Thứ Năm, 18/04/2019 15:36

Cố hương

Đó là chuyện xảy ra trên chuyến tàu từ Daegu lên Seoul. Tôi nhìn đi nhìn lại nhiều lần gã ngồi đối diện một cách đầy thú vị. Hắn cuộn kimono lên người làm durumagi(1), bên trong lộ ra chogori(2) làm bằng vải lanh

So với tác phẩm của những nhà văn khác, truyện ngắn của Hyun Jin Geon (1900 - 1943) được đánh giá đóng góp một phần rất lớn trong việc đặt nền móng cho văn học Hàn Quốc. Trong cuộc đời, ông đã để lại hơn hai mươi truyện ngắn và ba truyện dài. Đa số các truyện ngắn của Hyun Jin Geon kết thúc bằng cái nghèo. Điều này tiêu biểu cho hiện thực cuộc sống của người Triều Tiên với số phận bi đát dưới ách cai trị của thực dân Nhật Bản.
Đặc trưng trong sáng tác của Hyun Jin Geon là đa phần nội dung tác phẩm có cấu trúc song song đối lập như ánh sáng và bóng tối, may mắn và bất hạnh, tinh thần và vật chất, khác nhau giữa giàu và nghèo... Những sự đối lập này trở thành bi kịch hoặc châm biếm hài kịch và được xem là cấu trúc đặc trưng. Nhiều ý kiến cho rằng cấu trúc truyện ngắn Hàn Quốc được hoàn thiện bởi nhà văn Kim Dong In nhưng Hyun Jin Geon cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao trình độ truyện ngắn của văn học Hàn Quốc.

 

Đó là chuyện xảy ra trên chuyến tàu từ Daegu lên Seoul. Tôi nhìn đi nhìn lại nhiều lần gã ngồi đối diện một cách đầy thú vị. Hắn cuộn kimono lên người làm durumagi(1), bên trong lộ ra chogori(2) làm bằng vải lanh, phần dưới hắn mặc quần theo phong cách Trung Quốc. Chiếc quần được may bằng vải dạ màu nâu đậm bóng loáng kiểu giấy dầu mà người Trung Quốc hay mặc. Chân hắn quấn vải bông, đi dép rơm, mái đầu không đội mũ được cắt theo kiểu gobu-gari(3). Chúng vô tình tạo nên một sự kết hợp hết sức kì quặc.
Trong toa đầu chúng tôi ngồi, không ngờ có cả ba người đến từ ba đất nước khác nhau. Anh chàng người Trung Quốc ngồi dựa ngay cạnh tôi. Sát bên anh ta là một người Nhật Bản. Quấn hết quần áo của cả ba nước phương Đông lên người xem ra cũng làm cho gã ngồi đối diện tôi có chút giá trị. Có vẻ như hắn không những nói trôi chảy tiếng Nhật mà tiếng Trung Quốc cũng không đến nỗi vụng về.
- Đô-kkô-đa-mê ô-i-đê đê-sư-kka? (Anh đi đến đâu thế?).
Bắt chuyện bằng câu hỏi đi đâu nhưng hắn lại hỏi lan man sang Tokyo, Đại Phản thế nào rồi lại chuyển sang bảo người Triều Tiên ăn ớt vô độ, thức ăn Nhật Bản quá nhạt ăn thấy lợm. Anh chàng người Nhật lấy ngón cái và ngón trỏ xoa xoa râu mép xén ngắn, miễn cưỡng gật gù, trả lời bừa bằng câu “Soudeskka?” (Thế à?) với vẻ không mấy đoái hoài. Hắn lại kéo lấy anh chàng người Trung Quốc phiền nhiễu. Hắn lao vào hỏi liên tiếp “Ni-ssang-na-ôl-chuy? Ni-ssing-som-ma?” (Đây là đâu vậy? Anh tên gì?) nhưng anh chàng người Trung Quốc cũng chỉ nở nụ cười như thách đố trên khuôn mặt béo núc mỡ với vẻ chẳng bận tâm. Anh ta cứ làu bàu gì đó trong miệng và cười với tôi đầy ẩn ý.
Nụ cười của anh chàng người Trung Quốc giống như nụ cười của huấn luyện viên xiếc thú đang yêu cầu khán giả vỗ tay khen ngợi tài năng của mình khi anh ta trêu các con thú. Tôi lạnh lùng lảng tránh ánh mắt ấy. Điệu bộ kênh kiệu của anh chàng Trung Quốc không ngượng nghịu nhưng rất đáng ghét. Gã ngồi đối diện tôi ngậm miệng được một lúc, gãi đầu sột soạt ra vẻ chán nản. Rồi hắn lại cắn móng tay, bần thần nhìn ra cửa sổ. Sau đó, chắc không chịu được, hắn bỗng nhìn tôi chằm chằm và hỏi bằng giọng vùng Gyeongsang(4):
- Anh đi đâu đó?
- Tôi đi Seoul.
- Vậy hả? Rất vui được gặp anh, tôi cũng lên Seoul, mình thành bạn đồng hành rồi nhỉ.
Tôi không biết trả lời thế nào với câu nói tỏ ra thân thiết quá mức của hắn. Vả lại, thấy cũng không nhất thiết phải trả lời nên tôi không nói lời nào.
- Anh sống ở Seoul lâu chưa vậy? - Hắn lại hỏi.
- Sáu, bảy năm rồi.
Thấy hơi bị quấy rầy nhưng tôi không thể lảng tránh câu hỏi của hắn.
- Ôi, vậy cũng lâu đó chứ. Đây là lần đầu tiên tôi lên Seoul đó. Mấy người làm mướn như tôi xuống xe thì thường tìm tới đâu anh biết không? Ở đó có cái giống với “Ki-jin-ya-do” của tụi Nhật không?
Bỗng nhiên, mặt hắn nhăn nhó như đang nghĩ đến hoàn cảnh chật vật của mình.
Lúc đó tôi chợt nhận ra vẻ méo mó hợp nhất với khuôn mặt của hắn. Lông mày thưa thớt lổm chổm dựng đứng, giữa hai hàng lông mày đang chùng xuống vì nhăn nhó hiện ra nhiều nếp nhăn chằng chịt. Thịt trên xương gò má teo tóp, hai má dưới hóp lại. Miệng hắn méo mó vênh về bên trái giống như đang ăn cây sơn đắng. Đôi mắt ti hí hình như đang ứ nước mắt. Tuổi trạc chưa quá ba mươi nhưng trông hắn có vẻ già hơn tuổi thật những mười tuổi. Dần dà, tôi bớt hiềm khích với hắn một phần vì đồng cảm với khuôn mặt cay đắng đó.
- Xem nào… Chắc có mấy nhà trọ cho dân lao động chứ!
Hắn lại lân la hỏi về nhà trọ cho dân lao động rồi tiếp tục thắc mắc:
- Giờ này mà đến đó thì xin làm gì được anh hả?
- Không biết nữa… xin làm gì được nhỉ.
Thực ra tôi cũng hơi áy náy vì câu trả lời lạnh lùng và không mấy thân thiện của mình. Nhưng ngay bản thân tôi cũng không biết nhiều về công việc ở đó nên không đưa ra câu trả lời tốt hơn cho hắn được. Thay vào đó, tôi hỏi lại hắn:
- Anh từ đâu đến vậy?
- Ừm… Từ quê tôi tới chứ đâu.
Tiếp sau là cái thở dài thườn thượt “Hừm”, hắn bắt đầu ca cẩm về cuộc đời mình. Quê hắn ở xã H, tách biệt với các vùng khác thuộc quận K không xa thành phố Daegu. Gần trăm hộ gia đình ở đó kiếm sống bằng việc canh tác trên đất thuê của nhà nước. Thuê đất nhà nước xem ra vẫn lợi hơn thuê đất tư nhân, tuy không khấm khá nhưng vẫn có thể sống được ở miền quê thanh bình mà không cần ganh đua với người khác. Thời thế đảo lộn, toàn bộ đất đai thành sở hữu của Công ti cổ phần thuộc địa Phương Đông. Tiền thuê đất nộp trực tiếp cho công ti cũng đỡ hơn một chút nhưng vì sự xuất hiện của bọn trung gian nên tình thế thay đổi hoàn toàn. Chúng chẳng sờ đến một hạt đất nhưng lại ra vẻ người làm thuê với công ti, trong khi với nông dân chúng lại cư xử như địa chủ. Tiền thuê đất phải trả cho công ti một lẽ, đằng này lại thêm bọn trung gian bớt xén nên thóc lúa đến tay người nông dân chỉ còn đôi ba phần. Bởi vậy, dân chỉ biết luôn miệng ai oán than thở “Chết thôi”, “Sống sao mà sống”. Đàn ông gánh nỗi lo trên lưng, đàn bà gánh nỗi lo trên đầu lang thang sang những vùng đất khác với hi vọng sống sót. Vùng quê nghèo ngày càng kiệt quệ.
Chín năm trước, mùa xuân năm hắn mười bảy tuổi (thực ra năm nay hắn mới hai sáu. Cái nghèo khổ đã làm người ta già đi bao nhiêu), cả nhà hắn chuyển đến Tây Gian Đảo vì nghe nói ở đó có thể sống tốt hơn. Nhưng thân phận chó đuổi nên đi đâu cũng không tìm được cuộc sống khấm khá. Ruộng vườn màu mỡ cũng không dành cho nhà hắn. Đất tốt thì người đến trước đã chiếm hết. Ruộng hoang thì nhiều nhưng kể từ ngày chuyển đến, nhà hắn phải quần quật kiếm ăn từng bữa nên tìm đâu ra thời gian mà vừa khai phá đất đai vừa lo đủ cái ăn cái mặc. Cả nhà chạy vạy vay người ta ngân lượng để làm nông nhưng đến mùa thu chỉ còn tay trắng. Hai năm trôi qua, hắn không sống mà chỉ là nhẫn nhục chịu đựng. Bố hắn đột nhiên đổ bệnh rồi bỗng chốc trở thành linh hồn cô đơn lưu lạc vùng đất khác. Mười chín tuổi hắn phải gồng mình sống gai góc, chăm sóc người phụ nữ góa chồng là mẹ mình. Nhưng rồi chưa đầy bốn năm sau, mẹ hắn cũng qua đời vì thiếu ăn.
- Mẹ tôi cũng chết rồi. Lúc chết, bà ấy còn không được một ngụm cháo trắng.
Bỗng nhiên hắn khựng lại. Mắt hắn nhòe đi. Hình như hắn khóc.
Tôi không biết nói gì để an ủi hắn. Ngập ngừng một lúc, tôi rút nắp chai rượu được các bạn tặng trước khi lên tàu, khẽ đổ rượu vào chén trà. Hắn uống. Tôi cũng uống. Hắn uống năm chén liên tiếp như muốn xoá bỏ hết nỗi buồn bị số phận tàn nhẫn xô đẩy rồi lại tiếp tục kể. Hắn bảo từ đó, hắn không muốn tiếp tục ở lại vùng đất khiến hắn mất cả bố lẫn mẹ nữa. Hắn đến Sinuiju ở Andonghyeon làm thuê, rồi lại tìm kế sinh nhai ở Nhật Bản. Hắn từng làm trong mỏ khoáng sản Guju và cũng có thời gian lăn lộn ở nhà máy thép. Tiền kiếm khá hơn trước nhưng tấm thân trẻ cô đơn ngày càng ăn chơi, trác táng. Tiền kiếm ra không dành dụm được bao nhiêu. Được một thời gian, hắn lại lên cơn không thể ngồi yên một chỗ. Hắn thấy bức bối và nhớ sông núi quê hương nên đã chạy một mạch về nước. Lâu ngày mới về lại quê hương, hắn định lên Seoul để tìm việc.
- Về quê có ai đón mừng anh không? - Tôi thở dài và hỏi.
- Ai mà đón mừng tôi, quê tôi trống huơ trống hoác hết rồi.
- Chắc là thế, chín năm chắc hẳn đã thay đổi nhiều.
- Đổi gì mà đổi, có gì đâu mà đổi. Nhà cũng không, người cũng không, chó cũng chẳng có một con.
- Thế quê anh giờ trở thành vùng đất hoang rồi à?
- Hừm, chỉ còn hàng rào đổ nát san sát nhau thôi. Nhà tôi ở năm xưa cũng không tìm lại được, nền nhà vẫn còn nhưng không thể tìm ra ở đâu. Anh đã bao giờ thấy cả một xã đông người bỗng chốc hoang tàn như vậy chưa? - Giọng hắn như gào thét tột độ.
Những trụ kèo trong nhà đổ sập hư thối, đá nền nằm lăn lóc giống như ngôi mộ nào mới bị đào bới phá hài cốt nằm ngổn ngang. Trên đời làm sao có chuyện như vậy được? Một xã một trăm gia đình có thể biến mất trong vòng chưa đến mười năm không?

Minh họa: Chiết Tô

Hắn trút lòng mình, nhìn ra núi xa như đang nghĩ đến quang cảnh hoang tàn lúc ấy. Rồi hắn nốc cạn chén rượu tôi rót.
- Tôi tan nát cõi lòng, đau lắm.
Nói xong, hai giọt nước mắt hắn tuôn trào.
Dường như trong giọt nước mắt ấy tôi đã nhìn thấy được gương mặt bi thảm và bần cùng của người Triều Tiên.
Một lúc sau, tôi hỏi hắn:
- Thế về thăm quê anh đã gặp người nào quen chưa?
- Tôi có gặp một người, chỉ một người thôi.
- Họ hàng à?
- Không, hàng xóm thôi.
Nói rồi mặt hắn càng thêm u uất.
- Gặp được hàng xóm chắc anh vui lắm nhỉ?
- Vui chứ, cảm thấy như gặp một người chết đi vừa sống lại. Huống chi người đó lại từng có duyên phận với tôi.
- Duyên phận gì?
- Đó là người con gái đã từng có hôn ước với tôi.
- Sao? - Tôi há hốc miệng ngạc nhiên.
- Số phận của cô ấy cũng chẳng khác tôi là bao.
Hắn lại tiếp tục kể câu chuyện cuộc đời mình.
Người con gái đó hơn hắn hai tuổi. Là hàng xóm nên cả hai cùng nhau chơi đùa, trưởng thành và tất nhiên cũng có những trận cãi vã. Khi hắn mười bốn tuổi, hai bên gia đình đã có lời đánh tiếng hôn nhân cho hai người. Trong tâm trí của một chàng trai mới lớn, hắn thấy thích cô ấy rất nhiều.
Rồi một ngày đông nọ, khi tròn mười bảy tuổi, đột nhiên cô ấy bỏ đi không ai biết.
Hóa ra cô ấy đã bị người mình gọi là bố bán cho nhà thổ ở thành phố Daegu để nhận hai mươi won. Khi mọi chuyện lan ra khắp làng, gia đình họ không thể sống tiếp ở làng nên đành chuyển đi nơi khác. Từ đó, hai người không gặp nhau một lần nào nữa. Lần về quê này hắn chỉ nhìn thấy nền nhà mình nhưng lại gặp được người con gái suýt nữa lấy làm vợ. Cô ấy đã làm vú em trong nhà của một người Nhật Bản. Nghe đâu cô ấy đã cam kết trả nợ hai mươi won cho chủ nhà trong vòng mười năm nhưng rốt cuộc vẫn còn nợ đến sáu mươi won. Chủ nhà mắc bệnh đáng sợ, lại có tuổi, người chẳng khác gì xác chết nên đã xóa nợ và tha cho cô ấy đi.
Cô ấy cũng giống hắn, suốt hơn mười năm đau đáu nhớ về quê hương, tìm về quê nhưng nhà không còn, bố mẹ cũng mất chỉ còn lại những bãi đá trơ trọi đầy nước mắt. Cô khóc suốt ngày. Sau đó lại lặn lội lên nội ô, nhờ bập bẹ được một hai câu tiếng Nhật nên đã xin được việc trong nhà của một người Nhật Bản.
- Sao con người ta có thể thay đổi vậy được? Mái tóc dày ngày xưa đã rụng gần hết. Đôi mắt hõm sâu, nét mặt tươi sáng giờ đây như bị tưới dầu.
- Chắc hẳn hai người đã nắm chặt lấy nhau và khóc nhiều lắm nhỉ?
- Nước mắt nào rơi nổi. Chúng tôi đã cùng nhau vào quán udong Nhật Bản, uống mười chai rượu rồi chia tay nhau.
Hắn lại thở một hơi dài, não lòng. Gợi lại và đụng chạm đến nỗi buồn đã qua khiến hắn mệt hẳn.
- Xong chuyện rồi, cũng chẳng còn gì nữa.
Và rồi hắn im không nói lời nào cả. Tôi thấy cay đắng khi nghe chuyện về cuộc sống bi đát của hắn.
- Thôi, chúng ta uống cạn rượu đi.
Sau đó, cứ người này rót cho người kia, cả hai uống hết chai rượu. Ngà ngà say hắn cao hứng ngân nga một bài hát hay hát khi còn bé mà không biết tên là gì.
Ruộng có ụ lúa
Trở thành con đường mới
Bạn khéo ăn nói
Đi về nhà tù
Cụ ngậm tẩu thuốc
Đi về nghĩa trang
Còn cô gái đẹp
Đi về lầu xanh

Hoàng Thị Trang Min Yu Jin
dịch từ nguyên bản tiếng Hàn

 

 

-----------

1. Một loại áo choàng truyền thống của nam giới Triều Tiên (Hàn Quốc),
áo dài đến đầu gối thường được mặc khi ra ngoài.
2. Áo khoác ngắn của trang phục truyền thống Hàn Quốc.
3. Kiểu tóc húi cua của nam giới Nhật Bản.
4. Tên một tỉnh nằm ở phía đông nam của Hàn Quốc, tỉnh này bao gồm
tỉnh Gyeongsang Nam và Gyeongsang Bắc.