Thứ Tư, 05/01/2022 10:00

Đạo diễn, diễn viên Duy Anh: Tận hiến với sân khấu kịch nói

Trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, để ra mắt được một vở diễn là một bài toán khó đầy thách thức đối với những người làm sân khấu. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Đào Duy Anh về những vấn đề của sân khấu kịch nói đương đại.

Diễn viên, đạo diễn sân khấu Đào Duy Anh hiện nay là Phó trưởng đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh được khán giả biết đến với nhiều vai diễn sân khấu nổi tiếng Nguyễn Chính (Tôi và chúng ta), thầy Tấn (Mùa hạ cuối cùng), công an Nguyễn Chiến (Ai là thủ phạm), vai thầy Xuân (Chén thuốc độc). Năm 2019, anh ghi dấu ấn của mình với vai trò là đạo diễn của vở kịch Đợi đến mùa xuân. Mới đây, anh đảm nhận vai trò làm trợ lí đạo diễn của vở kịch “xuyên thế kỉ” của Lưu Quang Vũ - Ông không phải là bố tôi - vở diễn đã nhận được sự đón nhận nồng ấm của khán giả yêu sân khấu. Trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, để ra mắt được một vở diễn là một bài toán khó đầy thách thức đối với những người làm sân khấu. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Đào Duy Anh về những vấn đề của sân khấu kịch nói đương đại.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SÂN KHẤU "SỐNG" ĐƯỢC TRONG ĐẠI DỊCH?

Xin chào nghệ sĩ Đào Duy Anh, sau đêm diễn đầu tiên Ông không phải là bố tôi, lâu lắm rồi tôi mới thấy khán giả thổn thức và mê đắm với sân khấu đến vậy, điều đó đã khích lệ, cổ vũ như thế nào tới anh?

Ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi vừa ra mắt vở diễn Ông không phải là bố tôi của kịch tác giả: Lưu Quang Vũ, một vở kịch mà có rất nhiều nhà hát đã từng dàn dựng thành công. Nhưng lần này với bản diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi khá hài lòng với cách tiếp cận vở diễn làm cho nó có một hơi thở mới khiến khán giả trẻ khá thích và hiểu nội dung câu chuyện tuy rằng xuất hiện đã lâu nhưng mang đầy tính nhân văn trong đó. Bất cứ nghệ sĩ nào dù già hay trẻ, khi nói đến kịch Lưu Quang Vũ ai cũng mong muốn có một lần đảm nhiệm vai diễn trong vở kịch của ông, những tác phẩm ấy dù đã viết hơn 30 năm nhưng vẫn chạm tới trái tim khán giả và vẫn còn nguyên giá trị cho đến hiện tại và cả tương lai sau này. Vở kịch Ông không phải là bố tôi nói về vấn đề con người với con người mối quan hệ cha con, ông cháu, sự quả báo, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những bài học cho thế hệ trẻ. Vì vậy đó chính là động lực thôi thúc chúng tôi dàn dựng vở diễn này.

Sân khấu là loại hình nghệ thuật cần có sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ, nhưng dịch bệnh đang diễn ra khá phức tạp, để khán giả đến kín rạp là điều không thể, Nhà hát Tuổi Trẻ đã có những hướng đi như thế nào để khắc phục những khó khăn trong mùa dịch, có thể dựng lại vở diễn Ông không phải là bố tôi?

Là một diễn viên và đạo diễn lại là phó trưởng đoàn, Đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ, đây cũng là một câu hỏi mà tôi tự hỏi bản thân mình phải làm gì cho Đoàn kịch cho Nhà hát, trong khi đó dịch bệnh Covid-19 ngày càng tăng trên con số nhân. Đây là một bài toán khó cho cả nền sân khấu Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung… Một vở diễn thành công không phải chỉ là yếu tố: kịch bản hay, ekip dàn dựng, dàn diễn viên nổi tiếng… mà một vở diễn thành công phải được mang tới công chúng, đó chính là khán giả, khán giả sẽ quyết định sống còn cho một vở diễn. Với dịch bệnh tại Hà Nội thế này chúng tôi vẫn luôn cố gắng mang các tác phẩm sân khấu tiếp cận khán giả bằng cách bán vé với số lượng chỉ 30% số ghế trong rạp, người xem kịch phải tiêm đủ hai mũi, ngồi giãn cách khi xem… Dù không thể nhìn thấy nụ cười của khán giả vì lớp khẩu trang, nhưng ánh mắt của họ vẫn là nguồn động lực cho chúng tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với những người làm sân khấu.

Một cảnh trong vở diễn "Cái ao làng" mà nghệ sĩ Duy Anh tham gia. Ảnh: NHTT

Như nhiều năm trước, đến dịp này là Nhà hát Tuổi Trẻ có rất nhiều lịch diễn phục vụ trong dịp Tết: những tiểu phẩm hài, chương trình ca nhạc chào xuân… Dịch bệnh đã làm thay đổi hoạt động trước mắt của Nhà hát như thế nào?

Dịp Tết, tôi còn nhớ mỗi lần Nhà hát có vở mới ra mắt vé bán gần như kín rạp, đến diễn viên chính còn không có nổi lấy một đôi vé mời người nhà, hạnh phúc lắm khi là nụ cười và nước mắt của khán giả làm cho chúng tôi như hết mình “sống chết” trong từng vai diễn. Nhà hát Tuổi Trẻ mùa nào thì thưởng thức thứ ấy, từ những chương trình ca nhạc, kịch tâm lí, hài kịch, thiếu nhi…v.v có đủ cả. Những ngày lễ chúng tôi có hôm diễn đến mấy buổi diễn trong một ngày. Đến nay, chúng tôi vẫn đang tập luyện say sưa cho những chương trình đón năm mới, nhưng khó tránh khỏi những ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid đến các chương trình biểu diễn, ảnh hưởng cả đến kinh tế và tâm lí các nghệ sĩ… Những điều ấy đòi hỏi chúng tôi phải có những cách thức phù hợp nhất để duy trì hoạt động của Nhà hát.

Đã có vở kịch được trình diễn trên sân khấu online như Antigone, Liên hoan sân khấu năm 2021, nhiều vở diễn được trình diễn trên Youtube. Sân khấu online khó có thể thay thế được sân khấu trực tiếp, nhưng theo anh, trình diễn sân khấu online có là xu thế trong thời dịch bệnh…?

Với hình thức Sân khấu Online tôi thấy có rất nhiều nước thực hiện theo mô hình đó, nhưng tôi nghĩ nó sẽ không hiệu quả vì chương trình phim truyền hình, gameshow ở Việt Nam có quá nhiều để khán giả lựa chọn. Đặc thù của sân khấu là cảm xúc thực, cảm xúc trực tiếp từ diễn viên tới khán giả và ngược lại, đó là yếu tố tương tác, thiếu yếu tố đó vở diễn sẽ giảm đi chất lượng rất nhiều đó là tiếng vỗ tay, nụ cười, ánh mắt của khán giả tới diễn viên. Do đó chúng tôi vẫn mong muốn được diễn trực tiếp với số lượng ít, đủ đảm bảo an toàn cho khán giả và nghệ sĩ.

SÂN KHẤU ĐANG DẦN THẤT THẾ VỚI NHIỀU LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT KHÁC - BÀI TOÁN KHÓ

Ngay cả khi dịch bệnh chưa bùng phát, sân khấu kịch nói Việt Nam nói chung vẫn thật sự rất khó khăn. Khán giả dần ít đi xem kịch, nhiều người đến rạp hát không chú tâm lên sân khấu mà cắm đầu vào điện thoại với vô vàn hấp dẫn? Sân khấu kịch nói bị thụt lùi, đặc biệt là đang thất thế với điện ảnh. Anh có trăn trở gì về điều này?

Sân khấu kịch nói không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng ảm đạm như nhau, các vở diễn được dàn dựng không có khán giả nó cũng có nhiều yếu tố khách quan, nào là kịch bản không hay, phân khúc khán giả không đúng, dàn dựng vở diễn chưa mới mẻ không hấp dẫn, khán giả được lựa chọn nhiều chương trình giải trí truyền hình. Sân khấu không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, nhiều vở diễn không bán nổi vé, hoặc khán giả đến xem bỏ về giữa buổi, đó là điều rất khiến chúng tôi suy ngẫm, người làm sân khấu phải nhìn nhận xem khán giả cần và mong muốn điều gì khi tới rạp? Điều đó đòi hỏi chúng tôi càng phải cố gắng lao động một cách nghiêm túc và tận hiến hơn… Dường như có cái “lộc” cho nhà hát chúng tôi, đa phần mỗi vở diễn mới đều bán được vé, số lượng khán giả nếu không kín rạp thì cũng tương đối, điều đó cho thấy rằng sân khấu vẫn là loại hình nghệ thuật hấp dẫn với một bộ phận công chúng.

Người ta vẫn nói rằng, “sân khấu là thánh đường đúng nghĩa để thưởng thức nghệ thuật” mà nghệ thuật luôn phải sáng tạo, vậy người làm sân khấu cần phải đổi mới thế nào từ kịch bản, cách dựng vở, cách diễn xuất cùng với việc phải làm gì để kéo khán giả đến rạp?

Sân khấu là tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật: trang trí, âm nhạc, ánh sáng, kịch bản, diễn xuất, chất văn học… Điều đó chúng tôi càng phải cố gắng hơn, dần hoàn thiện hơn nữa để khán giả quay lại với sân khấu, ngoài vấn đề chất lượng kịch bản cách dàn dựng chưa mới mẻ thì công việc phân khúc khán giả cũng hết sức quan trọng, một vở diễn không thể từ trẻ con cho đến người già đều có thể mua vé xem được mà mỗi vở diễn cần phải tìm đến từng đối tượng, lứa tuổi cụ thể để gần gũi với họ hơn, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thưởng thức của từng người. Trẻ con thì phù hợp với loại kịch gì, thanh thiếu niên thì phù hợp với kịch gì, tầng lớp bình dân lao động hay cả những người tri thức cao sẽ phù hợp với thể loại kịch nào, chúng tôi luôn cố gắng để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức khán giả…

Nghệ sĩ Duy Anh cùng nghệ sĩ Minh Hằng trong một vở diễn. Ảnh: NVCC

Sân khấu Việt Nam có nhiều đơn vị kịch nổi tiếng, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Quân Đội, Đoàn kịch Lucteam… ở Trong Nam thì có sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh… Mỗi nhà hát đều có phong cách trình diễn riêng, anh có thể chia sẻ chiến lược lâu dài để giữ vững thương hiệu “Nhà hát Tuổi Trẻ” trong lòng khán giả?

Phong cách của Nhà hát Tuổi Trẻ chúng tôi luôn mang đúng ý nghĩa của cái tên “Tuổi Trẻ” tức là phải trẻ trung, hướng tới mọi tầng lớp trong xã hội đặc biệt là các khán giả trẻ, nói lên được tiếng nói và khát vọng của người trẻ vì lớp trẻ bây giờ có nhận thức và tầm nhìn rất tiến bộ, nghĩ khác và cách làm cũng khác lớp người đi trước rất nhiều. Nghệ thuật luôn phải sáng tạo và tìm ra những thứ mới mẻ, Nhà hát chúng tôi không chỉ kế thừa những giá trị của những nghệ sĩ đi trước, mà còn tạo điều kiện cho các bạn nghệ sĩ trẻ có cơ hội được thể hiện mình, phải có lớp kế thừa truyền thống của Nhà hát. Nhà hát chúng tôi còn có cái “lộc” từ Chương trình hài Đời cười, hầu như bất cứ một vở kịch nào được trình diễn khán giả đến rạp cũng tương đối đông. Ngoài ra, Nhà hát Tuổi Trẻ chúng tôi còn liên kết hợp tác với Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản để có những chương trình sân khấu mới mẻ, tiếp thu những giá trị sân khấu thế giới đang vận động và cũng phát triển những nét đặc trưng của sân khấu Việt Nam.

NGƯỜI NGHỆ SĨ THUỘC VỀ SÂN KHẤU

Sân khấu đang bị thụt lùi nhưng vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ sẵn sàng từ bỏ đóng phim truyền hình, đóng quảng cáo để được có một vai diễn sân khấu, bất kì một diễn viên nào cũng mơ ước một lần được diễn trên “thánh đường sân khấu”, có thể nói sân khấu đối với nghiệp diễn xuất là rất quan trọng. Anh có thể lí giải điều này?

Trong những người bạn, những người đồng nghiệp của tôi còn rất nhiều người có lửa với sân khấu, bên Nhà hát kịch Hà Nội có NSƯT Phùng Tiến Minh, bên Nhà hát kịch Việt Nam thì có NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Dũng Nam và còn rất nhiều người khác nữa vẫn còn say mê với sân khấu… Dù đi làm ở ngoài được nhiều tiền hơn, nổi tiếng hơn, được người ta chú ý nhiều hơn, nhưng khi làm vở thì họ vẫn gạt hết nhiều thứ khác sang một bên, vì đam mê với sân khấu đã ăn vào máu. Lên sân khấu có cảm xúc trực tiếp với khán giả, lời thoại của diễn viên sẽ chạm tới khán giả, từng tiếng vỗ tay, nụ cười - cảm xúc của khán giả trao lại cho diễn viên đó là cảm giác sung sướng cho nghệ sĩ ở chỗ đó. Khi một tác phẩm sân khấu được trình diễn thì đó là “đứa con chung” của tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ… và cả của khán giả nữa.

Nghề nghiệp nào thì cũng phải cần có thu nhập đủ sống, nhưng được biết thù lao cho mỗi nghệ sĩ trong một đêm diễn còn khá ít so với công sức tập luyện của họ. Nhưng trong dịch bệnh, nhiều nhà hát đóng cửa 3,4 tháng… đã gây ra không ít khó khăn. Vậy những người diễn viên như anh đã làm gì để có thể vừa có thu nhập nuôi sống gia đình, vừa có thể lao động “tận hiến” với sân khấu?

Thu nhập của người diễn viên sân khấu là tương đối thấp, vì vậy chúng tôi cũng cần tới rạp, nhưng trong thời buổi dịch bệnh này điều đó là không thể. Các nghệ sĩ kịch vẫn phải làm thêm bên ngoài những công việc phụ khác để đảm bảo kinh tế gia đình, trang trải cuộc sống, nhiều nghệ sĩ phải đi đóng phim truyền hình, làm MC, quay sitcom. Nhà hát tạo điều kiện cho những diễn viên đang được khán giả chú ý tới như: Thanh Sơn, Lương Thu Trang, Thu Quỳnh… Nhưng trước khi các bạn được mời đi đóng phim ở bên ngoài thì cần phải khẳng định được bản thân trong Nhà hát với những vai diễn hay, phải làm diễn viên sân khấu hay thì mới có thể làm diễn viên điện ảnh hay được… Còn đối với tôi, tôi có nhiều thời gian hơn để thẩm định kịch bản sao cho phù hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi cũng đi làm như công việc bên ngoài như đọc truyện trên đài phát thanh, quảng cáo…

"Đợi đến mùa xuân" (của cố tác giả Nguyễn Xuân Trình) là vở diễn đầu tay Đào Duy Anh đứng vai trò đạo diễn. Ảnh: NVCC

Khán giả rất hiếm khi thấy nghệ sĩ Đào Duy Anh xuất hiện trên phim truyền hình. Công chúng nhớ tới anh phần nhiều qua những vai diễn sân khấu. Anh đã trưởng thành từ diễn viên của Nhà hát rồi gần đây làm đạo diễn khi năm ngoái anh là đạo diễn vở Đợi đến mùa xuân của cố tác giả Xuân Trình tham gia liên hoan sân khấu Thủ đô. Có thể nói anh là nghệ sĩ “thuần” sân khấu, thuộc về sân khấu. Anh đã tạo ra “chất” riêng của mình thế nào để khán giả mỗi lần nhớ tới Đào Duy Anh thì khó có thể nhầm lẫn?

Tôi vẫn luôn mong được đóng nhiều vai diễn khác nhau, nhiều kiểu người khác nhau, nhưng đó phải là nhân vật thật sự cá tính, mạnh mẽ mới khiến tôi thật sự hứng thú. Tôi vào vai Thầy Tấn, ông Nguyễn Chính, công an Nguyễn Chiến… vai gì tôi cũng cố gắng đảm nhận, mỗi vai phải đều tìm ra một cái riêng biệt. Tôi vẫn đi tìm phong cách riêng của mình, một cái gì đó đột phá trong nghề nghiệp, vì tôi vẫn chưa thật sự hài lòng về cá nhân mình, nghề diễn xuất của tôi vẫn chưa đi tới đỉnh. Chính vì thế tôi vẫn còn nhiều sự khắc khoải với sân khấu, cũng như câu của kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã từng nói: “Chúng ta chỉ chết đi khi không còn sống ở trong lòng người khác”.

Khi tôi làm diễn viên được mười mấy năm thì tôi chuyển hướng sang làm đạo diễn, học đạo diễn vì đơn giản tôi yêu sân khấu và tôi muốn tuổi nghề của mình được dài hơn. Nếu là diễn viên không thì chỉ đến một độ tuổi nhất định, mà nghề nghiệp của tôi lại rất kén đòi hỏi sự lao động miệt mài…

Anh có mong ước hay dự định gì trong năm 2022 này?

Một năm đã qua để chào đón năm mới với biết bao điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, vào lúc này, tôi mong ước một năm mới an lành và yên ổn hơn. Việt Nam sẽ khống chế được cơn dịch bệnh. Tôi tin đó là điều mong ước của mọi người. Đất nước sẽ phát triển về kinh tế để đời sống người dân được cải thiện sau đại dịch, làm sao rồi dịch bệnh này cũng chỉ là cảm cúm thông thường để các nghệ sĩ lại được trực tiếp đón nhận khán giả đến với sân khấu, để chúng tôi được phục vụ, mang đến những tác phẩm mới của Nhà hát Tuổi Trẻ. Năm mới 2022, xin được kính chúc những khán giả yêu quý sức khỏe, bình an và hạnh phúc!

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Diễn viên, đạo diễn Đào Duy Anh sinh năm 1978, quê quán Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Anh từng học lớp diễn viên của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội (1997 - 2000), sau khi tốt nghiệp anh được nhận vào Nhà hát Tuổi Trẻ, hiện nay anh giữ chức Phó trưởng đoàn kịch của Nhà hát.

Từ năm 2000 đến nay, anh đã tham gia trên dưới 40 chương trình kịch mục, với 20 vai diễn chính tại Nhà hát Tuổi Trẻ và khoảng 10 bộ phim truyền hình, điện ảnh.

Đào Duy Anh cũng đã đoạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc như Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III năm 2018 với vai Khánh trong vở Họa tình; Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc lần thứ 40 năm 2020 với vai chính Trần Lương trong vở Sự khởi đầu mới.

NGUYỄN ĐỨC CẦM thực hiện