Thứ Ba, 16/07/2019 15:57

Chuyến thăm viện tâm thần đã dạy tôi điều gì về bản chất của thực tại?

Cách đây vài tháng cậu con trai tuổi teen nói với tôi rằng, “Con có một giấc mơ khiến con mệt mỏi.” Tôi hỏi lại “Vậy à? Có chuyện gì sao?”

. Bài viết của nhà văn Mĩ gốc Trung Yiyun Li

Cách đây vài tháng cậu con trai tuổi teen nói với tôi rằng, “Con có một giấc mơ khiến con mệt mỏi.”

Tôi hỏi lại “Vậy à? Có chuyện gì sao?”

Và thằng bé nói: “Con đã mơ thấy mình là một số âm và con không thể tìm thấy căn bậc hai của mình.”

Để an ủi thằng bé, và cũng để xoa dịu cơn khủng hoảng hiện sinh này, tôi nói “Không sao cả đâu. Hãy chờ đến khi con học về số ảo.”

Thế là thằng bé bảo tôi, “Mẹ, con đâu có ngốc. Con biết số ảo mà.” Nhưng con không thích cái chữ ‘i’ phiền phức đó.”

Tôi liền nghĩ, “Bạn biết đó, cái chữ ‘i’ phiền phức đó, ai mà trách nó được?”

Xuyên suốt hai thế kỷ khi số ảo lần đầu được giới thiệu, vài nhà toán học đã xem thường chúng như những thứ hư cấu hay vô dụng. Và đây là một họa hình tôi mượn từ lớp toán của cậu con trai nhỏ. Chuyện là: số Pi nói, “Hãy thực hơn đi.” Và số ảo đáp lời, “Vậy hữu tỉ (hợp lý – rational) đi.” Cảm giác của tôi chính là – xin lỗi, tôi phải nói bây giờ tôi thấy mình như Sean Spicer vậy.

Hữu lý hay thực tế. Dĩ nhiên là, có rất nhiều điều để nói về cặp đôi này. Chúng ta có thể xét đến khía cạnh triết học. Chúng ta cũng có thể nói về tâm lý học, khoa học thần kinh và rất nhiều nhánh khác để nghiên cứu sự đối nghịch này. Sự xung đột và hài hòa giữa hai khái niệm. Từ góc nhìn của một nhà văn tôi xin được chia sẻ một vài câu chuyện.

Vài năm về trước tôi phải vào viện hai lần. Và sau đây là vài chuyện tôi biết được khi nằm viện. Người phụ nữ đầu tiên tôi gặp khi vào khoa bệnh của mình, tôi sẽ gọi cô là Lena. Cô ấy gần tuổi tôi và có một sự nghiệp trên đà thăng tiến trong ngành công nghiệp thời trang. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô ấy là cô di chuyển rất chậm. Từng tư thế, từng bước đi. Lý do vì sao thì tôi không biết. Và ở một nơi mà ai cũng khoác trên mình đống vải lộn xộn, thì cô ấy ăn mặc lộng lẫy nhất có thể. Nhưng Lena chính là người trầm lặng, ít ra vẻ ta đây, và nhã nhặn nhất ở đó. Những tuần sau đó chúng tôi bầu bạn với nhau và cô kể cho tôi nghe đôi điều về thời thơ ấu của mình. Cô được sinh ra trong một gia đình có năm người con. Cha cô từng làm việc cho quân đội Serbia. Mẹ cô, người Albania, đến từ Kosovo, là trẻ mồ côi, từng phải đi ăn xin cho đến khi bà gặp cha Lena và cưới ông ấy. Sau chiến tranh Kosovo mẹ của Lena mất tích. “Bà ấy đã đi đâu?” Tôi hỏi Lena. Và cô trả lời rằng cha con cô nghĩ mẹ cô đã trở về Kosovo mà không cho họ biết. “Cha cô có ý định tìm lại bà không?” Tôi hỏi vậy. Và Lena trả lời là không. Vì sao mẹ của Lena lại bỏ đi? Tôi đã không hỏi cô điều ấy. Đó là một trong những câu hỏi lớn mà chúng tôi không bao giờ biết được câu trả lời. Thay vào đó chúng tôi nói những chuyện khác. Với tư cách một nhà thiết kế giàu nhiệt huyết, Lena đã cho tôi lời khuyên về thời trang và kê sẵn cho tôi những bộ cánh mà tôi nên mua khi rời bệnh viện và chỉ cách mặc. Khi đó tôi đã nghĩ, “Sao tôi lại muốn nghĩ về việc làm thế nào để xắn tay áo thật thanh nhã khi mà tôi chẳng thấy được mấy giá trị của việc sống trên đời?”

Tôi không bao giờ hỏi Lena về lý do cô nằm viện. Tôi không nghĩ có ai lại đi hỏi điều đó trừ phi người khác tự nguyện chia sẻ. Rồi một ngày không lâu trước khi cô ra viện, cô hỏi tôi, “Chị có nghĩ rằng em có vấn đề không? Vấn đề của em chính là mang trong mình trái tim bị tổn thương. Như thế đâu đủ làm lý do cho em vào viện với đống thuốc men đó.” Một trái tim bị tổn thương. Chúng ta không thể hỏi Lena, “Tại sao trái tim cô lại bị tổn thương?” Chúng ta không thể hỏi cô, “Tại sao những người khác cũng với trái tim bị tổn thương lại không ở đây khi mà việc thương tổn đã là điều thường nhật?” Bởi vì như thế thì chẳng khác nào hỏi, “Hẳn là có vấn đề với cách trái tim bạn bị tổn thương. Có lẽ nó đã tổn thương sai cách.” Nói thế thì hệt như nói, “Có rất nhiều phản ứng hợp lý khi một trái tim bị tổn thương, và phản ứng của bạn là bất hợp lý.”

Thật sự thì toàn bộ sự tồn tại của cô khiến tôi nhớ về một trong những nhân vật yêu thích nhất mọi thời đại của mình, Charlie Brown. Charlie Brown có rất nhiều câu hỏi “Tại sao?”, và tôi thích nhất một câu – dù nó không hẳn là một câu hỏi “tại sao”, nó lại chính là một câu tại sao: “Sao chúng ta có thể mất mát khi chúng ta chân thành như thế?” Đây là một câu hỏi đáng giá. “Sao mọi người có thể không yêu tôi khi mà tôi quá chân thành, khi mà tôi yêu họ?”

Và câu chuyện thứ hai, tôi sẽ gọi người phụ nữ trẻ này là Elise. Cô ấy bị trầm cảm nặng và đôi khi cô nằm dài hàng giờ trên giường không động đậy. Đó là nơi mọi cánh cửa đều được mở ra cho mọi người, nên bạn có thể thấy những điều ấy. Và lần duy nhất cô ra khỏi phòng là để nghe điện thoại, và đó là các bốt điện thoại tính phí, loại cũ với những nút kim loại bạn phải nhấn mạnh vào. Và khi cô ấy nghe điện thoại bạn mới thấy được cô sống dậy với tình trạng tuyệt vọng nhất. Tôi biết chuyện của cô từ việc nghe cô nói trên điện thoại, cô có một người chồng ở quê nhà đã đe dọa sẽ cắt cổ cô nếu anh ta còn gặp lại cô. Cô ấy không muốn xuất viện. Các bác sĩ muốn cho cô ra nhưng cô cứ nói “Không, không.” Cô ấy nói rằng bị trầm cảm, nhưng không hề bị ảo giác. Và một bác sĩ từ một khoa khác đã phải đến và kiểm tra cô. Câu hỏi dĩ nhiên chính là: “Cô ấy đang nói sự thật hay cô chỉ đang tưởng tượng ra những điều không có thực?” Một ngày nọ cô nói với người ở bên kia đầu dây: “Tôi không quan tâm. Hãy chuyển tôi qua bệnh viện trung ương. Nhốt tôi vào tù đi. Làm gì cũng được! Các người không hiểu rằng tôi không muốn về lại thế giới ngoài kia là vì tôi không muốn chết à?” Với tôi thì đó chính là lời cầu xin thống thiết nhất. Nhưng sự đối lập giữa cái thực tồn và cái có lý trong đời rất mơ hồ, và thậm chí còn mơ hồ hơn khi ở một bệnh viện tâm thần. Đôi khi cái phi lý chính là thực tại. Đôi khi chính cái hư cấu lại dẫn đến câu trả lời hợp lý nhất.

Trần Nguyễn Tâm Anh dịch