Thứ Tư, 03/06/2020 09:18

Chuyến tàu quân sự

Sau hai tháng huấn luyện tại xóm 6, Phù Vân (Kim Bảng, Hà Nam) với mấy bài điều lệnh, mấy khoa mục chiến thuật đơn giản, bắn ba viên đạn CKC, ném một quả lựu đạn nhựa, chương trình huấn luyện tân binh kết thúc.

.NGUYỄN VŨ ĐIỀN

Sau hai tháng huấn luyện tại xóm 6, Phù Vân (Kim Bảng, Hà Nam) với mấy bài điều lệnh, mấy khoa mục chiến thuật đơn giản, bắn ba viên đạn CKC, ném một quả lựu đạn nhựa, chương trình huấn luyện tân binh kết thúc. Bộ đội nhận lệnh hành quân di chuyển về phía nam thị xã Phủ Lý. Chúng tôi mang theo toàn bộ quân tư trang trên lưng đi bộ qua thị xã, sau đó vượt đường tàu, đi theo hướng Nam Định, về đóng quân ở một nơi có tên là Động, thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Làng chúng tôi đóng quân là làng đạo toàn tòng. Giữa làng có một nhà thờ lớn xây kiểu gothic giống như bao nhà thờ khác. Dân làng là những người nông dân chất phác, vào chủ nhật hằng tuần, từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả kéo nhau đến nhà thờ nghe cha xứ giảng đạo. Đã từng nghe bài hát Chuyện tình Lan và Điệp, lại được xem bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, một bộ phim truyện rất hay thời đó, nên tôi trộm nghĩ con gái làng đạo đẹp lắm, nhất là đôi mắt. Nhiều lần tôi cố nhìn trộm mấy cô gái làng xem có đẹp thật không nhưng không thể được, bởi mỗi khi ra đồng, các cô dùng khăn bịt kín mặt, dùng xà cạp quấn lên tận đùi. Bữa đi gặt giúp dân, có mấy cô làm cùng, lúc giải lao họ bỏ khăn che mặt ra, nhưng tôi cũng chưa thấy ai đẹp. Có lẽ, họ lam lũ, vất vả quá nên cái đẹp giấu hết vào trong rồi. Những ngày này, cảm giác xa trường, xa lớp nhiều lúc khiến tôi thấy bâng khuâng. Rồi đôi khi chợt nhớ cả mấy cô bạn cùng lớp nữa. Đám sinh viên Hà Nội ngày đó truyền nhau một câu “quỷ Bách khoa, ma Tổng hợp”, ý nói con gái Trường Bách khoa và Trường Tổng hợp xấu lắm, thuộc diện “ma chê quỷ hờn”, chẳng ai thèm tán. Khi tôi học cùng các bạn, tôi còn rất nhỏ, nhỏ tuổi nhất lớp, nên tôi cũng chẳng để ý xem ai xấu ai đẹp, tôi chỉ thấy cách ăn mặc của họ thật khiêm nhường, trang phục phổ biến là áo lon trắng, quần sa tanh Nam Định. Mùa đông, họ mặc thêm chiếc áo mút cổ lọ màu đỏ và chiếc đại cán kaki khoác ngoài. Do đã hết khoa mục huấn luyện nên những ngày ở Động, bộ đội chủ yếu đi gặt giúp dân chạy lụt. Năm đó nước to lắm, lúa đã chín mà nước cứ mênh mang, ngập trắng đồng. Bộ đội được huy động tham gia cùng bà con cố cứu lấy những gì có thể trước khi hạt thóc nảy mầm. Cầm cái liềm, hai tay thò xuống nước, quơ bừa mấy ngọn lúa phất phơ, mặt cứ phải ngửa lên kẻo nước vào miệng, thỉnh thoảng lại phải để ý đến mấy con đỉa ngoe nguẩy trong nước, thấy nó bơi về hướng mình thì cố đuổi đi. Vậy mà hầu như ngày nào cũng bị mấy con bám vào cắn, lúc gỡ ra, máu chảy dọc ống chân thành dòng đỏ tươi, trông thật ghê sợ. Lúa gặt lên được đưa đến sân kho hợp tác, rồi tung vào miệng một chiếc máy gặt đập liên hợp do Liên Xô viện trợ nổ máy rền rĩ suốt ngày đêm. Đối với tôi thì đây là công cụ sản xuất hiện đại nhất mà tôi được nhìn tận mắt lúc ấy. Bao nhiêu lúa đưa vào cũng không xuể với sức cuốn của nó. Khác hẳn hồi còn bé, tôi phải đập lúa trên cái cối đá lỗ bằng chiếc néo tre, cứ kì cà kì cạch, đập mãi vẫn không hết một đon. Tôi thầm nghĩ ngày đi học, những bài kinh tế chính trị và đường lối do Đảng ta xác định tại Đại hội IV về “tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kĩ thuật, cách mạng văn hóa tư tưởng - trong đó cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt” thật chính xác. Nếu không có cách mạng khoa học kĩ thuật, cứ đập lúa bằng cái cối đá lỗ và mấy cái néo thì biết bao giờ mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.

Vì làng chúng tôi đóng quân gần đường sắt nên hầu như ngày nào cũng có những chuyến tàu quân sự chở đầy lính xuôi vào phía Nam, có ngày hai, ba chuyến. Sắc xanh áo lính choán hết các khoang cửa sổ con tàu, những bàn tay huơ lên tiễn biệt làng quê vùn vụt trôi qua, khiến chúng tôi có cảm giác thật tự hào, nhưng cũng thấy có điều gì trăn trở, chẳng hiểu chiến sự trong đó thế nào mà quân đội đưa vào Nam nhiều lính thế không biết. Chúng tôi ao ước đến một ngày mình cũng sẽ là hành khách trên một chuyến tàu như thế. Chứ đợi mãi thế này, chờ mãi thế này ai cũng sốt ruột, cũng mong ngóng. Một nỗi niềm thật mông lung, bởi số phận mình thế nào thì ai biết.

Có một chuyện mà tôi nhớ mãi đến giờ. Đó là một ngày chủ nhật, bọn tôi được nghỉ nên mấy thằng rủ nhau ra Phủ Lý chơi. Trên đường về, lúc đi dọc đường tàu, bước giữa những thanh tà vẹt, tôi bỗng nhìn thấy một chiếc ví nhỏ. Lúc mở ra, cả bọn sững sờ bởi trong đó không có giấy tờ gì mà chỉ có tiền, 5 đồng 7 hào. Không biết của ai rơi nhỉ? Chắc hẳn là của khách đi tàu. Thời đó, nạn trộm cắp trên tàu rất kinh khủng, nên biết đâu, đây có thể là chiếc ví bọn trộm lấy của khách rồi bị rơi? Cũng có thể, đây là số tiền duy nhất của một chàng lính trên một đoàn tàu quân sự? Nếu vậy thì khổ anh ta quá... Nhưng dù là của ai thì giờ cũng biết đâu mà trả. Cả tiểu đội bàn nhau và quyết định sẽ dùng số tiền đó để liên hoan với lí lẽ cũng là sự “đóng góp” của khổ chủ để nuôi quân!

Rồi cái ngày chúng tôi chờ đợi cũng đến, thậm chí nó đến quá đột ngột, khiến chúng tôi cảm thấy sững sờ. Tối 30/11/1978, tiểu đoàn tổ chức họp quân chính và phát phụ cấp tháng 12. Ai cũng ngờ ngợ, thấy có gì đó bất thường, bởi những tháng trước phải mùng 4, mùng 5 mới có phụ cấp, sao tháng này lại phát sớm thế? Áy náy chút thôi chứ với lính, cứ có phụ cấp sớm ngày nào hay ngày ấy, có tiền là vui rồi. Sáng hôm sau, mới 6 giờ đã nghe kẻng báo động, chiếc kẻng làm bằng vỏ bom Mĩ treo ở sân kho hợp tác xã kêu dồn dập đến inh tai nhức óc. Sau tiếng kẻng là những hồi còi dài của các cậu tiểu đội trưởng chạy đến từng nhà nhắc anh em bộ đội mang hết tư trang ra địa điểm tập hợp để di chuyển đơn vị. Tôi gọi là các cậu tiểu đội trưởng vì khi ấy, đội ngũ cán bộ tiểu đội, trung đội của các đơn vị huấn luyện hầu hết mới học hết lớp 7, ít tuổi hơn bọn tôi, mặt còn non choẹt nên toàn gọi những thằng lính sinh viên bọn tôi là anh.

Lính tráng lốc thốc khoác ba lô chạy ra sân hợp tác. Đến nơi đã thấy mấy chiếc xe tải đậu sẵn, mấy ông sĩ quan lạ hoắc, đeo chéo vai chiếc xà cột Liên Xô, súng ngắn trễ hông, cầm quyển sổ tay chạy đi chạy lại, rồi thì thầm vào tai mấy ông cán bộ tiểu đoàn những điều gì đó có vẻ bí mật lắm. Đi rồi... tất cả đều đoán vậy, nhưng nào biết ai đi, ai ở và biết là đi đâu. Rồi một danh sách dài được xướng lên. Đến tên ai thì người đó rời khỏi hàng quân, lên xe. Khi mấy chiếc xe đã đầy người mà chưa thấy cậu lính sinh viên nào bị gọi, ai cũng chắc mẩm mình không có tên trong danh sách phải đi đợt này. Thế rồi, tiếng đại đội trưởng dõng dạc: Sáu bảy, Nguyễn Văn Dục! Sáu tám Nguyễn Vũ Điền! Có. Tôi hô to. Hai tai ù đặc, không hiểu điều gì sẽ đón đợi mình phía trước, nhưng một cảm giác rất lạ, thật bâng khuâng, như không trọng lượng bỗng xuất hiện trong đầu. Bước ra khỏi hàng quân, tôi ngoái nhìn đồng đội. Mười ba thằng lính cùng trường vây lấy tôi. Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hồng Cổn (khoa Văn), Nguyễn Trí Sơn (khoa Sử), Nguyễn Văn Hợp (khoa Sinh)... và tất cả những thằng lính cùng thời, xuất thân từ sinh viên Tổng hợp. Chúng ôm ghì lấy tôi, nắm tay tôi, dặn dò rất nhiều điều nhưng tôi chẳng biết là dặn cái gì nữa. Rồi tất cả, ai cũng đưa tiền cho tôi, cậu dúi vào tay, cậu nhét vào túi. Tôi không nỡ chối từ dù biết đó là những đồng phụ cấp anh em vừa được nhận đêm qua, nay dành hết cho tôi. Thằng Bình quấn lên cổ tôi chiếc khăn len màu xanh. Một thằng dúi cho tôi một con dao găm nhỏ và thủ thỉ vào tai: “Cẩn trọng nhé. Không có chúng tao ở cạnh đâu”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Xe chạy. Những bàn tay vẫy mãi đến lúc đoàn xe khuất hẳn, hòa vào dòng phương tiện trên quốc lộ, ngược về hướng Phủ Lý mới thôi. Khi lục hết các túi, đếm lại số tiền các bạn cho, tôi phát hoảng bởi số tiền nhiều quá, tất cả được sáu tư đồng, thiếu một đồng là bằng 13 tháng phụ cấp binh nhì. Vậy là các bạn đã dành cho tôi toàn bộ số phụ cấp đêm trước được nhận. Tôi thực sự cảm động nhưng cũng vô cùng áy náy. Nếu biết chúng nó cho nhiều thế này tôi sẽ không dám nhận hết, mà sẽ trả lại cho chúng một phần. Cho tôi thế này thì tháng này chúng nó tiêu bằng gì?

Đoàn xe chạy thẳng vào sân khấu ngoài trời giữa thị xã Phủ Lý, chẳng ai nói với chúng tôi điều gì. Họ phát cho mỗi thằng một cái bánh mì và một bình tông nước rồi khóa hai cánh cổng lại. Ngồi ở bậc khán đài, thằng nào cũng lấy giấy bút ra rồi tì lên nắp ba lô, ghi nhanh lá thư về nhà. Thời gian gấp lắm, chẳng biết sẽ lên tàu lúc nào, nên ai cũng cố gắng viết vội mấy dòng ngắn ngủi với những nét chữ nguệch ngoạc. Cũng chẳng biết sẽ đi đâu nên chỉ báo tin cho gia đình là chúng con đang chờ tàu đến đón, khi đến đơn vị mới, con sẽ báo tin sau. Viết xong, nhìn qua ô cửa bán vé bé xíu, gọi với những người dân đang đạp xe qua đường, rồi thò tay ra đưa thư, nhờ họ chuyển giúp. Nhiều thằng không có tem, còn nhờ họ mua tem dán hộ. Những người dân Phủ Lý thật hiền lành, tốt bụng, họ biết những người lính sắp lên đường chiến đấu nên rất sẵn lòng giúp đỡ, ai cũng vui vẻ nhận lời và hứa sẽ chuyển ngay thư ra bưu điện. Ngồi suốt buổi chiều trên những bậc bê tông không có mái che mà chẳng thấy ai phổ biến điều gì, đành cứ dài cổ mà đợi. Mãi mười một giờ đêm, hai cánh cổng của sân mới được mở. Quân cảnh vào tận sân đôn đốc anh em chúng tôi sang ga để lên tàu. Chúng tôi đi giữa hai hàng quân cảnh như đi giữa hai hàng tiêu binh, lòng thấy kiêu hãnh, tự hào xen lẫn hồi hộp. Những chiến sĩ kiểm soát quân sự khoác súng, đeo băng đỏ chặn hai đầu quốc lộ 1 để đoàn quân cắt ngang, sang ga. Hai đầu đường, những người dân bị chặn lại nhưng vẫn vui vẻ vẫy chào những người lính qua đường. Một đoàn tàu quân sự chở đầy lính, giống như những đoàn tàu chúng tôi đã nhìn thấy mọi hôm đang đỗ trên sân ga, những tiếng gọi nhí nhéo, tiếng rao của những người bán hàng rong cứ ơi ới dọc thân tàu. Những người lính nhảy qua cửa sổ tàu xuống ga mua bán gì đó rồi lại vội vàng trèo lên trở về vị trí trước khi con tàu chuyển bánh. Mùi khai của nước tiểu, của các loại rác thải lâu ngày không dọn thoang thoảng trên sân ga... Sau khi nuốt thêm hơn trăm người lính ở Phủ Lý, cái đầu tàu già nua đen sì rúc lên mấy hồi còi inh ỏi, thở phì phò như con ngựa già bắt đầu xình xịch chuyển bánh, mang chúng tôi vượt trời đêm hướng về phía Nam.

Sau mấy ngày đêm trên tàu, ngắm phong cảnh quê hương đất nước qua cửa sổ con tàu mà lần đầu tiên tôi được trải nghiệm, tôi càng hiểu đất nước mình dài rộng và đẹp thật. Thời đi học, tôi rất yêu môn địa lí, nhưng chỉ là những kiến thức sách vở. Giờ đây, đi qua những địa danh mà suốt mấy chục năm qua tôi chỉ biết đến trong trí tưởng tượng mới thấy vô cùng thích thú. Cảm giác lâng lâng tự hào vì mình là một người chiến sĩ đang trên đường đi làm nhiệm vụ thiêng liêng, dù cho đến lúc ấy, chúng tôi vẫn không biết mình sẽ vào đơn vị nào, đóng quân ở đâu.

Đến ga Hố Nai, bộ đội được lệnh xuống tàu, di chuyển về trạm khách Long Bình. Gọi là trạm khách cho oai, chứ thực ra đó là một trạm trung chuyển bộ đội từ ngoài Bắc vào bổ sung cho chiến trường biên giới Tây Nam ngủ tạm, chờ đơn vị đến đón. Nhìn lướt thôi đã biết nơi này là một trại lính cũ của quân đội Việt Nam Cộng hòa được tu sửa lại. Sau lớp hàng rào kẽm gai đan mắt cáo, một cái cổng xiêu vẹo là mấy dãy nhà cấp bốn dài dằng dặc ngoảnh mặt về hướng Tổng kho Long Bình. Dọc lối đi giữa hai bệ bê tông dùng để làm sàn ngủ treo mấy cái bóng điện đỏ quạch và mấy chiếc quạt trần cũ kĩ đang quay loạch xoạch. Mặc dù đây là lần đầu tiên được đặt chân vào miền Nam, nhưng tôi hiểu trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Xuân Lộc và Hố Nai là những địa danh đã diễn ra những trận đánh hết sức ác liệt giữa ta và địch, bởi Đồng Nai là cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Để bảo vệ cái sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước khi sụp đổ vào ngày 30/4 lịch sử, địch đã biến nơi này thành một phòng tuyến kiên cố, nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều lực lượng cố thủ, nhằm ngăn chặn sức tiến công như vũ bão của quân và dân ta. Dân chúng ở Hố Nai cũng hết sức phức tạp. Một bộ phận là những phần tử bất hảo trong giáo dân từ Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình), Kẻ Sặt (Hải Dương) theo Pháp vào đây sau khi Hiệp định Genève được kí kết, nên họ cũng chẳng ưa gì “Việt cộng”. Nhiều kẻ điên cuồng ngăn cản bước chân của các chiến sĩ giải phóng đến phút cuối cùng của cuộc chiến. Chắc rằng không ít người lính của chúng ta đã hi sinh tại nơi đây trước ngày đất nước toàn thắng. Tổng kho Long Bình cũng là tổng kho lớn nhất của Mĩ ở miền Nam Việt Nam với bao chuyện thêu dệt của đám dân ngoài phố suốt những năm sau giải phóng. Họ đồn rằng ở tổng kho này, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi bom nguyên tử; rằng mặc dù chiếm được tổng kho rồi mà chuyên gia Liên Xô cùng các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa có cách gì mở được cửa kho ngầm. Rằng cửa kho ngầm được bảo vệ bởi nhiều lớp cửa khóa điện tử, chỉ cần mở sai mã khóa, cả kho sẽ nổ tung... Và nếu mở được cửa kho ngầm thì tất cả các loại vũ khí hiện đại của Mĩ đủ để Việt Nam đánh nhau hàng trăm năm sau không hết...

Vứt ba lô lên cái sạp nằm, tôi ra ngoài ngắm phong cảnh với tâm trạng đầy háo hức. Trong mắt thằng lính xuất thân từ một tỉnh miền núi phía Bắc vốn chỉ thấy trời, mây với những con đường ngoằn ngoèo trong sương mù thì những gì đang hiện ra trước mắt tôi vô cùng lạ lẫm và sinh động. Những mái nhà tôn lô xô hắt lên trời những vầng sáng chói lóa đủ hướng, những trảng cỏ mênh mông, những téc xăng dầu rất lớn xếp thành từng dãy, xa xa là thành phố Biên Hòa với những ngôi nhà cao tầng lừng lững... Ấn tượng nhất đối với tôi lúc đó không phải là cái gì quá ghê gớm, mà là hàng cột điện bằng gỗ đen trũi, dài và thẳng tắp, đứng thành hàng ngạo nghễ chạy cắt qua tổng kho. Ngoài miền Bắc, chẳng ở đâu có những cây cột điện giống như thế này, tôi cứ ngắm mãi mà không biết họ làm thế nào để có cái cột điện bằng gỗ đẹp như thế. Rồi có người nói mới biết, những cây cột điện này được làm từ gỗ thông mang từ Mĩ sang, được máy bóc vỏ, vo tròn và ngâm trong dầu để bảo vệ. Loại cột điện này rất bền, dễ hàng trăm năm vẫn không bị mục... Đêm hôm ấy, trong đoàn có mấy thằng rủ nhau bắt xe đò vào Sài Gòn chơi, chúng cũng rủ cả tôi. Mặc dù chưa hề biết Sài Gòn, chưa một lần được nhìn thấy “hòn ngọc Viễn Đông”, cũng ham lắm, nhưng tôi không dám liều, sợ lỡ xảy ra chuyện gì không hay. Ám ảnh về một xã hội hỗn loạn trong những năm sau giải phóng khiến tôi chưa đủ can đảm để đi cùng chúng nó.

Tha thẩn cùng mấy thằng lính ra cổng ngắm phố phường một lát rồi lên phản nằm mà cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ khiến tôi muốn khóc. Trong ánh đèn điện đỏ quạch không đủ sáng, nhìn lên tường, thấy rất nhiều dòng chữ viết nguệch ngoạc: “Đoàn Nam Định 15/8/78”, “Đoàn Nghệ An 18/8/78”, “Đoàn Thanh Hóa...”, “Đoàn Thái Bình...”. Chúng tôi biết, đó là ngày những đoàn tàu chở bộ đội từ các tỉnh ngoài Bắc vào nghỉ tại trạm khách này trước khi bàn giao cho các đơn vị phía Nam. Thế mới biết, đã có không biết bao nhiêu đoàn tàu quân sự đưa bộ đội từ miền Bắc vào để bổ sung cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nam những ngày cuối năm 1978. Một thằng lính trong đoàn đang nằm ở dãy đối diện nhổm dậy, tìm một viên than hoa dưới đất rồi ghi lên tường: “ĐOÀN HÀ NỘI NGÀY 05/12/1978”. Đó là ngày cuối cùng chúng tôi trên đất Việt. Sáng hôm sau, gần một chục chiếc xe Zil 130 nhuốm đầy bụi đỏ đưa chúng tôi về hướng tây, theo quốc lộ 13 qua tỉnh Sông Bé, vượt cửa khẩu Hoa Lư sang đất Campuchia. Đó là chuyến “xuất cảnh” đầu tiên trong đời tôi, chuyến xuất cảnh không hộ chiếu ra khỏi biên giới quốc gia, tham gia vào một cuộc chiến không hẹn ngày trở lại của một chàng lính sinh viên khi ấy mới tròn 20 tuổi

 

N.V.Đ