. NGUYỄN VĂN NHƯỢNG - TS. NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Thơ ca kháng chiến chống Mỹ không chỉ khắc họa hiện thực chiến tranh ác liệt, những hy sinh và lý tưởng cao đẹp của người lính mà còn là kho lưu giữ những chuyện tình lãng mạn, bi tráng. Tình yêu trong thời chiến không chỉ đơn thuần là sự gắn bó đôi lứa mà còn gắn liền với lý tưởng cách mạng, sự dâng hiến, hy sinh và khát vọng hòa bình. Chính trong thử thách của bom đạn và mất mát, giữa những lằn ranh của sự sống-cái chết, tình yêu đã trở nên thiêng liêng và bất diệt.
Lửa và hoa: Tình yêu lý tưởng trong thời chiến
Tình yêu vốn là tình cảm cá nhân, tuy nhiên, đặt trong bối cảnh đạn lửa chiến trường, thơ tình thời chống Mỹ đã kết hợp hài hòa cái Tôi cá nhân với cái Ta cộng đồng, kiến tạo cặp hình tượng đặc sắc: Em/anh-đất nước/quê hương. Trong bài thơ Nhớ, Nguyễn Đình Thi viết: Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần. Câu thơ thể hiện quan niệm tình yêu của người lính thời đại: tình yêu đôi lứa không tách rời khỏi tình yêu quê hương. Khi tình yêu em gắn với tình yêu đất nước thì em đồng nhất với hình ảnh của quê hương: Ôi miền Nam yêu dấu/ Trên mặt em yêu dấu/ Ôi tháng năm nhớ thương/ Mặt em là quê hương (Tế Hanh); Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường (Nguyễn Đình Thi). Trong Trường Sơn Đông, Trường Sơn của Phạm Tiến Duật, tình yêu của người lính và cô gái thanh niên xung phong được xây dựng trên tinh thần trách nhiệm với đất nước: Đông sang tây không phải đường thư/ Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo. Dù yêu nhau nhưng họ không thể dành cho nhau những lá thư tình, bởi con đường mà họ đi là con đường phục vụ kháng chiến: Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều/ Những con đường như tình yêu mới mẻ (Phạm Tiến Duật)…
Những câu thơ trên, dù của các tác giả khác nhau nhưng đều thể hiện một mạch cảm hứng chung về hình ảnh chiến sĩ - những chàng trai, cô gái tuổi còn xanh đang dấn thân nơi lửa đạn. Tuy nhiên, mỗi nhà thơ có một cách thể hiện riêng, tạo nên những sắc thái khác biệt trong bút pháp. Tất cả các bài thơ trên đều viết trong thời kỳ kháng chiến, mang đậm tinh thần sử thi, nơi tình yêu không chỉ là cảm xúc cá nhân mà hòa quyện với lý tưởng chung của dân tộc. Người phụ nữ trong thơ không đơn thuần là đối tượng của tình yêu mà còn là hiện thân của đất nước đang đấu tranh, chịu nhiều đau thương nhưng luôn tươi đẹp, kiêu hãnh. Các tác giả đều sử dụng nhiều hình ảnh thiên nhiên để liên tưởng đến người con gái, góp phần tạo nên sự gắn kết giữa con người và đất nước. Đối tượng tâm tình của những bài thơ là người con gái Việt Nam vừa dịu dàng, trong trẻo, vừa kiên cường, bất khuất, là biểu tượng của vẻ đẹp lý tưởng anh hùng trong thơ ca cách mạng.
Chất sử thi hào hùng và cảm hứng lãng mạn là hai thuộc tính của thơ ca cách mạng đã chi phối chủ đề tình yêu trong thơ ca chống Mỹ làm bung nở những bông hoa thơm suốt dọc chiến hào. Tình yêu đôi lứa trong thơ Chế Lan Viên đẹp đẽ, trong sáng vô ngần trong nỗi nhớ và gắn với chiều kích của quê hương: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương (Tiếng hát con tàu). So sánh “nhớ em” với “đông về nhớ rét” tạo nên một hình ảnh rất độc đáo. Đông và rét vốn là hai thực thể không thể tách rời, sự nhớ nhung cũng trở thành một phần bản thể, một điều tất yếu của tình yêu đôi lứa. Đây không chỉ là nỗi nhớ đơn thuần mà còn là một sự khao khát, gắn bó không rời. “Cánh kiến hoa vàng” là hình ảnh mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên và đời sống người Việt. Hình ảnh này gợi nên sự nhỏ bé nhưng bền chặt, như nhựa cánh kiến vẫn bám chặt vào thân cây. Tình yêu ở đây không ồn ào, phô trương mà bình dị, chân thành và lâu bền. Sức sống của thiên nhiên giao mùa thể hiện qua hình ảnh “chim rừng lông trở biếc”. Tình yêu không chỉ là sự hòa hợp giữa hai con người mà còn có khả năng thay đổi nhận thức, làm cho những điều xa lạ trở thành thân quen, gắn bó, đem lại cảm giác yên bình, ấm áp như trở về quê hương - nơi ta thuộc về.
Bằng Việt thì cảm ơn cuộc sống bằng triết lí trong thơ: tình yêu cá nhân là một phần hữu cơ của tình yêu quê hương, đất nước: Đời đẹp thế, đời chiều ta đến thế/ Anh yêu đời, càng tha thiết yêu em/ Còn có gì tách được nỗi chung riêng. “Đời chiều ta" mang nghĩa đón nhận, ưu ái, hàm ý sự giao hòa giữa con người và cuộc sống, như một người đang yêu được tình yêu hồi đáp.
Nhập hồn mình vào lý tưởng cộng đồng là đích đến tinh thần của thơ ca chống Mỹ. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh băn khoăn trong tình yêu: Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ. Lời thơ dung chứa nét băn khoăn đầy nữ tính, thể hiện niềm khao khát hòa nhập, dâng hiến trong tình yêu, đồng thời là nỗi trăn trở về sự tồn tại vĩnh hằng của cảm xúc và mối quan hệ lứa đôi. Câu hỏi tu từ "Làm sao được tan ra" diễn tả một niềm mong muốn mãnh liệt của cái tôi trữ tình: tan biến bản thân để trở thành một phần trong tình yêu rộng lớn của nhân thế. Động từ "tan ra" mang sắc thái mềm mại, thể hiện sự dâng hiến tuyệt đối, gắn bó bền chặt. Sóng là một hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt bài thơ, đại diện cho tình yêu đầy sôi nổi, mãnh liệt nhưng cũng không kém phần dịu dàng và thủy chung. "Trăm con sóng nhỏ" gợi lên sự lan tỏa, sự bất tận của tình yêu. Hình ảnh "biển lớn tình yêu" vừa là không gian bao la của cảm xúc, vừa mang ý nghĩa về sự vĩnh cửu. Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ yêu bằng cảm xúc nồng nhiệt nhất mà còn mong muốn tình yêu của mình vĩnh cửu trước thử thách thời gian.
Những nhà thơ tình - chiến sĩ thường hướng tình yêu đến sự hóa thân, nhập thân vào lý tưởng. Đất nước hóa thân vào tình yêu hay tình yêu hóa thân vào đất nước thật khó phân biệt: Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất Nước là nơi ta hò hẹn/ Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm. Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa một vẻ đẹp văn hóa sâu sắc trong tình yêu lứa đôi, gắn liền với hình ảnh đất nước. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, tác giả đã thể hiện tình yêu cá nhân qua cách nâng tình yêu ấy lên tầm vóc cộng đồng, hòa quyện với không gian văn hóa dân tộc. Hệ thống thi ảnh gợi tả cuộc sống sinh hoạt bình dị, nơi tình yêu được nuôi dưỡng từ những điều thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Đất nước còn là nơi tình yêu đơm hoa kết trái, là không gian đôi lứa tìm đến nhau trong sự giao hòa của đất trời và con người. "Chiếc khăn" là một biểu tượng quen thuộc trong ca dao, dân ca Việt Nam, thường gắn liền với tình cảm thầm kín, chung thủy. Yêu đằm thắm trong “nỗi nhớ thầm” diễn tả sự e ấp, dịu dàng, đúng với bản sắc của tình yêu đôi lứa trong văn hóa Việt Nam: kín đáo nhưng sâu đậm. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh rằng đất nước không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Tình yêu trong Mặt đường khát vọng không chỉ đẹp ở sự lãng mạn mà còn ý nghĩa ở chỗ tình yêu cá nhân gắn liền với văn hóa truyền thống và tinh thần dân tộc.
Tình yêu trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ không chỉ là nỗi nhớ mong hay những giấc mơ hòa bình, mà còn là sự hào hoa của những con người dám yêu, dám sống hết mình. Hình tượng những người lính trẻ ra trận với trái tim nồng nàn, gắn bó với cuộc đời, thường trực nỗi nhớ quê hương và yêu mến người con gái ở hậu phương trở thành một nét đẹp mang dấu ấn thời đại: Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người (Nhớ, Nguyễn Đình Thi).
Những vần thơ tình bỏng cháy lửa đạn như thế từng một thời là hành trang ra trận của biết bao người lính trẻ, đến hôm nay dư âm vẫn còn vang vọng mãi... Trong lịch sử dân tộc, cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) là một giai đoạn vô cùng hào hùng, chói lọi nhưng cũng đầy mất mát, hi sinh. Cả dân tộc Việt Nam đã đồng lòng, quyết tâm chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc, cho tự do, non sông thống nhất liền một dải. Cuộc chiến ấy đã khắc dấu lên thơ ca với những hình ảnh vừa cam go khốc liệt, dữ dội, vừa sống động, trữ tình. Dù bom rơi đạn nổ, những chuyện tình trong thơ chống Mỹ vẫn toả sáng, lãng mạn, thăng hoa, dào dạt sức sống, hào hùng và thiêng liêng; truyền nguồn động lực vô tận, truyền sức mạnh tinh thần dồi dào và niềm tin to lớn cho những người yêu nước, cho những người lính cầm súng ra trận; tô đậm dấu ấn vẻ đẹp của ý chí, tâm hồn, cốt cách, tình cảm của con người Việt Nam. Thời của lý tưởng, của niềm tin, “người với người sống để yêu nhau” thì tình yêu trở thành cơ sở của đức tin. Niềm tin lại tiếp tục là cơ sở nuôi dưỡng tình yêu, tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh là thách thức lớn nhất: Bao năm rồi đánh Mỹ/ Lòng tin vẫn y nguyên/ Đạn bom không xoá được/ Nét mùa xuân hồn nhiên (Tiếng mùa xuân, Lâm Thị Mỹ Dạ). Có niềm tin là người thương hiện về trong cảm xúc hạnh phúc ngập tràn: Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thuỷ chung như một sắc mai già/ Đôi mắt mở to, dịu dàng thấm mát/ Sau rất nhiều gian khổ đi qua (Tình yêu và báo động, Bằng Việt). Sự hòa hợp riêng chung là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của tác phẩm văn học. Những bài thơ tình giai đoạn này thành công còn do từng thi phẩm đạt được sự hài hòa cao độ giữa cái chung và cái riêng.
Trong bài thơ tình Anh có tốt không, Lâm Thị Mỹ Dạ đã khắc họa một vẻ đẹp nữ tính vừa e ấp, dịu dàng, vừa băn khoăn, day dứt qua những hình ảnh giàu chất tượng trưng. Trời anh mênh mông, mây em bay lượn - không gian mở ra khoáng đạt, rộng lớn, gợi lên sự bao dung, che chở của người đàn ông, trong khi “mây em” là sự mềm mại, nhẹ nhàng, thướt tha của người phụ nữ, bay lượn nhưng cũng như đang tìm một điểm tựa. Gió anh bao la, cây em ve vuốt - sự đối lập giữa cái mạnh mẽ, phóng khoáng của gió và cái âu yếm, mềm mại của cây, như một lời tự sự kín đáo về tình yêu: người đàn ông mạnh mẽ bao bọc, người phụ nữ dịu dàng nhưng cũng khao khát được yêu thương. Hình ảnh Đất anh thẳm sâu, núi em cúi đầu lại gợi lên sự bền vững, trầm tĩnh của người đàn ông bên cạnh dáng vẻ khiêm nhường, mềm mại của người phụ nữ. Nhưng ẩn sâu trong vẻ đẹp tưởng chừng cam chịu ấy là một nỗi niềm: Nhưng sao vẫn hỏi, day dứt trong lòng: anh có tốt không? Câu hỏi hoài nghi ấy chính là tiếng lòng của người phụ nữ luôn khao khát sự chân thành, luôn muốn tìm kiếm sự chung thủy trong tình yêu.
Trong bài thơ Anh đừng khen em, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng thể hiện một quan niệm tình yêu sâu sắc, giàu tính nhân văn và mang đậm vẻ đẹp nữ tính. Những câu thơ: Khi đã yêu nhau/ Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh chứa đựng một tâm thế yêu thương vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ của người phụ nữ trong tình yêu. Nhân vật trữ tình không mong nhận những lời tán dương hay ngợi khen mà khao khát sự chân thật trong tình yêu. Thay vì chỉ nhìn thấy cái đẹp ở nhau, cô mong muốn đối diện với những thiếu sót để cùng nhau hoàn thiện. Điều này thể hiện sự vị tha, một phẩm chất đặc trưng của tình yêu nữ tính: không chỉ yêu vì cái đẹp mà còn yêu vì sự gắn bó, sẻ chia. Người phụ nữ trong thơ không thụ động tiếp nhận tình yêu mà chủ động hướng đến sự hoàn thiện bản thân và vun đắp cho người mình yêu. "Cái kém" và "cái xấu" không phải là những điều để chê trách mà là cơ hội để cả hai cùng nhau trở nên tốt hơn. Đây là một quan niệm tình yêu đẹp và hiện đại, không chỉ lãng mạn mà còn đầy trách nhiệm. Câu thơ Để em chăm chút đời anh gợi lên hình ảnh một tình yêu đầy sự hy sinh thầm lặng, xuất phát từ mong muốn người mình yêu có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cách dùng từ "chăm chút" rất tinh tế, vừa thể hiện sự nhẹ nhàng, chu đáo, vừa cho thấy tình yêu không phải là sự áp đặt hay thay đổi người kia theo ý mình, mà là sự vun vén, nâng niu. Đây chính là vẻ đẹp nữ tính đặc trưng trong tình yêu. Nhân vật trữ tình chính là người đón nhận, là người kiến tạo hạnh phúc. Điều này thể hiện một quan niệm tình yêu rất đẹp: yêu không phải là sự thần tượng hóa đối phương mà cùng nhau hướng đến một cuộc sống viên mãn.
Dưới trời bom, trong miền đau hay những khúc ca bi tráng của tình yêu đôi lứa
Chiến tranh chống Mĩ, một hoàn cảnh bất thường của đời sống, ở đó, con người nhận ra tình yêu không đơn thuần là những cảm xúc riêng tư mà là động lực tinh thần thôi thúc, động viên ý chí chiến đấu, lòng quả cảm, vừa thể hiện sự hy sinh, chờ đợi và lòng chung thủy, vừa là ý chí, khát khao, niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng. Những bài thơ như Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Núi Đôi (Vũ Cao), Gửi em cô thanh niên xung phong, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật), Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Quê hương (Giang Nam), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ)… đã ghi lại cụ thể, xúc động những câu chuyện tình hào hoa, bi tráng.
Tất cả những bài thơ viết về những chuyện tình của người lính đều được đặt trong sự tàn khốc của chiến tranh trên chiến trường và trong cuộc sống hằng thường của những người ở hậu phương. Đó là tiếng khóc đau thương của người lính trước sự hi sinh của người vợ trẻ: Em ơi giây phút cuối/ không được nghe nhau nói/ không được trông nhau một lần (Hữu Loan). Ở đây, cái "không" được lặp lại hai lần liên tiếp ("không được nghe nhau nói", "không được trông nhau một lần"), nhấn mạnh vào sự chia lìa đột ngột, không có cơ hội từ biệt. Cái chết đến quá nhanh, quá tàn nhẫn, khiến người ở lại chỉ còn biết đau đớn trong sự câm lặng, nuối tiếc. Bi kịch ở đây không chỉ là mất đi người yêu dấu mà còn là sự bất lực khi không thể làm gì để vơi bớt nỗi đau của người ra đi. Tuy nhiên, chính trong mất mát ấy, tình yêu lại tỏa sáng rực rỡ. Nỗi đau được nâng lên thành một sự hy sinh cao cả, mang màu sắc bi tráng của một khúc tráng ca về tình yêu và số phận con người. Những câu thơ chỉ là những lời nói chân phương, trực diện, nhưng lại có sức nặng lớn: bi vì mất mát, đau thương; tráng trong sự kiên cường, không than trách, mà lặng lẽ gánh chịu nỗi đau. Hữu Loan đã chạm đến một nỗi đau rất người, rất thật, nhưng lại có sức nâng đỡ tinh thần con người.
Trong nỗi mất mát tột cùng ấy, ta thấy tình yêu không hề tàn lụi mà trái lại, còn thăng hoa, trở thành một biểu tượng bất diệt. Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi!/ Đau xé lòng anh, chết nửa con người! (Giang Nam). Nhà thơ diễn tả tâm trạng bàng hoàng, đau xót khi nghe tin người thương hy sinh. Sự kiện bi thảm này đến quá bất ngờ, khiến nhân vật trữ tình không thể tin vào thực tế nghiệt ngã. Hình ảnh "giặc bắn em rồi quăng mất xác" gợi tả một cái chết dữ dội và tàn khốc. Bài thơ còn thể hiện vẻ đẹp tráng lệ của người lính cách mạng. Câu thơ "chỉ vì em là du kích" nhấn mạnh vai trò của nhân vật trong cuộc chiến - một chiến sĩ du kích kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Người lính ấy không chỉ là một con người bình thường, mà còn là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bất khuất. Dù "chết nửa con người", người lính vẫn phải tiếp tục chiến đấu, bởi phía trước còn lý tưởng và trách nhiệm.
Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của những người ra trận, làm tan vỡ hạnh phúc lứa đôi của những con người nơi quê nhà. Chiến tranh gắn với những địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt: bên Đông Trường Sơn thì mưa dầm, bên Tây thì khô hạn. Thầm yêu, thầm nhớ những nữ chiến sĩ quả cảm thậm chí còn chưa rõ mặt, chưa biết tên. Và công việc thầm lặng của những nữ chiến sĩ nơi chiến tuyến làm nên nét bi tráng của cuộc chiến: Bụi mù trời, mùa hanh/ Nước trắng khe, mùa lũ/ Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ/ Em vẫn đi, đường vẫn liền đường (Phạm Tiến Duật). Sự gian khổ trên con đường huyết mạch Trường Sơn được mô tả trực diện, nhưng không phải để than vãn mà để tôn vinh sự kiên cường. Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, vẻ đẹp của con người càng trở nên rực rỡ. Những người lính, dù nam hay nữ, vẫn bước đi với niềm tin tất thắng. Vẫn đi, vẫn liền đường là một tuyên ngôn mạnh mẽ về tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, làm nên vẻ đẹp tráng lệ giữa khói lửa chiến tranh.
Kì lạ thay, trong xa cách, tình cảm của những người lính, những cô gái thanh niên xung phong vẫn luôn gắn bó, thể hiện sâu sắc tinh thần đồng đội và tình yêu trong bối cảnh đặc biệt thời chiến. Những bài thơ tình thời chống Mỹ còn tái hiện sự tàn ác của kẻ thù khi giết hại cô gái du kích. Mối tình dang dở giữa người lính và cô gái làng quê trở thành biểu tượng của những cuộc chia ly đau thương thời chiến. Nữ thanh niên xung phong lấy thân mình đánh lạc hướng bom địch, hình ảnh "hố bom giết em" (Khoảng trời, hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ) nhưng lại "có nước trời xoa dịu vết thương đau" thể hiện xúc động sự bi tráng, hào hùng. Những cuộc sinh ly tử biệt bi hùng giữa những người lính đến nay vẫn còn ám ảnh, day dứt mãi.
Với giọng thơ da diết tâm tình, kết hợp mạch tự sự và trữ tình, ta bắt gặp câu chuyện tình yêu, bi kịch chia ly của người vợ trẻ nơi hậu phương hy sinh khi chồng là người lính đang còn ngoài chiến trận trong Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Bài thơ đầy ám ảnh về nỗi đau của người lính trước sự mất đi người thân yêu. Câu chuyện tình trong bài thơ không có cái kết viên mãn mà ám ảnh vô cùng: Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương tàn lạnh vây quanh, tượng trưng cho sự chia lìa mãi mãi. Hình ảnh màu tím hoa sim xuyên suốt bài thơ là màu của nỗi đau, sự chung thủy và tiếc thương khôn nguôi.
Gửi em cô thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật khiến người đọc ấn tượng mãi về hình ảnh cô gái thanh niên xung phong dũng cảm, lạc quan giữa chiến trường, neo đậu mãi trái tim về một tình yêu mang màu sắc trẻ trung, tinh nghịch đầy chất lính. Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây. Nhà thơ nhắc đến một nghịch lý trong tình yêu thời chiến. Dù cùng chung một không gian (Trường Sơn), họ lại cách xa nhau bởi nhiệm vụ riêng, bởi con đường hành quân của mỗi người. Thay vì buồn bã hay bi lụy, câu thơ vẫn toát lên tinh thần lạc quan khi khẳng định Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cái đẹp ở đây không chỉ là thiên nhiên hùng vĩ mà còn là vẻ đẹp của lòng người, của ý chí và tinh thần quyết tâm. Tình yêu, vì thế, tuy xa nhưng không cách trở, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng ký ức, bằng sự đồng điệu trong tâm hồn. Hình ảnh Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây cũng mang ý nghĩa ẩn dụ cho hai con người cùng chung chí hướng, dù mỗi người một nhiệm vụ nhưng vẫn luôn hướng về nhau. Nỗi nhớ ở đây không chỉ là nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa mà còn là sự gắn kết giữa những con người cùng chung lý tưởng. “Con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại” đã khắc họa một tình yêu đặc biệt: không cần những lời hứa hẹn dài lâu, không có những giây phút gần gũi thân mật, nhưng vẫn bền bỉ, thủy chung trong từng nỗi nhớ.
Bài thơ Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ khắc họa hình ảnh bi tráng về tình yêu và sự hy sinh của những cô gái mở đường trong chiến tranh. Ở nơi bom đạn ác liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tình yêu của họ không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu Tổ quốc, hóa thân vào đất nước để trở thành bất tử. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh đối lập giữa không gian dữ dội của chiến tranh và một khoảng trời bình yên, nơi "có cô gái mở đường" đã ngã xuống. Hố bom - biểu tượng của tàn phá - không chỉ là dấu tích chiến tranh mà còn là nơi lưu giữ linh hồn người con gái. Họ không còn hiện diện bằng thân xác nhưng vẫn tồn tại như một phần của đất nước: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất. Câu thơ mang tính biểu tượng cao: khoảng trời - hình ảnh của tự do, ước vọng - nay đã hóa thân vào lòng đất, như một sự hòa quyện giữa sự sống và cái chết, giữa hiện thực đau thương và tinh thần bất khuất. Người con gái ấy đã hóa thành bất tử, vừa thương đau, vừa tự hào. Nữ nhà thơ không chỉ viết về sự hy sinh mà còn khắc họa vẻ đẹp của tình yêu đầy bi tráng. Ở đó, những cô gái vừa chiến đấu vừa mang theo bên mình những khát vọng tuổi trẻ.. Họ "mở đường" không chỉ trong nghĩa đen mà còn mở đường cho những giấc mơ, cho tương lai của đất nước. Tình yêu của họ vượt qua cái chết, trở thành một phần của quê hương. Chính vì thế, dù họ không còn, người ta vẫn thấy họ hiện hữu trong từng ngọn cỏ, từng tán cây, từng cơn gió thổi qua "khoảng trời, hố bom". Họ không mất đi mà đã hóa thân vào thiên nhiên, vào lòng đất quê hương. Và trong ánh nhìn của thế hệ sau, họ vẫn lặng lẽ hiện diện: Chỉ có cây rừng hiểu/ Cái hố bom đã thành một khoảng trời. Cái chết không làm họ biến mất mà chỉ là một sự chuyển hóa. Khoảng trời ấy không bị lấp đi mà trở thành một không gian thiêng liêng, nơi tình yêu và sự hi sinh còn mãi.
Chiến tranh không chỉ là sự tàn khốc, chia lìa mà còn là nơi thử thách và tôn vinh tình yêu. Bài thơ Quê hương của Giang Nam là một bản bi ca xúc động về nỗi đau mất mát trong chiến tranh, đồng thời khắc họa vẻ đẹp bi tráng của tình yêu đôi lứa. Hình ảnh người yêu ngã xuống giữa tuổi xuân phơi phới, trong một khung cảnh vừa rực rỡ vừa bi thương, đã tạo nên những rung động sâu sắc trong lòng người đọc. Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Nhưng rồi chiến tranh ập đến, cắt ngang mối tình đẹp: Tôi nhớ làng tôi có một người con gái/ Tuổi chưa tròn mười tám/ Khi giặc đốt làng, em phẫn uất xung phong/ Và ngã xuống đường quê, trắng xoá bóng trăng hồng... Hình ảnh thơ diễn tả vẻ đẹp trong trẻo của người thiếu nữ, vừa gợi nhắc sự tàn khốc của chiến tranh. Cô gái, người thiếu nữ đang yêu ấy, cũng chính là chiến sĩ. Sự hy sinh của cô không khiến tình yêu bị lãng quên mà ngược lại, nâng nó lên một tầm cao mới - bi tráng và bất tử. Tình yêu trong chiến tranh có thể bị chia cắt bởi cái chết, nhưng vẫn mãi mãi sống trong lòng người ở lại. Chàng trai trong bài thơ đã mất đi người yêu, mất đi cả một phần tâm hồn, một phần tuổi trẻ của mình. Nhưng chính điều đó lại khiến tình yêu của họ trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Núi Đôi của Vũ Cao vẽ nên một chuyện tình không trọn vẹn giữa cô gái thôn Đoài và chàng trai thôn Đông - một mối tình bị chia cắt bởi bom đạn, nhưng lại hóa thành bất tử giữa không gian và thời gian. Tình yêu đó không có cái kết viên mãn, không có ngày sum vầy, chỉ còn lại chàng trai trở về thôn xưa, đối diện với sự mất mát khôn cùng. Người con gái đã ra đi, để lại khoảng trống vô hình nhưng thăm thẳm trong lòng người ở lại. Chính sự dang dở ấy làm tình yêu trở nên luyến tiếc và ám ảnh, như một vệt sáng băng qua bầu trời rồi vụt tắt, để lại dư âm kéo dài vô tận. Câu chuyện nhỏ Anh đi bộ đội, sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm để lại thông điệp sâu sắc: Nếu tình yêu trọn vẹn là một bài ca dịu êm, thì tình yêu dang dở lại là một vết khắc sâu vào tâm khảm, khiến con người nhớ mãi không quên. Nỗi đau của chàng trai không dữ dội, mà âm ỉ, dai dẳng như những lớp sóng ngầm cuộn chảy trong tâm hồn. Cô không chỉ là người yêu của chàng trai, mà còn là biểu tượng của thế hệ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Những mối tình trong thơ chống Mĩ hiện lên thật hào hoa nhưng thấm đẫm cảm hứng bi tráng. Dù chiến tranh ác liệt, tình yêu vẫn tỏa sáng với những vẻ đẹp riêng, vừa dịu dàng, lãng mạn, vừa kiên cường, bất khuất. Dưới bom đạn, người con gái vẫn giữ trọn tình yêu của mình: Em là du kích, em là giao liên/ Em là chính quê hương ta đó/ Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương... Dù áo em vẫn còn mảnh vá/ Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son/ Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn (Lê Anh Xuân).
Trong Gửi em cô thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật khắc họa một tình yêu hồn nhiên giữa chiến trường. Chàng trai lính công binh gặp cô gái thanh niên xung phong trong một đêm tối giữa vùng đất lửa, tình yêu đến tự nhiên như ánh sáng đèn, dù chỉ lóe lên trong chốc lát, nhưng rồi chiến tranh không cho họ kịp tìm thấy nhau, chỉ còn lại câu hỏi đầy tiếc nuối: Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu/ Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn... Tới đây ta ngộ ra, tình yêu trong chiến tranh không hẳn là một mối quan hệ rõ ràng, mà đôi khi chỉ là những khoảnh khắc quý giá giữa dòng chảy nghiệt ngã của thời cuộc.
Bên cạnh những câu chuyện tình bi tráng, nhiều bài thơ còn thể hiện nét lạc quan, màu sắc trẻ trung của tuổi trẻ trong tình yêu. Gửi em cô thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật đã vẽ lên bức tranh tình yêu tươi sáng giữa chiến trường: Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón. Giữa bom đạn, những chàng trai cô gái vẫn tìm thấy niềm vui từ những câu chuyện tinh nghịch, tếu táo, làm cho tình yêu trở nên gần gũi và ấm áp hơn. Ở Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi cũng khắc họa hình ảnh cô gái tiền phương với đôi mắt trong veo và nụ cười lạc quan. Cô gái ấy đứng bên đường trong rừng Trường Sơn như một hình ảnh quen thuộc của hậu phương, nơi tiếp thêm động lực cho người lính: Em vẫy cười đôi mắt trong/ Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn. Nụ cười ấy không phải của sự bi lụy mà là sự động viên, là niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng, vào tương lai hòa bình.
Chiến tranh chính là nơi thử thách ghê gớm nhất sức chịu đựng của con người. Người con gái trong thơ chống Mỹ, mang một biểu tượng sâu đậm về sự thủy chung, kiên cường, bất khuất. Họ là những người yêu, người vợ, là hình ảnh đại diện cho hậu phương vững chắc. Họ vừa dịu dàng, thủy chung, vừa kiên cường và sẵn sàng hy sinh mọi thứ: Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào/ Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau... (Nguyễn Mỹ). Trong Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, hình ảnh cô gái mở đường trở thành một biểu tượng đầy bi tráng: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất. Sự hy sinh của cô không phải là sự mất mát vô nghĩa mà chính là ánh sáng dẫn đường cho những đoàn quân tiếp tục hành trình. Trong Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, người con gái hiện lên vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ, gánh trên vai cả nhiệm vụ hậu phương và trách nhiệm tiền tuyến. Câu thơ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Rau hết rồi, em có lấy măng không? vừa thể hiện những dự cảm băn khoăn, lo lắng của chàng trai, vừa cho thấy sự kiên cường của người con gái nơi tuyến lửa.
Có thể nói, tình yêu trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ được hầu hết các nhà thơ thể hiện nổi bật ở sự kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình. Các bài thơ không chỉ đơn thuần kể câu chuyện tình yêu mà mượn câu chuyện tình để đưa vào trong đó những dòng cảm xúc mãnh liệt, tạo nên sức ám ảnh sâu sắc. Màu tím hoa sim, Núi Đôi, Quê hương... đều là những bài thơ có lối kể chuyện lồng ghép với tâm trạng đau thương, nhớ nhung, tiếc nuối của nhân vật. Hình ảnh trong các bài thơ cũng mang tính biểu tượng rất cao: Màu tím hoa sim - màu tím tượng trưng cho chung thủy và đau thương; Núi Đôi - biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu dù cách trở âm dương; Khoảng trời, hố bom - sự hóa thân của người con gái vào đất nước; Lá đỏ - sắc màu của chiến tranh nhưng cũng là sắc màu của hy vọng…
Thay lời kết
Những chuyện tình thời lửa đạn trong thơ ca chống Mỹ không chỉ là những bản tình ca đẫm nước mắt và máu lửa mà còn là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và vẻ đẹp bất tử của con người trong chiến tranh. Giữa khói súng mịt mù, tình yêu vẫn nảy nở như những bông xương rồng kiêu hãnh trên cát bỏng, vừa rắn rỏi vừa tràn đầy sức sống. Hào hoa và bi tráng, những mối tình ấy không bị chiến tranh nghiền nát mà ngược lại, chính gian khổ đã hun đúc nên vẻ đẹp của sự hy sinh, lòng chung thủy và khát vọng hòa bình. Như những ngọn sóng bạc đầu nối tiếp nhau vỗ vào bờ ký ức, tình yêu trong thơ ca chống Mỹ khắc ghi dấu ấn của một thời đại mà yêu thương và chiến đấu là hai mặt của cùng một lý tưởng. Ở đó, những con người bình thường đã yêu bằng tất cả trái tim, đau bằng cả linh hồn và sống bằng niềm tin mãnh liệt vào ngày mai. Những vần thơ ấy, vì thế, không chỉ là ký ức của một thời bom đạn, mà còn là thông điệp nhân văn sâu sắc về sức sống bất diệt của tình yêu con người trước mọi bão tố lịch sử.
Thơ ca chống Mỹ đến nay vẫn còn hấp dẫn bởi những hình tượng được xây dựng giàu cảm xúc thông qua những yếu tố nghệ thuật đặc thù. Những hình tượng trong thơ đề tài tình yêu là con người, sự vật cụ thể mang tính biểu tượng cao, tạo nên sức gợi mạnh mẽ và giá trị tư tưởng sâu sắc. Thiên nhiên đất nước trong các thi phẩm không chỉ là bối cảnh/ không gian sinh tồn mà còn mang giá trị biểu tượng, là “vật chứng” của tình yêu trong chiến tranh. Những người chiến sĩ qua những câu chuyện tình yêu hiện lên chân thực, lãng mạn và bi tráng. Những hình tượng này phản ánh một thời đại hào hùng, trở thành biểu tượng bất tử của tình yêu và lòng yêu nước. Những vần thơ ấy mang dấu ấn thời đại, là lời nhắc về sự hy sinh cao đẹp, để thế hệ hôm nay biết nâng niu, trân trọng hơn những giá trị của hòa bình và tình yêu. Chính những chuyện tình thời chiến đã tô điểm cho thơ ca thời kỳ chống Mỹ trở nên vô cùng hào hùng, trữ tình và sâu lắng. Đến lượt những câu chuyện tình lại mượn thơ ca để phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam.
Thời đại lịch sử như một lẽ tự nhiên đã tạo ra mảnh đất phù sa màu nhiệm để sinh thành những bài thơ hùng tráng, vang vọng cùng năm tháng. Tình yêu trong thơ chống Mỹ đâu chỉ là những câu chuyện cá nhân mà còn là biểu tượng của một thế hệ đã sống, yêu và chiến đấu suốt dọc thời lửa đạn.
N.V.N - N.Đ.T