Thứ Sáu, 27/07/2018 00:33

Cổng Trời

Con đường Hồi Xuân - Tén Tằn dài 112 ki lô mét, 516 cầu cống, một cầu treo, ba ngầm. Cột mốc số 0 bắt đầu từ gốc cây ngơn trăm tuổi, sát bờ hữu sông Mã, cạnh chân núi đá Nam Xuân và vực Hồi Xuân đầy huyền thoại về thuồng luồng, thủy quái bí ẩn rồi men theo sông Luồng với Hang Ma là nỗi kinh hoàng cho những người đi thuyền, bè từ xưa đến nay. (Bút kí của NGUYỄN MINH KHIÊM)
Bút kí. NGUYỄN MINH KHIÊM

Con đường Hồi Xuân - Tén Tằn dài 112 ki lô mét, 516 cầu cống, một cầu treo, ba ngầm. Cột mốc số 0 bắt đầu từ gốc cây ngơn trăm tuổi, sát bờ hữu sông Mã, cạnh chân núi đá Nam Xuân và vực Hồi Xuân đầy huyền thoại về thuồng luồng, thủy quái bí ẩn rồi men theo sông Luồng với Hang Ma là nỗi kinh hoàng cho những người đi thuyền, bè từ xưa đến nay. Sau khi luồn lách xuyên qua chín xã rừng núi trùng điệp của huyện Quan Hoá, miền Tây xứ Thanh, nó kết thúc ở bản Lát (nay thành thị trấn huyện Mường Lát) cùng một phía bờ sông Mã nhưng là nơi cửa khẩu biên giới Việt Lào - địa danh đã có mặt trong bài thơ Tây tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng: ... Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Bên kia sông Mã là nước bạn Lào. Bắt đầu từ Hiền Kiệt, Trung Lý, Pù Nhi lên Tén Tằn, có nghĩa là từ Km 42, hầu như con đường luôn chạy sát biên giới nên thực chất Hồi Xuân - Tén Tằn là con đường biên giới nhằm phát triển kinh tế, văn hóa miền Tây của tỉnh Thanh Hoá, đồng thời cũng là con đường chiến lược của đất nước. Năm 1975, vừa giải phóng miền Nam xong, Chính phủ quyết định mở con đường quan trọng này và Đội thanh niên tình nguyện (TNTN) mang tên 42 - 12 được thành lập với trọng trách mở đường. Tiếng là đội TNTN nhưng có lúc quân số lên đến gần bốn ngàn người, trong đó gần ba ngàn là nữ. Năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc phức tạp, Đội TNTN 42 - 12 được biên chế thành một tiểu đoàn tự vệ với 22 C (tương đương 22 đại đội). Có C đông tới hai trăm. Làm đến đâu, thông xe cuốn chiếu đến đấy. Mỗi cung, mỗi đoạn đường là một gian nan, vất vả. Nhưng gian khổ nhất là những ki lô mét mở qua Cổng Trời.

Cổng Trời là tên do Đoàn Kinh tế 74, bộ đội Quân khu 4 và những TNTN đặt ra. Đây là một đỉnh đèo hình yên ngựa, nơi gặp gỡ của hai máng đá. Máng phía đông từ Hiền Trung, Hiền Kiệt ngược lên. Phía tây là máng đá khổng lồ, sâu thăm thẳm, dài mấy chục cây số từ sông Mã phía Cò Cài thốc lên bị dãy núi nước bạn Lào sau lưng bản Táo xã Trung Lý chặn lại. Hai vùng khí kì ảo này gặp nhau trên cái Yên Ngựa có độ cao 1150 thước so với mặt biển tạo nên một vùng trời khác biệt hoàn toàn, lính ta gọi là Cổng Trời, đồng bào Thái gọi là Pu Noọc Coọc. Pu Noọc Coọc có nghĩa là đèo Phượng Hoàng.

Cổng Trời nằm ở Km 56 + 200, đoạn chính giữa. Có một điều rất đặc biệt là, điểm khởi đầu con đường, Km số 0, bắt đầu từ mép bờ sông Mã ở Hồi Xuân. Km 112, kết thúc con đường cũng nằm sát sông Mã nơi gần cửa khẩu Việt - Lào. Khí hậu ở đây vô cùng khắc nghiệt. Quanh năm mưa. Quanh năm mù. Quanh năm gió. Quanh năm rét. Trùng điệp là rừng già nguyên sinh. Rừng giấu hình hài trong mưa. Có khi mưa dầm dề hàng tháng. Quần áo phơi suốt tuần vẫn ướt. Càng mưa càng khan nước uống, nước ăn. Nước suối đột ngột dâng lên hàng ba bốn mét, có khi hàng chục mét, đục ngầu như bát đất. Khe suối u tịch huyền bí ngày thường vốn thơ mộng bỗng là nỗi kinh hoàng. Nhiều người gọi đây là vùng trời thủng. Khi viết về những năm tháng mở đường Hồi Xuân - Tén Tằn, những người lính mở đường trong tiểu thuyết Vùng trời thủng của nhà văn Kiều Vượng bị trâu rừng đuổi đánh, bị hổ vồ, bị sập hầm chết, bị ong đất đốt không cứu được, bị lợn lòi nhay, bị rắn độc cắn, bị nứa lao xuống xọc lòi ruột..., được miêu tả là một phần sự thật khốc liệt của Cổng Trời. Thung lũng Táo, thung lũng Hiền Kiệt lúc nào cũng ngập trắng một màu mây. Mây cứ từ phía sông Mã bất chợt cuồn cuộn dâng về phủ đầy lòng khe, lòng suối, phủ đầy bao nhiêu chòm bản. Hàng nghìn ngọn núi hùng vĩ chỉ còn là những chấm nhấp nhô hệt như một vịnh Hạ Long giữa lòng Tây Bắc tỉnh Thanh.

Ngày xưa, lúc làm con đường này, chúng tôi lên Cổng Trời vào dịp cuối tháng sáu. Khi xe vừa dừng, hầu như tất cả TNTN đều đồng thanh hô lên: Biển! Biển! Đúng là biển thật. Chỉ có điều đó là biển mây. Chỉ trong vòng mười lăm, hai mươi phút, cái biển mây trắng bồng bềnh ấy bỗng tan biến sạch làu sương khói. Rồi cũng chừng ấy phút, hoặc lâu hơn một chút, cái biển thiên tạo kì ảo ấy lại trở về. Mùa hạ, phải là ngày đại hoả thì Cổng Trời mới thấy nắng. Mặc dù không phải mùa đông, nhưng nhiều hôm qua Cổng Trời, xe Zin ba cầu phải bật đèn vàng mới thấy đường. Xe mô-nô, xe hai cầu không dám lên. Đường dốc, trơn. Nhiều đoạn cua tay áo. Những chỗ đường đi qua rừng chuối thì quanh năm nước rỉ ra. Bùn nhầy nhụa. Rất nguy hiểm. Ta luy dương quy định độ dốc sáu mươi, sáu lăm. Phần lớn là bạt được bảy mươi, bảy lăm độ. Nhìn như tường thẳng đứng. Ta luy âm thì chóng mặt khi nhìn xuống. Khe suối dưới chân vực, đáy thung lũng lấp loáng như những dải ruy băng tráng bạc luồn dưới đáy rừng già.

Có lẽ, không nơi nào của xứ Thanh, rừng còn nguyên sơ như ở đây. TNTN cứ tưởng mình là người đặt chân lên khai phá đầu tiên. Màu xanh trùng điệp vô cùng, vô tận nối đuổi nhau mãi về phía Mộc Châu, Sơn La. Những cánh rừng mai vầu, mai hộc lưu cữu chưa từng có dấu dao chặt. Những cây già gục xuống. Lớp mai trẻ tua tủa bật dậy, vươn lên. Vào mùa măng, mỗi bụi mai đường kính khoảng mươi, mười lăm mét, măng chi chít như hầm chông. Đơn vị khoán cho lính mỗi ngày công phải lấy được một tạ măng. Mỗi người chỉ cần tìm đúng một bụi mai, chặt một buổi sáng đem về nộp sẽ gấp đôi số lượng. Gỗ quý, nhiều nhất là vàng tâm, dổi, bi và long linh, có cây mấy người ôm. Ngay giữa Cổng Trời có một cây vàng tâm mấy trăm năm tuổi, thân lực lưỡng, thẳng tắp vài ba chục thước. Trên chạc ba, chạc tư của những cây đại thụ ấy là năm, sáu, có khi hàng chục bọng ong mật, ong khoái ôm dọc phía dưới những cành cấp một, xệ xuống tựa các bì phân đạm, như những con gấu trắng nối vào nhau. Tổ nào cũng ong óng màu mật. Đặc biệt nhất là gỗ long linh. Loại này xẻ mỏng khoảng một phân, rộng hai mươi, hai lăm, dài chừng bốn mươi phân, gọt tròn mũi làm ngói lợp nhà không bao giờ cong vênh, mại mục. Nhưng ít nhà dày công làm được. Cả bản Khằm gần chục nóc cũng chỉ có một nhà được lợp bằng gỗ long linh. Rồi bùi, trám. Khi mở đường qua rừng bùi, lính cứ ốp mìn xung quanh gốc cho nổ. Rừng bùi đổ xuống chồng chất, cả đơn vị nhặt về muối. Ở rừng mà quanh năm thiếu rau xanh. Rau muống chở từ xuôi lên, khi tới nơi, lá rụng hết, chỉ còn trơ cọng. Rau rừng chỉ lá lốt, tàu bay. Hai loại rau này hăng nồng, có mùi dầu hoả, nhiều người ngửi thấy là nôn. Các bố, mế người Thái bảo ta không ăn, ăn nó, đi nhanh mỏi gối, nhanh hoa mắt, chóng mặt lắm. Lính thì bất chấp. Phần lớn là “canh toàn quốc”. Có bùi muối ăn dài hàng tuần quả hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng. Bùi vừa lành, vừa bổ, không sợ ngộ độc, cũng không sợ đi ngoài hay táo bón. Thân cây bùi đường kính hàng mét thì bị máy ủi C100 hất xuống lòng thung.

 
2 260041
Thác nước trong Cổng Trời xứ Thanh - Ảnh: TL

Ngày mở đường qua vùng Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động chúng tôi thấy có biển đề: Khu vực có bò tót. Ngày nghỉ, tôi theo dân bản vào chòm Đe, chòm Bất bên Trung Thượng, phía sông Lò nhưng chưa được thấy con bò tót nào. Ở Cổng Trời, không hề có biển đề động vật quý hiếm nhưng lại có rất nhiều. Lán chúng tôi làm trên mấy ngọn đồi. Từ mặt đường lên phải 57 bậc. Ngay trên nóc lán là tiếng vượn hót, suốt sáng, suốt trưa. Không ai biết có bao nhiêu bầy và mỗi bầy mấy chục con. Nai, hoẵng vào tận cửa. Nhất là những hôm trời mưa, đêm nghe tiếng nai về lịch kịch. Sáng dậy, dấu chân nai dày quanh lán. Bước chân cọp trèo lên vách ta luy để lại rất nhiều lốt bấm ngay giữa Cổng Trời. Không chỉ có thế. Chúng tôi được chứng kiến cọp bắt một con bò của dân bản ngay dưới lòng thung. Từng đàn lợn lòi bất chợt hộc lên chạy qua đường. Có đàn vài chục con. Nó hung dữ nhưng rất nản. Lợn lòi chưa tấn công lính bao giờ. Rồi voọc đen, gấu ngựa, gấu lợn, gấu chó, khỉ, chồn, sóc, cày bay... Nếu không đến Cổng Trời có lẽ mãi mãi những loài động vật này chỉ đến với tôi qua sách vở.

Hầu như đêm nào cũng có người săn được gấu. Gấu ngựa có. Gấu chó có. Gấu lợn có. Cả voọc nữa. Có con voọc đen nặng tới ba chục cân. Người thợ săn bản Kéo Hượn, Kéo Té đặt cái bế xuống sân lán gạ đổi pin cối. Qua câu chuyện của dân bản, chúng tôi còn bị ám ảnh bởi những con trăn nuốt trâu, nuốt bò, bị ám ảnh bởi hàng chục loài rắn, trong đó có hổ mang chúa nặng hàng chục ki lô gam. Vào những lúc trời quang, mây tạnh, Cổng Trời là nơi phô diễn sắc đẹp của các loài chim và bướm. Từng đàn chim phượng hoàng chuyền từ thung lũng này sang thung lũng khác. Không hiểu sao phượng hoàng nhiều đến thế. Thật có lí khi người Thái đặt tên cho đỉnh này là Pu Noọc Coọc, tức đỉnh Phượng Hoàng. Rồi chốc chốc lại có bầy chim hàng mấy nghìn con bay từ phía Lào sang lúc đỏ rực vòm trời, khi tràn ngập một màu vàng, rồi xanh. Lúc ấy ai cũng gọi là chim lửa, chim xanh. Mãi sau chúng tôi mới biết đó chính là những bầy vẹt. Vẹt xanh. Vẹt đỏ. Vẹt vàng.

Những ngày mở Cổng Trời là những ngày cực kì gian khổ đối với Đội TNTN 42 - 12. Cái khổ đầu tiên là ruồi vàng, vắt, muỗi, bọ chó. Rồi ghẻ lở. Bị nhiều nhất là nữ. Cả người đỏ mụn, trầy tróc như miếng củ hoa xoan cắt ra, như khoai lang cạo vỏ nham nhở. Đau, nhức, ngứa, không ra tuyến được. Các cô gái phải cởi hết quần áo, đóng chặt cửa lại tắm. ASA, DEP, lá rừng..., cái gì chữa được ngứa là dùng.

Tôi là người giàu trí tưởng tượng. Ấy thế mà vẫn không hình dung nổi vắt nhiều đến thế. Khi đứng, chúng tôi đã rất cẩn trọng chọn một mỏm đá. Thế mà chỉ một phút sau, nhìn xuống, quanh hòn đá tròn như cái nón, ba bề bốn bên vắt đang ngoi lên dày đặc. Tiếng vắt búng tanh tách. Mở giày ra đã thấy những con vắt căng lè, đỏ mọng. Cứ nghĩ đến chuyện người ta kể, vắt cắn hút máu xong, đẻ hàng ổ con vào da thịt mà gai người, cả đêm không nhắm mắt được. Có một loại vắt mươn mướt trắng, nhỏ như sợi tóc, chuyên bám ở các mó nước. Đồng bào Thái gọi là con tấc. Lính ta uống nước, uống luôn nó vào mồm. Khi vào mồm rồi, nó chui ngược lên lỗ mũi bám vào đó hút máu. Nhiều lính bị mà không biết. Lúc tịt mũi không thở được, máu cứ ri rỉ chảy ra mới đi trạm xá tiền phương khám. Người ta thò panh vào, lôi ra con tấc to như ngón tay, dài hàng gang. Những con bét nai nhỏ, đen như hạt dền, chui hẳn vào lỗ chân lông làm tổ. Mặt da sưng tấy, cống mủ, viêm sốt. Muỗi rừng thì khỏi phải nói. Nó đã gây nên bao nhiêu ca sốt rét. C7, có gần 180 người, một trận sốt hơn một trăm người. Sốt không có người để khiêng đi viện, ông La Thế Duy, Đội trưởng 42-12 quyết định cho lập một trạm xá tiền phương. Ông Trịnh Văn Mênh (người xã Yên Bái, huyện Yên Định), y sĩ, làm Trạm trưởng. Có thời điểm, Đội phải huy động tất cả y tá, y sĩ, của tất cả các C trên toàn tuyến về chữa bệnh sốt rét, hai bên Cổng Trời san sát lán dành cho bệnh nhân.

Kết cấu địa tầng của vùng này nâng lên, thụt xuống, nhiều nếp đứt gãy. Vận động lồi, lõm không ổn định nên trụt đất nhiều. Rất nguy hiểm. Tháng 9 năm 1977, hai C đang thi công chỗ cua Pu Hin Hại (tiếng Thái là đèo đất xấu) thình lình sáu mươi ngàn khối đất trụt xuống. Ba người lính mở đường là Tràn, Hương, Dũng hi sinh. Rồi trong một đêm mưa, nửa quả đồi ở chòm Táo Ngoài bất ngờ sạt xuống, suýt hất hai C (C3 và C8) xuống lòng thung. Sau mưa chừng một tiếng đồng hồ, nước khe Khằm, suối Táo như trăm ngàn con ngựa tung bờm trắng xoá, lồng lên. Đất lại sạt lở. Các vết nứt lớn, nhỏ lại hình thành. Có khi công của mấy trăm lính TNTN làm trong mấy tháng trời, sau một trận mưa còn lại số không.

Chiến thắng được thú dữ, sốt rét, chiến thắng được nỗi kinh hoàng đất trụt, cầu trôi... đã khó, chiến thắng được cái đói còn khó bội phần. Gạo không có. Ngô không có. Mỗi suất cơm được lưng bát với một củ sắn luộc. Rồi sắn tươi cũng hết. Toàn đội phải ăn sắn gạc nai, chỉ có người ốm mới được ăn cháo. Rồi cái đói như một bệnh dịch truyền lan cả nước, người miền xuôi đổ xô lên miền núi tìm mua bất cứ cái gì có thể cứu đói nên sắn gạc cũng cạn kiệt.

Để giải quyết cái đói, Ban chỉ huy đội quyết định vừa mở đường, vừa phát rẫy trồng lúa, trồng sắn. Hàng trăm cán bộ về Thiên Phủ, Hiền Trung khai hoang, gieo mạ, đi cấy. Hàng trăm cán bộ lên Km 58, 59 vùng Trung Lý phát rẫy, trồng sắn. Lúa không trổ được vì rét quá. Ai cũng gọi là lúa trẻ mãi không già. Còn sắn bị lợn lòi đào ăn không sót gốc nào. Nhưng khẩu hiệu thông tuyến thì liên tục sôi nổi và mạnh mẽ. Hai chữ “chiến dịch” lúc nào cũng thường trực trong cửa miệng. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Chiến dịch suốt tháng, suốt năm. Ban đêm trời rét, có khi xuống ba, bốn độ lính vẫn đổ ra mặt đường. Cứ cách mươi thước lại có một đống lửa. Hàng trăm, hàng nghìn đống lửa bùng lên quanh Cổng Trời. Chúng tôi gọi vui đó là dải Ngân Hà của lính.

Cái khó ló cái khôn. Các C tự vận động để tìm kiếm lương thực, thực phẩm. Cứ một cái chảo gang đường kính một mét, một mét hai đổi được tạ hai, tạ rưỡi gạo. Một cục pin cối cũng đổi được chừng ấy. Mỗi cục xà phòng, mỗi típ thuốc đánh răng, mỗi cái găm xoắn có thể đổi được vài ba cân gạo nếp. Thế là chảo gang, pin cối, chỉ thêu, xà phòng… thi nhau đi Pá Hộc, Chòm Chiêm, Cò Cài, Cá Tớp, Cá Nọi. Có khi đến cả Pù Ngùa, Pù Nguộc để dẫn lợn, gạo... về phục vụ chiến dịch.

Ba trăm sáu lăm ngày trong năm là ba trăm sáu lăm ngày quay trong chiến dịch thông tuyến. Ấy thế mà lạ, các lớp học bổ túc văn hoá vẫn tiến hành đều đặn. Có khi lớp học mở ngay trên đường. Vách ta luy làm bảng, xà beng làm ghế. Gạch đá làm phấn. Ba mươi tám giáo viên sống chung với lính. Thầy giáo mồ hôi như học sinh. Những câu Kiều vẫn ngâm nga giữa thâm u trùng điệp núi rừng. Đội văn nghệ của lính mở đường được phân hẳn một chiếc xe ba cầu đi phục vụ suốt chiều dài 112 ki lô mét. Có những bài hát bằng tiếng Kinh. Có bài hát bằng tiếng Thái. Những người lính mở đường tự làm thơ để đắp chỗ mình đau, tự cất lên tiếng hát để xua tan nỗi ám ảnh gian lao, vất vả. Trong cơn đói, cơn khát, lính bậm môi vào câu hát ấy. Trong cơn sốt, lính cũng bậm môi vào câu hát ấy. Thông xe và thông xe. Thông xe rồi thông tuyến. Người cứ căng ra như sợi dây đàn.

Một hôm tôi tình cờ thấy mấy cô gái ngồi khóc. Rồi bất chợt cô này cười, cô kia cười. Sau đó hàng trăm cô cười. Cười xong rồi ngất. Tất cả hoảng lên. Anh Nguyễn Văn Đoàn, y sĩ lâu năm nói nhỏ với chúng tôi:
- Đó là bệnh thiếu đàn ông đấy mà!

Nghe vậy, chúng tôi chỉ biết thở dài. Thương các cô quá, nhưng không biết làm sao. Càng thương hơn khi thấy sau cơn cười khóc lả người đuối sức, các cô lại hăm hở mở đường, thông tuyến.
*
*    *
Cái hôm máy ủi lên đến Cổng Trời, hàng trăm người Mông (nơi đây được gọi là người Mẹo), già có, trẻ có kéo nhau từ Pù Nhi, Chòm Cơm, Pá Hộc xuống xem. Cứ xe lên, họ chạy lên. Cứ xe xuống, họ chạy xuống. Họ đem cho thợ lái máy ủi hàng bế gạo nếp, thịt lợn, gà trống..., vì thích nhìn cái máy ủi. Khi ăn cơm, họ ra bờ suối, tay bẻ cơm ăn, tay vục nước suối uống. Chúng tôi thấy người Mông nơi đây cứ mười người thì đến bảy, tám người có bướu cổ. Người một cái. Người hai ba cái. Có đôi vợ chồng trẻ mười lăm, mười sáu tuổi, đã có hai con nhỏ, cũng kéo nhau đi xem máy ủi, cả hai cùng bướu cổ, nhìn đến thương tâm.

- Mẹo ta có biết chữ không?
- Mẹo ta không có biết chữ mà.
- Mẹo ta có nhiều muối ăn không?
- Ít thôi. Ta ăn không đủ mà.
- Mẹo ta muốn có đường xe về bản không?
- Mẹo ta muốn lắm chớ!

Chỉ một đoạn đối thoại là đủ hiểu, con đường chúng tôi đang mở có ý nghĩa biết nhường nào. Nó không chỉ mang hạt muối, con chữ đến vùng cao, mà còn giúp đồng bào nơi đây, những con người bị dốc đèo làm khuềnh đôi chân, làm còng dáng đứng có cơ hội về với miền xuôi. Chính vì ý nghĩa lớn lao này mà con đường Hồi Xuân - Tén Tằn được đón bao nhiêu nhạc sĩ, bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, bao nhiêu nhà quay phim, nhiếp ảnh... lên thực tế sáng tác. Đó là nhà văn nữ Lê Thị Băng Tâm, nhà văn Đặng Ái, nhà văn Kiều Vượng, nhà thơ Mai Ngọc Thanh, Lã Hoan, nhà thơ Đỗ Xuân Thanh rồi nhạc sĩ Mai Kiên, nhà nhiếp ảnh Nguyễn San, nhà viết chèo Trịnh Trơi, Minh Hảo… Sau khi chứng kiến con đường giống một động mạch khổng lồ chạy xuyên mãi tới các vùng rẻo cao xa xôi hẻo lánh, các văn nghệ sĩ đều khẳng định, công trình giao thông Hồi Xuân - Tén Tằn là nơi thử thách khắc nghiệt nhất, thể hiện rõ nhất tinh thần, nghị lực của tuổi trẻ Thanh Hóa sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
N.M.K