Thứ Sáu, 20/05/2022 17:08

Đặng Thị Thanh Hương mở ‘cánh cửa bên kia trời’

Hiện đang định cư tại Mĩ, nhân chuyến về Việt Nam, Đặng Thị Thanh Hương đã kịp in tập thơ mới và có buổi ra mắt ấm cúng với anh em bạn bè tại Hà Nội sáng 20/5/2022.

Ta vẫn sống dẫu ngày mai cánh cửa/ Khép lại bên trời tất cả mọi yêu tin/ Thì hôm nay tia nắng của bình minh/ Đốt ta cháy đến tàn tro hạnh phúc… Những câu thơ trên đã mở đầu cho tập thơ Cánh cửa bên kia trời - Tập thơ mà Đặng Thị Thanh Hương coi như một ngoái lại sau hành trình 10 năm dâu bể của chị.

Hiện đang định cư tại Mĩ, nhân chuyến về Việt Nam, Đặng Thị Thanh Hương đã kịp in tập thơ và có buổi ra mắt ấm cúng với anh em bạn bè tại Bloom Spa, 75, Bà Triệu, Hà Nội, sáng 20/5/2022.

 

Tập thơ Cánh cửa bên kia trời của Đặng Thị Thanh Hương do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Tập thơ gồm 3 phần: Phần I có tên Những giấc mơ đàn bà; Phần II mang tên Nắng vàng phương khác; Phần III được chọn làm tên của cả tập, Cánh cửa bên kia trời. Đó là những câu chuyện tình yêu tác giả gom góp trong 10 năm với những chuyến thiên di, từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc và sinh sống, rồi lại tiếp tục sang Mĩ định cư năm 2019. Những biến động về không gian sống đã gắn liền với những trải nghiệm, những chất liệu, những rung động thơ của Đặng Thị Thanh Hương bởi thơ chị đậm tính hiện thực. Từ cách đặt tên và những bài thơ đều có dấu vết của văn xuôi khi tác giả cũng là một người vừa làm thơ vừa viết văn. Trong phần tự sự ngắn ở phần đầu buổi giới thiệu tập thơ, nữ tác giả nói rằng, chị của hiện tại là những gì còn lại sau những giấc mơ dâu bể, những gì rút ra, nhìn lại những yêu thương, đắng cay. Đặng Thị Thanh Hương như người đàn bà yêu lại ngắm “bãi chiến trường”, bởi tất cả dường như đã khép lại, chị giờ đây cũng đã lên bà, mọi thứ dường như đã ở phía sau. Bây giờ đã khác ngày xưa/ Câu thơ dẫu viết để ru cháu mình/ Lạ xa với những cuộc tình/ Trăm cay nghìn đắng điêu linh đủ rồi.

Tác giả đón nhận nhiều tình cảm của bạn bè, người yêu thơ trong lần trở lại Hà Nội.

Sau những biến động lớn, đặc biệt là thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành tại Mĩ cướp đi mạng sống của rất nhiều người, chứng kiến những hiện thực tàn khốc đó Đặng Thị Thanh Hương đã có những bài thơ chiêm nghiệm, bày tỏ cái nhìn về cuộc sống, mọi cuộc chơi đều kết thúc, sự sống vốn mong manh, như chị bày tỏ “nay ngồi đây mai có thể không gặp lại nhau nữa”. Nên với chị, Cánh cửa bên kia trời cũng là cánh cửa mở ra xác tín về một kiếp sống khác. Dự buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói rằng, thơ Đặng Thị Thanh Hương rất phụ nữ, rất Việt Nam, dù chị sống ở nơi đâu thì vẫn thấm đẫm tâm hồn dân tộc.

Bài hát Lỗi hẹn mùa thu của Lê Mây phổ thơ Đặng Thị Thanh Hương đã được ca sĩ Kim Tiến hát tại buổi ra mắt. Ca sĩ Kim Tiến cũng tâm sự, chị đã mang ca khúc này đi rất nhiều nước trong những chuyến đi của mình. Nói về việc phổ nhạc thơ Đặng Thị Thanh Hương, có mặt tại lễ giới thiệu tập thơ, nhạc sĩ Lê Mây nói rằng, ông đã không phổ nhạc mà là “chuyển” bài thơ thành bài hát. Dù vừa mới nhận được tập thơ mới của Đặng Thị Thanh Hương từ hôm trước nhưng nhạc sĩ Lê Mây cũng đã kịp “chuyển” một bài thơ trong tập Cánh cửa bên kia trời thành ca khúc, ông tự nhìn vào bản nhạc tươi màu mực trình bày ca khúc mới tại chỗ. Đó là bài hát về người đàn bà chạy trong giấc mơ của mình, phổ từ bài thơ Những giấc mơ đàn bà.

Nhạc sĩ Lê Mây, tác giả ca khúc Lỗi hẹn mùa thu phổ thơ Đặng Thị Thanh Hương và ca sĩ Kim Tiến, người thể hiện ca khúc tại buổi giới thiệu tập thơ ở Bloom Spa.

Xúc động trước sự đón chào của Hà Nội, về những tình cảm của anh em bạn hữu và những người yêu mến thơ mình, Đặng Thị Thanh Hương nói rằng, tháng sau chị sẽ trở về Mĩ, nhưng nơi quay về cuối đời của chị chắc chắn sẽ là Hà Nội, mảnh đất đã gắn với chị biết bao kỉ niệm.

Thơ Đặng Thị Thanh Hương dữ dội và chân thực đến tận cùng, bung xõa một cách thành thực. Theo nhà thơ Nguyễn Quyến, một người bạn đồng môn của Đặng Thị Thanh Hương tại Trường Viết văn Nguyễn Du, cùng học chung thầy Hoàng Ngọc Hiến, người thầy của nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh trên văn đàn Việt, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến từng ví sự bùng nổ của Đặng Thị Thanh Hương trong thơ giống như sự bùng nổ của Y Ban trong văn xuôi. Ông cũng dành những lời ngợi khen dành cho cô trò nữ, cho rằng thơ Đặng Thị Thanh Hương độc đáo, sâu lắng, phá cách và giàu hình tượng, tạo nên mĩ cảm mới chưa từng có trong thơ nữ Việt Nam hiện đại ở thời điểm những năm 90.

Dự buổi ra mắt chủ yếu là những anh em bạn bè thân thiết, những người “cùng thời” chung những vui buồn, những kỉ niệm làm thơ, làm báo cùng tác giả. Nhà thơ Bùi Hoàng Tám, một người bạn thơ của Đặng Thị Thanh Hương, từng có thời gian cả hai cùng làm việc tại báo Gia đình & Xã hội do nhà thơ Trần Quang Quý làm Tổng Biên tập được nữ tác giả giới thiệu vui là “người cùng cảnh ngộ”. Cảnh ngộ trong đời và tương ngộ trong thơ. Là bởi, Đặng Thị Thanh Hương có bài thơ Gửi chồng cũ còn Bùi Hoàng Tám có bài thơ Đi ăn cưới vợ cũ, đều là những tâm tình từ đời thực vào thơ với những cuộc tình lỡ dở nhưng họ đã khép lại một cách văn minh và nhân hậu. Hai nhà thơ đã đọc lại những bài thơ “hậu li hôn” của mình. Hai khúc chia li đã được hai nhà thơ song tấu đầy xúc cảm. Với Đặng Thị Thanh Hương thì là: Tiễn chồng sang bến mới/ Lời ru nghiêng cánh cò/ Vợ ngồi khâu lưới nhện/ Giăng bắt bóng tò vò; còn ở Bùi Hoàng Tám thì ngả về hài hước nhiều hơn: Vợ cũ mặc rất đẹp/ Nhìn thấy chạy ra chào/ Chồng mới của vợ cũ/ Ra tận nơi đón vào.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương và nhà thơ Bùi Hoàng Tám song tấu hai bài thơ "hậu li hôn".

Ca sĩ Thanh Lam sau đó đã đùa rằng “thôi, yêu đương mãi mệt lắm, yêu bao giờ cũng mệt” và chị đề nghị đổi không khí vui vẻ cho buổi gặp gỡ ra mắt thơ bằng một bài hát vui, sau đó Thanh Lam hát Một mùa xuân nho nhỏ của nhạc sĩ Trần Hoàn. Tuy vậy, tiếp đó Thanh Lam khi hát Bên em là biển rộng của Bảo Chấn đã đọc lồng vào một khổ thơ trong tập thơ mới của Đặng Thị Thanh Hương. Mà thơ Đặng Thị Thanh Hương thì bài nào cũng buồn…

Ca sĩ Thanh Lam, một người bạn của Đặng Thị Thanh Hương đọc thơ của tác giả tại buổi giới thiệu tập thơ.

Đặng Thị Thanh Hương sinh ra và lớn lên tại Yên Bái. Những năm 90 của thế kỉ trước chị nổi lên như một giọng thơ lạ, quyết liệt và đắm đuối. Chị đã đoạt nhiều giải thưởng thơ ngày ấy như Giải Nhất thơ tỉnh Hoàng Liên Sơn trước đây (năm 1991); Giải Ba thơ Tác phẩm Tuổi xanh - Báo Tiền phong (năm 1992); Giải Nhất cho tập thơ Trà nguội, Cuộc thi thơ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Ngoài làm thơ chị còn viết văn xuôi, đã xuất bản 2 tập truyện ngắn. Cánh cửa bên kia trời là tập thơ thứ 7 và là tác phẩm thứ 9 của chị.

THIỆN NGUYỄN