Thứ Bảy, 02/11/2019 16:25

Chùm truyện rất ngắn của Trung Quốc

Tháng chạp, mùa đông như một cái quạt gió cũ kĩ, thổi những cơn gió khô ráp từng đợt không dứt, cái rét như cắt da cắt thịt. Chúng tôi túm tụm cả lại trong căn nhà thuê, người thì cuộn tròn trong chiếc áo bông,...

 

Ca cấp cứu thành công

. Truyện ngắn của Phàn Phát Giá, Trung Quốc

Ngày 31 tháng 12 năm 1989.

Đêm khuya. Trong một phòng bệnh tại một bệnh viện.

Giám đốc Chu của Xưởng sản xuất cán nguội đứng ngồi không yên, cứ chốc chốc lại đưa tay lên nhìn đồng hồ, lòng ông như lửa đốt dõi theo một bệnh nhân đang nằm hôn mê trên giường bệnh.

Nửa tháng trước, thành phố có thông báo sau Tết sẽ tổ chức Hội nghị giao lưu kinh nghiệm dây chuyền sản xuất an toàn, biểu dương các đơn vị tiên tiến. Xưởng sản xuất cán nguội của ông Chu được chỉ định có bài phát biểu quan trọng trong cuộc họp ấy.

Giám đốc Chu lập tức cho gọi những nhân viên ưu tú lên, trực tiếp giao nhiệm vụ soạn thảo bài phát biểu và giám sát rất cẩn thận. Mọi người đã làm việc rất nỗ lực và qua 10 ngày 10 đêm, cuối cùng họ đã thảo xong được một bài phát biểu cả chục ngàn chữ. Trong bài phát biểu giới thiệu rất tỉ mỉ về tư tưởng chỉ đạo cơ bản của xưởng sản xuất, đó là: Trong năm, xưởng không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào. Ngoài ra, bài phát biểu còn đề cập đến những kinh nghiệm để đảm bảo an toàn lao động. Giám đốc Chu sẽ đích thân đọc bài phát biểu này tại hội nghị.

Vậy mà, trong giờ phút hết sức quan trọng ấy, ở xưởng sản xuất của ông lại xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn lao động đến vậy!

Bệnh nhân vẫn chìm trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã tiến hành truyền máu, tiêm, tiếp ô xy... Nhưng, tất cả dường như đều không chút tác dụng!

Giám đốc Chu khẩn cầu bác sĩ: “Bác sĩ à, mong ông hãy nghĩ trăm phương ngàn kế giúp tôi, làm sao để kéo được sự sống cho bệnh nhân này, chỉ cần ông ấy không chết trong năm nay là được. Nếu được như vậy, xưởng chúng tôi sẽ gửi 1 vạn đồng để cảm ơn bệnh viện”.

Trên giường bệnh, bệnh nhân vẫn nhọc nhằn từng đợt thở thoi thóp! Xung quanh, mười mấy bác sĩ và y tá vẫn túc trực.

Thời gian trôi đi từng giây chậm chạp. Bầu không khí trong phòng bệnh vô cùng căng thẳng.

Và… bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng. Tiếng khóc của người thân nức nở, vảng vất trong đêm tối.

Giám đốc Chu và các bác sĩ, mọi người không hẹn mà cùng giơ tay lên nhìn đồng hồ. Kim đồng hồ lúc đó chỉ đúng 0 giờ 1 phút.

“Tốt rồi, tốt quá rồi!”, Giám đốc Chu vô cùng xúc động, ra bắt tay từng vị bác sĩ: “Cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm!”

Đẹp sao những mái đầu trọc

. Truyện ngắn của Trần Chấn Lâm, Trung Quốc

Trong giờ vật lý tại phòng học của học sinh lớp 8 một ngôi trường phía Đông thành phố Seattle, nước Mỹ, thầy Dark hôm nay lên lớp không giảng về hiện tượng cảm ứng điện từ như mọi ngày, mà lại chăm chú nói về câu chuyện mái đầu trọc. Thầy Dark hướng về phía các em học sinh với ánh nhìn đầy phấn khởi:

“Các em thân mến, các em có để ý thấy không? Những mái đầu cắt trọc thực ra rất đẹp đấy nhé! Vừa mát mẻ dễ chịu, nhìn trông lại sạch sẽ gọn gàng nữa. Ai để kiểu đầu này thì hàng ngày không phải bận tâm chuyện chải đầu, gội đầu, như vậy có thể bớt đi những lo lắng phiền não, khi xức dầu thơm, muốn sáng thế nào thì được thế ấy, nhất là khi đội thêm chiếc mũ nữa thì hết ý nhé...”

“Vậy chúng ta hãy cùng nhau đi cắt kiểu đầu đó đi các bạn ơi!”, Steven, một học sinh nam ngồi ghế cuối cùng cổ vũ mọi người.

“Ý của Steven hay quá! Các em, hôm nay khi học xong chúng ta cùng nhau hành động nhé!” Thầy Dark vui vẻ nói với mọi người.

Ngày hôm sau, thầy Dark với mái đầu cắt trọc, vừa bước vào lớp đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt. Thầy giáo nhìn quanh lớp một lượt. Ngoài Steven đã cắt trọc tóc, còn có năm học sinh nam và hai học sinh nữ cũng đã cắt trọc tóc. Một số học sinh khác thì đang vây quanh những em đã cắt trọc tóc, ngắm nghía rất kỹ, trong lòng tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ.

Ngày thứ ba, thầy Dark bước vào lớp, một cảm giác khác lạ ngay trước mắt. Cả lớp như sáng bừng lên. Toàn bộ 34 học sinh trong lớp đã cùng nhau cắt mái tóc trọc.

“Nếu như hôm nay Kate mà đi học, cũng cắt trọc tóc, thì thật là hay quá!”, Lucy, cô bạn có dáng người nhỏ bé, thành viên học chăm chỉ nhất lớp lí nhí lên tiếng.

“Đúng thế, Kate không đến lớp đã 19 ngày rồi!”, Có ai đó trong góc lớp nói vọng theo.

Ngày thứ tư, tiết học đầu tiên, thầy Dark bắt đầu tiết học bằng câu chuyện những mái đầu cắt trọc. Khi thầy vừa viết lên bảng mấy chữ: “Vẻ đẹp của những mái đầu trọc”, thì từ ngoài cửa lớp có một giọng nói thanh thanh vọng vào: “Thưa thầy, em có thể vào lớp được không ạ?”.

Đó chính là Kate. Kate đã đến lớp với một mái đầu trọc!

“Ôi!”, tất cả mọi thành viên trong lớp đều vô cùng ngạc nhiên. Mọi người cùng đồng thanh gọi tên Kate. Kate vẫy vẫy tay cảm ơn mọi người rồi em bước về chỗ ngồi. Lúc đó, mọi người thấy trong mắt Kate ngấn lệ.

“Các em, chủ đề của buổi học hôm nay của chúng ta là: “Vẻ đẹp của những mái đầu trọc”. Các em hãy nhớ, trong ngôi trường này đang có một tập thể lớp 8 vô cùng tốt đẹp. Đó là vẻ đẹp của 35 thành viên trong lớp, và cả thầy nữa, thầy cũng rất đẹp đúng không các em? Và bây giờ, xin mời bạn Steven, người khởi xướng hoạt động này đứng lên phát biểu ý kiến.”Thầy Dark nói với vẻ đầy tự hào.

Steven chậm rãi đứng lên, em hướng về các bạn học sinh trong lớp: “Các bạn ạ, bạn Kate thân mến của chúng ta, 20 ngày trước được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Kate phải xin nghỉ học để điều trị, nhưng bệnh này cần phải hóa trị, mà hóa trị thì chắc chắn phải rụng hết tóc. Chúng ta thử nghĩ xem, Kate điều trị bệnh đã phải chịu thật nhiều đau khổ, nhưng, bạn ấy đã vượt qua những khó khăn của bệnh tật để đứng vững. Nay, mái tóc đẹp đẽ của Kate xưa đã phải nhường chỗ cho một mái đầu trọc. Nếu như chỉ mình Kate với mái đầu trọc bước vào lớp, thử hỏi bạn ấy sẽ phải chịu thêm bao nhiêu áp lực nữa? Vì thế, với sáng kiến của thầy Dark, tôi, Ross, John, Jack và một số bạn nữa đã nghĩ rằng, nên chăng tất cả chúng ta cùng để mái tóc trọc...”

Không đợi Steven nói hết, cả lớp vang lên đồng thanh: “Tóc trọc thật đẹp biết bao, tóc trọc đẹp lắm!”

Tuyết rơi mùa đông năm ấy

. Truyện ngắn của Liên Tuấn Thành, Trung Quốc

Tháng chạp, mùa đông như một cái quạt gió cũ kĩ, thổi những cơn gió khô ráp từng đợt không dứt, cái rét như cắt da cắt thịt.

Chúng tôi túm tụm cả lại trong căn nhà thuê, người thì cuộn tròn trong chiếc áo bông, người thì chùm lấy chăn co ro trong căn phòng thuê, vừa hút thuốc, vừa chơi bài chờ ông chủ về phát lương. Hơn nửa năm ra ngoài bôn ba kiếm sống nhưng chúng tôi chỉ mới nhận được tiền 3 tháng lương. Ông chủ nói ông ấy cũng không lấy được tiền vì cũng đang phải đi đòi tiền nhà cung cấp. Ông chủ đi mấy hôm rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng quay về. Chúng tôi chỉ còn biết đợi, kiểu chờ đợi này đã xảy ra nhiều lần rồi. Nhưng ngoài chờ đợi ra, chúng tôi còn biết phải làm gì.

Chiều hôm đó, chúng tôi đang ngồi đánh bài thì thấy Hồ Tiểu Binh ôm chăn chạy đến bên cạnh tôi. Cậu ấy mời tôi một điếu thuốc rồi thủ thỉ: “Chú, chú hút thuốc đi!”. Tôi nói tôi có thuốc rồi nhưng Hồ Tiểu Binh vẫn cứ cố nhét vào tay tôi rồi còn châm lửa luôn cho tôi hút.

Đây là năm đầu tiên Hồ Tiểu Binh theo bố ra ngoài đi làm công nhân. Mấy tháng trước bố cậu ấy bị rơi từ giàn giáo xuống gãy chân nên phải nghỉ làm và quay về quê. Tôi nghĩ chắc cậu ấy có chuyện gì muốn nói. Tôi rít một hơi thuốc dài rồi hỏi: “Có việc gì không Tiểu Binh?” Hồ Tiểu Binh cứ cười khà khà, giọng ngại ngùng: “Không có gì đâu chú ạ!”

Tôi lấy ra nửa bình rượu mời cậu ấy một chén: “Uống không?” Hồ Tiểu Binh vẫn cười ngại ngần. Cậu ấy đón lấy chén rượu rồi nhấp một ngụm. Tôi cũng uống một ngụm, trong ngực nóng lên rừng rực. Ở cái thành phố lạnh như băng này, trong một ngôi nhà cũng lạnh không kém, nếu như không có chén rượu, chắc chúng tôi cũng đông cứng lại mất. Hồ Tiểu Binh nhấm nháp chén rượu rồi dè dặt nói với tôi: “Chú à, chân của bố cháu hỏng rồi. Lúc đầu cứ nghĩ không nặng lắm, ai dè càng để càng nặng hơn chú ạ!”. Tôi cũng không biết phải nói thế nào để chia sẻ với cậu ấy. Hồ Tiểu Binh lại tự rót một chén rượu, nhấp giọng rồi nói: “Tháng trước cháu có điện thoại cho mẹ nói sẽ gửi về 1000 đồng, nhưng cháu trót tiêu lãng phí vào tiền để dành rồi, cháu không biết lấy đâu ra đủ tiền để gửi về nhà đây chú ơi!”. Tôi bực quá, mắng Tiểu Binh: “Cái thằng này, sao lại không biết mà lo liệu gì thế?”

Trong túi tôi cũng chỉ còn vài đồng bạc. Ở quê, người lớn người bé trông cả vào đồng lương của tôi. Tuy tôi và Hồ Tiểu Binh là bà con xóm giềng nhưng cũng thật khó khăn cho tôi để quyết định bởi những đồng tiền kiếm được là biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Tôi cố kìm nén nói: “Chú cũng chẳng còn đồng nào cả, chú gửi hết về nhà rồi!” Hồ Tiểu Binh nhìn tôi trân trân, như muốn khóc rồi nói: “Chú, chú cho cháu mượn tạm 100 đồng, đợi có lương cháu gửi lại chú, nếu như ông chủ không quay lại, sang năm đi làm tháng lương đầu tiên cháu sẽ gửi lại chú ngay!”. Hồ Tiểu Binh nói liền một hơi. Mọi người trong phòng không còn nhốn nháo, mà dồn hết sự chú ý vào tôi và Hồ Tiểu Binh. Ngoài trời, gió đông bắc vẫn thổi từng đợt như cắt da cắt thịt.

Tôi bỗng thấy ngượng ngùng quá. Nhìn những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên má Hồ Tiểu Binh, tôi không nỡ lòng nào. Tôi lật giở mấy lớp áo, moi ra 200 đồng đã cất rất kĩ, nói với Hồ Tiểu Binh: “Cầm lấy đi, lúc nào đưa chú cũng được!” Nói xong, tay chân tôi như thừa thãi, vội vơ lấy chén rượu làm một hơi hết sạch.

“Hồ Tiểu Binh, cậu còn thiếu bao nhiêu tiền nữa?”, có người cất tiếng hỏi. Hồ Tiểu Binh giọng nghèn nghẹn: “Vẫn còn thiếu 300 đồng nữa!”

“Đã hứa với mẹ cậu gửi về 1000 đồng, thì nên gửi đủ, không nên gửi 500 đồng, còn thiếu bao nhiêu chúng tôi góp vào giúp cậu. Đừng chê ít nhé, đây là 50 đồng của tôi!”.

Từng cánh tay thô ráp, nứt nẻ bắt đầu lôi ở trong túi ra những đồng tiền nhăn nhúm, nhàu nhì. Họ dồn cả lại rồi nhét vào tay Hồ Tiểu Binh. Hồ Tiểu Binh khóc, miệng không ngừng cảm ơn mọi người.

Tôi bỗng thấy mắt cay xè. Xa nhà đi làm bao lâu nay, chưa bao giờ tôi thấy xót xa như vậy. Nhìn ngoài trời, những bông hoa tuyết vẫn không ngừng bay theo gió. Trời gió to quá, tuyết rơi ngày càng dày, những đợt tuyết dày phủ kín mặt đất. Mấy năm ra ngoài làm tôi chưa bao giờ gặp những trận mưa tuyết lớn như vậy. Tất cả chúng tôi cùng chạy ra cửa sổ xem, ai cũng lo lắng, không biết giờ này ở quê tuyết có rơi nhiều không?

Năm đó, ông chủ không quay về phát lương. Chúng tôi khăn gói ra ga tàu để về quê. Những bông hoa tuyết vẫn như đuổi theo chúng tôi bên ngoài cửa sổ con tàu.

Tôi gặp mẹ Tiểu Binh ở quê, bà bảo với tôi: “Cảm ơn cháu, thằng Binh đi ra ngoài làm may mà có cháu giúp đỡ đấy!” .

Tôi ngượng ngùng quay đi, ngoài trời, những bông hoa tuyết vẫn rơi trắng xóa.

TƯỜNG VY dịch từ bản tiếng Trung