gọi là mĩ học của sự rành rẽ gắt gao. Nó thuộc phạm trù Cái Đậm. Không thế, làm sao có thể là “những câu thơ lửa cháy”? (Trúc Thông - Ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ). Giọng tha thiết ân cần, luận giải đằm thắm này ta sẽ gặp nhiều hơn, đậm hơn trong những tùy bút, tản văn của ông. Hãy đọc lại một lần nữa, Đà Lạt của tôi, Kiếp tượng nhà mồ, Góc khuất hoa thầm, Phận hoa bên lề, Lỗi hẹn với hoa ban, Ở đầm vạc viết cho cò… chúng ta sẽ nhận ra chất giọng rất riêng ấy của Chu Văn Sơn. Tư duy khúc chiết hiện lên thành những lời luận giải mẫn tiệp, còn cái tình ấm áp chân thành giữ cho giọng điệu tha thiết mà đằm thắm. Với Chu Văn Sơn, giọng điệu ấy chính là khí chất của con người ông, làm nên cốt cách, làm nên thái độ ứng xử của ông với vạn vật, văn chương và cuộc đời.
Tuy vậy, hành trình sáng tạo vẫn chưa phải đã hoàn kết. Khi đã có giọng, nghĩa là anh đã lựa chọn được thái độ để tiếp cận đối tượng. Điều cuối cùng mà chủ thể có thể làm, phải làm chính là tìm ra chữ, tìm được hình hài cho Ý - Tình - Giọng. Trong quan niệm của Chu Văn Sơn, cái đẹp là cái sống, những con chữ cũng phải sống động… Chữ phải đúng - trúng - hay- giàu sức biểu cảm, giàu nhịp điệu, làm hiện hình đối tượng, nổi hình nổi nét, linh động có hồn, say sưa phiêu cảm, lay động hồn người, thâm nhập vào linh cảm, giác quan của người. Ta biết vì sao ông trở đi trở lại với một bản thảo hàng chục năm trời. Ta hiểu vì sao còn một hơi thở mạnh ông còn chưa buông thôi ý nghĩ hoàn thiện thêm những con chữ của mình. Chu Văn Sơn đã đi từ yêu chữ đến kính chữ, và cuối cùng là sợ chữ. Bởi thế, mỗi lựa chọn chữ nghĩa của ông đều là kết quả của một quá trình khổ nhọc, cân nhắc, đắn đo. Có một sự thực là, đọc các bài viết của ông, người ta khó tìm thấy những câu, những chữ dư thừa, non lép về nghĩa hay các sắc thái biểu đạt khác. Công phu chữ nghĩa của Chu Văn Sơn như thế bắt nguồn từ xác tín: cái đẹp là cái sống. Mỗi con chữ đều có sinh mệnh, nhất là khi nó đứng trong một cấu trúc mang tính hoàn bị như nghệ thuật ngôn từ. Chữ cần có năng lượng để sống đời của nó, để triển hoạt cho tận cùng, tận độ các sắc thái của ý tình và giọng điệu, của thái độ và tư tưởng: “Tiếng chuông rền làm tổn thương hoàng hôn. Bước chân mau làm tổn thương những con đường. Gót giày khua làm tổn thương lối ngõ. Nếp áo nhàu làm tổn thương bao ấp iu của gió. Vệt lá lăn làm tổn thương thảm rêu nhung ẩm ướt bên thềm. Ngòi bút sắc làm đau trang giấy. Nét mực hoen làm đau con chữ gầy. Câu thơ suông làm tổn thương ánh đèn tri kỉ. Giọng ca trơn làm tổn thương điệu nhạc say đắm. Ngón tay bấm bâng quơ làm tổn thương bao âm giai ẩn trong mỗi phím đàn. Lần lỗi hẹn làm đau điểm hẹn. Cái bắt tay ơ hờ làm đau nhịp tim sâu. Nụ cười tắt mau làm tổn thương những thắc thỏm mong cầu. Tiếng thở dài làm tổn thương ánh nhìn ngân ngấn. Thoáng chau mày làm đau giọt mồ hôi lau vội lúc cuối ngày” (Nên bị gai đâm). Vì yêu chữ, kính chữ, sợ chữ, Chu Văn Sơn lại càng ân cần nâng niu con chữ, càng tha thiết đắm say với mỗi từ mỗi nhịp. Những con chữ làm hiện hình cái đẹp, cái sống và tự thân chữ cũng đẹp đến mê lòng.
Quả thật, như có lần Chu Văn Sơn đã viết, không có quan niệm đẻ ra tài năng, chỉ có tài năng đẻ ra quan niệm. Cuộc đời và văn chương của Chu Văn Sơn đã “bảo hành”, “bảo hiểm” cho quan niệm cái đẹp là cái sống của ông. Giữa những đêm dài không ngủ, giữa cơn đau triền miên, giữa biết bao âu lo, khi mọi thứ bỗng nhạt nhòa hư ảo, khi kí ức trở nên mông lung, thi thoảng ánh mắt thầy rực lên, lấp lánh và nụ cười nhẹ nhõm thoảng bay trên môi, tôi hiểu rằng, xác tín máu thịt kia đang cựa mình trỗi dậy và lời thầy vẫn ấm áp bên tai: Phải sống động hơn
N.T.T