Thứ Năm, 17/12/2020 10:39

Chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ

Đằng sau mỗi cuốn sách, mỗi trang nhật kí là những tâm tư tình cảm sâu kín, những khát vọng và sự dấn thân của các anh hùng liệt sĩ. Cũng ở đó ta thấy được rõ hơn lí tưởng mà họ theo đuổi, phấn đấu, cho dù có phải hi sinh.

 Tối 16/12/2020 tại Hà Nội, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tổ chức chương trình Kiên cường Việt Nam, hướng đến kỉ niệm 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 15 năm sự kiện văn hóa - xuất bản Nhật kí Đặng Thùy Trâm Mãi mãi tuổi 20.

Chương trình thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ và tri ân công lao các thế hệ đi trước đã hi sinh để bảo vệ và xây dựng nền độc lập, tự do cho Tổ quốc; giáo dục lịch sử, truyền lửa cho thế hệ sau, cùng đưa thế hệ trẻ trở về với những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc.

Kết nối giữa lịch sử và hiện tại bằng những việc làm ý nghĩa, nhân văn; tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ thực hiện ước mơ và khát vọng cống hiến cho đất nước, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 trong hơn 15 năm qua đã và đang giữ trọn con đường, hướng đi của mình. Và trong chương trình Kiên cường Việt Nam, hành trình của họ đã được tôn vinh và lan tỏa.

Các khách mời giao lưu tại chương trình.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng LLVTND, tiến sĩ Khoa học quân sự, nguyên tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20 chia sẻ: Trong suốt chặng đường của mình, Quỹ luôn hướng đến tri ân các đồng đội đã ngã xuống, giúp đỡ người có công với cách mạng, giúp đỡ những người nghèo. Bên cạnh đó, quỹ ra cuốn sách Nhật kí thời chiến Việt Nam với nhiều ý nghĩa to lớn. Có những nội dung bây giờ mới được chúng ta biết đến, những lá thư, nhật kí, bài thơ… mà những liệt sĩ để lại khiến chúng ta cảm động và suy nghĩ rất nhiều. Ở đó là cuộc sống của người lính với rất nhiều trăn trở, phía trước là kẻ thù, phía sau là hậu phương. Tình yêu với gia đình, quê hương và tinh thần chiến đấu vì đất nước đã được thể hiện chân thực nhất qua mỗi trang sách. Sức mạnh Việt Nam qua đó đã được khẳng định và tôn vinh.

Nối tiếp và tri ân hành trình mà cha anh để lại, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 luôn tìm đến những địa chỉ đỏ ở mọi miền đất nước để tiếp sức với những hoạt động ý nghĩa. Bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ xúc động chia sẻ: Trên hành trình nhiều ngàn kilomet của mình, chúng tôi đã chứng kiến muôn vàn những câu chuyện, những số phận cảm động để chúng tôi thêm trân trọng công việc mình và mọi người đang làm. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid hoành hành, chúng tôi đặt chân đến một trạm biên phòng xa xôi. Chúng tôi có mặt khi chỉ ngày mai thôi là các anh không còn gì để ăn nữa. Công việc nơi tuyến đầu hết sức vất vả, gian khổ. Người trạm trưởng bị ung thư, đã có lệnh của cấp trên cho anh về chữa trị nhưng anh vẫn còn ở đó, chưa rời vị trí của mình.

Tiết mục văn nghệ "Dậy mà đi"  của các sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Sau 15 năm, hai cuốn sách Nhật kí Đặng Thùy TrâmMãi mãi tuổi hai mươi đến với công chúng, sự lan tỏa cũng như giá trị của hai cuốn sách là điều chúng ta khó lòng nói hết. Đằng sau mỗi cuốn sách, mỗi trang nhật kí là những tâm tư tình cảm sâu kín, những khát vọng và sự dấn thân của các anh hùng liệt sĩ. Cũng ở đó ta thấy được rõ hơn lí tưởng mà họ theo đuổi, phấn đấu, cho dù có phải hi sinh.

Cựu chiến binh Huỳnh Đoàn Sang - nhân vật xuất hiện trong cuốn nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã vượt cả ngàn cây số để có mặt trong chương trình và nói về người nữ anh hùng liệt sĩ. Với tấm lòng lương y như từ mẫu, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã cứu sống ông trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, khi ông là một bệnh nhân nặng. Để biết ơn, ghi nhớ những ân nghĩa của người nữ bác sĩ, ông Sang đã đặt tên con gái đầu lòng của mình là Thuỳ Trâm.

Cũng trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ công bố hai kỉ lục quốc gia tôn vinh giá trị bộ sách Nhật kí thời chiến Việt Nam. Đại diện Tổ chức Kỉ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỉ lục, tôn vinh Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đơn vị thực hiện cuốn sách và nhà văn Đặng Vương Hưng người chủ biên cuốn sách.

Nhà văn Đặng Vương Hưng bày tỏ: Để có được niềm vinh dự này, chúng tôi biết ơn các gia đình thân nhân liệt sĩ đã cũng cấp tài liệu, tư liệu, cảm ơn các tác giả đã cùng góp phần thực hiện cuốn sách này. Giá trị của bộ sách là tính trung thực. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều số phận trong cuốn sách. Ở đó là máu và nước mắt, là số phận của dân tộc.

TÙNG PHƯƠNG