Công trình của TS. Lê Hải Minh là công trình đầu tiên đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực múa đương đại Việt Nam, kịp thời san lấp một phần vào khoảng trống rộng lớn này. (TẦM THƯ)
Múa đương đại Việt Nam của Lê Hải Minh là một công trình có giá trị về mặt lí luận, khoa học và thực tiễn, nghiên cứu trên diện rộng quá trình xuất hiện, hình thành, tiếp biến và phát triển của múa đương đại Việt Nam.
Cuốn sách của TS. Lê Hải Minh do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành tháng 3/2019
Cũng như những loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa thực hiện chức năng phản ánh thế giới bằng “ngôn ngữ” đặc thù; mỗi tác phẩm mang chở cảm xúc, tư tưởng, thông điệp nhân sinh của chủ thể nghệ sĩ sáng tạo.
Từ những năm đầu Đổi mới đến nay, nhiều tác phẩm múa hấp phả được hơi thở thời đại với những khuynh hướng sáng tác phong phú, những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm đa dạng, đã dần làm nên một diện mạo mới của ngành múa Việt Nam.
Trong bức tranh đa diện ấy, dòng múa đương đại với những thoáng mở, tươi mới của nó đã thu hút sự quan tâm theo đuổi của nhiều nghệ sĩ (biên kịch, biên đạo và biểu diễn) cũng như theo dõi của công chúng. Múa đương đại, một mặt chắp cánh cho nhiều ý tưởng sáng tạo phá cách táo bạo của nghệ sĩ, mặt khác đặt ra rất nhiều vấn đề cần bàn luận cả về mặt lí thuyết lẫn thực tiễn.
Mái nhà - tác phẩm múa đương đại Việt Nam do Bùi Ngọc Quân biên kịch và biên đạo, được các diễn viên thực hiện tại Nhà hát lớn TP. Hồ Chí Minh đêm 19/10/2015
Múa đương đại Việt Nam được tiếp biến từ yếu tố ngoại sinh vào cuối thập niên 1980. Gần 30 năm kiến tạo, dòng nghệ thuật này không còn mới lạ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa cũng như đối với công chúng. Nhiều tác phẩm múa đương đại có sự kết hợp ngôn ngữ múa truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới, lồng bện các loại hình nghệ thuật khác như xiếc, kịch, tận dụng những yếu tố công nghệ cao, với chiều sâu triết lí, sự đa bội về tầng ý nghĩa… đã mang đến cho người thưởng thức những bữa tiệc nghệ thuật hấp dẫn. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là, nhiều biên đạo múa chưa đi đến cùng cái gọi là múa đương đại, mà mới chỉ dừng lại ở sự khai thác yếu tố, đặc trưng của nó. Lí thuyết về nghệ thuật múa đương đại chưa được trang bị, cập nhật, thấm nhuần một cách có hệ thống, đầy đủ, sâu sắc.
Múa đương đại Việt Nam của Lê Hải Minh là công trình đầu tiên đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực múa đương đại Việt Nam, kịp thời san lấp một phần vào khoảng trống rộng lớn này. Với đối tượng khảo sát là những tác phẩm múa đương đại Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2014 chủ yếu ở hai địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cuốn sách đã nỗ lực hệ thống hoá những vấn đề lí luận về múa đương đại, từ đó bước đầu trả lời những câu hỏi như: Múa đương đại là gì? Múa đương đại và múa hiện đại có những tương đồng và dị biệt nào? Múa đương đại có phải là múa của thời đương đại? Vai trò, giá trị của múa đương đại trong nghệ thuật múa ra sao? Đâu là những kiến thức thiếu hụt trong công tác nghiên cứu, lí luận, phê bình, đào tạo và sáng tác múa đương đại ở Việt Nam?...
Có thể nói, đây là một công trình có giá trị về mặt lí luận, khoa học và thực tiễn, nghiên cứu trên diện rộng quá trình xuất hiện, hình thành, tiếp biến và phát triển của múa đương đại Việt Nam.
Tác giả Lê Hải Minh
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Lê Hải Minh chia sẻ: "Cuốn sách của tôi được thai nghén và ra đời là nhằm đáp ứng cấp thiết cái mà xã hội cần, ngành nghề cần. Từ trước đến nay chưa ai nghiên cứu bài bản về múa đương đại, mặc dù nó đã là “một phần tất yếu” của đời sống sinh hoạt nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, có chăng chỉ là những bài viết cảm nhận tản mạn về những tiết mục đơn lẻ, hay những thông báo về các buổi biểu diễn mà thôi. Đến nay, nhiều người còn nhầm lẫn múa hiện đại và múa đương đại, múa đương đại và múa của thời đương đại…”.
Lê Hải Minh sinh năm 1975 tại Đà Nẵng; nguyên quán Hà Nội; hiện công tác tại Học viện Múa Việt Nam.
TẦM THƯ