Chủ Nhật, 15/04/2018 00:26

Chuyện thời chiến tranh

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, lại ở tít ngoài phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sau nhiều năm anh mới có dịp quay trở lại Tuy Hòa. Thời gian xoay vần đã xóa đi hầu hết vết tích bom đạn chiến tranh. Người thân, bạn bè, đồng đội năm xưa mất đi cũng đã khá nhiều. (Bút kí của NGUYỄN THÀNH QUANG)
Bút kí. NGUYỄN THÀNH QUANG

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, lại ở tít ngoài phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sau nhiều năm anh mới có dịp quay trở lại Tuy Hòa. Thời gian xoay vần đã xóa đi hầu hết vết tích bom đạn chiến tranh. Người thân, bạn bè, đồng đội năm xưa mất đi cũng đã khá nhiều. Thế nhưng, có những thứ không bao giờ mất, thậm chí mỗi ngày mỗi hiển hiện hơn. Những tên đất, tên sông, tên làng, tên núi... Rồi từng khuôn mặt của bạn bè, đồng đội, những bà con từng cưu mang, che chở, giúp đỡ anh và đồng đội trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến tranh. Tất cả họ, anh đều nhận ra ngay. Anh bảo, cuộc hành hương về quê hương thứ hai lần này của tôi thật ý nghĩa. Đi đến đâu, tôi cũng được nhận những yêu thương, nhung nhớ đầy xúc động. Ngồi quây quần bên nhau, những mái đầu bạc, những khuôn mặt sạm vết thời gian, nhưng vẫn máu lính hiên ngang, khí phách. Những nụ hôn, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má cằn khô là giây phút thiêng liêng, hạnh phúc của tình đồng đội. Cuộc gặp mặt đã làm trỗi dậy bao nhiêu cảm xúc, kỉ niệm. Những ngày quần nhau với Mĩ và Nam Triều Tiên ở chiến trường Tuy Hòa 1... Chiến dịch Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975... Từng khuôn mặt, đôi mắt, lời nói gửi gắm lại yêu thương cho đồng đội và người thân trước lúc vĩnh biệt. Từng nấm mồ của những đồng đội đã ngã xuống... Trong mỗi câu chuyện là tâm huyết cuộc đời người lính, là cả lí tưởng, tình yêu, khát vọng và ý chí của thế hệ....

Kí ức cũ như sương nơi đỉnh núi cao ngày mù trời, lúc cuồn cuộn chảy tuôn khi nghẹn lắng. Gương mặt anh lúc mờ lúc tỏ ẩn hiện trong kí ức xa xôi khi kể cho tôi nghe chuyện của mình.
 *
*    *
Hôm ấy là chiều 30 tết Mậu Thân (1968). Tiểu đoàn chúng tôi tập kết ở bìa rừng Hóc Nhum (xã Hòa Tân, Phú Yên) chờ trời tối hành quân luồn sâu vào vùng hậu cứ địch với nhiệm vụ tập kích tiêu diệt chi khu Phước Lộc, căn cứ tiền tiêu của địch án ngữ bảo vệ quận lị Hiếu Xương và khu căn cứ sân bay Đông Tác. Sau đó, cơ động về phía làng Phước Lộc tổ chức lực lượng chiến đấu đánh địch phản kích và hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Từ vị trí tập kết, chúng tôi phải hành quân vượt hơn chục cây số, băng qua những cánh đồng hoang trong vùng vành đai trắng, băng sình lầy, vượt qua nhiều sông, suối đưa quân ém sát hàng rào căn cứ địch chờ tới giờ “G” - giao thừa, là nổ súng.

Tôi nhìn đồng hồ. Mới khoảng bốn giờ chiều. Như vậy phải chờ hai tiếng nữa, trời tối hẳn đơn vị mới có thể xuất phát. Tôi tranh thủ xuống các đại đội kiểm tra công tác chuẩn bị hành quân và cũng để động viên tinh thần quyết tâm của chiến sĩ. Trận này rất đặc biệt: Phải đương đầu với lực lượng quân địch mạnh gấp bội. Không chỉ hơn về quân số, có pháo binh, xe tăng các loại, mà còn có đủ cả hải, lục, không quân hùng mạnh. Sở trường, điểm mạnh của bộ đội đặc công là lấy ít thắng nhiều, bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh trúng tiêu diệt địch xong rồi lặng lẽ rút lui, bảo toàn lực lượng. Nay đơn vị luồn sâu, tiêu diệt xong cứ điểm của địch là phải tổ chức trận địa đánh địch phản kích giữa ban ngày với vũ khí bộ binh nhẹ, tức là đem điểm yếu của ta chọi với điểm mạnh của địch.

Một trận chiến không cân sức. Một cuộc trứng chọi đá.
Một khó khăn nữa là khi bộ đội luồn sâu đánh địch như vậy, công tác tiếp tế sẽ rất khó khăn nên đơn vị phải chuẩn bị trước cho cán bộ, chiến sĩ mang thêm nhiều cơ số đạn và lương khô.

Tôi lên “đài quan sát” - một tảng đá cao được cây si cổ thụ vươn mình che bóng mát, đứng ở điểm cao nhất, cùng mấy anh em trinh sát xem, xác định hành lang mà đơn vị sẽ hành quân đêm. Chúng tôi cố gắng xác định hướng đi, đặc điểm địa hình từng khu vực để dễ định hướng mục tiêu trong đêm tối. Từ bìa rừng đến lũy tre làng ở tận phía chân trời xa là một cánh đồng hoang ngút ngàn cỏ lác, không một bóng người. Có ai hình dung ra ở nơi đó, trước đây, mùa này là cánh đồng lúa chín vàng trải dài, bát ngát. Những làng quê thanh bình, trù phú, nên thơ. Vậy mà chỉ sau ba năm thực hiện chính sách vành đai trắng, chất độc da cam, bom đạn tối tân hủy diệt tất cả để giờ đây trong tầm mắt của chúng tôi chỉ còn hoang vắng đến rợn người.

Tiết tháng Chạp, gió bấc seo lạnh. Mặt trời đã gác núi, những đám mây phía Tây từ màu tím đã chuyển sang màu xám. Hoàng hôn thật cô tịch. Dưới những tán cây rừng che phủ lá ngụy trang, toàn đơn vị lặng lẽ chuẩn bị hành quân xung trận. Trên trời, hai chiếc trực thăng HU-1A của địch đang quần. Theo hiệp đồng, các đồng chí xã đội Hòa Tân đã chuẩn bị sẵn mấy chiếc sõng nang để chở bộ đội vượt sông Hà Gừa và sông Bánh Lái. Nhưng chỉ huy động được vài chiếc sõng câu, đủ ưu tiên để chở vũ khí và những đồng chí không biết bơi, còn lại phải tự vượt sông để kịp thời gian. Gió mùa đông bắc miệt mài thổi từng cơn, phả hơi lạnh lên da thịt ướt sũng của đội quân mới vừa trầm mình vượt sông. Một số đồng chí lạnh quá, chân tay run lẩy bẩy, hai hàm răng đánh lập cập.

 Xóm Phường nằm ở phía Tây chi khu Phước Lộc. Từ đây đến đó đường chim bay khoảng hơn hai ki lô mét, nhưng phải vượt qua cánh đồng lúa rộng mênh mông, địa hình trống trải, lại bị hệ thống đèn điện chiếu sáng và hệ thống đèn pha sân bay Đông Tác soi trùm lên cả căn cứ chi khu Phước Lộc. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, bộ đội phải hành quân đi lom khom, thậm chí có đoạn phải bò trườn.

Khoảng 11 giờ 30 phút đêm, toàn đội hình chiến đấu đã áp sát hàng rào kẽm gai lớp ngoài cùng của chi khu. Bộc phá ống mở rào đã chuẩn bị xong. Các đơn vị hỏa lực và toàn lực lượng tiến công đã chuẩn bị xong đợi giờ “G”.

Bọn địch trong căn cứ hoàn toàn không hay biết. Trong lớp ngụy trang nằm ép mình sát gần cửa mở, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng nói vọng ra từ trong lô cốt. Có lẽ bọn lính đang chuẩn bị đón giao thừa. Tiếng cười nói, chúc tụng, tiếng “zdô” xen lẫn vài giọng nữ nhõng nhẹo.

Đèn pha phía sân bay Đông Tác bật quét qua quét lại nhiều lần sáng rõ như ban ngày. Hai tên lính từ vọng gác chạy vào. Một giọng đầy uy quyền quát to vọng ra: “Ê, sao tụi bay dám bỏ nhiệm vụ vào đây? Đ.m. coi chừng lơ là canh gác, cộng sản nó tập kích vào là chết cả nút đó nghe chưa con. Đây, cầm lấy rồi biến”.

Quay trở ra, lầu bầu câu gì đó, chúng có vẻ miễn cưỡng chấp hành lệnh của thượng cấp.
Tôi vạch tấm khăn cột ở cổ tay, liếc nhìn đồng hồ. Còn khoảng mười phút nữa. Một số nơi đã có nhiều tiếng súng nổ. Chẳng lẽ có mũi tiến công của đơn vị nào đó bị lộ? Không, đó là tiếng súng đón giao thừa của đồn địch.

Thình lình, khẩu đại liên của địch bên trong hàng rào nổ mấy tràng dài. Đạn lửa bay qua trên đầu chúng tôi đỏ rực, tiếng rít nghe như ma hú.

Chết cha, lộ rồi! Tôi nghĩ thầm trong bụng. Không. Chúng đã ngừng bắn. À, bọn này ngứa tay đón giao thừa đây mà. Tôi thở phào và ra hiệu cho đơn vị tiếp tục chờ lệnh. Một đợt đèn pha nữa quét qua, sáng rực. Bên trong hàng rào, bọn địch vẫn ồn ào, cười nói, cụng li bù khú, chúc tụng nhau. Ở lô cốt bên trái có một đám đang tụm chơi bài, sát phạt. Kim dạ quang trên mặt đồng hồ nhích dần, nhích dần một cách chậm chạp. Trong cuộc đời lính chiến của mình, tôi đã tham gia chiến đấu hàng chục lần, đã quen cái khoảnh khắc, không gian yên lặng nín thở nằm chờ nổ súng, vậy mà vẫn cảm thấy hồi hộp lạ thường. Những hồi ức, kỉ niệm êm đẹp của một thời hòa bình... Đêm giao thừa cuối cùng đầm ấm, thân thương được chung vui cùng vợ và con gái trước khi lên đường vào Nam… Bỗng một tia chớp, kèm theo là một tiếng nổ lớn từ hướng thị xã Tuy Hòa (hướng mặt trận chính của chiến dịch) cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi liếc đồng hồ. Vẫn chưa tới giờ “G” mà. Phải chăng mũi tiến công nào đã bị lộ, buộc phải nổ súng?

Nghe tiếng nổ lớn, bọn địch nháo nhác. Từ hầm chỉ huy bên trong hàng rào, tiếng léo nhéo liên lạc gọi nhau qua bộ đàm nghe không rõ lắm. Phú Lâm vẫn chưa nổ súng. Bọn địch bên trong Chi khu đã nhốn nháo bỏ cuộc vui để trở về vị trí công sự. Không thể chậm hơn nữa rồi! Tôi phất tay ra hiệu tấn công. Tiếng nổ xé màn đêm. Bộc phá phá rào. Một quầng lửa phụt từ khẩu B41 phía phải kèm theo tiếng nổ trầm. Có lẽ, nó đã xuyên vào bên trong hầm nên tiếng nổ nghe đục. Hầm sở chỉ huy im bặt. Các ổ đề kháng khác, địch vẫn ngoan cố kháng cự, nhưng đều bị quân ta tiêu diệt. Chỉ sau hơn ba mươi phút chiến đấu, cứ điểm chi khu Phước Lộc bị tiêu diệt hoàn toàn mà không hề có thương vong phía ta.

Chúng tôi đã đánh nhiều cứ điểm của địch, nhưng đều theo cách “xuất quỷ, nhập thần” của đặc công. Còn cường tập, lấy yếu tố bất ngờ của kĩ thuật đặc công, sử dụng hiệu quả tối đa hỏa lực bộ binh được trang bị, đánh gần, tấn công áp đảo, tiêu diệt địch nhanh thì đây là lần đầu.

Tôi cho anh em thu dọn chiến trường và cho trinh sát tim bắt liên lạc với mũi 1 để hội quân theo hợp đồng chiến đấu. Hai cánh quân của chúng tôi gặp nhau ở làng Phước Lộc theo đúng kế hoạch.

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, bọn địch dùng trực thăng đổ toán quân đầu tiên ở cánh đồng đầu làng. Trên đầu, bầy trực thăng vẫn thi nhau quần đảo sàn sạt nã súng máy, rốc két vào các lùm tre, bụi rậm. Những tràng đạn cắm xuống phầm phập, mặt đất bị cày tung tóe như trận mưa rào xối xuống sân đất khô. Khói bụi mù mịt. Hơn nửa ngày dùng bộ binh kết hợp hỏa lực trên không tấn công nhưng không tiêu diệt được đối phương, đến quá trưa, chúng điều động thêm xe tăng, xe thiết giáp làm lá chắn tấn công trực diện vào trận địa ta. Đánh nhau gần một ngày không có kết quả, chúng thay đổi chiến thuật. Chiều hôm đó, chúng đổ thêm quân, dàn trận hình thành vòng vây quân ta. Trên không, một chiếc đầm già (L19) xuất hiện, vọng xuống giọng nói vừa dụ dỗ, vừa đe dọa. “Hỡi anh em cán binh công trường 30 (bí danh của tiểu đoàn 14), các anh em đã bị quân lực VNCH và đồng minh bao vây và sẽ bị tiêu diệt. Nếu các anh em hạ vũ khí đầu hàng, các anh sẽ được tha mạng sống và được đối xử tử tế”. Một cậu lính trẻ ngồi ở đoạn hào công sự bên cạnh tôi chổng ngược nòng súng về phía nó nhả mấy loạt đạn: “Mẹ mày, chiêu hồi nè, chiêu hồi nè”. Chiếc đầm già tắt tiếng vội vút lên cao rồi tản ra xa trận địa.

Mấy chiếc HU-1A lao vào nhả đạn, phóng rốc két xối xả.
Chiều tối, địch tạm ngừng tấn công.
 Suốt ngày mồng 2 tết, địch dùng trực thăng, phi pháo oanh kích liên tục nhưng bộ binh không ồ ạt như hôm trước, mà chỉ là các mũi nhỏ lẻ, khiêu khích quân ta nổ súng. Chúng muốn dụ cho ta bắn hết đạn, sau đó mới tấn công áp đảo để tiêu diệt.

 Xế chiều, một cuộc tấn công quy mô lớn được địch tổ chức nhưng vấp phải sự kháng cự kiên cường của ta.
 Đạn sắp hết. Lương thực cũng vậy. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn quyết định, mở đường máu, phá vòng vây của địch để rút lui.
Đêm đầu tháng, trời tối đen như mực. Các tổ trinh sát của ta mò tìm đường ra. Bị lộ, địch nổ súng. Hỏa châu sáng rực. Đạn từ ổ đại liên của địch như một chiếc vòi phun lửa xé màn đêm. Hỏa lực địch bắn liên tục như tấm lưới thép đỏ rực rào chắn, không thể nào vượt qua được. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng đưa ra quyết định táo bạo: Tập trung hỏa lực còn lại tiêu diệt địch để mở đường. Khẩu DKZ chỉ còn lại mấy viên, bắn xuyên thẳng vào hướng ổ đại liên địch đang nhả đạn tạo thành mặt cắt mở vòng vây. B40, B41, tiểu liên AK bắn yểm trợ hai bên. Nhờ chiến thuật táo bạo đó, thương binh và phần lớn đơn vị thoát được ra. Nhưng ngay sau đó, hỏa lực của ta yếu, không đủ sức chế áp. Địch lập lại vòng vây.

 Tổ chặn hậu của chúng tôi bị kẹt trong vòng vây ấy.
Một số anh em đã hi sinh. Tôi cũng đã bị thương. Chân phải nặng trịch không còn lê nổi. Tôi trườn, bò qua mấy bờ ruộng, không ngờ lạc vào giữa đội hình địch. Bên kia bờ ruộng là một toán địch phục kích. Gần lắm. Tôi nghe được tiếng xì xồ, xì xòa của bọn chúng. Khoảng năm, sáu tên. Tôi mò tay vào thắt lưng lôi quả US (lựu đạn M26), rút chốt an toàn, kim hỏa lựu đạn kêu tách. Tôi nhẩm đếm đến hai thì vung tay ném qua bên kia bờ ruộng, chỗ có tiếng động. Quả lựu đạn rơi nghe bịch, sau đó là tiếng nổ... Toán địch im bặt. Bọn còn lại nổ súng loạn xạ. Lợi dụng địch hoảng loạn, tôi bò về phía lũy tre rậm rạp bên bực bầu, cỏ lác rậm rạp. Băng vết thương, tôi tiếp tục vừa cố bò vừa ngụy trang. Vào được gần đến giữa lùm tre rậm thì trời sáng. Tôi quan sát xung quanh, tìm chỗ kín đáo ẩn mình. Suốt ngày hôm đó, địch sục sạo khắp nơi nhưng không phát hiện được nơi tôi ẩn náu.

 Đêm xuống, tôi tiếp tục bò về hướng núi nhưng tốc độ quá chậm, mới đến giữa cánh đồng thì trời lại sáng nên buộc phải bò vào một ruộng lúa tương đối tốt để vùi mình. Tôi cố gượng, chọn tư thế nằm để vết thương ở chân không bị ngập trong nước. Cả người tê cóng. Tuy vết thương ở đùi đau buốt, nhưng đầu óc rất tỉnh táo. Nằm giấu mình trong ruộng lúa ở giữa cánh đồng mênh mông mới thấy cảm giác cô đơn, hoang vắng đến rợn người. Tôi hệ thống lại các sự việc diễn ra từ đầu chiến dịch đến giờ, nhất là thời gian từ cái đêm vượt vòng vây địch. Ruộng lúa cao chỉ quá bờ chừng ba bốn gang tay, nếu ngồi dậy sẽ ló phần đầu, tôi buộc phải đằm như một con trâu đẵm bùn. Do ngâm quá lâu trong bùn nước nên nửa phần thân thể lạnh tê cóng, nửa phần còn lại bỏng rát dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Trong trạng thái chập chờn, mệt lả, tôi miên man suy nghĩ: Ừ, đã hai ngày đêm mình lạc đơn vị. Không biết bây giờ các anh em đã về đến căn cứ chưa? Ai còn, ai mất?

Đã năm ngày tôi chưa ăn một tí gì vào bụng. Không thể chết! Mình phải sống! Phải cố lên! Không được mềm yếu! Không được khuất phục! Tôi lẩm bẩm tự động viên mình rồi nghĩ, nếu chết, cần phải chết cho xứng đáng. Tôi sờ vào thắt lưng, chỉ còn một quả lựu đạn, khẩu K54 còn 4 viên. Giữa cái nắng nóng và nước lạnh, tôi thầm nghĩ, mình chẳng khác nào thỏi thép của bác thợ rèn, vừa nung trong lửa đỏ, vừa tôi trong nước lạnh. Gió lay sóng lúa xào xạc, những bông lúa vuốt ve, vỗ về như lời ru của mẹ làm tôi thiếp đi lúc nào không hay biết.

Chập chờn, tôi chợt thấy bóng phụ nữ tay dắt một bé gái ra tận cổng làng đón tôi. Bố! Tiếng lanh lảnh của bé gái làm tôi bừng tỉnh. Lạnh quá, tôi cố quan sát xem trên bờ ruộng có cỏ khô hay thứ gì đó che ấm thân. May quá, phía góc có một đống rơm. Thấy vắng vẻ, tôi cố bò đến và chui vào đó. Dễ chịu quá. Tôi lại thiếp đi.

Trong tư thế nằm nghiêng một bên tai áp xuống đất, tôi giật mình khi nghe tiếng bước chân người loạt soạt. Tôi tỉnh hẳn, tay để vào cò, khẽ khàng hướng mũi súng về phía tiếng động, nhướng mắt qua khe trống ổ rơm quan sát. Một cụ già. Cụ đi ngang qua chỗ tôi nằm với vẻ một người đi thăm ruộng, nhưng thỉnh thoảng lại liếc mắt vào đống rơm.

Khoảng xế chiều, tiếng bước chân người lại xuất hiện. Chẳng lẽ, cụ già lúc trưa đã phát hiện ra mình, giờ dẫn địch tới bắt để lãnh thưởng sao? Tôi ép tai xuống đất lắng nghe. Chỉ có tiếng đi của một người. Khi tiếng bước chân đến gần, tôi hé nhìn, hóa ra là một cháu gái khoảng 12, 13 tuổi. Lúc ngang qua đống rơm, một túm lá chuối rơi xuống gần chỗ tôi trong khi cháu vẫn đi thẳng.

 Tôi thò tay rón rén nắm lấy túm lá chuối, lần mở ra. Trời ơi! Một túm bột đặc đã được nấu chín. Tôi nghẹn ngào. Vậy là cụ già, bà con đã biết mình nằm đây rồi ư? Và có lẽ, trong làng có địch nên bà con phải hành động bí mật. Tôi quan sát một lượt suy xét tìm nguyên nhân tại sao mình bị cụ già và cả em bé phát hiện.

Đây rồi! Cái chân.
 Là cái chân tê cóng. Hóa ra khi tôi trườn lên vùi mình vào đống rơm, cái chân bị thương gần như không cảm giác, nên khi phủ rơm ngụy trang, nó bị bỏ quên bên ngoài. “Dấu đầu, lòi đuôi”. Tôi mỉm cười cho sự hớ hênh của mình. May mắn thay, những người phát hiện tôi chắc là quần chúng tốt, hoặc cơ sở cốt cán của ta. Nếu gặp người xấu thì nguy to rồi.

Tôi đưa túm bột vào miệng. Bột lạt, gần như không muối, không đường, vậy mà tôi ăn cảm thấy ngon lành. Mắt chợt rưng rưng, tôi thầm cảm ơn bà con đã cưu mang, đùm bọc, che chở bộ đội, che chở tôi trong lúc hoạn nạn.
Ba ngày sau, tôi mới bò về đến Cảnh Phước (Hòa Tân). Thật may mắn, các đồng chí mũi công tác xã Hòa Tân đã tìm được tôi đưa về hậu cứ sau tám ngày đêm lạc đơn vị.

Kể đến đây, anh im lặng nhìn ra mông lung. Khóe mắt rân rân nước. Giọng anh chợt nghẹn lại: Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa có cách nào để biết danh tính những con người ấy để tỏ lòng ngưỡng mộ và nói lời tri ân họ. Những chuyện đó mãi mãi là kỉ niệm, suốt đời tôi không bao giờ quên về xóm Phường!

Nhấp chút nước lấy giọng, anh tiếp tục.
 Cho đến trận chiến “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, tôi lại bị thương lần nữa. Đầu năm 1973 hiệp định Paris được kí kết. Đến giữa năm 1973, sau nhiều lần bị thương, đặc biệt mảnh đạn nằm trong phổi làm cho tôi không còn khả năng ở lại chiến trường chiến đấu. Cấp trên cho tôi ra miền Bắc điều trị, kết hợp thăm gia đình.

 Một buổi chiều khoác ba lô về tới cổng làng, tôi ngạc nhiên thấy mấy bác, mấy chị đứng gần đó cứ nhìn trân trân. Đang bối rối thì một chị chỉ tay, vội vã chạy về phía tôi, hét toáng lên:
- Bà con ơi! Anh Khải! Anh Khải còn sống trở về đây này!
Bà con tụm lại vây quanh tôi. Tôi còn ngỡ ngàng chưa biết chuyện gì thì một chị khác bước tới bên đưa tay sờ nắn mặt mũi tôi.

- Anh Khải còn sống! Có thật không vậy trời! Thật rồi! Anh về chắc mẹ con cô Phương mừng lắm đây.
Vậy là tôi đã hiểu. Thì ra, trong thời gian tôi lạc đơn vị 8 ngày từ trận đánh tết Mậu Thân, không những đơn vị đã làm lễ truy điệu cho tôi mà còn gửi cả giấy báo tử cho gia đình. Thế mà tôi chẳng hay biết. Mà thời ấy, ở chiến trường, thư từ qua lại khó khăn lắm, thường thì thư gửi đi sáu tháng, có khi, một năm sau mới đến nơi.

 Về đến nhà, vừa trông thấy tôi, Phương đứng khựng như trời trồng. Chiếc rá trên tay rơi xuống, những hạt gạo ít ỏi tung tóe trên mặt đất như mừng vui. Miệng Phương lắp bắp:
- Trời ơi! anh K.hả..i…
Rồi Phương chạy đến ôm chầm lấy tôi, nước mắt giàn giụa. Phương thều thào qua vai tôi:
- Anh vẫn còn sống thật ư! Anh!!!

Hai bàn tay Phương vân vê khắp bờ vai, khuôn mặt tôi như tìm dấu tích quen thuộc để chứng minh rằng là tôi, thật là tôi. Bỗng Phương giật mình vùng ra, mặt đỏ lựng.
- Chết, ban ngày ban mặt, ai người ta thấy họ cười chết.
Phương giúp tôi cởi chiếc ba lô.

Gần chín năm xa cách mà trông Phương vẫn như ngày nào, có điều rắn rỏi hơn. Một bé gái chạy đến bên Phương, đôi mắt ngơ ngác rụt rè nhìn tôi.
- Bố đó, chào bố đi con!
- A! Bố đã về! Cô bé lảnh lót reo lên.
Tôi bước đến cúi xuống ôm chầm con gái vào lòng:
- Con gái yêu của bố! Mới ngày nào còn đỏ hỏn mà nay đã lớn thế này à. Bố có quà cho con đây!

Tôi mở ba lô lôi ra một con búp bê và mấy gói kẹo đặt vào tay con gái.
Phương đứng tựa cửa nhìn hai bố con tôi, đôi mắt long lanh, miệng nở nụ cười mãn nguyện. Tôi vẫn ôm bé trong lòng, tay vân vê từng sợi tóc tơ óng mượt bồi hồi ngẩn ngơ. Mới ngày nào, lúc vào Nam chiến đấu nó còn đỏ hỏn, thế mà nay… Giọng Phương cắt ngang dòng suy nghĩ trong tôi:
- Thôi hai bố con vào nhà đi chứ, cứ ngồi mãi ngoài sân ư? Trời sắp tối rồi.

 Hai bố con bước vào nhà. Ngôi nhà lá cọ ba gian vách tre nứa trát đất, mái lợp lá cọ. Trong nhà vẫn bài trí như ngày nào. Gian bên trái kê chiếc giường gỗ xoan, được anh chị em góp tiền mua gỗ tặng vợ chồng tôi từ ngày mới cưới nhau. Gian bên phải là buồng ngủ, nhà kho có cửa thông với gian bếp, được ngăn cách bằng tấm rèm vải chéo hoa Nam Định. Gian giữa là nơi đặt bàn thờ gia tiên và phòng khách. Tôi ngước nhìn lên trang thờ, phía sau bát hương là khung hình anh bộ đội còn rất trẻ, vì trời nhập nhoạng tối nên tôi nhìn không rõ mặt người trong ảnh. Thấy tôi chăm chú, Phương khẽ khàng:

- Từ ngày được tin anh hi sinh ở chiến trường, mẹ con em lập trang thờ cúng giỗ anh. Bà con lối xóm trong khu tập thể này thường xuyên lui tới thăm hỏi, giúp đỡ, động viên mẹ con em. Họ tốt lắm anh ạ. À mà cũng sắp tới ngày giỗ lần thứ năm của anh rồi đấy.

Tôi bước đến, soi đèn nhìn cho rõ dòng chữ trong tấm bằng treo trên trang thờ và nhẩm đọc: Bằng Tổ quốc ghi công. Liệt sĩ: Đồng chí Nguyễn Hữu Khải. Quê quán: xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đã hi sinh trong khi chiến đấu ở mặt trận phía Nam.
- Đời người không ai có thể chết hai lần, duy chỉ có anh thôi đấy. Nghe tôi nói, Phương dùng nắm tay, thụi nhẹ vào lưng tôi mấy cái, miệng liếu riếu:
- Cái anh này, chỉ được cái tiếu.
- À, này em. Tôi nhìn Phương. Anh có ý này, hay là mình biến ngày giỗ sắp tới mà em vừa nói đó thành bữa liên hoan mừng ngày sum họp của vợ chồng mình, mời bà con lối xóm một bữa để trả ơn, em nhé. 
- Ý hay đó anh. Phương reo lên!

 Hôm đó, bà con lối xóm nghe tin tôi còn sống trở về, họ đến rất đông. Tôi thầm nghĩ: Đúng là tình làng, nghĩa xóm, tối lửa, tắt đèn có nhau. Tôi thầm cảm ơn họ đã động viên, an ủi, giúp đỡ mẹ con Phương khi tôi vắng nhà. Trong số những người hàng xóm đến thăm, có nhiều người còn bán tín, bán nghi. Có phép mầu gì mà đã báo tử rồi, nay lại sờ sờ trở về. Một số cụ bà đòi phải sờ tôi bằng da, bằng thịt mới tin. Có người còn hỏi: Có phải Khải thật đấy không? Tôi thưa:
- Cháu là Khải đây mà. Thật một trăm phần trăm, các bà, các ông ạ!

Rồi tôi kể lại câu chuyện tôi bị thương, lạc dài ngày đến nỗi đơn vị cũng ngỡ tôi hi sinh nên tổ chức lễ truy điệu cho tôi rồi.
Chỉ một ấm chè xanh và mấy đĩa kẹo lạc, mà chúng tôi chuyện trò mãi đến đêm khuya, mọi người mới ra về.
Sáng thức dậy, tôi thấy Phương đứng tần ngần trước trang thờ. Tôi ngạc nhiên:
- Việc gì thế em? Phương nhìn tôi giọng nhẹ nhàng:
- Anh về rồi mẹ con em mừng lắm. Hay là để hôm nay em ra chợ mua ít hương hoa về cúng để cất trang thờ đi anh nhé. Tôi nhìn Phương mỉn cười.
- Không cần đâu em. Để nó lại, coi như một kỉ niệm của người lính đã sống một thời máu lửa chiến tranh, xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, có sao đâu.

 Tôi bước lại đứng sóng đôi bên Phương, chấp hai tay miệng lẩm nhẩm: Vái anh Hữu Khải trên trang có khôn thiêng thì phù hộ cho Hữu Khải tôi, đang còn sống trên trần gian này luôn khỏe mạnh và mãi yêu Phương trọn đời. Phương huých đầu vào vai tôi khúc khích: Cái anh này!
Chúng tôi cười phá lên, hồn nhiên, tươi trẻ như ngày nào còn tuổi đôi mươi... 
*
*    *
Câu chuyện mà tôi ghi lại ở trên là một trong muôn ngàn chuyện của các anh - những người đã làm nên lịch sử trong cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là những câu chuyện của tinh thần khát khao chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc, của tình đồng chí, đồng bào... Nó giúp cho thế hệ sau hình dung ra một thời đỏ lửa của chiến tranh để nhận chân giá trị hòa bình, độc lập của Tổ quốc hôm nay 
 
N.T.Q